Bị mụn có cần tránh ăn rong biển, tạo bẹ, tảo kelp, viên uống TPCN từ tảo biển?

0
2786

Trước khi đi vào vấn đề này, cần phải xác định rằng đây là một trong những món quà dinh dưỡng giá trị từ đại dương mà chúng ta có được. Ở mặt đất có đa dạng các loại rau củ, các loại hạt thì ở biển chúng ta có rong biển và các loại thực vật khác. Đặc biệt chúng là món ăn ưa thích của các quốc gia Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả nước ta.

Giá trị dinh dưỡng từ rong biển, tảo kelp

Với rong biển và các loại thực vật biển này, chúng ta có đa dạng các món ăn như sushi cuộn, canh rong biển, món hầm, salads, viên uống thực phẩm chức năng và smoothies. Đó là những nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có thể kể ra như:

  • Là thực phẩm giàu iodine và tyrosine, giúp hỗ trợ chức năng của tuyến giáp. Rong biển là thực phẩm chứa lượng iodine lớn dưới dạng dễ hấp thu mà chúng ta có được từ thiên nhiên.
  • Giàu khoáng chất và vitamin: có thể kể đến vitamin B1, B2, calci, kẽm, sắt, mangan, đồng, các omega 3, vitamin B12. Với tảo xoắn spirulina và tảo lục chlorella có chứa gần như tất cả các loại acid amin thiết yếu.
  • Giàu các chất chống oxi hóa có tác dụng bảo vệ cơ thể, đặc biệt hỗ trợ tốt cho bệnh lý tim mạch, chuyển hóa. Có thể kể đến các nhóm chất chống oxi hóa mạnh mẽ như flavonoids và carotenoids (nổi bật là fucoxanthin và các dẫn xuất tương tự) bên cạnh các vitamin A,C, E.
  • Nguồn chất xơ và polysaccharide tốt bổ sung cho cơ thể, đặc biệt cho sức khỏe đường ruột.

Nhu cầu về iodine của cơ thể

Lượng iodine khuyến cáo bổ sung hàng ngày (RDI) là 150 mcg/ngày.

  • Nori: 37 mcg/gram (25% nhu cầu RDI)
  • Wakame: 139 mcg/gram (93% nhu cầu RDI)
  • Kombu: 2523 mcg/gram (1,682% nhu cầu RDI)

Tảo bẹ kelp là một trong những nguồn bổ sung iodine tốt nhất. Chỉ một thìa canh (khoảng 3.5g) dạng khô cũng có thể chứa lượng iodine gấp đến 59 lần lượng RDI.

Với nhiều lợi ích sức khỏe như thế thì không thể nào bỏ qua lựa chọn này trong việc thiết kế chế độ ăn cho gia đình của mình được. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều đôi khi cũng sẽ gây ra một số vấn đề về sức khỏe.

Nguồn:mdacne.com

Mụn trứng cá và thức ăn giàu iodine

Tuy nhiên, nhóm thức ăn quá giàu iodine như vậy cần được hạn chế khi bạn đang bị mụn, dựa trên các nghiên cứu trường hợp có đối chứng (mức độ bằng chứng 3b- bằng chứng rút ra theo Trung tâm Y học thực chứng (CEBM) ở Oxford). Chủ yếu những lo ngại đến từ lượng iodine và vitamin B12 cao trong nguồn thực phẩm này.

Lượng iodine bổ sung quá nhiều có thể gây bùng phát nặng hơn những tình huống mụn đang có, đôi khi gây hình thành nên các tổn thương nhân mụn mới, gây nên tình trạng được gọi là phát ban mụn trứng cá (được gọi là iododerma).

Có một số nghiên cứu cho thấy có vẻ như nguyên nhân này có liên quan đến chuyển hóa của cytochromes P450 trong cơ thể, làm giảm nồng độ ATRA nội bào, dẫn đến giảm tác động p53 trong cơ chế sinh mụn.

Lưu ý kèm theo

Dĩ nhiên, trước khi nghĩ đến tác động từ khẩu phần ăn, uống có chứa lượng iodine cao thì với mỗi tình trạng bác sĩ sẽ cần thăm khám, đưa ra những phân biệt với những tình trạng khác như viêm nang lông, trứng cá đỏ và xem xét đến những vấn đề liên quan khác.

Bạn có thể lựa chọn bổ sung lượng vừa phải mỗi 1-2 lần mỗi tuần. Hoặc việc đun nấu lâu cũng sẽ làm giảm lượng iodine trong thực phẩm. Lấy ví dụ như khi đun sôi tảo bẹ kelp trong khoảng 15 phút thì chúng sẽ mất đi khoảng tới 90% lượng iodine.

Những trường hợp có vấn đề về sức khỏe khác như bệnh tuyến giáp cũng cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa nội tiết về lượng bổ sung thích hợp đối với nguồn thực phẩm này.

Ngoài ra, một số nhóm thức ăn mà bạn cần hạn chế khi đang bị mụn:

  • Nhóm thức ăn từ sữa động vật: những sản phẩm như sữa, bánh kem, phô mát, kem lạnh, bơ, kem lên men, pho mát làm từ sữa đã gạn kem, pizza, bột đạm whey hoặc casein… tương tự đối với sữa dê. (ngoại trừ sữa đậu nành, đậu xanh, dừa, gạo, gai dầu và sản phẩm là không đường).
  • Nhóm thức ăn có chỉ số đường (GI) cao, GL, IGF-1: sản phẩm làm từ bánh mì trắng, bánh quy, kẹo, chè, khoai tây trắng, bột ngũ cốc làm sẵn, gạo nếp, nước ngọt, một số trái cây như chuối chín sậm, dưa hấu, mít, vải nhãn…
  • Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: phủ tạng động vật, mỡ động vật, thực phẩm chiên rán sẵn…
  • Khói thuốc lá

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Nguồn tài liệu:

  • Harrell BL, Rudolph AH. Kelp diet: a cause of acneiform eruption. Arch Dermatol. 1976;112:560.
  • Danby FW. Acne and iodine: reply. J Am Acad Dermatol 2007 Jan;56(1):164–5.
  • Arbesman H. Dairy and acne–the iodine connection. J Am Acad Dermatol. 2005;53(6):1102. doi:10.1016/j.jaad.2005.05.046

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here