Một ngày nọ, da bạn bỗng dưng nổi mẩn đỏ, ngứa, nóng rát ở mặt, cổ, tay hoặc body. Nhớ ra thì trước đó bạn mới mua một mỹ phẩm mới, không rõ đây là biểu hiện của da bị kích ứng hay dị ứng, và do thủ phạm nào. Chủ để bài viết này, tôi sẽ cùng các bạn làm rõ vấn đề da liên quan đến mỹ phẩm này nhé!
Nội dung chính của bài viết
Đôi chút về mỹ phẩm
Lịch sử về mỹ phẩm được ghi lại rất phong phú và đa dạng. Từ thời Ai Cập cổ đại, người ta đã biết sử dụng các nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên để tạo ra hàng ngàn sản phẩm khác nhau như dầu thơm, kem, son môi, và chì kẻ mắt.
Ngày nay, các mỹ phẩm được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và sản xuất mỹ phẩm nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp hàng tỉ đô.
Mỹ phẩm là gì?
Thuật ngữ “mỹ phẩm”, theo cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), có nghĩa là sản phẩm:
- Được sử dụng để chà xát, gội, rắc, xịt, gắn vào hoặc các phương pháp khác dùng cho thân mình hoặc bất kỳ bộ phận nào khác như tắm rửa, làm đẹp, làm tăng độ quyến rũ, hoặc thay đổi diện mạo, VÀ
- Bất kỳ một chất nào đó được sản xuất/tách chiết với chủ đích sử dụng như một sản phẩm mỹ phẩm nào đó;1
Đa dạng mỹ phẩm được dùng hàng ngày
Với một định nghĩa rộng bao gồm cả các sản phẩm trang điểm vùng mặt, chăm sóc da, nước hoa, sản phẩm dành cho tóc và móng, gel và kem cạo râu, và bất kỳ sản phẩm vệ sinh cá nhân (ví dụ như kem đánh răng hoặc chất khử mùi), dầu gội làm sạch và không bao gồm xà phòng nguyên chất (pure soap).
Kích ứng, dị ứng với mỹ phẩm thường gặp
Ước tính các tác dụng phụ đối với mỹ phẩm xảy ra khoảng một lần mỗi trung bình 13.3 năm ở một người nào đó. Rất khó để ước tính chính xác được tỉ lệ xuất hiện các phản ứng phụ do mỹ phẩm trong cộng đồng, và ước tính đó cũng thấp hơn con số thật. Bởi lẽ phần lớn mọi người không đến bác sĩ mà chỉ đơn giản là ngưng sử dụng các sản phẩm nghĩ đến gây vấn đề như vậy3.
Có nhiều loại phản ứng phụ gây ra do mỹ phẩm. Phần lớn thuộc loại kích ứng; tuy nhiên, quá mẫn tuýp IV, mày đay tiếp xúc, nhạy cảm ánh sáng, rối loạn sắc tố, phá hủy lông và móng, viêm quanh móng, phát ban dạng trứng cá, viêm nang lông, và làm nặng thêm các bệnh lý da có sẵn trước đó cũng có thể xảy ra.
Dị ứng da tiếp xúc với mỹ phẩm
Viêm da tiếp xúc dị ứng (viết tắt là ACD), hoặc phản ứng quá mẫn tuýp IV, ít gặp hơn nhiều so với viêm da kích ứng, và một vài nghiên cứu cũng nhận thấy rằng tỉ lệ ACD chiếm ít hơn 1% trong cộng đồng. Tuýp IV là phản ứng quá mẫn muộn thông qua trung gian tế bào T, mà các tế bào T nhạy cảm lưu hành trong máu hoặc cư trú thường trực được hoạt hóa bởi các dị nguyên và gây phóng thích các cytokines tiền viêm.
Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dị ứng
Quá trình nhạy cảm tùy thuộc vào một vài yếu tố bao gồm:
- Thành phần của sản phẩm
- Nồng độ của các thành phần có khả năng gây dị ứng
- Lượng sản phẩm thoa
- Vị trí thoa
- Hàng rào bảo vệ da
- Tần số sử dụng
- Thời gian lưu sản phẩm trên da.
