Mụn trứng cá L70 có gì mới năm 2021: thuốc và nghiên cứu

0
1923

Bài viết được trích dẫn từ hội nghị Maui Derm 2021 tổ chức trực tuyến thảo luận về một số vấn đề như các thuốc điều trị mới, nghiên cứu mới và sáng kiến của các chuyên gia trong điều trị mụn

Những chủ đề được cho là mới nhất như sử dụng metformin trong mụn trứng cá ở những trường hợp hội chứng buồng trứng đa nang, bằng chứng về lo ngại gây gia tăng ung thư vú của spinorolactone, độ an toàn của isotretinoin và một số thuốc mới trong điều trị mụn.

Nội dung liên quan đến mụn trứng cá hiện có, bạn đọc có thể xem thêm tại “Nói tất cả về chăm sóc, điều trị mụn trứng cá”.

Metformin điều trị mụn ở PCOS

Một số nghiên cứu chỉ ra kết quả điều trị mụn trứng cá ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang có vẻ ưu thế trong điều trị với thuốc metformin. Những trường hợp điều trị metformin đơn độc hay sử dụng phối hợp với các thuốc điều trị mụn truyền thống đều mang lại sự cải thiện kết quả tốt.

Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đều không hoàn toàn được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu và những người đánh giá cũng đã vạch ra những điểm bất hợp lý trong phương pháp tiến hành các nghiên cứu.

Bạn đọc có thể xem thêm vấn đề liên quan đến metformin trong điều trị mụn tại bài viết “Khám mụn nhưng bác sĩ lại kê thuốc metformin trị tiểu đường?”

Spinorolactone không gia tăng nguy cơ ung thư vú

Spinorolactone có hoạt tính kháng androgen, qua đó giúp làm giảm tiết bã nhờn. Thuốc thường được sử dụng off-label (tức dùng thuốc cho một số chỉ định không được ghi trong hồ sơ đăng kí thuốc) trong điều trị mụn trứng cá ở nữ giới và có thể là lựa chọn giúp giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong mụn.

Trong một nghiên cứu chuỗi ca hồi cứu lớn nhất đến nay trên 395 phụ nữ trưởng thành bị mụn được điều trị với spinorolactone, 66% ghi nhận có ít nhất 90% cải thiện mức độ nặng của mụn. Thời gian trung bình để bắt đầu có hiệu quả là 3 tháng và hiệu quả đạt được cao nhất sau 5 tháng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng spinorolactone không làm gia tăng nguy cơ ung thư vú hoặc tương tác với liệu pháp hormone, cũng như là không làm tăng tỉ lệ tái phát ung thư vú sau điều trị.

Thuốc mới dùng trong điều trị mụn

Bệnh sinh của mụn và cơ chế tác động của thuốc

Những thuốc mới trong điều trị mụn được đưa ra trên thị trường gồm có:

  • Bọt minocycline thoa ngoài cho hiệu quả tốt đối với các mụn trứng cá viêm
  • Clascoterone thoa là một chất ức chế “mềm” androgen
  • Dạng bào chế kết hợp BPO + tretinoin dạng vi nang phân tử (Encapsulated) cho hiệu quả điều trị tốt và kích ứng da tối thiểu
  • Trifarotene là một retinoid thế hệ thứ tư đã được chấp thuận trong điều trị mụn trứng cá mặt và thân mình và có đặc tính an toàn cao hơn so với những thế hệ trước đó.

Mụn trứng cá do khẩu trang ở trẻ em

Đi kèm với việc bảo vệ, phòng tránh Covid thì cũng nổi lên vấn đề mụn trứng cá liên quan đến khẩu trang ở trẻ em. Với những tổn thương phát ban dạng mụn trứng cá hoặc giả dạng mụn trứng cá có liên quan đến khẩu trang.

Điều này có thể gây ra do:

  1. Chú ý đến da nhiều khiến mụn dễ phát hiện hơn
  2. Mụn do tác nhân cơ học, và/hoặc
  3. Làm khởi phát mụn trứng cá thông thường thông qua các yếu tố sợi vải và khuẩn chí da

Nhìn chung, phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng việc điều trị mụn khởi phát do khẩu trang cũng tương tự như với mụn trứng cá thông thường. Nhưng lý thuyết thì có khác đôi chút việc sử dụng các sữa rửa mặt có thành phần kháng khuẩn và điều chỉnh loại khẩu trang sử dụng.

Tôi cũng đã từng chia sẻ bài viết liên quan đến việc mang khẩu trang thường xuyên trong thời gian này. Bạn đọc có thể xem lại bài viết “Những ai dễ bị mụn trứng cá nghề nghiệp?”“Viêm da tiếp xúc với khẩu trang – chuyện mùa dịch!!”

Phương pháp trị liệu mới và dữ liệu ở trẻ em

Các retinoids như trifarotene cream 0.005% và tazarotene 0.045% được chấp thuận sử dụng cho trẻ lớn hơn hoặc bằng 9 tuổi; và trong các phân tích ở trẻ em thì tazarotene cho thấy mức độ dung náp tốt hơn và không có sự khác biệt đáng kể trong đáp ứng giữa các nhóm tuổi.

