“Hà ăn chân” là bệnh gì mà khiến ông cha “tởn” đến già?

1
18550

“Một lần mà tởn đến già 
Chớ đi nước mặn mà Hà ăn chân”.

Đây là chủ đề được một số diễn đàn bàn tán sôi nổi, tìm kiếm xem con “hà” là con gì mà gây nên nỗi khiếp sợ đến thế. Cùng lục lại từ điển tiếng việt, có thể bạn đọc sẽ bắt gặp những định nghĩa như:
1) danh từ chỉ những con hàu nhỏ sống thành từng đám trên mặt đá hoặc thân cây ngập nước vùng ven biển.
2) là động vật ngành thân mềm, hình cuống dài, không có vỏ, sống ở vùng nước mặn và nước lợ, bám và đục thủng gỗ, đá trong nước. 
3) Bọ hà hại khoai lang (Cylas formicarius) hay còn gọi là sâu hà hại khoai lang hay sùng hại khoai lang thuộc bộ cánh cứng. Chúng là loài côn trùng chuyên sống ký sinh các loại khoai lang và khoai tây gây ra thiệt hại cho mùa màng trong sản xuất khoai lang đặc biệt là ở những vùng khô hạn hoặc chuyển tiếp giữa mùa mưa và mùa khô. Nhiều nông dân gọi là con sùng đinh bởi vì củ khoai lang thiệt hại giống như khi họ đội rổ khoai lang té trong thùng đinh gây nên.
4) danh từ để chỉ sâu ăn dưới bàn chân của người và một số động vật như ngựa, lợn…

Bọ hà ăn khoai và bệnh hà ăn chân

Qua những định nghĩa trên, ta sẽ thấy có loại “hà” sống ở biển (nước mặn) và “hà” sống ở vùng đồng đất (đồng bằng, trung du, đồi núi) là rõ ràng hai loại khác nhau. “Hà” ở biển là một nguồn hải sản có giá trị kinh tế tuy nhiên đôi khi nó cũng thường gây tác hại cho tàu thuyền, cơ sở hạ tầng biển. Còn “hà” là dạng “sâu ăn dưới bàn chân của người và một số động vật hay ở thực vật như khoai lang, khoai tây” thì chỉ có hại.

Hình ảnh tương đồng giữa hà ăn khoai và hà ăn chân

Khi so sánh những điểm chung giữa các vấn đề trên, bản thân tôi có những điều liên hệ mật thiết về tính tương đồng của tình trạng gây nên do loại hà gây bệnh cho khoai và trên người (hãy để ý vùng khoanh tròn màu xanh lá cây có rất nhiều hình ảnh dạng rỗ từng cụm trên bề mặt). Con “hà” trong câu ca dao kia có thể là xuất phát từ các củ khoai này chăng? Vậy thế thì nước mặn, và biển có liên quan gì không?

Để hiểu hơn về tình trạng này hay đi tìm lời giải cho câu ca dao được nêu ra ở trên. Từ đó cũng như tìm kiếm các giải pháp để điều trị cũng như phòng tránh cho chính bạn và những người xung quanh. Bạn đọc có thể cùng tôi điểm qua những nét chính trong nội dung dưới đây theo cách nhìn khoa học, rõ ràng.

Hà ăn chân là bệnh gì?

“Hà ăn chân” hay bong sừng dạng lỗ (Pitted keratolysis) là thuật ngữ mô tả cho tình trạng nhiễm trùng da nông do vi khuẩn ở vị trí lòng bàn chân, và có thể là lòng bàn tay cũng gặp phải. Và chắc hẳn có nhiều trường hợp chỉ để ý đến sự xuất hiện của nó chỉ bởi hiện tượng làm cho bàn chân bốc mùi khó chịu.

Ban đầu nó được bác sĩ Castellani đặt tên là keratoma plantare sulcatum vào năm 1910. Nhưng dần sau đó chúng dần trở nên phổ biến hơn với tên gọi mà 2 tác giả Taplin và Zaias đặt như hiện nay vào năm 1967. Đặc trưng của bệnh là tạo ra các cụm lỗ bong da.

Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

Nguyên nhân gây bàn chân bị lỗ rỗ?

