Bàn luận về an toàn trong chăm sóc da

0
813

An toàn người bệnh khi điều trị, lựa chọn sản phẩm chăm sóc da đóng vai trò quan trọng. Tác động đến các yếu tố bên ngoài như quy định, kinh tế và những yếu tố thúc đẩy sẽ giảm thiểu rủi ro y khoa

Mất an toàn rất thường gặp!

Khoảng 5 hôm trước, tôi nhận được một điện thoại đến vào khoảng 9-10 giờ tối gì đấy. Đó là bệnh nhân cũ khoảng 2 năm trước mà tôi khá ấn tượng không những vì làn da đẹp, mà còn bởi lẽ sự tỉ mỉ chăm chuốt làn da của chỉ, lại là người có kiến thức liên quan đến chuyên ngành hóa dược.

“Bác Nhân ơi, thật sự làm phiền Bác nhưng em không còn biết nên tin tưởng ai và nên làm thế nào. Gần 1,5 tháng nay em không thể nói chuyện với mọi người một cách bình thường được. Da em đỏ, nứt quanh miệng mặt đến nỗi cảm giác khi mở miệng ra to là cảm giác da như đang nứt ra, tình trạng lại càng ngày càng tệ hơn. Trước đây em chưa bao giờ bị, giờ em không biết phải làm thế nào nữa…!” Đến lúc này thì giọng chị ấy bắt đầu run run, ngắt quãng.

Vấn đề là chị ấy được một hãng sản phẩm có tên tuổi trên thị trường hiện tại, tư vấn về cách chăm sóc da nào là gồm có tretinoin, BHA, AHAs đan xen hỗn tạp. Mục tiêu được đặt ra là kiên trì sau 6 tháng sẽ đạt được kết quả. Nhưng đâu chừng khoảng 2 tháng, da bắt đầu đỏ, bong tróc và vùng da quanh miệng có xu hướng nổi sần quanh nang lông rất nhiều. Rất nhiều phản hồi ngược lại hãng, nhưng vẫn luôn được nhận định là da chết và sợi bã nhờn nên chị lại được bổ sung thêm thuốc uống isotretinoin (thuốc làm giảm nhờn, điều chỉnh sừng hóa da) để gia tăng thêm hiệu quả. Và sau đó thì thực sự mỗi lúc một tệ đi cho đến khi chị ấy gọi cho tôi như ở trên.

Vấn đề câu chuyện này nằm ở việc áp đặt lý thuyết về triệu chứng như đỏ, sần da, bong tróc cho đến mục tiêu, thời gian điều trị. Dẫn đến ứng dụng sai lệch và gây hậu quả. Khi thực hành lệch khỏi phạm vi chuẩn quá nhiều sẽ được gọi ứng dụng sai. Rất may mắn là với những thành phần trên thường hiếm khi để lại di chứng kéo dài, có thể phục hồi hoàn toàn được. Thế nhưng nếu đó là dòng sản phẩm không rõ nguồn gốc, chứa những chất cấm sử dụng thì kết cục sẽ mệt mỏi hơn rất nhiều.

Tôi sẽ dành một bài viết để phân tích kĩ hơn về case lâm sàng này sau, nếu bạn có hứng thú hãy follow và đón đọc cùng tôi trong những nội dung tiếp theo nhé. Trong khuôn khổ phần còn lại của bài viết tôi sẽ đề cập đến chuyện thực hành an toàn trong chăm sóc sức khỏe và vấn đề đầu bài đề cập đến.

An toàn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là PatientSafety_570_640_s_c1_1.jpg

Phải xác định ngành y có tính chất đặc thù lấy trọng tâm chất lượng làm gốc. An toàn người bệnh là một cấu phần vô cùng quan trọng trong chất lượng y tế. An toàn được xem xét từ khía cạnh cảm nhận của người bệnh, tuy nhiên thực tế đã nói đến ngành y là phải chấp nhận rủi ro, nguy cơ.

Khi xảy ra lỗi sự cố y khoa, không những nó làm mất đi giá trị sức khỏe con người, nó còn làm mất rất nhiều chi phí về thời gian, tiền bạc, và chi phí cơ hội cho nó. Chị gái ở trên tốn khoảng 10 triệu cho bộ mỹ phẩm, mất 4 tháng thời gian, nhận lại cảm giác bi quan và giảm đi chất lượng sống, giao tiếp công việc. Một vòng luẩn quẩn thiệt hại, do đó để thoát ra khỏi cần xác định ngay từ đầu và cố gắng xây dựng hành động cho trạng thái “zero defects” từ khi khởi động.