Quá trình nhạy cảm thường đòi hỏi phải tiếp xúc lặp đi lặp lại nhiều lần và thoa trên một vùng da bị tổn thương (đó có thể là những tổn thương hàng rào bảo vệ da không nhìn thấy được bằng mắt thường).
Dị ứng da gặp nhiều hơn chúng ta nghĩ!
Mặc dù tỉ lệ dị ứng mỹ phẩm được tìm thấy nhỏ hơn 1% trong nhiều nghiên cứu, tuy nhiên nhiều khả năng đó không phải là một con số chính xác bởi vì xu hướng bệnh nhân sẽ không đi đến bác sĩ da liễu và chỉ ngưng sử dụng sản phẩm đó mà thôi.
Một nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ trên những bệnh nhân được nghi ngờ ACD bởi nhóm viêm da tiếp xúc Bắc Mỹ (NACDG) cho kết quả: sau khi thực hiện test áp cho 10061 người tham gia lớn hơn 7 tuổi, 23.8% nữ và 17.8% nam giới có ít nhất một phản ứng dị ứng với nguồn mỹ phẩm được test. Một đánh giá tìm thấy tỉ lệ gộp của ACD với mỹ phẩm trong 7 nghiên cứu khác nhau là 9.8%.
Tỉ lệ này dao động theo thời gian và theo vùng địa lý, phần lớn bị ảnh hưởng bởi đặc tính dị ứng nguyên của các thành phần mỹ phẩm, việc sử dụng mỹ phẩm trong cộng đồng càng ngày càng tăng, và khả năng xâm nhập của dị ứng nguyên được sử dụng trong test áp. Các nghiên cứu báo cáo về dịch tễ của dị ứng mỹ phẩm đặc trưng trong cộng đồng chủ yếu ảnh hướng lên những người nhạy cảm là nữ giới ở độ tuổi từ 20 đến 55 tuổi.
Có nghĩa là cứ hễ đi ra đường, nhìn quanh bạn có khoảng 5 người không kể nam nữ thì lại có khoảng 1 người gặp phải vấn đề dị ứng với mỹ phẩm.Phương thức truyền dị ứng nguyên
Dị ứng mỹ phẩm xảy ra khi thoa trực tiếp một dị nguyên, hoặc dị nguyên có thể tiếp xúc từ trong không khí, hoặc gián tiếp (từ bàn tay hoặc móng tay). Bảng sau liệt kê một số cách khác nhau mà dị ứng nguyên tiếp xúc với da.
Khi nghĩ đến dị ứng tiếp xúc
Nghĩ đến dị ứng tiếp xúc ở da xảy ra ở một vùng náo đó dựa vào các vị trí phản ứng và loại dị ứng nguyên chủ yếu xuất phát thường tiếp xúc ở vùng đó, và mỹ phẩm là nhóm dị nguyên thường gặp không thể bỏ qua. Những vị trí thường gặp liên quan mỹ phẩm như mặt, mí mắt, cổ, bàn tay, da đầu, và vùng sinh dục.
Quá trình thăm khám bắt đầu với khai thác tiền sử y khoa một cách kĩ lưỡng và nghiên cứu cẩn thận đối với tất cả các sản phẩm được dùng trong tất cả các tình huống (ở nhà hoặc nơi làm việc), sau đó là thăm khám lâm sàng.
Dị ứng da ở các vị trí trên cơ thể
Dị ứng da mặt
Mặt là vị trí thường gặp nhất của ACD, và mỹ phẩm là nguyên nhân chính cho tình trạng này. Vì bản chất tiếp xúc liên tục, các dị nguyên tiếp xúc với mặt không chỉ thông qua việc thoa trực tiếp, mà còn thông qua các chất tiếp xúc giáp tiếp từ không khí hoặc truyền từ tay của họ.
Một dạng phản ứng của ACD trên mặt có thể biểu hiện thành các dát đỏ da rải rác hoặc một vùng riêng biệt ngay cả khi một sản phẩm được thoa toàn mặt đi chăng nữa. Viêm da tiếp xúc vùng mặt thường chủ yếu bị cả 2 bên, tuy nhiên vẫn phải cân nhắc đến tình huống này ngay cả khi nó không biểu hiện toàn mặt đi chăng nữa. Dĩ nhiên, viêm da ảnh hưởng đến vùng mặt bên, trán, mí mắt, tai và cổ có thể bắt gặp ở những trường hợp sử dụng sản phẩm có chứa dị ứng nguyên lên da đầu, lan ra những vùng lân cận theo dạng dòng chảy “rinse-off”.
