Clindamycin phosphate + BPO (peroclin) trị mụn nang không nhân?

0
2401

Mụn là một quá trình mạn tính, phức tạp liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid bất thường, rối loạn sừng hóa, khuẩn chí da và đáp ứng viêm. Điều trị mụn là cuộc chiến gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những tổn thương mụn viêm, mụn nang bọc, mụn trứng cá trên nền da nhạy cảm. Những công thức thoa phối hợp cố định như Clindamycin phosphate + BPO mang đến nhiều hữu ích trong điều trị.

Mụn nang không nhân là gì?

Mụn viêm nang không nhân xuất hiện rải rác khắp mặt

Đây là những tổn thương viêm đỏ gờ lớn nhô lên khỏi mặt da hoặc sờ thấy có chân sâu bên dưới da. Chúng có thể cứng chắc hoặc mềm tùy theo thành phần chất chứa bên trong nó là dịch, chất bã hay mủ. Có thể thấy cảm giác đau nhức nhẹ tự nhiên hoặc khi chạm vào. Các tổn thương này có thể tiến triển lớn dần theo thời gian hoặc bùng phát đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước, xuất hiện bất cứ nơi đâu trên toàn mặt của chúng ta.

Đáp ứng viêm xảy ra nổi trội trong các tổn thương này, tổ chức mụn nổi trộ lại các tế bào bạch cầu trung tính, loại đáp ứng viêm dương tính với TLR2, có thể dương tính với TLR4. Đơn vị nang lông tuyến bã bị quá trình viêm phá hủy hầu hết ở phần trên, viêm có thể ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ phần dưới. Do đó, những tổn thương này thường dễ để lại sẹo, thâm mụn dai dẳng nếu điều trị không phù hợp.

Phối hợp đa phương thức tác động là lựa chọn ưu tiên đối với những tổn thương này. Trong đó, kháng khuẩn, giảm viêm, thúc đẩy quá trình liền thương được ưu tiên lựa chọn. Những công thức phối hợp (ví dụ như adapalene + BPO, hoặc BPO + Clindamycin…) cho phép chúng ta tiếp cận điều trị ít vất vả và hiệu quả hơn đối với những trường hợp này.

Clindamycin phosphate trị mụn

Clindamycin phosphate dạng thoa là kháng sinh được sử dụng hiệu quả trong điều trị mụn, chúng giúp ngăn chặn sự phát triển quá mức của các chủng vi khuẩn, đặc biệt các vi khuẩn thường liên quan đến mụn. Có thể kể ra một số sản phẩm thông dụng thường thấy trên thị trường như ClindaM Thái Lan 15ml, azaroin gel, Dalacin T Gel 1%, Gentacin Nhật Bản…

Clindamycin phosphate thoa trị mụn

Thực tế kháng khuẩn là một trong những hướng đi và hướng đánh chủ lực trong điều trị truyền thống. Tuy nhiên vấn đề nhức nhối luôn được đặt ra trong khi giải quyết vấn đề này chính là đề kháng kháng sinh khi sử dụng kháng sinh đơn độc khi điều trị. Tất cả các khuyến cáo hiện có đều thống nhất đưa ra khuyến cáo tránh việc sử dụng riêng rẻ những sản phẩm thoa chứa đơn thuần kháng sinh như ở trên. Khi đó, có vẻ như công thức phối hợp kháng sinh với retinoids, BPO có thể giải quyết được vấn đề này. 

Benzoyl peroxide (BPO) trị mụn

BPO là thành phần được sử dụng hiệu quả điều trị mụn ở cả dạng kê toa lẫn không kê toa trong nhiều sản phẩm điều trị khác nhau. BPO được FDA chấp thuận trong sử dụng để điều trị mụn. Và nó cũng được khuyến cáo điều trị chuẩn trong hầu hết các phác đồ trên toàn thế giới, được dùng nhiều nhất ở Châu Âu và Mỹ. Qua các nghiên cứu được thực hiện trên người Nhật Bản cho kết quả ghi nhận không có khác biệt về hiệu quả giữa người Châu Á và phương Tây (đánh giá trên số lượng tổn thương viêm lẫn không viêm).

