Quá trình chuyển đổi bên trong mỗi con người

0
8145

Thay đổi có lẽ là từ khóa rất có ý nghĩa trong mọi thời đại và được đem ra bàn luận mổ xẻ rất nhiều. Có nhiều mô hình nói về sự thay đổi đã ra đời tuy nhiên xu hướng tập trung vào cấp độ tổ chức hơn là cá nhân. Tuy nhiên, thế hệ genZ là những người có lối sống đa nhiệm, cấp tiến, dần tập trung hướng đến năng lực và giá trị bản thân. Cái “tôi” sẽ trở thành trung tâm và quá trình chuyển biến, thay đổi bên trong cái tôi đó cũng được làm rõ.

Đường cong chuyển đổi – Nguồn: https://www.c2d.co.uk/

Mô hình tôi đề cập đến trong bài viết này được Fisher J M lần đầu báo cáo tại Hội nghi Quốc tế về Tâm lý học tái thiết con người được tổ chức tại Berlin, năm 1999.

Lo âu

Là trạng thái nhận biết được những vấn đề nằm ngoài giới hạn hiểu biết hoặc khả năng kiểm soát của bản thân. Vấn đề ở đây có thể là bức tranh tương lai đang không được hình dung đầy đủ hoặc là không đủ thông tin để có thể dự đoán những gì sắp diễn ra. Họ cũng không chắc phải hành động như thế nào trong công việc, tình huống mới.

Vui vẻ

Là trạng thái nhận thức về một góc nhìn nào đó được ghi nhận và chia sẻ bởi người khác. Ở cấp độ cơ bản đó là cảm giác nhẹ nhõm khi mà một số thứ thay đổi và không còn tiếp tục diễn ra như trước nữa. Cho dù những điều đó trong quá khứ được nhận cảm tích cực hay tiêu cực, vẫn sẽ có một cảm giác mong đợi hay thậm chí là phấn khích trước những gì có thể được cải thiện.

Ở một cấp độ khác, đó là sự hài lòng khi biết rằng một số suy nghĩ về hệ thống cũ là đúng (nói chung cho dù hiện trạng như thế nào thì vẫn sẽ có điều gì đó khiến bạn không hài lòng về nó) và rằng một số điều gì đó sẽ được thực hiện. Ở giai đoạn này, chúng ta thường mong đợi những điều tốt nhất và dự đoán một tương lai tươi sáng, đặt hệ thống tái thiết của bản thân vào trong sự thay đổi và thấy mình thành công. Một trong những điều nguy hiểm ở giai đoạn này đó là chuyển biến tâm lý không phù hợp. Chúng ta có thể hiểu thái quá hoặc tin rằng chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn so với thực tế những gì chúng ta đang nhận.

Sợ hãi

Đây là nhận thức về sự thay đổi ngẫu nhiên sắp xảy ra trong hệ thống hành vi cốt lõi của con người. Mọi người sẽ làm khác đi và điều này ảnh hưởng đến nhận thức và cách mà người khác đánh giá, nhìn nhận lại cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, nhìn chung thì họ nhận thấy có rất ít thay đổi trong các tương tác bình thường và họ tin rằng mình sẽ thực hiện tương tự trước đó, chỉ đơn thuần là chọn một hành động thích hợp hơn, nhưng mới mẻ hơn.

Hoảng loạn

Là nhận thức về sự thay đổi toàn diện sắp xảy ra trong cấu trúc hành vi cốt lõi của con người. Tại đây, mỗi người nhận thấy có sự thay đổi lớn trong lối sống, sự thay đổi hoàn toàn sẽ làm thay đổi các lựa chọn trong tương lai và cảm nhận của người khác về họ. Họ không chắc về cách họ sẽ có thể làm/phản ứng trong môi trường đó – một môi trường mà “quy tắc cũ” không còn được áp dụng và cũng như chưa có quy tắc “mới” nào được thiết lập.

Tội lỗi

Là nhận thức về sự tách rời bản thân ra khỏi nhận thức cốt lõi của mình. Một khi cá nhân bắt đầu khám phá nhận thức về bản thân, về cách họ đã làm/phản ứng trong quá khứ và xem xét những cách giải thích khác, và đó cũng là lúc họ bắt đầu xác định lại cảm giác về mình. Nói chung, điều này liên quan đến việc xác định đâu là niềm tin cốt lõi và họ đã chạm tới chúng chưa. Nhận thức được sự không phù hợp của những hành động trước đây và những điều chúng gây ra khi mà người khác đã có thể nhận ra chúng cũng có thể mang đến cảm giác này.

