Viêm da do corticoid – câu chuyện buồn

0
1924

Lắng đọng chút cuối ngày An toàn người bệnh thế giới 17-9!

Theo thống kê của WHO, cứ khoảng 10 trường hợp bệnh nhân thì lại có 4 người phải gánh chịu những tác động bất lợi gây ra do chăm sóc y tế ban đầu hoặc phòng khám, cơ sở điều trị ngoại trú. Và thực tế có đến 80% trường hợp đó có thể phòng ngừa được. Những sai sót đó có thể bắt nguồn từ khâu chẩn đoán, kê đơn hay là việc sử dụng thuốc không theo đúng chỉ dẫn.

Đầu tư thời gian, tiền bạc, kiến thức vào sự an toàn của người bệnh chính là giải pháp mang lại khoản tiết kiệm rất lớn những chi phí phải bỏ ra để khắc phục các vấn đề lỗi y tế. Theo báo cáo tính riêng đối với Hoa Kỳ, 28 tỉ đô la là con số ước tính tiết kiệm được trong chăm sóc y tế trong giai đoạn 2010-2015 khi được tập trung vào an toàn trong chăm sóc y tế.

Nguồn: WHO (2019). 10 facts on patient safety. https://www.who.int/features/factfiles/patient_safety/en/

Với một đất nước hiện đại, nền y tế phát triển như thế mà còn tồn tại những con số phải rùng mình như thế. Nếu có một con số báo cáo cụ thể được thực hiện đánh giá ở nước ta thì không biết sẽ là như thế nào.

Riêng với cá nhân bản thân tôi, rõ ràng là mỗi ngày kết thúc với việc khám và điều trị da đều có những giây phút không dễ dàng chấp nhận chút nào! Đa phần trong số chúng là những hậu quả dai dẳng của việc sử dụng sản phẩm bôi có chứa corticoid trước đó.

Ngay hôm này đây, vẫn còn hình ảnh đó…

Một bạn gái sinh viên 21 tuổi có làn da trắng, mái tóc duyên dáng bước vào phòng khám với một chiếc khẩu trang che kín. Chiếc khẩu trang từ từ được cởi ra, để lại đó một gương mặt với mụn mủ nhỏ to, đỏ ong như quả dâu tây đang chờ được hái quả. Có lẽ đã có phút chốc nào đó, tôi và em cùng lặng người, nhìn nhau và tôi hiểu. Trong đôi mắt ấy, là cả một nỗi tuyệt vọng đến tận cùng. Mình xin phép giấu tên bạn ấy, sẽ gọi bằng kí hiệu là A (A trong An – an yên, an bình).

“Em không muốn dùng thuốc nữa, Bác sĩ!”.

Một lần nữa, lại đứng hình lần thứ 2.

Nếu có ai tin rằng đời con gái đẹp nhất là những tháng ngày thanh xuân thì riêng tôi lại nghĩ khác, ít nhất là trong tình huống ấy – khi mà thanh xuân gắn liền với nỗi buồn mang tên Cọt Mụn.

Chuyện bắt đầu từ sau những năm dậy thì, da cũng có biến đổi trở nên nhờn hơn, rồi những cái mụn xuất hiện. Sau khi thử qua một số loại kem mụn có thể mua được dễ dàng ở siêu thị nhưng không đỡ.

Bỗng “Bà lão” xuất hiện như một “vị tiên” với hình ảnh thật đẹp (trước sau điều trị), những công dụng hoa mỹ khiến A đang tuổi đôi mươi không thể kìm lòng được. Quả thật, những lời quảng cáo ấy thật không sai chút nào. Hiệu quả phải nói thật sự thần kì, chỉ trong vài tuần là những cái mụn viêm mà cô đã đổ một đống tiền thử bao nhiêu loại trước đó cũng không đỡ thì nay đã biến mất hẳn. Da thì lại như được “cấp nước thần thánh” căng bóng nữa. Đó hẳn là nghệ thuật quảng cáo “đỉnh cao”, marketing đã làm rất tốt tâm lý khách hàng mà bỏ qua đi sự thật kinh khủng (cái đúng đằng sau nó).

Tôi dám cá giai đoạn này bạn gái ấy cũng đã giới thiệu (hoặc có thể là vô tình giới thiệu qua ảnh mới được đăng bằng cam thường) sự thần kỳ đó đến được thêm bao nhiêu người nữa. Có lẽ là 5, 10 hay cũng có thể 100 nếu có nhiều người follow trên facebook (với ngoại hình dễ ưa ấy thì điều này như chuyện ly trà buổi sáng ấy mà).

