Chăm sóc da nhạy cảm như thế nào cho đúng?

4
2097

Hôm nay, tôi sẽ nói về chủ đề da nhạy cảm và những lưu ý trong chăm sóc da nhạy cảm. Đặc biệt khi đây nỗi khổ lớn của rất nhiều bạn đa phần có làn da dầu nhạy cảm hoặc da hỗn hợp nhạy cảm như ở nước ta.

Điểm đặc biệt của bài viết
Bằng sự thận trọng của mình, tôi có thể nói đây sẽ là bài viết đầu tiên bằng tiếng việt có thể tìm thấy trên mạng chia sẻ dựa trên các bằng chứng khoa học về tình trạng nhạy cảm da này. Ít nhất là cho đến thời điểm tôi đang gõ những nội dung này đây.

Mỗi ngày, tôi đều gặp rất nhiều người gặp vấn đề dị ứng, nhạy cảm da rất đa dạng theo kiểu này hay kiểu khác và họ đều có những vấn đề nhất định liên quan đến nó. Tôi hiểu nó sẽ tác động đến làn da, ảnh hưởng đến vẻ đẹp, tự tin của chúng ta như thế nào.

Hiểu thế nào về da nhạy cảm?

Da nhạy cảm được định nghĩa là một tình trạng phản ứng nhận cảm được khởi phát bởi các yếu tố tiếp xúc và/hoặc yếu tố môi trường, thường không có bệnh cảnh lâm sàng rõ rệt. Khái niệm này được mô tả đầu tiên bởi Maibach vào năm 1987 dưới tên gọi là Hội chứng Không dung nạp mỹ phẩm (CIS). Đôi khi, chúng được mô tả như tình trạng tăng nhạy cảm, tính tăng hoạt, nhạy cảm, kém dung nạp hoặc da kích ứng.

chăm sóc da nhạy cảm
Da nhạy cảm đang gây vấn đề lớn

Mặc dù đây là vấn đề ít được quan tâm trong quá khứ nhưng dần dần trở nên là mối lo ngại và quan tâm của nhiều người hiện nay. Trong một nghiên cứu được tiến hành ở Anh Quốc, có 51.4% phụ nữ và 38.2% nam giới quan tâm đến tình trạng nhạy cảm da của họ. Các nghiên cứu khác ở Châu Âu và Bắc mỹ cũng cho những tỉ lệ tương tự.

Với các quốc gia tương đồng với chúng ta, một nghiên cứu được tiến hành ở người Nhật Bản có kết quả nhạy cảm da chiếm 54.47% trường hợp nghiên cứu. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Da của Hàn Quốc cũng có đề cập đến vấn đề này cũng dần trở nên phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng.

Dấu hiệu nhận biết da nhạy cảm?

Từ những thời điểm sớm của giai đoạn phát triển, có những giai đoạn nó khiến chúng ta, bé con của các bạn có những đợt bùng phát với hai má đỏ ong như quả dâu chín mọng, khi nào cũng có các mụn nước nhỏ, các mảng mày đay.

Có những khi bạn cảm giác như mình bị dị ứng với tất cả mọi thứ, có những người bạn đến với chúng tôi với chia sẻ rằng họ dường như không thể tham gia được các buổi tiệc tùng đòi hỏi phải trang điểm bởi vì chỉ khi làm thế thì môi, mắt trở nên căng mọng đến thấy rõ.

Còn có những bạn không thể hòa hợp với những người xung quanh đơn giản chỉ vì họ bị dị ứng với nước hoa hoặc các loại hương liệu. Những cảm giác như ngứa, châm chích, bỏng rát, nhức, căng tức hoặc khô da thường gặp phải.

Các triệu chứng này có thể xảy ra vài phút cho đến vài giờ sau khi tiếp xúc với các mỹ phẩm hoặc chất kích ứng trong môi trường hoặc thậm chí ngay sau vài đợt sử dụng các sản phẩm bôi tại chỗ, khởi phát tác động bởi hiệu ứng tích luỹ.

Da nhạy cảm có liên quan tới môi trường?

Các yếu tố vật lý

Nhiệt độ thấp, độ ẩm, gió, nhiệt và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là những yếu tố thường thấy trong bối cảnh của da nhạy cảm. Điều này thấy rất rõ vào những thời điểm chuyển giao thời tiết, những khi bạn phải thay đổi môi trường làm việc, học tập đột ngột… Tôi sẽ dành thêm một số bài viết trên blog để tiếp tục nói về chủ đề này, các bạn nhớ đón đọc nhé!

Ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm trong thế giới công nghiệp này cũng là một yếu tố góp phần vào bối cảnh này. Hãy thử tượng tượng, một ngày của bạn hoạt động liên tục ngoài trời mà không được che chắn, mang khẩu trang, áo quần dài tay thì chắc chắn ngày hôm sau bạn sẽ có cả khối vấn đề để nói với tụi bạn của mình ấy chứ.