Mặc dù cơ chế gây bệnh chưa thực sự rõ ràng, nhưng có một số chủng gây ra tình trạng này như corynebacteria, Dermatophilus congolensisKytococcus sedentarius, actinomyces và Streptomyces tham gia vào việc gây nên tình trạng này. Đây đều là các loại vi khuẩn ưa thích môi trường ẩm ướt và độ pH da trung tính. Chúng gây phá hủy các tế bào sừng bằng cách phóng thích ra các enzyme phân giải protein (protease), sau đó xâm nhập vào lớp sừng da và gây ra triệu chứng cho người bệnh.

Mùi hôi gây ra do các thành phần hóa học có gốc sulfur (lưu huỳnh) được sản sinh bởi vi khuẩn như: thiols, sulfides và thioester hoặc sản phẩm isovaleic acid do vi khuẩn chuyển hóa leucin trong mồ hôi.

Những ai dễ bị bệnh?

Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường gặp hơn ở nam giới (tỉ lệ khoảng 8:1), và ở những người làm nghề thường xuyên tiếp xúc môi trường ẩm ướt, bí mồ hôi hoặc những công việc ngoài trời vào những mùa mưa ẩm như:

  • Nông dân
  • Các vận động viên
  • Người đánh bắt hải sản, làm nghề chài lưới
  • Nhân công lao động trong các xí nghiệp
  • Quân nhân
  • Những người vô gia cư

Nhóm nữ giới chịu tác động nhiều gồm có các nhân viên làm móng tay chân, spa chăm sóc da…

Các yếu tố nào khiến bệnh dễ tái phát

Có nhiều yếu tố góp phần gây nên tình trạng này, phải kể đến:

  • Thời tiết ấm nóng
  • Thói quen, công việc sử dụng giày dép bí hơi như ủng cao su, giày cao su, sợi vải tổng hợp
  • Những người bị tăng tiết mồ hôi tay chân
  • Những người gặp phải chứng tăng sừng, dày sừng lòng bàn tay chân
  • Người bị đái tháo đường
  • Người lớn tuổi
  • Người suy giảm miễn dịch

Nhận diện các biểu hiện bệnh hà ăn chân

Điều dễ nhận biết nhất chính là mùi khó chịu của chúng gây ra do vi khuẩn (2/3 số trường hợp sẽ có biểu hiện này). Cả phần trước gan chân, hoặc cả gót chân (mặt tì đè là chính) xuất hiện các đám bong da theo dạng lỗ chỗ từng lỗ kích thước khoảng 1-3 mm. Vùng bị tác động có thể ẩm ướt, rịn dịch nhẹ. Dễ nhận thấy nhất sau khi mới vừa ngâm hoặc tiếp xúc với nước xong.

Các rỗ bong da này thường không có triệu chứng gì khó chịu nhưng đôi khi một số tình huống có thể cảm giác đau nhức hoặc ngứa khi đi lại (khoảng 1/3 số trường hợp). Dù hiếm nhưng vẫn có thể gặp phải tình trạng tương tự ở các ngón chân. Một biến thể ít gặp với biểu hiện bệnh lan tỏa cả lòng bàn chân kèm nền da đỏ bên dưới.

Hình ảnh minh họa pitted keratosis (nguồn Dermnetnz)

Cần xét nghiệm gì khi gặp phải bệnh này?

Qua đánh giá lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán tình trạng bệnh. Hiếm khi cần đến nuôi cấy vi khuẩn. Tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu hoặc nhằm mục đích xác định rõ tác nhân gây bệnh thì có thể thực hiện nuôi cấy trong môi trường thạch não tim. Có thể tiến hành cạo vảy da để xét nghiệm soi tìm nấm loại trừ.

Đánh giá bằng đèn wood sẽ có thể thấy có màu huỳnh quang đặc trưng đỏ san hô trong một số trường hợp. Trường hợp này cần phân biệt với nhiều bệnh lý khác ở vùng gan chân như nấm kẽ chân (thường gọi là nước ăn chân), nấm đen, chàm tổ đĩa, erythrasma kẽ chân, mụn cóc thể khảm hay hiện tượng rỗ chân do độc tính của arsen…

Làm sao để điều trị hà ăn chân?