Nhưng, có ai ngờ sau sắc màu cầu vồng ấy là cả những tháng ngày lụt lội mà chưa thấy điểm dứt. Đầu tiên là cái lạ là sao lúc nào da A cũng có xu hướng cứ ửng ửng hồng hồng. Rồi thỉnh thoảng là cảm giác cứ hay căng căng, ngứa ngứa ở da mặt. Rồi những mụn mủ nhỏ nhỏ như đinh ghim xuất hiện. Đặc biệt là trúng những hôm A về quê vài ngày, quên mang theo sản phẩm chăm sóc thì lại càng rõ hơn. Rồi thì cũng như thường lệ cứ nghĩ là do dị ứng thời tiết mà thôi, đâu ai biết, chưa cần quan tâm lắm.

Mấy hôm liền sau đó, mụn viêm đỏ mọng bắt đầu nhú lên. Đau nhức xen lẫn ngứa, khó chịu biết mấy. Điều này còn chưa từng thấy kể cả lúc mụn có nặng nhất trước đây nữa. Bạn đi bác sĩ da liễu nọ ở gần nhà, bác sĩ kê đơn mụn trứng cá với một số loại kháng sinh và thuốc bôi nào đó, nhưng sau được đâu đó khoảng 1 tháng gì ấy.

Thấy bệnh không chuyển biến gì, A quyết định tới bác sĩ khác có tiếng hơn, được chẩn đoán da nhiễm cort và cho isotretinoin uống (thuốc có tác dụng giảm nhờn, giảm viêm, kìm khuẩn mạnh được dùng trong các trường hợp mụn nang bọc nặng, đề kháng các phương pháp khác). Lúc này da mới có biểu hiện ổn định dần, nhưng cái đỏ đỏ hồng hồng với một số mạch máu đỏ thì không thay đổi là bao. Chừng thời gian điều trị đâu đó cũng nửa năm.

A tâm sự, cả năm trời không dám đi đâu, cũng không dám up ảnh gì lên mạng. Ra đường chỉ có bịt khẩu trang kín, rồi học xong, đi chợ rồi lại về nhà. Lâu lâu lại có mấy đứa bạn cũ thời cấp 2,3 có mời đám cưới thì cũng lấy lý do bận nào đó. Rồi thế cứ bận miết, chặp rồi cũng quen.

Rút kinh nghiệm xương máu, sau khi được điều trị ổn dần với iso uống. A không dám dùng thêm sản phẩm nào nữa, mỗi ngày ngoài tắm gội bình thường thì A chỉ có thêm 1 sản phẩm nữa là chai nước muối sinh lý thường mua ở tiệm thuốc gần nhà để vệ sinh da mặt.

Da mấy tháng nay cũng chả có dầu gì, cũng không còn ngứa nữa. Đôi khi cũng có ý định muốn dùng lại gì đó nhưng lại sợ. Có vài lần cũng thử mua thêm tuýp chống nắng nhưng cứ 2,3 hôm lại lên mụn mủ nhỏ lác đác. Sợ rồi ngưng. Có hôm thấy tụi bạn đồn nhau về cái máy rửa mặt gì đấy mới. Nghe loáng thoáng đâu Phô rê ô hay lu mi à gì đấy. Nhưng ai mà biết được có bị lại lần nữa như lần trước không. “Cả thế giới đang quay lưng lại với mình mà!” Đặng lòng tự động viên dù sao cũng có nước muối ngon bổ rẻ rồi.

Tháng thứ 5, một ngày hè cũng như A của một vài tuần trước. Da hôm nay sao nhờn hơn mọi khi, cũng chả phải gần tới ngày, tới kì gì sất. Chắc tại trời nắng nóng mà thôi… Lại nước muối. Rồi lại tháng nữa, hôm nay đi ngang qua cái nhà đầu xóm đang sửa lại, da ngứa lại. Cả 2 tháng rồi, cái nhà đầu xóm ấy vẫn chưa sửa xong mà ngứa bây giờ lại có mụn mủ, mụn viêm nữa rồi.

Chờ 2 ngày cuối tuần nghỉ, nay thứ 2 A phải xin nghỉ buổi học để đi khám. Ngày đầu tuần bệnh đông ngồi đến trưa thì mới tới lượt, A mang theo đơn thuốc về uống với một số lời dặn tránh không được mua mỹ phẩm gì bên ngoài nữa, không được ăn đồ ngọt, không được uống sữa, đi ngủ sớm như những lần trước.