Thực tế thì tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp hễ cứ đi đường dính nước mưa, đi ngang qua khu công nghiệp hoặc đi ngang qua một quầy rửa xe mà không được che chắn kĩ thì lại nổi lên đầy mụn mủ nhỏ li ti trên da mặt.

Mỹ phẩm có gây nhạy cảm cho da?

Thực sự khó thể khẳng định được mỹ phẩm là nguồn gốc của mọi vấn đề da nhạy cảm. Những, có thể nói mỹ phẩm chính là các yếu tố khởi phát chính của da nhạy cảm, đặc biệt ở phụ nữ do tình trạng sử dụng quá mức và đôi khi là không phù hợp (lạm dụng) các sản phẩm làm đẹp. Điều này có thể gây ra do các chất có khả năng gây kích ứng trong công thức sản phẩm như (AHA, propylene glycol, alcohol, hương liệu,…).

Duy trì độ pH da (5.5 trên bề mặt da) giúp đảm bảo hàng rào bảo vệ da cũng như độ ẩm hợp lý. Khi hàng rào bảo vệ này bị tổn thương, sự xâm nhập các chất gây ra phản ứng viêm theo một loạt các chất cytokine. Do vậy, các sản phẩm làm thay đổi pH da cũng dễ làm xuất hiện tình trạng da nhạy cảm.

Điều đáng nói hơn là những sản phẩm kem trộn, kem làm trắng không rõ nguồn gốc đầy rẫy trên thị trường cho đến nay vẫn đang còn là vấn nạn. Tôi đã từng có bài viết về những khuôn mặt sản phẩm của việc lạm dụng kem trộn/sản phẩm có chứa corticoid trước đó. Cho dù là việc sử dụng ở nồng độ nào, sản phẩm nào thì vấn đề này gây ảnh hưởng rất nhiều lên chất lượng cuộc sống của nhiều người.

Làm sao để biết bạn thuộc da nhạy cảm?

Thực tế thì tình trạng da nhạy cảm có thể biểu hiện thành 2 dạng chính: chủ quan và khách quan. Với mỗi dạng nhạy cảm sẽ có những vấn đề riêng trong việc tiếp cận chẩn đoán và đưa ra những điều chỉnh chăm sóc và điều trị.

Dạng nhạy cảm khách quan

Thường có tình trạng viêm da nền bên dưới làm thay đổi hàng rào bảo vệ da như viêm da cơ địa hoặc mụn trứng cá. Trong những trường hợp đó, các tổn thương lâm sàng có thể nhìn thấy được như là đỏ da, sẩn, mụn nước. Các bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám sẽ xác định cụ thể vấn đề này của bạn gặp phải.

Dạng nhạy cảm chủ quan

Gần như vấn đề chỉ bản thân người gặp phải vấn đề mới cảm nhận được mà không thấy bất kỳ biểu hiện nào nhìn thấy trên da. Do đó tình trạng này thường do các bạn tự chẩn đoán. Trong những tình huống này, bác sĩ sẽ cần nhiều thời gian để trao đổi với bạn, cân nhắc những xét nghiệm cần thiết và cả xem xét đến khía cạnh bắt nguồn từ yếu tố các stress tâm lý của các bạn.

nguyên nhân gây da nhạy cảm
Cơ chế được đề xuất gây da nhạy cảm

Một số bộ câu hỏi đánh giá được chúng tôi sử dụng trong quá trình đánh giá tình trạng nhạy cảm và mức độ ảnh hưởng của tình trạng đến chất lượng cuộc sống. Những tiến bộ trong những kĩ thuật mới cũng có thể phần nào giúp xác định thông qua những thay đổi trong kích thích não bộ.

Thực tế hiện tại
Hiện chưa có một test tầm soát hoặc đánh giá khách quan nào được xây dựng để chẩn đoán da nhạy cảm. Việc xác định nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và chẩn đoán, điều trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tranh cãi. Tuy nhiên, dưới ánh sáng khoa học, chúng đang dần được làm sáng tỏ hơn.

Chăm sóc da nhạy cảm đúng cách thế nào?

Trước tiên, cần phải xác định ngay từ đầu thì chăm sóc da nhạy cảm là một vấn đề khó khăn cần nhiều yếu tố để mang lại kết quả. Nó không chỉ là sự am hiểu, nỗ lực của bác sĩ điều trị của bạn mà cần rất rất nhiều sự thấu hiểu, tuân thủ và cả “mồ hôi và nước mắt” của chính bạn.