Ngay từ thời Hypocrates – ông tổ nền y học hiện đại đã đưa ra ý niệm “first, do no harm” có nghĩa làm gì làm, điều đầu tiên về sức khỏe là không được làm hại. Nói thì dễ, thực hành mới khó. Những áp lực về tiền bạc, trở ngại pháp lý quy định, sức ỳ của sự thay đổi và những rào cản không vượt qua được. Chuyện được chấp nhận đối với bệnh nhân không đơn giản chỉ là không gây hại đơn thuần mà còn phải đem đến cảm giác chữa lành và thoải mái khác đi kèm.

Lỗi sự cố y khoa

Lỗi sự cố được định nghĩa như sự thất bại của một kế hoạch hành động để có thể hoàn thành như dự tính hoặc sử dụng kế hoạch sai lệch để đạt được mục tiêu. Theo chuyên gia James Reason, lỗi phụ thuộc vào hai loại thất bại:

  • Hành động đúng không được diễn ra như dự tính (lỗi thi hành)
  • Hành động dự tính được xây dựng không đúng đắn (lỗi lên kế hoạch)

Và lỗi có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình chăm sóc, từ chẩn đoán, cho đến điều trị và cả chăm sóc dự phòng. Lấy lại ví dụ ở trên, lỗi đến từ khâu chẩn đoán (hiện tượng bong tróc, sần da, đổ nhờn được xem là do tế bào chết trên da quá nhiều, da không sạch). Dẫn đến điều trị sai là gia tăng các acid và các chất bong sừng mạnh hơn, thậm chí dùng đến thuốc uống. Và cắt luôn khâu chăm sóc là tất cả dưỡng ẩm và biện pháp bổ trợ khác – thuộc về lỗi lên kế hoạch.

Không phải tất cả các lỗi đều gây hại. Lỗi có thể gây hại đôi khi được gọi là những biến cố rủi ro có thể phòng tránh. Một biến cố rủi ro (tác dụng phụ) là một kết quả gây hại được đưa đến từ can thiệp y khoa, hoặc trường hợp khác là do những tình trạng nền của bệnh nhân. Và không phải tất cả đều phòng tránh được. Lấy ví dụ, nếu bác sĩ kê cho bạn một tuýp thuốc thoa phù hợp để điều trị bệnh nhưng bạn bị dị ứng ngứa đỏ ngay sau đó, trong khi lịch sử chưa có tiền sử gì trước đó thì điều này không thể tránh được. Nhưng nếu để kê một thuốc thoa gây khô nứt gây mất chất lượng sống hàng ngày trong khi sớm có những dấu hiệu nhận biết rất sớm và đã có rất nhiều kiến thức y văn, hướng dẫn an toàn sử dụng thì đó là lỗi rất đáng trách như ở trên – thuộc về lỗi thi hành.

Dĩ nhiên để phân tích rõ hơn về lỗi lên kế hoạch và thi hành trong tình huống trên sẽ là một nội dung vô cùng phức tạp. Chỉ trích, dè bỉu cái sai không giúp làm giảm đi lỗi. Nói như vậy không phải là phủ định tính trách nhiệm rõ ràng trong từng việc. Nhưng hơn hết là bài học, xây dựng quy trình an toàn ở mọi cấp độ để làm cho mọi thứ an toàn hơn như các mà giáo sư Deming đã nói “cải tiến quy trình là con đường duy nhất để cải tiến được chất lượng”.

Quy trình, quy định, kỷ luật không thể xem nhẹ

Tôi có nhiều người bạn cùng ngành luôn suốt ngày than phiền về sự rườm rà của quy trình máy móc, áp đặt và thậm chí là phản ứng ngược nói xấu đủ thể loại khác. Thú thực thì tôi cũng có những lúc như thế, chỉ muốn chửi sếp, chửi tất cả về cái sự phiên toái của nó gây ra. Nhưng nếu chậm lại, nghĩ sâu hơn về cái giá trị và sứ mệnh của mình thì tôi lại cảm giác hạnh phúc, biết ơn vì cấp trên, tổ chức đã rất vất vả xây dựng quy trình, quy định như thế.