Đôi khi tác nhân gây nên tình trạng ACD cũng không rõ ràng, ví dụ như là khi người đó nhạy cảm với các dị nguyên trong các dụng cụ làm đẹp như là cao su trong miếng bọt biển, trong máy rửa mặt. Ít thấy hơn khi dị nguyên trong mỹ phẩm được truyền từ một vị trí tiềm ẩn nào khác, như là khăn tắm hoặc điện thoại. Tiền sử những lần có biểu hiện tương tự trước đó cũng rất quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gây dị ứng trong những trường hợp này.
Dị ứng mí mắt
Mí mắt là một vùng da cực kì nhạy cảm của cơ thể vì da rất mỏng ở vị trí này và ACD được xem xét như là tình trạng da thường gặp nhất trong các trường hợp viêm da vùng mí mắt. Đây cũng là vị trí điển hình của viêm da tiếp xúc lạc chỗ, thường gây ra do các dị nguyên từ sơn móng tay.
Truyền dị nguyên từ các sản phẩm làm đẹp tóc có chứa các thành phần như p-phenylenediamine (PPD) và ammonium persulfate. Chúng được biết đến rộng rãi gây ra phản ứng một cách chọn lọc ở vị trí này.
Bên cạnh ACD, một chẩn đoán khác trong viêm da vùng mí mắt đó là viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc protein, viêm da tiết bã, vêm da cơ địa, vảy nến, bệnh lý mạch máy collagen, mày đay, trứng cá đỏ, u lympho tế bào T da, sarcoidosis và nhiễm trùng.
ACD được xem như là nguyên nhân thường gặp nhất trong viêm da mí mắt, xảy ra trong khoảng 34-74% trường hợp. Test áp có thể làm rõ được các thành phần dị ứng như hương liệu, chất bảo quản, chất tạo độ nhớt, sản phẩm chăm sóc tóc và móng như là acrylate – tác nhân chính gây ACD vùng mí mắt.
Mascara, chì kẻ chân mày, phấn mắt, lông mi giả, và kim loại trong kẹp bấm mi cũng được xem như là nguồn sản phẩm làm đẹp gây viêm da vùng mí mắt. Shellac là chất thường được sử dụng trong mascaras cũng có thể gây viêm da.
NACDG công bố một nghiên cứu vào năm 2007 về việc đưa ra một bản danh sách gồm 26 dị nguyên tiếp xúc hàng đầu đã được xác định mà có thể dùng làm bảng tra cứu tham khảo trong khi đánh giá những bệnh nhân bị viêm da vùng mí mắt, không xét trên những vùng khác của cơ thể.
Vàng là chất đứng đầu bảng danh, chịu trách nhiêm cho những trường hợp viêm da vùng mí mắt riêng biệt, và được giải thích bởi việc phóng thích các phân tử vàng trong trường hợp đổ mồ hôi và các vật liệu bào mòn da, như là titanium dioxide, một thần phần thường được sử dụng trong mỹ phẩm trang điểm (chất tạo độ che phủ). Một bệnh nhân bị dị ứng với kim loại khi mang đồ trang sức thì có thể biểu hiện bệnh cảnh này ví dụ như các trang sức bằng vàng.
Dị ứng da vùng cổ
Tương tự như vùng mí mắt, cổ là vị trí khá thường gặp trong ACD do mỹ phẩm vì cấu trúc da khá mỏng và tính chất bộc lộ trực tiếp liên tục với môi trường. ACD ảnh hưởng lên cổ có thể do bởi việc thoa các sản phẩm trực tiếp hoặc với các sản phẩm được thoa vùng mặt, da đầu, tóc vấy sang cổ, hoặc bởi tiếp xúc với đồ trang sức.
Sơn móng tay cũng được biết đến như là một tác nhân thường gặp khác, và một nghiên cứu về ACD do sơn móng tay đã xác định rằng vùng mặt và cổ là những vị trí thường xảy ra nhất. Dị nguyên thường thấy ở trong sơn móng tay là tosylamide formaldehyde resin (TSFR), thành phần được sử dụng để tạo độ kết dính giữa sơn và móng.
