Retinol, tretinoin (Retinoids) có đủ an toàn không?

0
715
Dạo gần đây mình nhận được rất nhiều inbox hỏi khác nhau về việc sử dụng các retinoid, đặc biệt là retinol và tretinoin. Có rất nhiều bàn luận xoay quanh chúng, tuy nhiên trong bài viết hôm nay tôi xin chỉ đề cập đến tính an toàn của sản phẩm. Đặc biệt ở những tình huống như:
  • Sử dụng thời gian rất dài như trong dự phòng lão hóa
  • Sử dụng ở trẻ em
  • Sử dụng ở thai kỳ và phụ nữ cho con bú
  • Sử dụng ở nam giới trong thời gian dự tính làm bố
  • Một số gợi ý an toàn
Nào, chúng ta cùng bắt đầu tìm hiểu nhé!

Retinol, tretinoin là gì?

Đây là một số thành phần hoạt tính thuộc nhóm retinoid thường thấy trên thị trường, thường được sử dụng trong điều trị, dự phòng lão hóa da và một số vấn đề da khác. Retinoid là thuật ngữ được được dùng để chỉ những hoạt chất hóa học là dẫn xuất của vitamin A hoặc all-trans retinol. Chúng có thể ở dạng thoa, uống từ quá trình tổng hợp hoặc tồn tại trong tự nhiên.

Có gì khác biệt về retinol, tretinoin và các retinoid khác?

Nhìn chung những tác động của chúng đều thông qua các thụ thể RARs và RXRs.
Các thế hệ retinoids hiện có
  • Mỗi retinoid có một cấu trúc khác biệt, khả năng gắn với những thụ thể khác nhau ở da, tác động lâm sàng, dược động học cũng như tác dụng phụ khác nhau. Cho nên cần phân biệt chúng và lựa chọn phù hợp.
  • Retinol, tretinoin là những retinoid tự nhiên không có cấu trúc vòng thơm, thuộc thế hệ retinoid thứ nhất cùng với alitretinoin, isotretinoin. Hiện tại có 4 thế hệ retinoid đã ra đời.
  • Retinol thường được sử dụng trong các mỹ phẩm, hoặc dược mỹ phẩm hơn là thuốc. Còn tretinoin hiện có ở dạng thuốc bôi được bác sĩ kê toa.
  • Retinol yếu hơn gấp 20 lần so với tretinoin và cần được chuyển đổi thành retinoic acid (trên da) mới có tác động. Cũng chính vì thế retinol ít gây kích ứng hơn so với tretinoin.
*Với retinol, chính vì đặc tính yếu và chủ yếu sử dụng trong mỹ phẩm hoặc dưỡ mỹ phẩm nên những dữ liệu về tính an toàn trong y khoa ít được đề cập. Trong quá trình tác động, thành phần chuyển hóa của chúng tạo ra retinoic acid, tương tự như với tretinoin. Do đó, bạn đọc có thể tạm hình dung chúng thông qua tretinoin.

Vì sao retinoids lại trở thành trào lưu mạnh mẽ?

Riêng về câu hỏi này, tôi cho rằng những lý do khiến cho sản phẩm được ứng dụng nhiều, được các nhà sản xuất ra sức đẩy mạnh nghiên cứu và truyền thông như:
  • Retinoid có hiệu quả trên những vấn đề da thời đại như lão hóa da, mụn trứng cá, vảy nến…
  • Tầm quan trọng của vitamin A được phát hiện từ Thế chiến thứ I, ứng dụng vitamin A điều trị được sử dụng từ 3000 năm trước từ thời Ai Cập cổ đại.
  • Từ năm 1968 các nhà khoa học khởi động chiến dịch tổng hợp và đưa vào ứng dụng retinoids. Và nó liên tục được nghiên cứu và phát triển cho đến hôm nay. Retinol được đưa vào sử dụng từ những năm 1984.
  • Tretinoin được FDA chấp thuận sử dụng trong điều trị lão hóa da và từ những năm 1980s, tretinoin đã trở thành “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị lão hóa da.
  • Được rất nhiều nghiên cứu chỉ rõ bằng chứng về hiệu quả và độ an toàn cao

Retinoids có những tác động nào trên da?

