Vết thương, trầy xước ăn gì cho khỏi sẹo?

0
2519

Sẹo là một vấn đề mà chả ai ưa bởi chúng gây mất thẩm mỹ, gây mặc cảm và đôi khi trong một số tình huống còn gây ngứa, khó chịu hoặc làm giới hạn vận động chức năng của cơ quan. Những câu hỏi như “làm gì cho khỏi sẹo?”, “tránh ăn gì cho không bị sẹo?” “tránh ăn gì để đừng để lại thâm sẹo?” thường thấy đến mức cứ ngỡ nếu mở miệng ra sẽ là câu đầu tiên được hỏi vậy.

Chủ đề này tôi sẽ nói đôi chút về việc ăn gì để không bị sẹo khi bị vết thương, trầy xước hoặc vừa mới làm thủ thuật, mổ xẻ nào đó.

Các yếu tố ảnh hưởng quá trình tạo sẹo?

Thực tế thì sẹo xấu, sẹo lồi, sẹo phì đại là một vấn đề chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Và cho đến nay, các nhà khoa học vẫn tiếp tục đi tìm lời giải các yếu tố, vấn đề liên quan cũng như cách điều trị nó làm sao cho hiệu quả.

Lấy ví dụ như sẹo lồi hoặc sẹo phì đại: nhiều giả thuyết đưa ra giải thích bệnh sinh của sẹo lồi như chấn thương tác động đến lớp bì lưới của da, sức căng da, các yếu tố gây chậm liền thương (như nhiễm trùng, dị vật…), yếu tố nội tiết, bệnh lý hệ thống như tăng huyết áp, cơ địa di truyền (gene SNPs và một số khác).

Các yếu tố trong sẹo lồi và sẹo phì đại

Một vết thương gặp phải sẽ trải qua quá trình liền thương để phục hồi lại cấu trúc, bề mặt da. Quá trình lành thương là một quá trình tổ chức, sắp xếp phức tạp với mục tiêu chính trong ngắn hạn giúp phòng ngừa nhiễm trùng và tái cấu trúc lại sự toàn vẹn của da và trong dài hạn là để tái thiết và làm mạnh thêm mô mới hình thành.

Quá trình liền thương như thế nào?

Theo đó, quá trình lành thương có thể được xem như gồm 3 giai đoạn chính – quá trình viêm, tăng sinh và tái cấu trúc (trưởng thành) – nhưng các giai đoạn này không hoàn toàn tách biệt với nhau hoàn toàn.

  • Giai đoạn viêm – bắt đầu ngay sau khi có chấn thương da và kết thúc trong khoảng 48-72 giờ. Đây là quá trình được điều hòa chặt chẽ, có liên quan đến hệ thống thần kinh, một số loại tế bào (keratinocyte, nguyên bào sợi, tế bào nội mô, đại thực bào, và các tiểu cầu), và mạng lưới các phân tử tín hiệu (cytokine, chemokine, và các yếu tố tăng trưởng) đến vết thương thông qua cơ chế giãn mạch và tăng tuần hoàn máu đến vị trí chấn thương.
  • Giai đoạn tăng sinh – có thể bắt đầu sớm khoảng 4 ngày sau khi bị chấn thương và kéo dài đến 7 tuần. Trong suốt thời gian này, vết thương được sữa chữa và tuần hoàn máu và các cấu trúc, chức năng của da dần được phục hồi. Hình thành mô hạt khoảng 4 ngày sau khi có chấn thương mô, đại thực bào bắt đầu hình thành mô hạt thay thế cho các cục máu đông đã được hình thành ngay sau chấn thương. Mô hạt được cấu thành từ các đại thực bào, nguyên bào sợi, mạch máu, collagen, proteoglycan, và hyaluronic acid. Nguyên bào sợi là yếu tố cốt lõi để giúp lành thương; chúng sản sinh ra các chất nền ngoại bào dựa trên collagen (ECM) và kéo mép vết thương lại gần nhau hơn thông qua đặc tính co kéo của chúng.
  • Giai đoạn trưởng thành sẹo – thường bắt đầu từ 14-21 ngày sau khi bị chấn thương mô. Trong suốt quá trình này, ECM kết tập trong mô hạt được tái cấu trúc và tái sắp xếp, gây ra hiện tượng co kéo; giảm đỏ, giảm độ dày, và cứng chắc hơn; và tăng sức mạnh của mô sẹo. Pha trưởng thành được bắt đầu trong suốt quá trình hình thành mô hạt ở pha tăng sinh và có thể kéo dài hơn vài tuần đến vài tháng, thậm chỉ là cả vài năm sau chấn thương. Sự sắp xếp bữa bãi của các collagen trong mô hạt được tái sắp xếp lại để có trật tự hơn và đảm bảo cân bằng giữa lượng collagen tạo ra và phá hủy. Quá trình này xảy ra qua trung gian MMO và các chất ức chế metalloproteinase của mô. Sự tổng hợp collagen tuýp I tăng lên trong khi đó tuýp III lại giảm xuống. Collagen tuýp I được sắp xếp trong những bó sợi có những khác biệt với sắp xếp hình nan lạt đan rổ thấy trong da bình thường. Kết quả là, mô sẹo thiếu độ mạnh của da mình thường. Sản xuất mạng lưới collagen tăng lên cho đến 21 ngày sau khi chấn thương. Sau giai đoạn này, tốc độ tổng hợp giảm đi. Mặc dù sự tổng hợp collagen đạt tối đa là ở thởi điểm 21 ngày, sức mạnh mô sẹo chỉ mới đạt 20% so với da bình thường ở thời điểm này. Sau 6 tuần, sức mạnh mô sẹo đạt 80-90% sức mạnh về lâu về dài của nó

