Xu hướng nào cho chăm sóc da mụn trong tương lai?

0
2023

Kể chuyện hôm rồi may mắn có dịp trò chuyện với đại diện một nhãn hàng lớn của Pháp trong chuyến làm việc với các đối tác chiến lược tại Việt Nam. Nay có dịp chia sẻ lại với các bạn nội dung trao đổi trong vỏn vẹn vài phút ngắn ngủi đó.

Theo bác sĩ, có sự chuyển dịch xu hướng nào hiện nay trong lĩnh vực chăm sóc da, đặc biệt là da mụn?

-Tôi đáp: Hiện tại, có lẽ những xu hướng chính như phổ dao động độ tuổi cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ lớn hơn; Nhóm da có xu hướng dần trở nên nhạy cảm hơn, trở nên khó điều trị hơn;

Vậy bác sĩ sẽ có nhiều việc để làm và tăng doanh thu rồi.” Ảnh vừa cười vừa nói với chút giọng điệu nhanh nhảu.

– Tôi cười nhẹ. Nhưng không vui lắm.

Vậy, bác sĩ thấy mối quan tâm hiện nay của khách hàng trong chăm sóc da với những dòng sản phẩm nào?

– Tôi đáp: Đối với những bệnh nhân của tôi, họ dành nhiều mối quan tâm đối với các sản phẩm điều trị như retinoids (tretinoin, retinol…) hoặc BHA.

Bác sĩ có xu hướng lựa chọn các sản phẩm với thành phần điều trị mạnh tay hay nhẹ nhàng, tối giản?

– Tôi đáp: Trong quá trình điều trị, tôi thường sẽ xác định vấn đề, lựa chọn vấn đề gốc rễ, chia giai đoạn điều trị khác nhau. Mỗi sản phẩm trong từng giai đoạn sẽ phục vụ cho mục tiêu chính, khi cần sẽ dùng đến các sản phẩm mạnh tay theo vùng, cục bộ, thời gian hạn định. Trong khi khác, việc đơn giản hóa quy trình và đơn giản hóa thành phần trong sản phẩm sẽ là ưu tiên chính.

Thời gian còn lại, ảnh hỏi thêm một số câu hỏi đánh giá thế nào về các sản phẩm hiện có và đề xuất cải tiến tốt hơn. Cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng cũng cho thấy sự quan tâm hướng đến khách hàng, hướng đến xây dựng mối quan hệ đối tác, cải tiến và phát triển sản phẩm của các công ty uy tín.

Nếu nội dung chỉ dừng lại đến vậy thì cũng không có gì đáng để kể. Thế nhưng, đọng lại sau buổi trao đổi đấy tôi thấy vẫn có một sự hụt hẫng nào đó. Tôi nghĩ, liệu câu hỏi nào sẽ là then chốt cho việc tạo dựng mô hình kinh doanh hướng đến khách hàng? Có phải là “các mối quan tâm ưu tiên hiện nay của khách hàng ngày nay là gì?”

Trong cuốn sách The Profit zone của tác giả Adrian J Slywotzky, David J Morrison chỉ ra câu hỏi nên là “những ưu tiên của khách hàng sẽ ra sao trong tương lai?”.

Tương lai ư? Ai mà đoán được tương lai sẽ như thế nào cơ chứ! Thế nhưng, khả năng dự đoán đúng sẽ tăng lên đáng kể khi xảy ra được ba điều sau:

  • Thông tin đến từ nguồn có liên quan tại nhiều cấp độ tổ của tổ chức khách hàng
  • Những câu hỏi đưa ra không theo chuẩn mực, mang tính sáng tạo và thách thức
  • Có sự cân bằng giữa việc hiểu cơ hội tiếp theo và nhận ra những rào cản khi nắm bắt chúng.

Điều này có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khoa học, tài chính, xã hội khác nhau. Thế là tôi thử hỏi lại mình, sau nhiều năm thực hành da liễu như vậy. Cảm giác khám bệnh bây giờ có khác gì không? Bỗng tôi chợt nhận ra, tôi đang sợ một điều gì đó?

