Cách phân loại da nhạy cảm nào dễ áp dụng?

0
1711

Phân loại nhóm da nhạy cảm, da mẫn cảm có vai trò cực kỳ quan trọng trong tiếp cận điều trị và chăm sóc. Tuy nhiên, da nhạy cảm gặp phải nhiều khó khăn trong đánh giá, thống kê, kết quả chịu nhiều ảnh hưởng chủ quan của người mô tả và sai lệch kết quả đánh giá.

Đã có nhiều hệ thống phân loại được đưa ra như của tác giả Yokota và cộng sự, phân loại Pons-Guiraud, Muizzuddin và được ứng dụng nhiều nhất là phân loại của Baumann. Hiện tại, phân loại dựa trên sinh lý bệnh của hàng rào bảo vệ da và các yếu tố khởi phát cho phép tiếp cận chăm sóc và điều trị tốt hơn.

Da nhạy cảm chủ quan và khách quan

Dạng nhạy cảm khách quan

Còn được gọi là nhạy cảm thứ phát, thường có tình trạng viêm da nền bên dưới làm thay đổi hàng rào bảo vệ da như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, viêm da tiếp xúc, trứng cá đỏ hoặc mụn trứng cá. Trong những trường hợp đó, các tổn thương lâm sàng có thể nhìn thấy được như là đỏ da, sẩn, mụn nước.

Dạng nhạy cảm chủ quan

Dạng này còn gọi là nhạy cảm nguyên phát, gần như vấn đề chỉ bản thân người gặp phải vấn đề mới cảm nhận được mà không thấy bất kỳ biểu hiện nào nhìn thấy trên da, không có bệnh lý nền nào bên dưới. Do đó tình trạng này thường do các bạn tự chẩn đoán.

Phân loại nhạy cảm theo hàng rào bảo vệ da

Tiếp theo đó, có thể làm rõ được tình trạng nhạy cảm và liên quan đến chức năng hàng rào bảo vệ thượng bì của da, gồm 3 phân nhóm:

* Tuýp I: chức năng hàng rào da yếu

* Tuýp II: chức năng hàng rào da bình thường với những thay đổi trong đáp ứng viêm

* Tuýp III: chức năng hàng rào da bình thường mà không có viêm nhưng gặp phải vấn đề liên quan đến hiện tượng tăng hoạt da.

Xem thêm: Chăm sóc da nhạy cảm như thế nào cho đúng?

Phân loại theo yếu tố khởi phát

Tiếp theo, những nhóm nhạy cảm theo phản ứng tăng hoạt có thể chia thành các nhóm nhỏ khác như:

  • Nhóm nhạy cảm cao: phản ứng với gần như mọi yếu tố thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài và có kèm theo những triệu chứng cấp tính hoặc mạn tính
  • Nhạy cảm môi trường: da khô, bong, hồng hào có xu hướng dễ phừng đỏ và phản ứng với các yếu tố môi trường kích thích
  • Nhạy cảm mỹ phẩm: da có phản ứng thoáng qua khi sử dụng một sản phẩm chăm sóc da nào đó

Phân loại nhạy cảm da theo Baumann

Theo phân loại này, tuýp da trơ hiếm khi gặp phải vấn đề viêm được mô tả bên dưới và có thể dung nạp tốt với nhiều sản phẩm hoặc liệu trình điều trị kháng nhau. Da nhạy cảm có thể được phân chia thành các dưới nhóm khác nhau, đặc trưng bởi tình trạng viêm.

Có thể được phân chia thành:

  • S1: mụn và bùng phát mụn, mụn trứng cá do mỹ phẩm
  • S2: phừng mặt, đỏ mặt, trứng cá đỏ, da xu hướng trứng cá đỏ
  • S3: bỏng rát, châm chích hoặc ngứa da mặt
  • S4: Rối loạn chức năng hàng rào da, viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc dị ứng, viêm da tiết bã

Lưu ý: các nhóm trong phân loại da này có thể đi kèm với nhau và được phân cách nhau bởi dấu phẩy (,) giữa các nhóm, ví dụ như S2,3; S2,3,4. Tôi sẽ trở lại với các bạn trong những bài viết chi tiết hơn về chủ đề nhạy cảm này sau nhé.

Cùng xem lại chủ đề: Phân loại tuýp da và ứng dụng trong chăm sóc da đúng cách

Bàn luận của tác giả

Da nhạy cảm là vấn đề rất thường gặp (chiếm hơn 50% dân số chung) và gặp phải rất nhiều khó khăn trong chăm sóc và điều trị. Đặc biệt khi nhận định vấn đề sai lầm thường dẫn đến một chuỗi các hậu quả khác nhau gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe làn da và tâm lý người gặp phải.

Tiếp cận một cách có hệ thống, dựa trên sinh bệnh học cho phép lựa chọn phương thức tác động, chăm sóc và điều trị tốt nhất. Hãy lựa chọn bác sĩ chuyên khoa uy tín nếu bạn chưa xác định tuýp da, vấn đề da của mình hoặc sau khi chăm sóc, điều trị thời gian dài mà không hiệu quả.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi là ai? xem thêm giới thiệu tác giả

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here