Vì sao có chỏm lông mi bạc và cần làm gì?

0
4852

Một ngày nọ, bạn bỗng dưng phát hiện chỏm lông mi bạc hay tóc bạc 1 chỏm. Tình trạng có vẻ càng lúc càng rõ, không biết có sao không?

Khác với chuyện Nhuộm highlight cho tóc chính là một giải pháp tạo nên nét chấm phá trên mái tóc, khiến nó trở nên nổi bật và ấn tượng hơn với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên bạc lông, tóc một chỏm lại không đúng theo ý muốn như vậy lại khiến bạn mất tự tin, đôi khi chúng còn liên quan đến một số vấn đề sức khỏe. Chủ đề này sẽ đề cập đến một số thông tin cho quý bạn đọc.

Lông mi bạc, tóc bạc một chỏm

Tình trạng này có tên tiếng anh là poliosis (poliosis circumscripta), gây ra do hiện tượng giảm hoặc mất khả năng tổng hợp sắc tố (đặc biệt là melanin) ở nang tóc, lông mày, lông mi, lông mũi hoặc những vị trí khác trên cơ thể.

Tình trạng này thường ảnh hưởng đến một vùng riêng biệt, ít khi gặp nhiều chỏm riêng lẻ khác nhau. Bề mặt da có thể bị ảnh hưởng hoặc có thể không thay đổi.

Có thể kèm những dấu hiệu khác đi kèm như nổi các u cục, các dát tăng sắc tố ở những vị trí khác, thay đổi sắc tố mắt, khiếm khuyết tai, rụng tóc hoặc những bất thường khác kèm theo.

Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

Bạc lông, bạc tóc chỏm liên quan đến bệnh nào?

Tình trạng bạc lông mi có thể gặp trong một số hội chứng di truyền như chứng bạch thể piebaldism, bạch biến, hội chứng Waardenburg tuýp I, u xơ thần kin tuýp I, xơ cứng củ, một số rối loạn di truyền liên quan nhiễm sắc thể giới tính X.

Những tình trạng bệnh lý viêm, tự miễn khác cũng có thể bắt gặp như bệnh Vogt-Koyanagi-Harada, hội chứng Alezzadrini, rụng tóc vùng, bớt halo, sarcoidosis, sau một số nhiễm trùng/chấn thương, trong một số bệnh lý ác tính và tác dụng phụ một số thuốc (các liệu pháp miễn dịch, imiquimod, thuốc nhỏ mắt latanoprost…), thiếu hụt phức hợp vitamin B (folate, B12), thiếu hụt đồng.

Tình trạng này cũng có thể xuất hiện tự phát mà không do nguyên nhân nào khác.

Hội chứng Waardenburg tuýp 1 (WS1)

Là bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể hiếm gặp hoặc đôi khi do di truyền lặn biểu hiện với điếc bẩm sinh, rối loạn sắc tố và hình dạng vùng trung tâm mặt. Có khoảng 20-60% trường hợp hội chứng Waardenburg có những bất thường về sắc tố da, lông tóc. Vùng bạc lông tóc thường thấy ở vùng trán thái dương hoặc vùng chẩm. Có thể quan sát thấy hiện tượng bạc tóc lông toàn thân xảy ra sớm ngay từ tuổi thanh thiếu niên trong hội chứng này.

Một trường hợp Piebaldism với chỏm tóc bạc giữa đầu.  Nguồn: Dermatology

Chứng bạch thể Piebaldism

Piebaldism là bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường biểu hiện ngay lúc sinh bằng khử sắc tố phân giác trước và chùm tóc trên trán màu trắng. Vùng ảnh hưởng thường ổn định theo thời gian.

Người ta thường gọi nó với cái tên mỹ miều là “nụ hôn từ thiên thần” và cho rằng nó mang đến điềm may mắn. Bạn đọc có thể đọc thêm về câu chuyện gia đình có 40 thành viên có chỏm tóc bạc trắng trước đầu.