Nước hoa cũng được xem là một nguồn dị ứng nguyên rõ ràng, và về thực tế thì cổ là vị trí thường gặp nhất trong những trường hợp sử dụng các hương liệu dạng xịt.
Đối với những bệnh nhân nhạy cảm với các hương liệu, một dấu hiệu “atomizer sign” có thể hình thành, trong đó việc thoa lặp đi lặp lại vùng cổ có thể gây viêm da khu trú gần với ụ lồi thanh quản (quả táo Adam). Dấu hiệu như vậy có thể cảnh báo cho bác sĩ về nguyên nhân gây viêm da vùng cổ và cho phép tiếp cận sớm với điều trị thích hợp.
Dị ứng, kích ứng da bàn tay
Viêm da tiếp xúc dị ứng và kích ứng là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng viêm da bàn tay – là một tình trạng thường gặp, chiếm từ 20-35% trong tất cả các trường hợp viêm da. Bên cạnh 2 vấn đề này, có những chẩn đoán phân biệt khác như tổ đĩa, bệnh lý tăng sừng, do cọ xát, viêm da dạng đồng tiền, thể mụn nước, và viêm da cơ địa bàn tay.
ACD ở bàn tay được gây ra bởi tiếp xúc các dị nguyên nghề nghiệp và không do nghề nghiệp, và một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghề làm tóc hoặc làm mỹ phẩm có nguy cơ ACD tăng cao hơn khi so sánh với cộng đồng. Dị ứng liên quan đến dị ứng mỹ phẩm, và các sản phẩm chăm sóc tóc.
Dị ứng da đầu do hóa chất, thuốc nhuộm
Da đầu có thể tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất, đặc biệt khi sử dụng thuốc nhuộm tóc hoặc dầu gội. Bởi vì da đầu khá dày cho nên thường ít bị ảnh hưởng trong ACD trừ khi ở những bệnh nhân đặc biệt nhạy cảm với PPD, một chất gây mẫn cảm mạnh thường được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc. Tình trạng nhạy cảm như vậy có thể gây phù nề và đóng vảy tiết vùng da đầu.
Các dị nguyên thường gặp nhất gây các phản ứng phụ đối với các chất tạo màu trong thuốc nhuộm tóc như PPD, toluene-2,5-diamine, p-aminophenol, 3-aminophenol, và p-aminoazobenzene đến từ những vật dụng như vật liệu y tế, thuốc nhuộm hoặc tẩy màu tóc, và các sản phẩm làm sạch tóc. Trong số đó thì thuốc nhuộm và tẩy màu tóc chiếm tỉ lệ cao nhất.
Ngứa, dị ứng da vùng sinh dục
Dị ứng tiếp xúc ở vùng sinh dục ít gặp hơn (khoảng 2.4%) tuy nhiên nhiên lại gây ra nhiều khó chịu nhiều. Tình trạng này gây ra thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các sản phẩm dành riêng cho vùng này như các sản phẩm vệ sinh phụ nữ, vô tình tiếp xúc từ các sản phẩm sử dụng cho các vùng cơ thể khác, hoặc qua các chất được chỉ định đường uống bài tiết trong nước tiểu hoặc phân.
Dị nguyên thường gặp trong số các bệnh nhân bị ảnh hưởng vùng này bao gồm các chất được tìm thấy trong các sản phẩm được sử dụng cho vùng sinh dục (hương liệu, chất bảo quẩn, corticoids). Sau đó là các chất có chứa balsam của Peru, và nikel. Gia vị và chất tạo mùi (ví dụ như là hạt nhục đậu khấu, dầu bạc hà, cây rau mùi, bột cà ri, và hành tỏi) cũng được báo cáo có liên quan đến viêm da và ngứa vùng âm hộ và sinh dục.
Vì môi trường tự nhiên của vùng sinh dục, chức năng hàng rào bảo vệ thường bị tác động bởi độ ẩm, cọ xát, và nhiệt độ, đặc biệt biệt dễ nhạy cảm với ACD. Các phản ứng có thể là cấp hoặc mạn tính.