Trầm cảm

Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự thiếu hụt động lực và nhầm lẫn chung. Họ không chắc về những gì mà tương lai đang nắm giữ và làm thế nào họ có thể phù hợp với “thế giới” trong tương lai đó. Thể hiện không phù hợp và hệ quả làm suy giảm ý thức cốt lõi về bản thân khiến họ trở nên lạc lối, không nhận diện được vấn đề và mất phương hướng.

Dần chấp nhận

Trong giai đoạn này, cá nhân bắt đầu nhận thức được môi trường mới và bắt đầu thay đổi hệ thống thiết kế của bản thân để có thể tiếp nhận tình huống mới và học hỏi kinh nghiệm từ nó. Họ tích cực thử nghiệm những cách tương tác mới với mọi thứ xung quanh và đưa ra quyết định làm thế nào để tận dụng tối đa tình huống/cơ hội.

Tiến về phía trước

Tại giai đoạn này, cách thích nghi và làm việc thế nào cho hiệu quả nhất đã được làm rõ và mỗi cá nhân cảm thấy thoải mái với môi trường mới (và thậm chí có thể không nhớ chính xác mọi thứ đã từng như thế nào!). Họ nghĩ ra một hệ thống thiết kế mới, tạo ra một cảm giác mới, thoải mái về bản thân và “hạnh phúc” trong thế giới của họ.

Có một số “điểm cắt” hoặc điểm chuyển tiếp mà các cá nhân có thể chuyển hướng khỏi đường cong chuyển đổi. Những điểm cắt này có mức độ thành công khác nhau trong ngắn hạn/dài hạn và thực sự chỉ có một điểm chuyển tiếp duy nhất mang lại kết quả tích cực.

Vỡ mộng

Nhận ra giá trị, niềm tin và mục tiêu của bản thân không phù hợp với các giá trị, niềm tin và mục tiêu của tổ chức. Trong một tổ chức, đây là trạng thái mà cá nhân tin rằng yêu cầu thay đổi là đi ngược lại lợi ích tốt nhất và/hoặc trái ngược với hệ thống thang giá trị cá nhân của mình và rằng mọi thứ đổ vỡ. Phản ứng tốt nhất, và có khả năng là duy nhất dành cho họ là rời khỏi tổ chức.

Những cạm bẫy liên quan đến giai đoạn này là nhân viên trở nên không có động lực, không tập trung và ngày càng không hài lòng và giảm dần sức lao động. Về mặt tinh thần, họ chỉ lấy lệ bằng cách “làm cho có”, tích cực các hành vi phá hoại sự thay đổi bằng cách chỉ trích/phàn nàn. Hoặc trực tiếp bằng cách rút khỏi tổ chức đang dần trải qua sự thay đổi.

Hằn học

Tiếp tục nỗ lực bám trụ để xác thực được dự đoán của mình đưa ra về quy trình mới sẽ thất bại. Vấn đề ở đây là cá nhân tiếp tục thực hiện quy trình nhiều lần mà không đạt được kết quả và không còn là một phần của quy trình mới hoặc trở nên dư thừa với cách làm việc mới. Các quy trình mới bị bỏ qua bằng mọi giá và họ tích cực phá hoại ở mức tồi tệ nhất.

Phủ định

Giai đoạn này được xác định bởi việc không chấp nhận về bất kỳ thay đổi nào và phủ nhận tất cả tác động liên quan khác. Họ tiếp tục hành động như thể sự thay đổi chưa xảy ra, sử dụng các phương pháp và quy trình cũ và bỏ qua mọi bằng chứng hoặc thông tin đang chống lại hệ thống niềm tin đó của họ.

Tức giận

Theo diễn tiến thời gian, có vẻ như có một số bực tức diễn ra theo đường cong chuyển đổi, đặc biệt là trong giai đoạn khởi đầu khi chúng ta dần nhận ra những tác động rõ ràng hơn của sự thay đổi. Điều này không phải lúc nào cũng xuất hiện vì nó dường như phụ thuộc vào mức độ kiểm soát của mỗi người trong quá trình chung và trọng tâm hướng đến của cơn giận cũng có sự thay đổi theo thời gian.

Trong trường hợp đầu tiên, đối với những người mà họ bị “ép buộc” phải thay đổi, thì sự tức giận dường như hướng ra bên ngoài đối với người khác. Họ “đổ lỗi” cho tình huống và cho nguyên nhân gây ra căng thẳng, v.v.

Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua và những tác động ngày càng lớn hơn, cơn giận sẽ di chuyển vào bên trong và có một nguy cơ là điều này đẩy chúng ta vào các giai đoạn “Tội lỗi” và “Trầm cảm”. Chúng ta trở nên tức giận với bản thân vì không biết cách làm mọi thứ tốt hơn và/hoặc để tình trạng leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Tự mãn

Người ta cũng cho rằng thực sự có một giai đoạn cuối cùng (và có chăng cũng là giai đoạn khởi đầu?) đó là giai đoạn tự mãn (King 2007). Ở đây những người còn lại sau sự thay đổi, hợp lý hóa các sự kiện diễn ra, kết hợp chúng vào hệ thống thế giới quan mới và làm quen với thực tế mới.

