“Bleach bath” trong điều trị và dự phòng viêm da cơ địa

0
1671

Viêm da cơ địa là một bệnh lý viêm mạn tính với đặc trưng tái phát theo từng đợt. Bệnh ảnh hưởng khoảng 15-20% số trẻ em và khoảng 1-10% số người lớn trung bình ở Mỹ và toàn thế giới.

Có nhiều yếu tố góp phần gây nên tình trạng bệnh, trong đó có việc thiếu hụt chức năng hàng rào bảo vệ da, rối loạn hệ thống miễn dịch của da hoặc cơ quan. Bên cạnh đó, viêm da cơ địa còn liên quan mật thiết đến các chủng vi sinh vật trên da (trong đó đặc biệt phải kể đến S.aureus (tụ cầu vàng) của da).

Những đợt bùng phát bệnh của viêm da cơ địa cũng liên quan đến mật độ phân bố, phát triển của chủng vi khuẩn này hoặc tình trạng khuẩn chí da bị rối loạn. Điều này đặt ra vấn đề sử dụng các phương án để kiểm soát số lượng các chủng sinh vật này trong da trong kiểm soát bệnh.

Trước đây có thời gian dài, phương án sử dụng các thuốc kháng sinh bôi và/hoặc kháng sinh đường uống để ức chế hiện tượng bùng phát này. Tuy nhiên, chính vì thời gian dùng kéo dài mà tình trạng đề kháng kháng sinh trở thành mối lo ngại lớn.

Tắm rửa là một khâu quan trọng trong quá trình chăm sóc da ở trẻ bị viêm da cơ địa. Và tắm rửa và dưỡng ẩm đều đặn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc cố gắng hạn chế tối đa tắm rửa.

Dung dịch thuốc tẩy trắng (bleach – sodium hypochlorite, NaOCl) là sản phẩm rẻ tiền, dễ kiếm và có thể dùng thay thế cho kháng sinh trong kiểm soát hiện tượng bùng phát đợt cấp viêm da cơ địa do loạn khuẩn. Sử dụng nước tắm với chất tẩy pha loãng được chứng minh cả trên thực nghiệm lẫn trong phòng thí nghiệm về tác dụng kháng khuẩn và các chủng gây bệnh mà có rất ít những tác dụng phụ.

Phương pháp này cũng đã được chứng minh là không gây hại cho lớp sừng da, không làm tăng mất nước qua thượng bì, không gây biến đổi pH da và hơn hết là không gây đề kháng kháng sinh.

Phương pháp tắm với dung dịch tẩy pha loãng có vai trò ức chế chủng tụ cầu vàng ở da và làm giảm mức độ nặng của bệnh viêm da cơ địa. Trong nhiều khuyến cáo thực hành lâm sàng, phương pháp này cũng được đưa vào hướng dẫn sử dụng.

Trong khuyến cáo của viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ (2014), đây là phương án thêm vào dung dịch tắm duy nhất (thường kết hợp với mupirocin thoa niêm mạc mũi) được khuyến cáo sử dụng với những trường hợp viêm da cơ địa mức độ trung bình đến nặng. Dầu tắm, baking soda, bột yến mạch, muối, giấm đều không được khuyến cáo sử dụng mà bạn đọc cần tránh.

Hình ảnh từ internet

Phương pháp sử dụng các dung dịch tẩy trắng cho thấy có hiệu quả trong việc dự phòng các đợt bùng phát của bệnh. Nếu như trẻ được các bác sĩ khuyên dùng phương pháp này thì bạn cần tham khảo và chuẩn bị tốt những điều bên dưới:

  • Sử dụng loại NaOCl có nồng độ thông thường – ở mức khoảng 6%: không sử dụng những loại có nồng độ đậm đặc khác. Sử dụng những sản phẩm tẩy trắng cho đồ dùng hàng ngày và cần đọc kĩ nhãn dán, thành phần trước khi sử dụng.
  • Sử dụng cốc có vạch chia hoặc thìa để tính toán và lấy vừa đủ lượng chất tẩy để thêm vào nước tắm: bởi vì nếu như bạn lỡ quá tay thêm quá nhiều sản phẩm vào nước tắm thì có thể làm kích ứng da của bé. Và ngược lại, nếu chỉ lấy một lượng quá ít sản phẩm thì đôi khi sẽ không có hiệu quả nào cả.
  • Tính toán lượng chất tẩy trước mỗi lần pha nước tắm: với một bồn tắm đầy nước theo quy chuẩn (khoảng 151 lít) thì cần một lượng khoảng nửa cốc chất tẩy. Còn nếu chỉ tắm nửa mức nước (khoảng 59 lít) thì chỉ nên sử dụng khoảng ¼ lượng chất tẩy. Đối với trẻ nhỏ hoặc trẻ tập đi, công thức đó là sử dụng khoảng 1 thìa cà phê chất tẩy trên mỗi gallon nước (1 gallon US = 3.785 lít). Tốt nhất nên sử dụng nước ấm (không nóng) để tắm. Nhiệt độ nước không quá 30 độ C.
  • Không bao giờ được thoa trực tiếp dung dịch tẩy trực tiếp lên da của trẻ: trong khi sử dụng vòi nước chảy để lấy nước tắm, hãy hòa chất tẩy vào theo dòng chảy để đảm bảo việc hòa trộn tốt nhất. Bên cạnh đó, cần đợi cho đến khi nước tắm được lấy đủ theo mức tính toán, hòa kĩ trước khi cho bé vào bồn tắm.
  • Thời gian tắm: cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu của bạn, phần lớn thời gian ngâm tắm dao động trong khoảng từ 5-10 phút.
  • Thấm khô da sau khi tắm với khăn tắm bằng chất liệu cotton, không màu: không nên chà xát hoặc cố gắng thấm khô hết nước trên bề mặt da, nếu trẻ đang sử dụng thuốc bôi kê toa của bác sĩ thì thoa thuốc ngay sau đó. Sau đó là bước thoa dưỡng ẩm cho da. Đợi lớp dưỡng ẩm ngấm lên da trước khi mặc lại áo quần. Dùng khăn sạch cho mỗi lần tắm, khăn này cần được giặt và hấp sấy sau mỗi lần dùng.
  • Nếu thấy da có phản ứng lạ hoặc khó chịu trong hoặc sau khi ngâm tắm thì bạn cần dội sạch cơ thể lại bằng nước thường sau đó.
  • Không sử dụng nhiều hơn 3 lần mỗi tuần. Không được thêm sản phẩm nào khác vào trong bồn tắm của bé.