Các chất gây dị ứng thường gặp trên da
Chất bảo quản
Chất bảo quản không chứa formaldehyde
Quaternium-15, Imidazolidinyl urea, Diazolidinyl urea, DMDM hydantoin hiện đang được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm khác như phân bón, sản phẩm tẩy rửa, keo dán chống nước; tuy nhiên chúng hiếm khi được sử dụng làm chất bảo quản cho mỹ phẩm bởi vì có tính gây mẫn cảm cao.
Kết quả là nhiều nhà máy sản xuất sử dụng các chất bảo quản không có formaldehyde như Quaternium-15, Imidazolidinyl urea, Diazolidinyl urea, và DMDM hydantoin, cho đến nay thì các chất này vẫn chiếm ngự vị trí đầu bảng danh sách các dị ứng nguyên gây phản ứng dương tính với test áp da.
Các chất bảo quản này được thêm vào một số sản phẩm chăm sóc da, tóc, và trang điểm vì hoạt tính kháng khuẩn của chúng. Liên minh Châu Âu đã ban hành pháp chế để hạn chế số lượng chất này trong các sản phẩm. Ngược lại thì lại không có một quy chế nào ở Mỹ về nồng độ hoặc sử dụng bất kỳ chất bảo quản không có formaldehyde.
Theo các dữ liệu từ FDA, có khoảng 1 trong 5 sản phẩm làm đẹp (19.5%) có chứa các thành phần này. Phản ứng chéo giữa formaldehyde và các sản phẩm không chứa formaldehyde rất biến đổi, gợi ý rằng dị ứng đối với một chất bảo quản không chứa formaldehyde nào đó thì không cần thiết phải hạn chế sử dụng toàn bộ sản phẩm có chứa nhóm chất bảo quản này.
Hương liệu và Myroxylon Pereirae
Một số nghiên cứu liệt kê hương liệu và Myroxylon Pereirae (balsam of Peru) là những nguyên nhân thường gặp trong ACD do mỹ phẩm, với 42-54% bệnh nhân có test áp dương tính nghĩ đến có viêm da d mỹ phẩm.
Hương liệu được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm làm đẹp; bên cạnh những sản phẩm như nước hoa và cologne, chúng còn được tìm thấy trong các sản phẩm trang điểm, kem đánh răng, khử mùi, sản phẩm vệ sinh nhà ở, xà phòng, thuốc và thậm chí là cả những sản phẩm được gắn mác là “không mùi – unscented”, vì chúng có thể chứa những hương liệu ẩn bên dưới.
M pereirae, một hương liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên được chiết xuất từ một loại cây có cùng tên ở vùng Trung Mỹ, có chứa cinnamic acid, cinnamic aldehyde, methyl cinnamate, benzyl cinnamate, benzyl benzoate, benzoic acid, benzyl alcohol, và vanilla. Nó được sử dụng để tầm soát dị ứng hương liệu và được báo cáo phát hiện khoảng 50% trường hợp bệnh nhân mẫn cảm với hương liệu.
Cocamidopropyl Betaine
Cocamidopropyl Betaine (CAPB) là một dẫn xuất được chiết xuất từ dầu dừa, được sử dụng trong dầu gội, nước xà phòng, rửa mặt, gel cạo râu, và chất khử mùi. Bản thân CAPB không phải là một dị nguyên nhưng đặc điểm gây dị ứng của chúng liên quan đến các tạp chất trong quá trình tổng hợp chúng, dimethylaminopropulamine, và cocamidopropyl dimethylamine (cũng được biết đến như amidoamine hoặc cocamidoamine).
PPD
Có chứa trong thành phần thuốc nhuộm tóc và là một chất oxy hóa được sử dụng trong dạng vĩnh viễn hoặc bán vĩnh viễn. Những báo cáo gần đây liên kết đặc điểm gây mẫn cảm mạnh này với cây lá móng (henna), thường được sử dụng ở Ấn Độ và vùng Trung Đông làm các mực săm tạm thời (mehandi) và thuốc nhuộm tóc.