Mô hình chung về các yếu tố bên ngoài ảnh hướng đến chất lượng chăm sóc y tế
Mô hình chung về các yếu tố bên ngoài ảnh hướng đến chất lượng chăm sóc y tế

Cùng nói một chút về mô hình yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trong chăm sóc sức khỏe. Chúng ta đang nhìn về mảng an toàn và đây là vấn đề trọng yếu trong chất lượng và quả thực rất khó để đi đến được các mảng cao hơn khi ở phần này chúng ta bị “mất trụ”. Và như các bạn thấy, an toàn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quy định, pháp luật ban hành. Khi tiến gần đến với cá nhân hóa hơn thì các yếu tố về kinh tế và những động lực thúc đẩy là những thứ có tác động mạnh mẽ.

Tôi lấy ví dụ như hồi nhỏ, khi đi đâu tôi cũng được nhắc về nhà trước bữa cơm tối. Tôi không thấy phiền điều này lắm vì nó giúp tôi tránh được những nguy hiểm rất dễ xảy đến vào ban đêm. Lớn lên chút đi học và làm việc xa nhà, tôi rõ hơn về mọi thứ xung quanh thì tôi có thể có những buổi hẹn đối tác, bạn bè đến 22h-23h đêm để phù hợp hơn cho công việc, những mối quan hệ của tôi. Dĩ nhiên nhưng vẫn trên nền tảng kinh nghiệm an toàn tích góp từ nhỏ. Ấy phải chăng là cá nhân hóa!

Cần làm gì để an toàn hơn?

Xét về mô hình và thực tế, việc gia tăng quy định, quy trình hoặc pháp luật sẽ là nền tảng cốt lõi để nâng cao độ an toàn. Kinh tế, chuyên nghiệp hóa và những động lực khác có thể và nên tái thúc đầy ưu tiên này hơn hết. Điều này có thể được mang đến qua hai cách:

  • Đầu tiên, nâng cao sức mạnh nội lực của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, chính phủ có khả năng đưa ra hành động từ bên trong nhằm cải tiến chất lượng. Qua đó, kêu gọi được những nguồn lực bên ngoài cần cho tổ chức và quan trọng hơn hết là người dân/người tiêu dùng. Thiếu hành động thích hợp sẽ dẫn đến trả giá.
  • Thứ hai, đòi hỏi tất cả các tổ chức chăm sóc sức khỏe đầu tư tối thiểu vào hệ thống dành cho chất lượng, qua đó tạo ra nhiều lớp bảo vệ hơn từ ngành công nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân. Không mải mê đặt lợi ích bản thân, tổ chức về kiếm tiền mà bỏ quên nhiệm vụ này.

Dĩ nhiên, cần phải xác định rõ rằng quy định luôn mang đến những cảm giác khó chịu, kém thúc đẩy cho trải nghiệm chất lượng như cảm giác lỏng lẽo hay mâu thuẫn chuẩn mực. Khi áp lực cộng đồng đủ mạnh sẽ thôi thúc được khía cạnh đầu tiên.

Gợi ý an toàn trong chăm sóc da cho bạn

Xuất phát từ những phân tích trên, khi chúng ta đang trông chờ những quy định cao hơn của chính phủ hoặc tổ chức lớn trên thế giới hành động phù hợp trong quản lý an toàn dược mỹ phẩm, dụng cụ y tế chăm sóc da. Tôi nghĩ về mặt thứ hai, bạn có thể tham khảo một số gợi ý mà tôi đưa ra sau đây để giúp bạn có thể có những lựa chọn an toàn hơn:

  • Nhờ đến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa uy tín: nếu bạn chưa có kiến thức về chăm sóc da an toàn, nhận định được những nguy hiểm của nó (một đứa trẻ trong chăm sóc da) thì hãy tìm đến môi trường an toàn (bác sĩ, phòng khám, bệnh viện uy tín). Tránh nghe theo sự xúi giục của cộng đồng mạng.
  • Nâng cao năng lực của bản thân: không ngừng tìm hiểu những kiến thức về chăm sóc da từ cơ bản rồi hẵng đến chuyên sâu, tuần tự từng bước một với những nguồn thông tin đáng tin cậy. Và nếu có thể, đừng tiếc một chút thời gian, tiền bạc để đầu tư nâng cao năng lực với các sách chuyên khảo uy tín.
  • Lắng nghe và phản hồi: lắng nghe cơ thể bạn, làn da của bạn để kịp thời đưa ra được những phản hồi sớm, tìm ra hướng giải quyết sớm. Đừng ngại đặt ra câu hỏi đối với người/tổ chức đang cung cấp dịch vụ sức khỏe cho bạn. Làm điều này trước khi tìm đến các nguồn khác bởi vì chính họ mới là người nắm rõ và chịu trách nhiệm cho dịch vụ. Nếu không được giải quyết, hãy thay đổi.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here