Đây là nơi mà người ta cảm thấy rằng mình đã một lần nữa tiến vào “vùng an toàn” và sẽ không gặp phải bất kỳ vấn đề nào nằm ngoài thế giới quan của họ. Sau đó, họ cảm thấy thoải mái, không thực sự quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh và làm mọi việc mà gần như không để ý gì về những thứ đang thực sự xảy ra xung quanh họ. Một lần nữa, họ hoạt động tốt trong vùng an toàn hay trong phương diện không thấy được tất cả ồn ào xung quanh. Mặc dù những thứ đang diễn ra đó đã có thể đã khá đau thương đối với họ vào thời điểm ấy!

Sơ sồ vòng tròn trưởng thành

Các quá trình trong đường cong chuyển đổi

Từ đường cong chuyển đổi có thể thấy rằng điều quan trọng là một cá nhân phải hiểu tác động mà sự thay đổi sẽ có đối với chính bạn; và nhận ra để có thể hành động phù hợp hơn. Bất kỳ sự thay đổi nào, dù nhỏ đến đâu, đều có khả năng ảnh hưởng đến một cá nhân và có thể tạo ra xung đột giữa các giá trị và niềm tin hiện có và những thứ thay đổi được dự đoán.

Một mối nguy hiểm cho cá nhân, nhóm và tổ chức xảy ra khi một người nào đó vẫn tiếp tục hành động theo cách đã được chứng minh là thất bại (hoặc dẫn đến hậu quả không mong muốn) trong quá khứ và những điều đó không giúp mở rộng và xây dựng thế giới quan của họ. Một nguy hiểm khác đó là trạng thái phủ định trong khi mọi người vẫn duy trì hành động vì họ luôn phủ nhận về bất kỳ thay đổi nào xung quanh. Cả hai điều này đều có thể có tác động bất lợi đối với một tổ chức đang cố gắng thay đổi văn hóa mà trọng tâm nằm ở con người.

Những lời viết dành cho tôi

  • Cuộc sống luôn thay đổi nhưng ai ai cũng mong muốn có một cuộc sống ổn định, thế nhưng cách để đạt được sự ổn định nhất chính là đặt bản thân mình trong trạng thái chuyển đổi.
  • Để quá trình chuyển đổi ít đau đớn và hiệu quả hơn có lẽ cần dành thời gian nhìn lại cảm xúc thực của bản thân, xác định vị trí của mình trên đường cong chuyển đổi, đón nhận những cảm xúc khó chịu đó (vì nó là phần tất yếu của cuộc sống) và hành động tích cực
  • Có rất nhiều việc diễn ra xung quanh, có nghĩa là có nhiều quá trình chuyển đổi cùng diễn ra. Khi mọi thứ đều bị dồn nén theo thời gian và hiệu ứng tích lũy sẽ tăng lên, đến lúc mọi thứ bế tắc một cách đáng sợ. Buông bỏ, nhìn lại chính mình và tháo gỡ những nút chuyển đổi quan trọng sống còn với bản thân có lẽ là giải pháp tốt hơn lúc này.
  • Càng dành thời gian để hiểu bản thân mình, càng sớm xác định những thứ không thuộc về mình. Lựa chọn hành động sớm hơn, sẽ ít đau đớn hơn. Dành thời gian đọc, hiểu để có thêm thông tin, minh định tốt sẽ biết lối đi (đạt đến điểm chuyển tiếp) sớm hơn.
  • Mỗi đường cong chuyển đổi có cường độ, quãng thời gian hành trình, tốc độ khác nhau tùy theo mỗi cá nhân, mỗi thời điểm. Cách thức có thể phù hợp để đi đến chặng hạnh phúc của người này có thể sẽ không phù hợp với bản thân mình. Không so sánh, phán xét những điều đó. Nhìn về trải nghiệm quá khứ, kiểm soát hiện tại theo phong cách riêng sẽ cho phép dự đoán tương lai rõ ràng hơn, lựa chọn hành động để hạnh phúc hơn theo cách của mỗi chúng ta.

Chặng đường đi tìm hạnh phúc, lẽ sống đích thực của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Chuyện luôn lớn hơn mình nghĩ! Chắc chắn rồi. Thế nhưng những thay đổi nhỏ nhất tích cực ngay hôm nay sẽ làm ngày mai tươi sáng hơn.

Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo trên blog này hoặc tại danhaycam.co nhé!

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi là ai? xem thêm giới thiệu tác giả

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here