Chúng được thêm vào chiết xuất cây lá móng để cho sản phẩm nhuộm có màu tối một cách tự nhiên hơn và do vậy có thể gây mẫn cảm cho bệnh nhân và xuất hiện ACD sau đó. Đây cũng là dị nguyên tiếp xúc hàng đầu trong sản phẩm làm tóc mà gây chàm vùng mặt và thân trên ở những khách hàng nhuộm tóc và được biết đến như là nguyên nhân gây chàm dị ứng bàn tay liên quan đến nghề nghiệp.
Glyceryl Monothioglycolate
Glyceryl Monothioglycolate (GMT) được sử dụng trong dung dịch tạo lượn sóng và có thể tồn tại kéo dài lên đến 3 tháng trên tóc. Nó làm cho tóc uốn lượn hoặc gợn sóng bởi làm thay thế cầu nối disulfide trong cấu trúc keratin của tóc.
ACD da đầu gây ra do GMT có thể nặng nề và gây phù nề, đỏ da, bong vảy và đóng vảy tiết. GMT có thể xâm nhập qua lớp găng tay cao su, và do đó là chất mẫn cảm rất thường gặp ở những người làm tóc biểu hiện phản ứng ở bàn tay, cẳng tay, mặt và cổ.
Đây là dị nguyên đứng thứ 2 trong các sản phẩm cho tóc trong một nghiên cứu, gây phản ứng trong 17.5% bệnh nhân nữ và 6.7% bệnh nhân nam.
TSFR
TSFR là nguyên nhân kinh điển của viêm da lạc chỗ do sơn móng tay. Thường ảnh hưởng lên vùng mí mắt, vùng cổ bên, mặt; những vùng ít gặp hơn như ngực và bẹn. Có hơn 90% sản phẩm sơn móng tay ở Châu Âu và phần lớn sơn mài cho móng ở Mỹ có chứa hoạt chất này, cho phép tạo lớp sơn bóng phủ cuối cùng dính chặt vào móng tay.
Thành phần gây dị ứng của TSFR là resin, không phải formaldehyde. Sơn mài móng có thể chứa epoxy và (meth)acrylate, và các copolymer gây dị ứng khác.
Gallates
Propyl gallate, octyl gallate và dodecyl gallate là tất cả những chất chống oxy hóa được sử dụng từ năm 1947 để phòng ngừa tình trạng biến tính của các acid béo không bão hòa mà sẽ làm đổi màu hoặc lên mùi các sản phẩm.
Dodecyl gallate có tính gây mẫn cảm lớn nhất theo Hausen và Beyer, nhưng propyl gallate mới là chất trong nhóm gallate thường được sử dụng nhất trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Chúng thường được bắt gặp trong các sản phẩm dành cho môi dạng mỡ hoặc sáp, như là son môi, dưỡng ẩm môi, và mỡ thoa môi.
Bệnh cảnh thường gặp đó là viêm môi bong vảy. Kem và lotion làm đẹp có thể chứa các chất chống oxy hóa này, nhưng ít gây ACD vì thường ở nồng độ thấp.
Làm sao xác định đích danh thủ phạm gây dị ứng?
Thông qua tiền sử để đi đến được chẩn đoán và điều trị thích hợp ở một trường hợp dị ứng mỹ phẩm. Các câu hỏi có thể giúp bác sĩ làm rõ chẩn đoán như:
- Tiền sử bệnh da và sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân
- Nghề nghiệp, môi trường làm việc
- Thói quen và các hoạt động
- Các yếu tố làm bùng phát nặng hoặc làm giảm triệu chứng
- Thời gian tính từ khi khởi phát
- Mức độ nặng của tổn thương
- Diễn tiến và tính chất biến đổi theo mùa của ban da
Kết hợp các thông tin trên kèm theo đặc điểm hình thái tổn thương, dạng và mức độ lan rộng của tổn thương, các bác sĩ có thể nghĩ đến loại mỹ phẩm gây dị ứng (nếu có).
Một khi nghĩ đến chẩn đoán dị ứng do tiếp xúc, tiêu chuẩn vàng để đánh giá là sử dụng test áp – tức là cho bệnh nhân tiếp xúc trở lại với dị nguyên nghi ngờ dưới môi trường có kiểm soát. Kết quả của bộ câu hỏi đó nên được sử dụng để chuẩn bị các mảng test áp, và bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng mẫu sản phẩm nào đó trong những sản phẩm của bệnh nhân.