Một số sản phẩm chứa BPO trong điều trị mụn

Hoạt tính diệt khuẩn tốt đối với P.acnes trên da và trong đơn vị chân lông. BPO còn có tác động kìm nhờn nhẹ, bong sừng da và hiệu quả nhất là khi được sử dụng phối hợp với các liệu pháp khác trong điều trị. Ngược lại với kháng sinh thoa thì cho đến nay vẫn chưa ghi nhận tính sinh đề kháng đối với BPO. 

Cùng xem thêm chủ đề:

Ngoài những tổn thương mụn viêm, mụn nang bọc thì những chỉ định khác có thể sử dụng BPO để điều trị như:

  • Trứng cá đỏ dạng viêm mủ
  • Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm, viêm nang lông không do nhiễm khuẩn, và phát ban dạng mụn trứng cá do thuốc.
  • Giả viêm nang lông vùng râu quai nón

Sản phẩm phối hợp trị mụn có ưu điểm gì?

Khác với BPO, hay retinoids, azelaic acid được khuyến cáo hàng đầu cho mụn trứng cá viêm nhẹ (có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp). Kháng sinh thoa như erythromycin, clindamycin không còn được khuyến cáo sử dụng đơn độc để điều trị. Khi đó, những công thức phối hợp lại có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt Khuyến cáo lựa chọn hàng đầu cho mụn viêm vừa – nặng kèm thuốc uống khác… Khuyến cáo duy trì khi còn tổn thương viêm trong trường hợp mụn vừa – nặng

Một số sản phẩm thoa công thức phối hợp cố định trong điều trị mụn

Trong số những công thức trên, Clindamycin phosphate + BPO cũng là một lựa chọn mà tôi cũng thường sử dụng trong một số tình huống. Trên thị trường hiện tại với công thức này hiện có thuốc peroclin của Ấn Độ, còn một số hãng lớn khác thì không có biệt dược sẵn có.

Ưu điểm của chúng so với công thức adapalene+BPO là có thể giúp hạn chế phần nào đó được hiện tượng kích ứng da khi sử dụng cho những trường hợp mụn viêm, nang bọc ở những người da tương đối nhạy cảm. Đối với những trường hợp ưu thế về nhiễm khuẩn và viêm trong quá trình sinh mụn. Hoặc có thể cân nhắc đến khi cần thiết phải lựa chọn cho những giai đoạn đặc biệt như phụ nữ cho con bú, mang thai.

Gợi ý để tăng hiệu quả của thuốc thoa mụn?

Với những trường hợp mong muốn giải pháp phổi hợp để thúc đẩy nhanh tiến trình điều trị mà không sử dụng đến thuốc uống, tôi thường cân nhắc phối hợp sử dụng một hoặc một số phương pháp điều trị khác kèm theo. Có thể kể đến ánh sáng IPL, laser, LED, PDT, peel da hóa học, tiêm mụn, loại bỏ nhân mụn đúng cách, hoặc sử dụng một số phương pháp thúc đẩy thành phần hoạt tính qua da như điện di, aquamesoderm…

An external file that holds a picture, illustration, etc.
Object name is JRPP-6-199-g005.jpg
Hình ảnh bệnh nhân bị mụn được điều trị với BPO kết hợp IPL. Sau 2 lần điều trị IPL (giữa) và sau khi kết thúc điều trị 1 tháng (phải)

Hình ảnh trên là kết quả điều trị phối hợp BPO và IPL. Các nghiên cứu cho thấy khi sử dụng phối hợp như vậy giúp rút ngắn thời gian điều trị, gia tăng mức độ hài lòng về kết quả điều trị và kéo dài thời gian ổn định sau khi điều trị thành công. Ánh sáng IPL còn ưu thế mang đến hiệu quả trên các tổn thương thâm sau mụn để lại.

Có dị ứng benzoyl peroxide + Clindamycin?

