Ngứa da, dị ứng có cần kiêng thịt gà?

0
5063

Ăn uống là con đường lớn nhất mang đến một lượng lớn các kháng nguyên lạ từ ngoài vào hệ thống miễn dịch của cơ thể người. Nó rất khác biệt giữa người này với người khác, quá trình sinh dị ứng được sinh ra do mối liên quan di truyền và đáp ứng của cơ thể dần dần theo thời gian sinh dị ứng khi không dung nạp được. Những phản ứng dị ứng với sữa được mô tả đầu tiên từ thời Hippocrates hơn 2000 năm trước và cho đến nay nó vẫn là mối quan tâm lớn không trừ riêng ai.

Thịt gà là một thực phẩm ngon và sẵn có ở nước ta thường có mặt trong các bữa ăn hàng ngày. Chủ đề bài viết này dành riêng để nói về vấn đề dị ứng với thịt gà và những điểm cần lưu ý cho mọi người.

Dị ứng khi ăn thịt gà?

Thịt gà được liệt kê là một trong số những thức ăn dễ gây nên vấn đề dị ứng thức ăn đối với dạ dày ruột không qua trung gian IgE (thường gặp nhất là FPIES). Vấn đề này thường gặp ở trẻ trong độ tuổi vài tháng cho đến một vài năm đầu đời (thường 2-3 năm đầu).

Khi gặp phải vấn đề này, trẻ thường nôn sau khi ăn những thức ăn nhạy cảm sau khoảng 1-4 giờ, và những lần tiếp xúc sau đó có thể gây tiêu chảy (sau khoảng 4-8 giờ) phân nước hoặc có máu, chướng bụng, kéo dài gây thiếu máu, kém hấp thu, chậm tăng cân.

Bên cạnh thịt gà thì một số thực phẩm khác thường thấy như sữa công thức (thường gặp nhất), trứng, đậu lạc, các sản phẩm chế phẩm từ protein đậu nành, yến mạch, bột mì, hạnh nhân, gà tây và cá, hải sản (những thực phẩm có chứa lượng protein tương đối cao). Ở người lớn có thể nhạy cảm với thức ăn tôm cua, trai sò và có các biểu hiện tương tự (dao động khoảng 2%). Thói quen sử dụng thực phẩm từng vùng miền cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ các thực phẩm khác nhau. Như ở Nhật Bản thì nổi trội còn có dị ứng với tam giác mạch (buckwheat).

Dị ứng thức ăn biểu hiện ở da & thịt gà?

Thịt gà không được liệt kê nằm trong những nhóm thức ăn dễ gây phản ứng ở da bởi vì thịt nói chung chủ yếu gây dị ứng không qua trung gian IgE là chính. Những nghiên cứu thống kê cho thấy có ít hơn 5% bệnh nhân viêm da cơ địa có dị ứng đồng thời với thịt gà và thịt lợn. Những trường hợp ban da như mày đay phù mạch thường gặp đối với sữa, đậu nành, trứng, lúa mì, đậu lạc, hạnh nhân, các loại hạt khô và thường dai dẳng với hải sản. Dị ứng khi tiếp xúc trực tiếp (thường gặp với triệu chứng ngứa, mảng phù lòng ở hai bàn tay) có thể gặp với thịt sống (thịt cừu, bò, thịt gà, thịt lợn, gan hoặc máu động vật), cá, hải sản, sữa, trứng sống, một số loại rau củ. Tuy nhiên, đã là dị ứng thì một thức ăn, uống nào cũng có thể gây nên vấn đề.

Dị ứng với trứng thì có dị ứng với thịt gà?

Thực tế thì có nhiều người nghĩ rằng họ hoặc các bé dị có thể bị dị ứng với thịt bò vì đơn giản là sữa lấy từ bò sữa. Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy. Sữa và thịt bò không có sự liên quan về thống kê y học trong phân tích nguyên nhân gây nên dị ứng thức ăn ở những trường hợp viêm da cơ địa. Và tương tự là đối với trứng và thịt gà.

Làm sao để biết có dị ứng hay không?