Vì sao lại lạ vậy? Không phải nói là quá giỏi giang gì nhưng cũng gọi là có chút kinh nghiệm rồi. Tại sao lại phải sợ trong khi bệnh muôn đời nay vẫn thế.

Có lẽ kinh nghiệm và những mắc lỗi cho mình biết sợ… Sợ kết quả điều trị không tốt như kì vọng của bệnh nhân sẽ thất tín. Trong thời gian hữu hạn và khả năng ghi nhớ có hạn của bản thân, tôi cảm thấy sợ về việc:

  • Không có được thông tin cần thiết để đưa ra quyết định phù hợp. Giữa muôn vàn sản phẩm hiện có và vô số sản phẩm khác đang trên kế hoạch tung ra thị trường. Sự phân biệt trở nên tỉ mẫn quá sức. Mỗi ngưng bỏ gì, dùng gì tiếp theo quả thực gây áp lực. Nếu cứ ngưng hết tất cả và đưa ra danh sách mới toàn bộ thì có vẻ dễ dàng hơn đối với bản thân, thế nhưng nó phủ định đi những nỗ lực của bệnh nhân đã tìm hiểu, gây ra sự lãng phí không cần thiết cho người bệnh.
  • Sự gấp gáp trong mong muốn của người bệnh, sự rút gọn kiểm định đến thực hành, “khoa học vội vã” ở nơi có sự lưu chuyển tiền, quyến rũ cao như ngành thẩm mỹ đưa đến những sự tàn phá sức khỏe con người về lâu dài. Đặt quyết định ở trong tình thế “buộc phải” dùng những “thứ để dành” không đáng có và rồi mất đi công cụ, mất đi sự nỗ lực và hiểu biết cốt lõi cần có cho bệnh tật về lâu dài.

Nếu vậy, giải pháp cho điều trên sẽ là gì? Liệu có phải là:

  • Giải pháp công nghệ: Bộ công cụ phân loại đặc điểm khách hàng, vấn đề, sản phẩm, hoạt chất với sự chi tiết hóa hệ thống thông tin. Khi có con người và văn hóa tuyệt vời, điều còn lại là công cụ hữu hiệu trên nền tảng lợi thế dữ liệu, công nghệ. Vai trò của bác sĩ nằm ở xây dựng gắn kết, tạo dựng niềm tin đúng đắn cho người bệnh.
  • Giải pháp sản phẩm – bào chế: trong mụn trứng cá, đó có thể là những sản phẩm có tính giảm viêm, làm dịu mạnh mẽ không thuộc nhóm kháng sinh, không gây bong tróc, sinh dị ứng, kích ứng, ảnh hưởng nội tiết – chuyển hóa (với trẻ em và những đối tượng đặc biệt), ảnh hưởng đến sinh quyển.

Không thể tìm được đáp án chính xác hoàn toàn! Tuy nhiên, cùng nhìn về quá trình phát triển thời gian qua, dẫu còn vô vàn rào cản nhưng hiện đã có nhiều dấu hiệu tích cực về sự chuyển biến này. Tôi tin rằng nếu nắm bắt tốt và lên kế hoạch chuẩn bị kĩ càng cho sự thay đổi như vậy, các cá nhân hoặc doanh nghiệp có tiềm lực tốt hoàn toàn có thể vượt trội và trở thành tiên phong.

 Nguyên lý chung có thể áp dụng: Nỗi sợ, khủng hoảng sẽ là điều kiện tạo nên sự đổi mới vượt trội. Nếu một điều gì đó không gây ra nỗi sợ thì đó không phải là tương lai. Nhìn nhận lại qua câu hỏi đầy thách thức như “tôi đang sợ phát hiện ra điều gì?” có thể gợi ý xu hướng tương lai một cách rõ ràng hơn. 

Bạn nghĩ sao về điều này? Hãy comment ý kiến của bạn bên dưới nhé ^^

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here