Ở nồng độ cao, BPO thoa có thể gây đỏ da, khô, bong vảy. Cũng có một số trường hợp ghi nhận tình trạng viêm da tiếp xúc (nhưng tỉ lệ không quá cao). Trong trường hợp đó thì chỉ ngưng sản phẩm vài ngày la tình trạng sẽ phục hồi lại tốt. Phần lớn các trường hợp xảy ra tác dụng phụ xuất hiện trong giai đoạn đầu điều trị. 

Những trường hợp sử dụng isotretinoin uống với BPO cũng làm tăng kích ứng da, khô da. Thoa đồng thời BPO với tretinoin có thể làm giảm hiệu quả của tretinoin và cần tránh. Không giống như tretinoin, adapalene lại trơ đối với tác động oxi hóa của BPO và được dùng phối hợp trong cùng 1 công thức.

Các nghiên cứu cũng ghi nhận tỉ lệ xuất hiện kích ứng da tại vị trí thoa ở các nước Á Đông cao hơn so với phương Tây, điều này có thể liên quan đến những cấu trúc hàng rào bảo vệ da ở người Châu Á yếu hơn so với người Âu. Bằng cách dùng dưỡng ẩm kèm theo và tuân thủ lượng sản phẩm sử dụng phù hợp sẽ có thể giảm thiểu tỉ lệ gặp phải những vấn đề này. 

Những bệnh nhân có tiền sử nhạy cảm với BPO không nên sử dụng sản phẩm này. Những ai nhạy cảm với cinnamon hoặc các dẫn xuất khác của benzoic acid cũng cần thận trọng khi sử dụng vì có thể xảy ra tương tác chéo.

BPO không được chỉ định sử dụng cho vùng quanh mắt, miệng, mũi, niêm mạc và các vết thường hở bởi vì chúng có thể gây kích thích dữ dội. Những trường hợp vô tình tiếp xúc với niêm mạc, kết mạc mắt thì cần rửa sạch với nước trong tối thiểu 15 phút.

Lời nói cuối

Công thức thoa phối hợp là một trong những lựa chọn hữu dụng cho các trường hợp mụn viêm nang. Trong quá trình sử dụng cần lưu ý một số tác dụng phụ như kích ứng da thường gặp phải. Bằng cách xác định chi tiết vấn đề gặp phải, nền da đặc trưng và các yếu tố cá nhân liên quan của bạn, bác sĩ chuyên khoa có thể kết hợp các phương pháp khác kèm theo điều chỉnh chăm sóc da để gia tăng hiệu quả, nâng cao mức độ hài lòng khi điều trị.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi là ai? xem thêm giới thiệu tác giả

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Tài liệu tham khảo

  • Andrea L. Zaenglein, Arun L. Pathy, Bethanee J. Schlosser, Ali Alikhan, Hilary E. Baldwin, Diane S. Berson, Whitney P. Bowe, Emmy M. Graber, Julie C. Harper, Sewon Kang, Jonette E. Keri, James J. Leyden, Rachel V. Reynolds, Nanette B. Silverberg, Linda F. Stein Gold, Megha M. Tollefson, Jonathan S. Weiss, Nancy C. Dolan, Andrew A. Sagan, Mackenzie Stern, Kevin M. Boyer, Reva Bhushan, Guidelines of care for the management of acne vulgaris, Journal of the American Academy of Dermatology, Volume 74, Issue 5, 2016, Pages 945-973.e33, ISSN 0190-9622, https://doi.org/10.1016/j.jaad.2015.12.037.
  • Mokhtari, F., Gholami, M., Siadat, A. H., Jafari-Koshki, T., Faghihi, G., Nilforoushzadeh, M. A., Hosseini, S. M., & Abtahi-Naeini, B. (2017). Efficacy of Intense-pulsed Light Therapy with Topical Benzoyl Peroxide 5% versus Benzoyl Peroxide 5% Alone in Mild-to-moderate Acne Vulgaris: A Randomized Controlled Trial. Journal of research in pharmacy practice6(4), 199–205. https://doi.org/10.4103/jrpp.JRPP_17_29
  • Tan, A. U., Schlosser, B. J., & Paller, A. S. (2017). A review of diagnosis and treatment of acne in adult female patients. International journal of women’s dermatology4(2), 56–71. https://doi.org/10.1016/j.ijwd.2017.10.006

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here