Tháng thứ 8 tái khám lại sau 1 tháng điều trị, mụn vẫn còn đỏ lắm, mụn mủ cũng không ổn cho lắm. Thế là iso lại được sử dụng đến. Quen quá rồi, nhiều tháng bận học thế là A cũng chạy ra quầy thuốc mang theo đơn mua uống cũng được vài lần. Nhiều hôm cũng thử lên mạng đọc thử, thấy iso gì đâu ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng sinh sản gì đó. Cứ thế mà bỏ thuốc từ hôm nào.

Lần này, mất niềm tin vào bác sĩ rồi. Cảm giác cũng không khác gì cả, không lẽ uống thuốc miết… Đánh liều, ta thử để vậy. Chả phải ông bà cũng nói đến lúc nào đó, mụn cũng sẽ tự đỡ có gì… Cùng lắm là 1,2 năm nữa.

Hình ảnh minh họa (internet)

Rồi…

Một buổi chiều 2 tháng trước có cô bé sinh viên tới phòng khám với câu nói “Em không muốn dùng thuốc nữa, bác sĩ!”. Mặc dù đã khá quen với những trường hợp như vậy trước đó, nhưng không có lần nào là không phải ngậm ngùi.

Tôi dành khá nhiều thời gian để khám, trao đổi với A những gì đã xảy ra, những thuốc, sản phẩm đã dùng thật chậm rãi. Hơn hết, tôi biết A cần được điều trị sao cho hết nhưng cần ở đó một người bạn đồng hành, cần niềm tin, cần hi vọng. Qua một số câu hỏi chung để đánh giá ảnh hưởng của tình trạng đến cuộc sống, công việc (đơn giản như PSS là được rồi).

Một số phương án điều trị và tiếp cận được đưa ra, lợi hại thiệt hơn của từng cái. Tôi cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất hướng đến cuối cùng trên những tình trạng như của A là phải xây dựng được chế độ dinh dưỡng trị liệu, điều chỉnh chế độ môi trường (kể cả cái quạt, miếng bông tẩy trang, chiếc khăn lau mặt…), chế độ chăm sóc da, trị liệu thuốc bôi phục hồi – tấn công – duy trì (thứ sẽ đi theo A mỗi ngày, thứ sẽ giúp bảo vệ da dưới những tác động khác từ môi trường). Từng bước một, cái quan trọng làm trước, cái ít quan trọng hơn để sau.

Và cũng không có gì lấy làm lạ, sau vài lần khám rồi mà da vẫn còn mụn mủ nhỏ và đỏ da. Đặc tính của tình trạng phụ thuộc corticoid da là những đợt sóng lên xuống như thủy triều, trăng tròn rồi trăng lại khuyết.

Hôm nay sẽ là hôm buồn. Hôm nay tôi vẫn còn đếm số mụn mủ, mụn viêm mới xuất hiện gần đây trên gương mặt ấy…!

Nhưng, hôm nay A đã biết những gì gây hại và làm nặng lên cho da, đã biết loại bông tẩy trang không bện sợi sẽ tốt hơn, đã biết không những cái nhà đâu đó đang xây mà cái quán rửa xe bọt tuyết cũng làm nặng bệnh. Đã biết tự mình chọn nhóm thức ăn có lợi, biết lựa chọn dầu gội… có 2 sản phẩm dùng được cho da mà không còn là nước muối. Và hơn hết, là có niềm tin vào việc điều trị.

Và tôi vẫn sẽ còn cố gắng đến cùng, có thể tiếp tục đếm số mụn mủ, mụn viêm trong lần tiếp theo. Một ngày không xa là một giai đoạn mới của quá trình điều trị. Sẽ là vậy!

Giá như, an toàn người bệnh, an toàn chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp được cảnh giác, được nâng cao. Thanh xuân có phải là đẹp và thú vị hơn biết mấy!

Giá như, mọi người nâng cao ý thức về sức khỏe, không tự sợ phải nói chuyện với bác sĩ, không tự ngăn cách xây rào cản của mình với nhân viên y tế. Có thể tình bày hết tâm tư, nguyện vọng, trao đổi, thẳng thắn chia sẻ, góp ý cho chúng tôi.