Khi có sự hiện diện của retinoid, RARs và RXRs có thể gắn với chuỗi điều hòa DNA đặc hiệu và do đó có thể làm thay đổi biểu hiện của nhiều protein điều hòa. Thông qua thay đổi biểu hiện keratins, các yếu tố tăng trưởng và transglutaminase, retinoid thoa có thể đem đến rất nhiều tác động lên biệt hóa thượng bì và tăng sinh và hệ thống miễn dịch da.
Khả năng gắn các thụ thể nhân tế bào của retinoids
Tretinoin, retinol mang đến hiệu quả trong điều trị lão hóa da thông qua điều chỉnh chương trình biệt hóa tế bào chính bao gồm:
  1. Tăng sinh lớp thượng bì làm dày lớp thượng bì da
  2. Nén các lớp sừng da
  3. Sinh tổng hợp và kết tập các glycosaminoglycans (Hyaluronic acid…)

Retinoids đi qua da và gây hại khi dùng kéo dài?

  • Độ hấp thu qua da của tretinoin 0.05% thấp và rơi vào khoảng 1-2% thậm chí sau thời gian dài sử dụng.
  • Sử dụng hàng ngày liên tục tretinoin 0.1% cream, tazarotene 0.1%, hoặc adapalene 0.1% gel cho thấy chỉ làm tăng nhẹ nồng độ đỉnh huyết thanh trung bình lượng retinoid lưu hành trong máu ở phần lớn bệnh nhân. Nồng độ retinoid có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chế độ ăn có chứa retinoid hơn là dạng thoa như vậy.
  • Do đó, những tác dụng phụ toàn thân (do thừa hoặc thiếu do cạnh tranh vitamin A khi nồng độ của chúng trong máu cao) là không đáng kể.

Retinoids làm suy yếu hàng rào bảo vệ da?

Bản thân retinoids

  • Retinoid được nhiều nghiên cứu về ngắn hạn và dài hạn cho thấy độ an toàn cao. Bằng chứng là chúng cải thiện độ dày da, tăng độ bền vững các liên kết lớp sừng da, và tăng tổng hợp các thành phần chất nền ngoại bào, bó sợi cấu trúc của da như collagen tuýp I. Qua đó, làm tăng độ bền vững hàng rào bảo vệ da.
  • Những tác dụng phụ hiện có chủ yếu là những tác dụng phụ ngắn hạn, hồi phục hoàn toàn sau khi ngưng hoặc điều chỉnh cách sử dụng phù hợp. Tác dụng phụ chính của chúng là viêm da tiếp xúc kích ứng (có tên gọi là viêm da do retinoid) với những biểu hiện như đỏ da, bong vảy, khô, bỏng rát và ngứa da mặt. Độ kích ứng này tùy thuộc vào nồng độ và dạng chất của sản phẩm. Với những retinoid trong các gel nền cồn hoặc lotion thường có độ kích ứng cao.

Tá dược và những tác nhân ngoại sinh

  • Tuy nhiên, theo tôi có một vấn đề mà bạn cần quan tâm. Có thể bản thân nó không gây ra vấn đề nhưng những chất tá dược trong sản phẩm hoặc ngoại sinh có thể được cân nhắc đến. Bởi lẽ, nhữg nghiên cứu cho thấy khi sử dụng đồng thời một số chất (ví dụ minoxidil 2% trong điều trị rụng tóc) có khả năng xâm nhập qua da cao gấp đến 3 lần so với không sử dụng, thông qua cơ chế làm tăng tính thấm lớp sừng da. Nếu đó là các stress oxi hóa, các hóa chất, bụi mịn trong quá trình sinh hoạt, làm việc hiện hữu thì có chăng sẽ tăng tỉ lệ phơi nhiễm của da với chúng.
  • Một vài năm trước, tretinoin dạng kem được cho là liên quan đến nhạy cảm ánh sáng, những những bằng chứng gần đây cho thấy retinoids thoa không gây độc cũng như là dị ứng ánh sáng. Đây là phản ứng kích ứng và nếu người sử dụng tiếp xúc các chất kích ứng lên da, có sẵn nền da kích ứng với ánh sáng hoặc thời tiết khô sẽ làm bùng phát những triệu chứng khó chịu thêm nữa như đã đề cập ở trên.
  • Hoặc ở những trường hợp da khô, cơ địa chàm hóa dễ mẫn cảm thì khi sử dụng retinoids (đặc biệt dạng uống) sẽ có những thay đổi dạng viêm da đi kèm. Có thể làm khởi phát những đợt bùng phát cấp tính của bệnh. Do đó khi sử dụng cần tối ưu quá trình chăm sóc da, đặc biệt là bước dưỡng ẩm và làm sạch trên da.
Do vậy, theo tôi việc sử dụng tretinoin, retinol hoặc các retinoids khác trong khi chưa tối ưu được quy trình chăm sóc da, điều chỉnh thói quen bản thân, yếu tố môi trường có thể sẽ vô tình gây gia tăng một số phản ứng bất lợi lên da khác.