Bạch biến

Bạc lông mi kèm theo giảm sắc tố da vùng mắt và quanh mắt trái ở một phụ nữ bị bạch biến thể đoạn. Nguồn: Dermatology

Đây là nguyên nhân thường gặp trong chứng bạc lông tóc từng chỏm mắc phải. Bạch biến gây mất sắc tố da, lông tóc vùng bị ảnh hưởng cục bộ, theo khoanh đoạn hoặc toàn thể với bờ tổn thương giới hạn rõ.

Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tế bào hắc tố và tình trạng khử hoạt tính và/hoặc biến mất của tế bào hắc tố trong da bị bệnh bạch biến. Có một vài giả thuyết; giả thuyết đáng chú ý nhất đó là tự miễn dịch, thần kinh thể dịch, liên quan đến sự tách rời bất thường của các tế bào hắc tố khỏi các lớp biểu bì và tự độc tố tế bào.

Rụng tóc từng vùng

What is a Halo Nevus Mole
Bớt halo với các lông bị bạc trắng

Bên cạnh bạch biến, rụng tóc vùng (alopecia areata) cũng được xem xét là nguyên nhân thường gây mất hoặc giảm sắc tố của lông tóc. Biểu hiện thường thấy trong giai đoạn mọc tóc trở lại sau khi vùng da đầu, lông mày, mí bị rụng tóc trước đó.

Rụng tóc từng vùng là bệnh lý gây rụng tóc, lông từng vùng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó có những trường hợp rụng tóc bẩm sinh. Có nhiều hình thái rụng tóc từng vùng khác nhau. Các thể nặng liên quan tới tuổi trẻ, có bệnh viêm da cơ địa kèm theo, bất thường nhiễm sắc thể.

Bớt halo

Bệnh lý đặc trưng bởi tổn thương dạng nốt ruồi ở trung tâm phẳng/gờ nhẹ và được bao quanh bởi dát hình tròn, đối xứng giảm hoặc mất sắc tố với kích thước vài milimet đến vài centimet. Bệnh thường diễn tiến trong vài tuần đến vài tháng. Lông tóc ở vùng bớt halo có thể bị ảnh hưởng.

Cùng xem thêm chủ đề:

Viêm bờ mi kéo dài gây rụng lông và bạc lông mi.

Bạc lông mi do chấn thương, nhiễm trùng

Nhiễm trùng (chắp, lẹo), viêm bờ mí tái diễn hoặc thao tác nhổ lông mi thường xuyên có thể tạo sẹo, gây rụng lông mi, quặm mí hoặc phá hủy tế bào sắc tố nang lông ở mí và gây mất chức năng tổng hợp sắc tố.

Bàn luận của tác giả

Bản thân triệu chứng bạc lông mi, bạc tóc một chỏm thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của người gặp phải. Tuy nhiên, đây là một vấn đề không phải ít gặp và có thể là dấu hiệu gợi ý đến những bệnh lý khác kèm theo. Do đó, khi gặp phải tình huống này tốt nhất bạn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu uy tín để làm rõ vấn đề và điều trị hợp lý nhất.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi là ai? mời bạn đọc ghé thăm tại giới thiệu tác giả

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Nguồn tài liệu

  • Bolognia JL, Shapiro PE. Albinism and other disorders of hypopigmentation. In: Arndt KA, et al (eds). Cutaneous Medicine and Surgery. Philadelphia: WB Saunders, 1995.
  • Christopher Griffiths, Jonathan Barker, Tanya O. Bleiker, Robert Chalmers, Daniel Creamer (2016). Rook’s Textbook of Dermatology, 4 Volume Set, 9th Edition  (April 2016). New Jersey, USA:Wiley-Blackwell
  • Jean L. Bolognia, MD, Julie V. Schaffer, MD and Lorenzo Cerroni (2017). Dermatology: 2-Volume Set , 4th Edition (23 Noviembre 2017). Amsterdam, Netherlands:Elsevier.
  • Sleiman R, Kurban M, Succaria F, Abbas O (2013). “Poliosis circumscripta: overview and underlying causes”. J Am Acad Dermatol69 (4): 625–33. doi:10.1016/j.jaad.2013.05.022PMID 23850259

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here