Các giai đoạn chăm sóc da nhạy cảm

Chăm sóc và điều trị da nhạy cảm thường trải qua một số bước. Trong một số trường hợp cần xác định đâu là yếu tố làm dễ cho tình trạng viêm da gây ra triệu chứng, kiểm soát những yếu tố tá động đến vấn đề để giúp cải thiện triệu chứng. Tất cả những vấn đề đó đều cần được xây dựng một quy trình chăm sóc riêng biệt, từng bước giải quyết từng vấn đề một, cải thiện hàng rào bảo vệ da trở nên khỏe mạnh hơn.

Giai đoạn cấp tính

Trong giai đoạn này, một số thành phần hoạt tính có thể sẽ được bác sĩ sử dụng để làm giảm triệu chứng và tùy vào tình trạng mà có thể cần thiết điều chỉnh các sản phẩm đang sử dụng cho phù hợp.

Giai đoạn phục hồi và duy trì

Việc bổ sung độ ẩm một cách hợp lý giúp phục hồi lại và duy trì được hàng rào bảo vệ da. Giúp da đủ sức để không bị quá nhiều những tác động của các yếu tố  gây nhạy cảm, dị ứng từ môi trường và bên trong.

Đồng thời, loại bỏ đi tối đa những tác động gây hại cho da (ví dụ như như tia UV, stress, ô nhiễm, nhiệt nóng, khói thuốc lá, các thức ăn không tốt, sản phẩm trị liệu không phù hợp). Điều trị tốt bệnh lý da hoặc cơ thể bên dưới làm khởi phát hoặc làm nặng tình trạng vấn đề đang có.

Nhật ký chăm sóc da nhạy cảm tại nhà?

Bảng dưới đây là một số gợi ý về liệu trình chăm sóc da hằng ngày mà bạn có thể áp dụng cho mình. Bạn đọc có thể tham khảo thêm về chế độ dinh dưỡng, và các yếu tố khác ở những chủ đề khác như làm gì khi da nhạy cảm, kích ứng và trứng cá đỏ trên blog…

hướng dẫn chăm sóc da nhạy cảm tại nhà

Một số thuốc được sử dụng có thể gây phản ứng nhạy cảm ánh sáng. Ví dụ như tetracycline hoặc một số kháng sinh tương tự, steroid toàn thân. Một số kem kê đơn như retinoid (Retin A, Tazorac, Differin…) có thể khiến da nhạy cảm hơn.

Kẻ thù đang ở ngay bên chính bạn!
Hạn chế việc sử dụng những sản phẩm như chăn ga, gối nệm, khẩu trang có sợi len, sợi vải thô vì đây là những yếu tố rất dễ làm nặng tình trạng của bạn. Một điều đặc biệt quan trọng đó là những thành phần tạo màu sặc sỡ (đỏ, vàng…) là những nhóm chất có khả năng gây dị ứng cao cho nên bạn cũng cần tránh sử dụng các sản phẩm khẩu trang, gối… như trên.

Những lưu ý khác trong chăm sóc và điều trị

Trong khuôn khổ bài viết này, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề lưu ý khác được lược qua hoặc không đề cập đến. Tôi sẽ tiếp tục nói đến chúng trong những bài viết về chăm sóc da nhạy cảm trong blog hoặc một buổi trò chuyện riêng với bạn. Sau đây là những lưu ý dành cho ngày hôm nay.

  • Tránh tiếp xúc với nhiệt nóng quá mức (để đầu xông hơi quá gần, thời gian quá lâu…). Tốt nhất, bạn nên tránh việc xông hơi ở nhà.
  • Tránh paraffin, mặt nạ tĩnh điện, hoặc mặt nạ sinh nhiệt loại khoáng (exothermic mineral-type heating mask). Tránh để khô mặt nạ quá mức, hoặc để mặt nạ đất sét quá lâu. Loại này cũng là lựa chọn không phù hợp cho da nhạy cảm.
  • Sử dụng các sản phẩm không có hương liệu. Hương liệu đứng hàng số một trong những chất được biết đến gây dị ứng hoặc nhạy cảm mỹ phẩm.
  • Cà mặt, máy rửa mặt, tẩy tế bào chết bằng enzyme, gommage (lăn), các loại tẩy tế bào chết có hạt cần tránh sử dụng.
  • Triệt lông mặt cũng cần tránh thực hiện
  • Tránh tẩy tế bào chết bằng hóa học với pH cực thấp (ví dụ như AHA hoặc enzyme có pH thấp), nên sử dụng pH >3.5. Khi còn sự ngoài nghi về sản phẩm thì tốt hơn không sử dụng.
  • Tránh massage mặt thô bạo và kéo dài, ví dụ như petrissage hoặc bất kỳ thủ thuật tác động mạnh hoặc quá nhanh cũng có thể gây kích ứng da, làm tăng đỏ mặt. Effleurage, shiatsu, tapotement nhẹ nhàng và dẫn lưu bạch mạch bằng tay (nếu được đào tạo bài bản về chúng) có thể áp dụng cho những trường hợp da nhạy cảm.
  • Nhiều loại dầu thiết yếu hoặc các sản phẩm aromatherapy có thể quá kích ứng cho da nhạy cảm.
  • Tránh các sản phẩm điều trị có nền cồn hoặc menthol, các sản phẩm có chứa isopropyl hoặc SD alcohol…

Nói riêng về chống nắng dành cho da nhạy cảm?