Sử dụng retinoids ở trẻ em?

  • Tretinoin gel 0.05% được FDA chấp thuận sử dụng an toàn ở trẻ em >= 10 tuổi và adapalene 0.1-2.5% được chỉ định cho trẻ lớn hơn hoặc bằng 9 tuổi.
  • Không có sự hấp thu hệ thống đáng kể khi thoa các thành phần hoạt tính retinoid trên da, khả năng kích ứng là vấn đề an toàn chủ yếu khi sử dụng sản phẩm thoa ở trẻ em

Retinoids thoa trong thời gian thai kỳ, cho con bú?

Dạng thoa

  • Cần tránh sử dụng vì hoài nghi giữa lợi ích và nguy cơ cho đến nay vẫn chưa rõ ràng với tretinoin và adapalene. Tretinoin và adapalene được phân nhóm C trên thai kỳ. Phân nhóm C nói lên rằng nguy cơ không thể loại trừ hoàn toàn vì dữ liệu trên người còn hạn chế và dữ liệu trên động vật có thể có một số bằng chứng tích cực hoặc thiếu hụt.
  • Mặc dù có thể về mặt lý thuyết có thể gây dị tật cho thai nhi, tuy nhiên khi sử dụng lượng nhỏ thì có vẻ như nó không gây ra khiếm khuyết nào. Những nghiên cứu phân tích có hệ thống gần đây đã loại bỏ đi những vấn đề lớn liên quan như làm gia tăng tỉ lệ sẩy thai tự nhiên, dị dạng bẩm sinh, trưởng thành sớm, cân nặng trẻ sơ sinh thấp.
  • Tazarotene được phân nhóm X và cấm sử dụng trong thai kỳ và thời gian cho con bú.

Dạng uống

  • Điều lo ngại lớn nhất đối với retinoids đó chính là khả năng gây độc lên thai, gây ra khuyết hổng phát triển sọ mặt, thần kinh trung ương, tim mạch, bất thường thuyến ức khi sử dụng đường uống.
  • Với các retinoids uống, nữ giới cần được tiến hành 2 test thử thai riêng biệt trước khi bắt đầu (nước tiểu hoặc máu). Liệu trình nên được bắt đầu vào ngày thứ hai hoặc thứ ba của chu kỳ kinh tiếp theo. Trong quá trình điều trị, cần được test thử thai mỗi tháng. Sau khi ngưng retinoids, cần tránh nguy cơ có thai thêm ít nhất 1 tháng sau dùng isotretinoin, alitretinoin và bexarotene, và 3 năm đối với acitretin.

Sử dụng retinoids ở nam giới khi dự tính làm bố?

Dữ liệu về tác động lên nam giới trong giai đoạn hoạt động tình dục vẫn còn hạn chế đối với dạng uống và kết quả thai kỳ đối với retinoids hiện chỉ được đánh giá với việc sử dụng iso uống tại thời điểm thụ thai. Một số nghiên cứu cho kết quả:
  • Nghiên cứu dựa trên cộng đồng với 80 người bố sử dụng với iso uống trong 3 tháng trước thụ thai, tác giả báo cáo rằng nhìn chung tỉ lệ gia tăng biến cố thai kỳ không tăng lên, 7 trường hợp thai sinh sớm, một trường hợp còn ống động mạch và hội chứng Down.
  • Giám sát sau marketing đối với isotretinoin báo cáo 4 trường hợp thai kỳ với các khiếm khuyết tương thích với phơi nhiễm retinoid khi người bố đang uống isotretinoin; tuy nhiên, cần phải chú ý rằng hai trường hợp trong đó có thể có những lý giải khác và hai trường hợp báo cáo không đầy đủ.
  • Tìm kiếm trên các dữ liệu hiện có từ người bố sử dụng acitretin, khiếm khuyết thai không hằng định với những bệnh lý phôi thai do retinoid và không cao hơn so với nhóm dân số chung.
Ngoài ra, nồng độ thuốc trong tinh dịch ở nam giới sử dụng retinoids trong vòng tối thiểu 1 tháng kết luận rằng nguy cơ gây độc cho thai là không đáng kể. Hiện dữ liệu nguy cơ phơi nhiễm retinoid trong thời gian thụ thai còn hạn chế ở nam giới. Những nghiên cứu hiện cho kết quả có vẻ như retinoids không làm tăng nguy cơ đối với thai kỳ. Nhưng lời khuyên vẫn nên là tránh sử dụng khi có thể khi bạn đang cố gắng để làm bố.