Dinh dưỡng cho quá trình liền thương

Liền thương là một quá trình phụ thuộc nhiều vào chuyển hóa của cơ thể và cục bộ tại chỗ của vết thương. Việc đảm bảo cung cấp dinh dưỡng hợp lý là điều hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình liền thương diễn ra một cách thuận lợi nhất.

Bất kể tình trạng thiếu hụt nào đó về những yếu tố đa lượng, vi lượng, khoáng chất đều có thể làm kéo dài quá trình liền thương. Vai trò cốt yếu của dinh dưỡng trong liền thương có thể ghi nhận ở tất cả các giai đoạn, quá trình trong tiến trình liền vết thương và có những yếu tố khác nhau thì tác động đến những giai đoạn khác nhau đó.

Những yếu tố đa lượng cần thiết nhất cho quá trình liền thương bao gồm protein và carbohydrate.

Protein

Protein là thứ tối quan trọng để lành vết thương, bởi vì nó không chỉ cần cho quá trình hình thành nguyên bào sợi, collagen và hệ thống mao mạch mà nó cũng cần cho hoạt động chức năng của hệ thống miễn dịch diễn ra tối ưu, ngăn ngừa nhiễm trùng.

Quá trình liền thương ở những người thiểu dưỡng, thiếu hụt protein có giai đoạn viêm kéo dài hơn, làm giảm sản xuất các cấu trúc collagen và những protein khác cần cho tái tạo vết thương, và ở những trường hợp này cũng có tỉ lệ bị bục vết mổ, hở mép vết thương cao hơn hẳn những trường hợp khác. Giai đoạn viêm kéo dài làm đình trệ giai đoạn tăng sinh và tái cấu trúc vết thương.

Cần để ý rằng những bệnh nhân có vết thương cần được hồi phục thì nhu cầu protein sẽ cần cao hơn nhu cầu bình thường mỗi ngày. Một nghiên cứu được tiến hành năm 2007 đưa ra con số 0.38 g protein mỗi ngày là nhu cầu cần thêm để duy trì tình trạng dinh dưỡng hợp lý ở những người có vết thương cần hồi phục so với những người bình thường.

Ngoài ra, lượng protein này càng được nhân lên bội phần khi mà vết thương tiến triển mạn tính hoặc xuất tiết dịch nhiều.

Carbohydrate

Quá trình lành thường là quá trình phụ thuộc chuyển hóa tương tự như những quá trình khác đang hàng ngày diễn ra trong cơ thể chúng ta vậy, tối ưu lượng carbohydrate là điều cần thiết bởi vì đây là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Các đường đơn như glucose được sử dụng để sản xuất adenosine triphosphate – nguyên liệu cần để cung cấp năng lượng cho những quá trình như tăng sinh mạch và biệt hóa tế bào.

Khi thiếu hụt glucose, cơ thế buộc phải tự tổng hợp ra các glucose lấy từ những nguồn nguyên liệu khác như amino acids và khi đó vô tình sẽ làm thiếu hụt các yếu tố cần thiết cho quá trình lành thương. Ngược lại, tăng đường máu cũng có thể gây ra các biến chứng liền thương khác. Tăng đường máu glycosyl hóa các hệ vi mạch máu, do đó làm giảm dòng chảy tuần hoàn và giảm khả năng xâm nhập của các hồng cầu. Điều này khiến cho mô vết thương thiếu dưỡng khí và dưỡng chất và làm quá trình liền thương bị rối loạn.

Các yếu tố vi lượng

Có một số yếu tố vi lượng như kẽm có mối liên quan mật thiết đối với quá trình liền thương. Lý do được cho là kẽm cần cho quá trình hình thành MMP (matrix metalloproteinase) – rất cần thiết cho quá trình liền thương diễn ra bình thường. Trong khi đó sắt và magie cần cho quá trình sản xuất collagen.

Những thức ăn giàu kẽm

Vitamin A, C và E được chứng minh có nhiều vai trò trong liền thương và khi thiếu hụt các loại vitamin này sẽ khiến cho quá trình liền thương bị rối loạn. Đặc biệt là khi thiếu hụt vitamin A và C có liên quan đến hiện tượng giảm tân sinh mạch, tổng hợp collagen và tăng sinh nguyên bào sợi.