Khi loại bỏ thức ăn nghi ngờ thì các triệu chứng cải thiện trong vòng 72 giờ và sau đó nếu ăn lại thực phẩm đó thì sẽ gặp phải tình trạng tương tự sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, ở những trường hợp đã gây tiêu chảy kéo dài khiến tổn thương bề mặt nhung mao ruột làm thiếu hụt các men disaccharidase thứ phát thì tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài hơn lên đến 2 tuần. Qua thăm khám, đánh giá và tiền sử bệnh chi tiết (nhật kí ăn uống), một số trường hợp cần thực hiện thêm một số xét nghiệm, kĩ thuật khác, loại trừ các bệnh lý khác bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất cho bạn.

Vậy có phải ngưng thực phẩm dị ứng kéo dài?

Khoảng 1/3 trẻ em và người lớn sẽ không còn những biểu hiện phản ứng dị ứng rõ rệt (lâm sàng) sau khi tránh tiếp xúc dị nguyên 1-2 năm. Những con số thông kê về hiện tượng dị ứng sữa công thức cho thấy có 50% trường hợp tự biến mất sau 1 năm, 70% sau 2 năm và 85% sau 3 năm. Khoảng 66% trẻ dị ứng trứng có thể sử dụng lại ở sinh nhật 5 tuổi. Có một số nghiên cứu đề cập đến con số 32% trường hợp phải tiếp tục tránh sử dụng trứng cho đến năm 16 tuổi. Còn về thịt gà thì hiện chưa có những con số cụ thể cho các bạn được.

Ngứa da có cần kiêng thịt gà không?

Với những trường hợp ngứa da kéo dài, đặc biệt trong các bệnh lý mạn tính như chàm cơ địa thì hiện không có khuyến cáo kiêng sử dụng thịt gà. Đối với một số loại thực phẩm thường gặp khác thì tùy thuộc vào mức độ nghĩ đến mà bác sĩ có thể hướng dẫn chi tiết riêng cho bạn, hoặc được làm thêm các test để xác định cụ thể.
Nếu bạn được bác sĩ chuyên khoa xác định dị ứng với thịt gà thì hãy tránh sử dụng một thời gian dài, sau đó có thể sử dụng lại với lượng ít. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ của mình trước khi bắt đầu thực hiện, không áp dụng cho những trường hợp trước đó có phản ứng nặng với thức ăn dị ứng nào đó.

Nhật ký ăn uống, dị ứng?

Là một phần quan trọng trong tiền sử bệnh để giúp xác định mối liên quan giữa thức ăn và khởi phát triệu chứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ gợi ý ghi lại tất cả thức ăn đã sử dụng qua một thời gian đặc biệt nào đó (thường xung quanh giai đoạn bệnh), bao gồm cả thức ăn không nuốt như kẹo chewing gum. Bất cứ triệu chứng nào trải qua cũng nên được ghi lại. Và đừng quên cũng nhớ để ý đến các vấn đề sinh hoạt khác kèm theo (ví dụ như đi du lịch, thay đổi môi trường sống, vật nuôi trong nhà, thức ăn cho vật nuôi, nội thất…), mỹ phẩm, các thuốc hoặc thực phẩm chức năng sử dụng, tiêm chủng, hoạt động thể lực.

Trên đây là thông tin dành cho một số thắc mắc thường gặp về thịt gà trong các vấn đề dị ứng thức ăn. Hi vọng sẽ giúp ích được cho bạn đọc phần nào đó, đừng quên like, share, ghi nguồn nếu thấy bài viết ý nghĩa nhé!

BS Trần Ngọc Nhân

Tài liệu tham khảo

  • Anna Nowak-We˛ grzyn, A. Wesley Burks, and Hugh A. Sampson. Food Allergy and Gastrointestinal Syndromes, Middleton’s Allergy Essentials, Elsevier, 2017, pp 301-343.
  • Geunwoong Noh1 and Jae Ho Lee. Food Allergy in Atopic Dermatitis, Atopic Dermatitis – Disease Etiology and Clinical Management, (HB 2017) (Inglés), pp 229-250.
  • Nina C. Botto and Erin M. Warshaw. Hand dermatitis,Atopic Dermatitis and Eczematous Disorders (Inglés) 1st Edición, © 2014 by Taylor & Francis Group, LLC, pp 223-247.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here