Lưu ý: cần trao đổi kĩ về kế hoạch sử dụng phương án này với bác sĩ chuyên khoa điều trị cho bé.

Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng:

  • Tiếp xúc với dung dịch thuốc tẩy chưa được hòa loãng có thể gây cảm giác châm chích, bỏng rát hoặc ngứa nhiều hơn trong một thời gian. Với những người da quá khô hoặc bị nứt nẻ thì tình trạng này thường bắt gặp hơn. Những vị trí có vết thương hở cũng cần được tránh tiếp xúc với nước tắm để hạn chế những triệu chứng khó chịu này.
  • Khi tiếp xúc với mắt có thể gây ra một số cảm giác khó chịu nào đó như cay mắt, và điều này cũng khiến cho việc sử dụng cho vùng mặt cũng có một số bất lợi. Và cũng chỉ nên ngâm tắm từ dưới vùng cổ trở xuống (không áp dụng với vùng cổ, đầu). Nếu sản phẩm vào mắt gây khó chịu thì rửa ngay với nước sạch trong vài phút  và không cố gắng dụi mắt khi đó.
  • Có thể phát sinh thêm một phần chi phí lẫn thời gian để áp dụng, tuy nhiên điều này khá nhỏ nhặt
  • Dung dịch tẩy có thể làm phai màu khăn tắm, gối hoặc áo quần.
  • Một số loại dung dịch tẩy có mùi cay hoặc nồng khó chịu
  • Với những trường hợp bị hen phế quản hoặc nhạy cảm niêm mạc hô hấp thì cần thận trọng vì mùi của dụng dịch có thể gây khó chịu, làm khởi phát cơn hen. Để giảm thiểu tác động này, bạn cần chuẩn bị vị trí tắm rửa ở nơi thông khí tốt (nhưng cần tránh gió lùa trực tiếp) để giảm cảm giác gây mùi của nước tắm.

Một điều đáng nói là ở những trẻ viêm da cơ địa thì đôi khi tắm bằng nước thường thôi cũng có thể có một số tác động tương tự ở trên, cho nên khi được bác sĩ khuyên dùng thì bạn đọc cứ tuân thủ tốt các nguyên tắc trên mà áp dụng.

Đây là một phương án hỗ trợ bên cạnh các thuốc, sản phẩm điều trị và dưỡng ẩm khác, nó không phải là giải pháp đơn độc để giúp điều trị hay dự phòng viêm da cơ địa. Khi đã áp dụng tốt các phương án dự phòng mà tình trạng vẫn chưa kiểm soát được, bạn cần tái khám lại bác sĩ để được thăm khám, đánh giá kĩ hơn.

BS Trần Ngọc Nhân

Video áp dụng: từ Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ (AAD)

Nguồn tham khảo:

  • ATOPIC DERMATITIS: BLEACH BATH THERAPY. https://www.aad.org/diseases/eczema/atopic-dermatitis-bleach-bath
  • Lawrence E. Gibson, M.D.Eczema bleach bath: Can it improve my symptoms? https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atopic-dermatitis-eczema/expert-answers/eczema-bleach-bath/faq-20058413
  • Rishi Chopra et al (2018). Efficacy of bleach baths in reducing severity of atopic dermatitis: A systematic review and meta-analysis. Ann Allergy Asthma Immunol. 2017 Nov; 119(5): 435–440. doi: 10.1016/j.anai.2017.08.289
  • Eichenfield LF et al (2014). Guidelines of care for the management of atopic dermatitis: section 2. Management and treatment of atopic dermatitis with topical therapies. J Am Acad Dermatol. 2014 Jul;71(1):116-32. doi: 10.1016/j.jaad.2014.03.023. Epub 2014 May 9.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here