Chống nắng vật lý như là kẽm oxide và titan dioxide được ưa dùng hơn ở những bệnh nhân đỏ mặt, da nhạy cảm. Các chống nắng hoá học có thể giải phóng nhiệt khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và có thể làm nặng nề thêm tình trạng đỏ mặt. Kẽm oxide còn có những ưu điểm trong vai trò của một chất kháng viêm. Chất chống oxy hoá thường chứa nồng đồ các hoạt chất chính thấp hơn (ví dụ như L-ascobic acid 10%) để giảm khả năng gây kích ứng.

Cần làm gì khi da của bạn là nhạy cảm?

Trong suốt thời gian đầu điều trị, bạn cần được tái khám lại sau 4-6 tuần hoặc sớm hơn để đánh giá lại tình trạng da, đánh giá độ dung nạp và đáp ứng với thuốc, và nếu cần thiết có thể điều chỉnh lại kế hoạch điều trị. Bác sĩ cũng có thể đánh giá về tình trạng khô da và các biến chứng khác có thể xảy ra.

Ví dụ như nếu da trở nên quá khô trong quá trình điều trị thì có thể bổ sung vào liệu trình một sản phẩm cấp ẩm cho da (ví dụ như sản phẩm có chứa hyaluronic acid và vitamin B5; urea, sodium hyaluronate, niacinamide và glycerin). Cần sử dụng 2-3 lần mỗi ngày.

Theo dõi sau đó, một khi đã có được một liệu trình chăm sóc da tốt và tình trạng da ổn định thì tốt nhất bạn cần được đánh giá lại mỗi 6 tháng hoặc khi cần thêm sản phẩm mới.

Một cuốn sổ nhật ký!
Và đừng quên ghi lại tất cả mọi thứ đối với da nhạy cảm của bạn trong muốn nhật ký! Chắc chắn rồi, tôi sẽ rất cần đến những điều này khi thăm khám cho bạn đấy!!

Lời nói cuối!

Cuối cùng, có một sự thật không thể phủ nhận được đó là bên cạnh các chế độ chăm sóc, trị liệu chuyên sâu thì có những yếu tố cơ bản đến từ chính những thói quen, lối sống, chế độ chăm sóc da hàng ngày mà bạn đang có. Tôi luôn tâm niệm về những giá trị và kết quả bền vững được mang lại từ quá trình đi tìm và giải quyết từng vấn đề, từng trường hợp cụ thể. Điều này không chỉ riêng với chăm sóc da nhạy cảm mà còn cho tất cả các vấn đề khác. Nó có thể mất nhiều thời gian nhưng chắc chắn tôi sẽ cố gắng cùng bạn đồng hành trong cuộc chiến này!

BS Trần Ngọc Nhân

Tái bút: Nhớ đón đọc những chủ đề liên quan về da nhạy cảm và rất nhiều chủ đề có thể cần cho bạn trên blog của tôi. Đừng quên chia sẻ với tôi những cảm nhận của bạn, những ý tưởng của bạn giúp tôi nhé!

Tài liệu tham khảo

  • Ahn, Sung Ku et al. “Baumann Skin Type in the Korean Female Population.” Annals of dermatology vol. 29,5 (2017): 586-596. http://dx.doi.org/10.5021/ad.2017.29.5.586
  • Arun C Inamadar et al (2013). Sensitive skin: An overview. Indian J Dermatol Venereol Leprol [serial online] 2013. Available from: http://www.ijdvl.com/text.asp?2013/79/1/9/104664
  • Escalas-Taberner J1, González-Guerra E, Guerra-Tapia A (2011). Sensitive skin: a complex syndrome. Actas Dermosifiliogr. 2011 Oct;102(8):563-71. http://dx.doi.org/10.1016/j.ad.2011.04.011.
  • Honari, Andersen and Maibach (2017). Sensitive Skin Syndrome, 2nd Edition. CRC Press, March 2017. ISBN 9781315121048.  doi: https://doi.org/10.1201/9781315121048
  • Ida Duarte et al (2017). Sensitive skin: review of an ascending concept. An. Bras. Dermatol. vol.92 no.4 Rio de Janeiro July/Aug. 2017 http://dx.doi.org/10.1590/abd1806-4841.201756111

4 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here