Kết luận và một số gợi ý an toàn

Kết luận

  • Retinoids, đặc biệt là tretinoin, retinol mang đến nhiều hiệu quả trong điều trị một số vấn đề da với đặc tính an toàn cao và có thể sử dụng kéo dài
  • Các tác dụng phụ chính của retinoids là gây ra viêm da tiếp xúc kích ứng với biểu hiện đỏ da, khô, bong tróc, ngứa căng da
  • Tretinoin có khả năng được hấp thụ vào máu rất thấp với nồng độ đo được trong máu tăng không đáng kể, ngay khi sử dụng kéo dài
  • Tretinoin gel 0.05% sử dụng an toàn ở trẻ em >= 10 tuổi và 9 tuổi với adapalene 0.1-2.5%
  • Cần tránh sử dụng tretinoin và adapalene trong thời gian thai kỳ và cho con bú vì nguy cơ cho đến nay vẫn chưa rõ ràng
  • Retinoids có vẻ không làm gia tăng dị tật lên thai kỳ ở nam giới.

Gợi ý an toàn khi sử dụng

  • Kiên trì sử dụng retinoids, nên tăng dần nồng độ và dạng sản phẩm phù hợp với tuýp da của bạn. Thông thường để đạt được những hiệu quả rõ rệt, bạn cần sử dụng ít nhất 6 tháng liên tục với tretinoin.
  • Điều chỉnh chế độ chăm sóc da, sinh hoạt cá nhân phù hợp trước và trong quá trình sử dụng retinoid, đặc biệt dưỡng ẩm, sản phẩm làm sạch, chống nắng
  • Không nên sử dụng tretinoin, adapalene trong thời gian mang thai và cho con bú.
  • Với các retinoids uống, nữ giới cần được tiến hành 2 test thử thai riêng biệt trước khi bắt đầu và liệu trình nên được bắt đầu vào ngày thứ hai hoặc thứ ba của chu kỳ kinh tiếp theo. Sau khi ngưng retinoids, cần tránh nguy cơ có thai thêm ít nhất 1 tháng sau dùng isotretinoin, alitretinoin và bexarotene, và 3 năm đối với acitretin.
  • Nên tránh sử dụng retinoids nếu có thể khi bạn đang cố gắng để làm bố.
  • Nên được bác sĩ chuyên khoa uy tín tư vấn, lựa chọn sản phẩm điều trị phù hợp với tình trạng hiện tại. Đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến tính an toàn của retinoids nói chung, cũng như tretinoin và một số dẫn xuất thường dùng khác. Tôi rất mong nhận được những trao đổi, phản biện hoặc đề xuất để làm cho nội dung được phong phú và hoàn thiện hơn. Hẹn gặp lại các bạn trong những chủ đề tiếp theo nhé!

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Tài liệu tham khảo

  • Albrecht J, Nast A. Paternal drug exposure: Plenty of confounders, few conclusions. Br J Dermatol. 2017;176:847–848.
  • Bolognia J, Schaffer J, Cerroni L, editors. Medical therapy retinoids. In: Dermatology E-Book, 4th ed. Amsterdam: Elsevier; 2018, pp. 2209–2210.
  • Engeland A, Bjørge T, Kjersti Daltveit A et al. Effects of preconceptional paternal drug exposure on birth outcomes: Cohort study of 340 000 pregnancies using Norwegian population-based databases. Br J Clin Pharmacol. 2013;75: 1134–1141.
  • Kumar P, Das A, Lal NR et al. Safety of important dermatological drugs (retinoids, immune suppressants, anti-androgens and thalidomide) in reproductively active males with respect to pregnancy outcome: A brief review of literature. Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2018;84:539–546.
  • Mukherjee, S., Date, A., Patravale, V., Korting, H. C., Roeder, A., & Weindl, G. (2006). Retinoids in the treatment of skin aging: an overview of clinical efficacy and safety. Clinical interventions in aging1(4), 327–348. https://doi.org/10.2147/ciia.2006.1.4.327
Lưu ý cho quý bạn đọc: Nội dung trên blog chỉ mang tính chất thông tin tham khảo, không có dụng ý hay khuyến cáo thay thế cho bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị nào. Hãy luôn hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế về bất kỳ vấn đề sức khỏe của bạn!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here