Bệnh có thể điều trị với kháng sinh bôi tại chỗ và các dung dịch kháng khuẩn, ví dụ như:

  • Erythromycin
  • Clindamycin
  • Mupirocin
  • Fusidic acid
  • Dẫn xuất imidazoles
  • Benzoyl peroxide

Trong một số trường hợp, có thể được chỉ định điều trị với kháng sinh đường uống phối hợp.

Cùng xem thêm chủ đề:

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh?

Tình trạng này có thể tái lập lại nhanh chóng trừ khi bạn giữ được lòng ban chân luôn khô ráo. Những lưu ý sau đây có thể phần nào giúp hạn chế tái phát cũng như xuất hiện tình trạng bệnh:

  • Mặc giày bít, ủng trong thời gian ngắn nhất có thể
  • Mặc tất, vớ bằng chất liệu thấm hút mồ hôi tốt như cotton và/hoặc sợi thiên nhiên, tơ tre…
  • Nếu được, hãy đổi sang thói quen mặc giày sandal sẽ tốt hơn, đặc biệt dành cho những ai bị tăng tiết mồ hôi chân
  • Rửa chân bằng xà phòng hoặc dung dịch kháng khuẩn 2 lần mỗi ngày
  • Sử dụng con lăn hoặc bình xịt khử mùi, chống ra mồ hôi cho vùng chân ít nhất 2 lần mỗi tuần
  • Không mang một đôi giày quá 2 ngày, hãy để thời gian cho chúng khô thoáng hẳn rồi sử dụng lại
  • Cần giặt tất, vớ thường xuyên với nhiệt độ ít nhất 60oC để đạt hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn.
  • Không dùng chung khăn tắm, giày dép với người khác
  • Cần thấm khô chân sau khi tắm, rửa. Không để bàn chân ướt khi ngủ, nghỉ.
  • Với những trường hợp liên quan đến tăng tiết mồ hôi nặng, không thể kiểm soát với những điều chỉnh thông thường. Lúc này có thể nghĩ tới hướng can thiệp bằng botulinum toxin.

Bàn luận của tác giả về chủ đề

Quay trở lại với chủ đề được đề cập đến ở đầu bài viết. Có một số vùng miền thì tình trạng này được sử dụng đồng nhất với hiện tượng nước ăn chân như vùng biển bắc bộ “hà ăn chân” là một loại nấm ở kẽ giữa hai ngón chân khi lội nước nhiều biểu hiện vùng kẽ chân trắng, ngứa, bị lõm sâu như bị ăn để lâu bị chảy máu. Điều này có thể là chưa phù hợp vì trên thực tế, tình trạng bong da dạng lỗ (hà ăn chân) và nấm kẽ chân (nước ăn chân) là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau nhưng đôi khi cũng dễ nhầm lẫn đã được đề cập ở trên.

Vùng biển, vùng nước mặn ở những câu ca dao trên có lẽ chỉ là một trong số những nhóm người có nguy cơ cao nhất đã đề cập ở trên. Có công việc thường xuyên tiếp xúc với nước, đặc biệt là những môi trường nước mặn có độ pH gần với trung tính thời gian dài cũng là yếu tố thuận lợi khiến cho tình trạng “hà ăn chân” xuất hiện.

Hơn thế nữa, tình trạng này gây ra phiền toái không chỉ cho người bệnh (khó chịu, ngứa hoặc đau trong một số trường hợp) mà còn cho những người xung quanh (vấn đề bốc mùi). Không rõ có phải vì thế chúng trở thành một vấn đề được lưu ý đặc biệt hay không? Hay là liệu đây có phải là câu nói dân gian có ý đề cập đến một vùng đất mới, rộng lớn hơn hay chỉ là một một lời khuyên răn ai đó cũng đừng dại dột xâm phạm vào “vùng trời riêng” của người khác, để rồi tự chuốc lấy sự trừng phạt (bị hà ăn chân)?

Tất cả, tất cả vẫn còn đang gợi mở! Với tôi, dưới ánh sáng của khoa học “Hà ăn chân” là bệnh cần được thăm khám, điều trị và dự phòng một cách đích đáng.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Nguồn tài liệu:

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here