Tôi biết, có rất nhiều bạn đọc là những bệnh nhân thân yêu của tôi cũng sẽ thấy mình ở một phần hoặc một chặng nào đó trong câu chuyện kể trên. Và luôn thầm cảm ơn tất cả bạn đã và đang đặt niềm tin như thế!

BS Trần Ngọc Nhân

P/s: Nhân vật và câu chuyện trên hoàn toàn có thật. Một số nội dung nhỏ lẻ được người viết bổ sung thêm để mạch chuyện được suôn sẻ. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm và chia sẻ!

“Bà lão”, Hoàng tử, công chúa, Ông Bụt là tên những sản phẩm có thật mà tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp gặp phải vấn đề như thế.

PSS là thang điểm đo Căng thẳng cảm nhận được gồm một số câu hỏi đánh giá khá đơn giản.

Máy rửa mặt cho dù bất kì ở dạng nào cũng không nên lạm dụng, thậm chí là không nên sử dụng cho những trường hợp da nhạy cảm, cực kì nhạy cảm hoặc các vấn đề nhiễm trùng da đang hoạt động như trường hợp trong bài viết.

Nước muối sinh lý là dung dịch đẳng trương có pH da trung tính, có tác dụng giảm viêm, kháng khuẩn. Thường được sử dụng trong vệ sinh vết thương, vệ sinh mũi, họng, mắt. Tuy nhiên, da là cơ quan riêng biệt. Việc sử dụng kéo dài sẽ có những tác động gây hại lên da nhất định. Tôi sẽ đề cập trong chủ đề riêng.

Isotretinoin là thuốc cần được cân nhắc rất kĩ khi đưa ra quyết định sử dụng, đặc biệt đối với những trường hợp phụ nữ trong độ tuổi hoạt động sinh sản. Và thường thì tác dụng của nó sẽ hết trong khoảng vài tháng đến nửa năm (như trong trường hợp này). Cho nên khi sử dụng nó, cần được bác sĩ cân nhắc chỉ định, theo dõi, kiểm tra định kì. Sử dụng những phương án điều chỉnh chăm sóc, bôi duy trì sau đó…

Sau khi ngưng sản phẩm có chứa corticoid, da sẽ có phản ứng dội (rebound phenomenon) khiến tình trạng viêm, ngứa đỏ, bùng phát rất dữ dội. (như đợt về quê không mang sản phẩm chẳng hạn). Tùy thời gian tiếp xúc, loại thuốc, mức độ tác động mà những hệ lụy của nó cũng có tiên lượng khác nhau. Còn lại những hiện tượng như phừng đỏ mặt, giãn mạch, trứng cá, mụn mủ, nhạy cảm da… bạn đọc có thể tham khảo thêm ở các bài viết bên dưới.

Stress, mất niềm tin là một yếu tố vô cùng quan trọng trong điều trị mụn. Vòng luẩn quẩn – stress – mụn là kiểu mô hình con chuột trong lồng quay. Có lẽ quay cho đến kiệt sức mà thôi!

Theo đáp ứng sinh lý những biến đổi hormone trong chu kì. Da sẽ có xu hướng tiết nhờn nhiều hơn trong những ngày trước giai đoạn hành kinh và trong hành kinh. Đặc biệt là với những bệnh lý viêm vùng mặt dần trở nên hoạt động và dễ kích thích hơn trước mỗi chu kỳ, một phần do tác động của hệ mạch máu da, tuyến nhờn, phù da. Có thể kể ra một số tình trạng ngoài mụn trứng cá, trứng cá đỏ như là các dạng của lupus ban đỏ, vảy nến, chàm cơ địa, lichen phẳng, viêm da dạng herpes, tổ đĩa, mày đay. Chính vì thế, chăm sóc da cũng cần lưu ý điều chỉnh phù hợp tương ứng những giai đoạn này!

…..

Cùng xem lại những nội dung đã được đề cập về các vấn đề da nhạy cảm, da phụ thuộc corticoid, mụn trứng cá tại website:

Chăm sóc da nhạy cảm như thế nào cho đúng?

Làm gì khi da nhạy cảm, da kích ứng

Những “khuôn mặt sản phẩm” của việc lạm dụng kem trộn/corticoid…

Tác dụng phụ của corticoid bôi đáng sợ như thế nào?

Tổng quan chung về mụn trứng cá cho mọi người

và còn nhiều bài viết khác về mụn, cách chăm sóc da tại website này!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here