Minocycline 4% dạng tạo bọt được chấp thuận sử dụng trong điều trị mụn trứng cá trung bình đến nặng không có tổn thương nang cục, đối với những người lớn hơn hoặc bằng 9 tuổi. Thuốc sử dụng công nghệ ổn định phân tử và các nhà đánh giá không ghi nhận bằng chứng gây độc ánh sáng, dị ứng ánh sáng hoặc gây mẫn cảm cho da.

Những thuốc mới khác gồm có clascoterone cream 1% và sarecycline sử dụng đường uống. Clascoterone là thuốc tác động đến hormone dạng thoa đầu tiên được dùng cho mụn trứng cá. Kết quả điều trị cũng chứng minh được tính hiệu quả và độ dung nạp tốt trên các thử nghiệm lâm sàng.

Ngoài ra, các nghiên cứu tập trung vào điều trị dựa trên các thiết bị năng lượng đối với mụn trứng cá và sẹo mụn gồm có ánh sáng xanh và PDL. Tuy nhiên, hiện chưa có những nghiên cứu đối chứng mù đôi được thực hiện, và nhiều điểm cần thận trọng trong nhiều phương pháp nghiên cứu.

Sử dụng Isotretinoin trong điều trị mụn

Hội nghị cũng đưa ra thảo luận việc sử dụng isotretinoin cho những trường hợp mụn xoang nang, mụn viêm cấp tính tiến triển nặng, mụn trứng cá tái phát dai dẳng và nang bã viêm.

Thực tế thì có rất nhiều trường hợp trong quá trình điều trị, mọi thứ đột ngột diễn tiến xấu đi hẳn, thậm chí một cách không thể ngờ. Một trong số ít tình huống đó tôi cũng đã từng chia sẻ đến các bạn bài viết  “Vì sao mụn nặng hơn sau khi dùng thuốc điều trị?

Tái phát trở lại sau sử dụng isotretinoin?

Những nghiên cứu đánh giá gần đây cũng đề xuất rằng việc sử dụng liều isotretinoin uống cao hơn có thể làm giảm tỉ lệ tái phát, và đây là yếu tố đáng được lưu tâm nhất khi xem xét trong lần điều trị lại.

Dữ liệu có được trong một quan sát trên hơn 3000 người cho kết quả là số lượng bệnh nhân cần điều trị lặp lại với isotretinoin cao nhất là ở nhóm những người trẻ nhất (10-11 tuổi) và tỉ lệ này nhìn chung giảm dần theo tuổi.

Các chuyên gia cũng đề cập đến những yếu tố khác ngoài tuổi như không sử dụng isotretinoin sau bữa ăn giàu chất béo bởi vì hấp thu thuốc có thể giảm đến 78% nếu chỉ sử dụng thuốc khi đói.

Kết quả từ những nghiên cứu đã có trước đó

Có một số nghiên cứu báo cáo rằng tỉ lệ mụn tái pháp sau khi ngưng isotretinoin, một số trong số họ có hoặc không được sử dụng liệu trình duy trì. Tỉ lệ tái phát dao động trong khoảng từ 9-92%. Điều này có nghĩa là sau khi điều trị sạch mụn, khả năng tái phát có thể lên đến gần như toàn bộ số trường hợp điều trị thành công trước đó. Tuy nhiên, khi được duy trì một cách hợp lý thì khả năng tái phát giảm đi đáng kể.

Một số nghiên cứu chỉ ra bên dưới các yếu tố làm dễ xuất hiện tái phát (sớm hơn):

  • Nam giới
  • Dưới 16 tuổi
  • Sống ở vùng đô thị
  • Liều tích lũy dưới 2450 mg
  • Thời gian điều trị với OI dưới 121 ngày
  • Đổ nhờn sớm trở lại sau điều trị
  • Số lượng mụn viêm nhiều
  • Tiền sử gia đình bị mụn
  • Mụn vùng thân mình (ngực, lưng,…)
  • Hút thuốc lá
  • Lớn tuổi (phụ nữ trên 25 tuổi)
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Không điều trị duy trì với retinoid bôi tại chỗ

Tuy nhiên, đây là những gợi ý đến những trường hợp có nguy cơ tái phát cao hơn mà thôi. Còn lại, dù có hay không có trong những trường hợp trên, dù trước đó có điều trị với isotretinoin hay không thì tôi khuyên bạn vẫn hãy sử dụng tiếp liệu trình duy trì, không những chỉ để dự phòng mụn mà còn giúp giảm thiểu những tác động sớm của lão hóa da, cải thiện thâm mụn,…

Lời nói cuối

Những năm gần đây có nhiều cải thiện đáng kể trong điều trị mụn với mục tiêu cải thiện không những hiệu quả mà còn về dung nạp, an toàn khi sử dụng thuốc. Sẽ cần nhiều hơn những nghiên cứu để tiếp tục làm rõ các vấn đề còn tồn tại trong tương lai. Và cũng cần thời gian đề các phương pháp điều trị mới này được phổ biến và áp dụng một cách hiệu quả hơn ở nước ta.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi là ai? xem thêm giới thiệu tác giả

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Nguồn tài liệu:

  • Han, J.J., Faletsky, A., Barbieri, J.S. et al. New Acne Therapies and Updates on Use of Spironolactone and Isotretinoin: A Narrative Review. Dermatol Ther (Heidelb) 11, 79–91 (2021). https://doi.org/10.1007/s13555-020-00481-w
  • https://www.dermatologytimes.com/view/2021-acne-updates-new-drugs-and-research
  • https://www.uptodate.com/contents/whats-new-in-dermatology

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here