Những thức ăn giàu vitamin A

Vitamin A cũng có liên quan đến việc làm giảm thoái giáng ECM trong khi vitamin C lại liên quan đến củng cố sức bền mao mạch cũng như là hệ thống miễn dịch cơ thể nói chung, và do vậy làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Vitamin E được biết đến nhiều nhất bởi đặc tính chống oxi hóa của nó, và trong quá trình liền thương thì nó có vai trò trong việc bảo vệ các cấu trúc ECM. Những nghiên cứu trên động vật gợi ý viên uống bổ sung vitamin E có tác dụng trong cải thiện quá trình liền thương, đặc biệt giảm nguy cơ hình thành sẹo.

Những thức ăn giàu vitamin E

Ngoài ra, cũng cần phải nói về tác động của thuốc lá và rượu bia đến quá trình liền thương bởi những tác động xấu của chúng.

Thuốc lá gây tăng sẹo xấu

Thuốc lá làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng và làm chậm liền vết thương. Cơ chế chính xác cho đến nay vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng những cơ sở hiện tại cho rằng liên quan đến tác động co mạch và làm thiếu máu mô vết thương.

Sau khi hít khói thuốc lá, lưu lượng dòng chảy ngoại biên giảm đến 30-40%. Trong bối cảnh của quá trình liền thương, điều này cũng đồng nghĩa với mô bị tổn thương nhận được ít oxy và dưỡng chất hơn, và điều này gây rối loạn tất yếu.

Nicotine là một chất co mạch có trong thuốc lá và nó cũng có tác động tiền đông máu (prothrombotic). Bằng việc làm tăng ngưng tập tiểu cầu, nicotine có thể góp phần làm thiếu máu mô và gây rối loạn liền thương.

Những bệnh nhân cần được phẫu thuật sẽ được yêu cầu ngưng hút thuốc lá trong 4-6 tuần trước khi thực hiện phẫu thuật và sau phẫu thuật.

Rượu bia làm chậm lành thương

Sử dụng rượu bia cho thấy những tác động tiêu cực đến quá trình liền thương không chỉ những người uống trong thời gian dài mà còn đối với những người sử dụng trong giai đoạn liền thương. Điều này gây ra do việc làm tăng tỉ lệ nhiễm trùng (được cho rằng rượu bia làm ức chế các cytokine tiền viêm, bạch cầu và đại thực bào) và bởi tác động ức chế giai đoạn tăng sinh của quá trình liền thương.

Đặc biệt, khi uống rượu trong thời gian phục hồi vết thương sẽ làm giảm đi hơn phân nửa hiện tượng tăng sinh mạch (điều này được cho là do việc làm giảm các cytokine tiền mạch cơ bản của yếu tố tăng sinh nguyên bào sợi (FGF-2) và yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF).

Ngoài ra, những nghiên cứu trên động vật còn cho thấy những những chất sản sinh ra trong quá trình tiêu thụ rượu bia sẽ làm ức chế quá trình tái tạo collagen trong khi đó vô tình làm khởi phát các enzyme thoái giáng chất nền và yếu tố tăng trưởng chuyển dạng beta, một phân tử ức chế miễn dịch gây rối loạn hoạt động các tế bào đơn nhân.

Lời nói cuối

Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào ghi nhận về việc các thức ăn như cua, tôm, rau muống, xôi… gây hình thành sẹo lồi, sẹo phì đại. Bạn đọc không cần phải quá băn khoăn về việc mình lỡ ăn một vài con tôm, một vài con cua, một nắm xôi trong quá trình đang có vết thương nhé.

Có một điều bạn nên nhớ, đó là sau khi gặp phải một chấn thương, vết thương hoặc trước/sau khi can thiệp nào đó đụng đến dao kéo thì tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị của mình về tất cả những phương án để hỗ trợ quá trình liền thương diễn ra tốt nhất. Những kĩ thuật cắt, khâu, tạo hình hạn chế sức căng da vết mổ, loại bỏ dị vật, điều trị ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc sử dụng những sản phẩm thoa tại chỗ sẽ giúp ích nhiều để giảm thiểu khả năng hình thành sẹo xấu.

Bên cạnh đó, đảm bảo chế độ dinh dưỡng bạn nên đáp ứng nhu cầu đầy đủ, cân đối và đa dạng các yếu tố đa lượng (carbohydrates, proteins, và lipids) lẫn các yếu tố vi lượng thiết yếu, chất chống oxi hóa, các acid béo thiết yếu cần thiết cho chuyển hóa của da, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng trong tăng trưởng tế bào cũng như chống oxi hóa như đã đề cập ở trên. Tránh những nguồn thực phẩm có thể làm chậm liền thương hoặc làm cho tình trạng da, bệnh lý da nền bên dưới nặng nề hơn.

BS Trần Ngọc Nhân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here