Làm thế nào khi da bị kích ứng, dị ứng?
Tìm và tránh dị nguyên
Điểm mấu chốt trong xử trí khi bị dị ứng tiếp xúc đó là tránh các dị nguyên gây khởi phát tình trạng đó. Chìa khóa để giúp bạn có thể làm được việc này đó là gạch chân những dị nguyên có trong nhiều sản phẩm đang được sử dụng và vạch ra kế hoạch thay thế có sẵn để đạt được thành công.
Năm 1976, FDA yêu cầu tất cả các thành phần phải được liệt kê trong tất cả các sản phẩm làm đẹp để có thể cho phép phòng tránh. Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cung cấp ngân hàng dữ liệu sản phẩm gia dụng mà trong đó bệnh nhân có thể tìm kiếm được thông tin cần thiết về các thành phần đặc biệt trong nhiều sản phẩm đồ gia dụng và làm đẹp khác nhau (tại https://hpd.nlm.nih.gov/index.htm)
Có một số rào cản để đạt được hiệu quả điều trị. Hương liệu là chất được sử dụng rộng rãi và đồng thời cũng nguyên nhân hàng đầu gây viêm da tiếp xúc dị ứng, tuy nhiên các thành phần thì lại không được liệt kê chi tiết vì những bí mật trong thương mại và công nghệ. Tương tự đối với formaldehyde cũng được sử dụng rất rộng rãi và việc phòng tránh gặp rất nhiều khó khăn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thành phần formaldehyde được liệt kê không đúng trong 23-33% sản phẩm được đánh giá.
Sử dụng công cụ hỗ trợ
Một công cụ vô giá cho các bác sĩ và bệnh nhân để quản lý các trường hợp ACD gây ra do mỹ phẩm một cách thích hợp đó là chương trình xử trí dị nguyên tiếp xúc được quản lý bởi Hiệp hội Viêm da Tiếp xúc Hoa Kỳ (https://www.contactderm.org).
Dữ liệu được mã hóa máy tính đối với hàng ngàn sản phẩm làm đẹp và chăm sóc mà bệnh nhân có thể sử dụng để cá nhân hóa một danh sách các sản phẩm không có các chất gây dị ứng cho mình.
Sau khi xác định được tác nhân dị ứng, có thể nhập vào cơ sở dữ liệu và một danh sách sẽ được mã hóa cho kết quả những sản phẩm an toàn có thể sử dụng. Điều này giúp phòng tránh những thành phần gây phản ứng dị ứng một cách dễ dàng hơn. Dù vậy, danh sách này không phải luôn hằng định, vì cơ sở dữ luôn được cập nhật theo từng kì và là một nguồn tra cứu rất tốt để quản lý ACD gây ra do sử dụng mỹ phẩm.
Điều trị với thuốc
Phản ứng viêm da dạng chàm mạn tính có thể được bắt gặp ở những người nhạy cảm với các dị ứng nguyên yếu. Trong khi đó, các dạng phát ban mụn nước cấp tính ít gặp hơn vì phần lớn các thành phần mỹ phẩm đều là những dị nguyên yếu.
Nếu dị ứng da tiếp xúc mạn tính ảnh hưởng lên bàn tay, bàn chân, và các vùng không phải nếp gấp, da mặt có thể xử trí với corticoid thoa tại chỗ. Còn đối với những bệnh nhân bị ở vùng mặt và vùng kẽ thì các thuốc ức chế calcineurin… Ngoài ra, trong một số trường hợp sẽ được bác sĩ kê toa thuốc uống, một số sản phẩm dưỡng ẩm làm dịu da và những sản phẩm bổ trợ trong chăm sóc da khác.
Ok, bài viết đã dài rồi! Chúng ta dừng ở những điểm chính về mỹ phẩm, một số phản ứng thường gặp do mỹ phẩm, cách thức gây mẫn cảm, những vị trí và hoạt chất dị ứng thường gặp. Cuối cùng là chẩn đoán và xử trí vấn đề gặp phải. Hẹn gặp bạn đọc trong những chủ đề chi tiết liên quan trên blog này nhé!
Tôi là ai? xem thêm giới thiệu tác giả
Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!