Bệnh giãn tĩnh mạch gây ra nhiều rắc rối về sức khỏe và thẩm mỹ cho phụ nữ mang thai, người cao tuổi. Khi biết được nguyên nhân sẽ có cách chữa trị, dự phòng một cách hiệu quả hơn. Đó là lý do tôi viết chủ đề này.
Nội dung chính của bài viết
Giãn tĩnh mạch chân là bệnh gì?
Nói một chút về chức năng sinh lý của cơ thể, các tế bào muốn hoạt động tốt phải được cung cấp máu, nuôi dưỡng tốt. Và sau đó nhiệm vụ các tĩnh mạch sẽ đưa các luồng máu kém dưỡng khí khi đã qua sử dụng trở lại tim, phổi và thực hiện chu trình mới.
Suy giãn tĩnh mạch ở chân là hiện tượng các tĩnh mạch ở chân gia tăng kích thước, giảm chức năng đưa máu về tim. Máu bị ứ đọng lại dần có thể tạo các búi giãn lớn trên bề mặt da. Từ đó gây ra nhiều biến đổi huyết động, tổ chức mô xung quanh.
Đôi khi chúng được bỏ lơ đi cho đến khi làm xuất hiện các vấn đề sức khỏe như triệu chứng nhức mỏi, nặng tức, khó chịu vùng chân. Một số khác có biểu hiện chuột rút thường xuất hiện vào ban đêm. Một số khác lại được bác sĩ xác định khi có tình trạng chàm da, ngứa da hoặc vết thương, vết loét vùng chân chậm lành.
Vì sao lại là tĩnh mạch chân?
Thực tế thì hiện tượng này có thể bắt gặp ở bất kỳ vị trí nào có sự phân bố tĩnh mạch trên cơ thể. Tuy nhiên, đa phần khi nói đến bệnh suy giãn tĩnh mạch thì ta nghĩ ngay tới chân.
Đơn giản vì tỉ lệ gặp phải ở vùng chân quá nhiều, chiếm gần như phần lớn các trường hợp mắc phải thông thường. Hệ thống tĩnh mạch ở chân ở chi dưới có xu hướng dài và phức tạp hơn các vị trí khác.
Chân cũng là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động của trọng lực. Đặc biệt ở giai đoạn mang thai, khối lượng máu tuần hoàn tăng cao. Thói quen, lối sống tĩnh tại, các nghề nghiệp phải đứng liên tục cũng là phần chính gây xuất hiện giãn tĩnh mạch ở chân.
Dấu hiệu sớm nhận biết tĩnh mạch chân bị giãn?
Đây là vấn đề mà khi phát hiện và có những can thiệp, điều chỉnh sớm sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt. Có lẽ quá bị động nếu chỉ đợi đến khi gây loét chân, đau nhức, sưng phù chân hoặc hình ảnh búi giãn lơn trên da rồi mới lo lắng.
Nhận diện sớm sự hình thành các mạch máu giãn giúp bạn có thái độ và hành động đúng. Thường thì các triệu chứng ở giai đoạn đầu của bệnh cũng không quá rõ ràng. Đa phần là các biểu hiện thoáng qua về cảm giác da.
Bạn có đang thấy hiện tượng nhức mỏi, nặng tức nhẹ bắp chân khi đứng lâu, ngồi lâu một chỗ? Bạn có thấy sự xuất hiện của triệu chứng chuột rút, khó chịu ở da như kiểu kiến bò về đêm ghé thăm nhiều hơn?
Nếu có, bạn nên cảnh giác về bệnh và cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc mạch máu đánh giá, tư vấn kĩ.
![Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chân](http://www.bacsitrannhan.com/wp-content/uploads/2019/08/nguyen-nhan-gian-tinh-mach-chan.jpg)
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Có thể nói cho đến nay thì lý giải trọn vẹn về nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng. Nhưng các tài liệu khoa học đã chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ làm tình trạng xuất hiện hoặc nặng lên. Chủ yếu trong đó là vai trò của hệ thống van một chiều bị tổn thương.
Một khi van bị suy yếu, máu có thể bị chảy ngược lại về dưới van và liên tục làm tăng thêm áp lực cho mạch máu. Và cứ thế quá trình này như một vòng luẩn quẩn ngày một làm nặng thêm tình trạng bệnh. Quá trình làm phá hủy và suy yếu van một chiều bị ảnh hưởng bởi:
- Tiến trình lão hóa của cơ thể do tuổi tác, các chất oxi hóa sinh ra từ thuốc lá, ánh nắng mặt trời, các thói quen ăn uống xấu…
- Các bệnh lý tim mạch làm ứ trệ tuần hoàn trở về tim, bệnh lý làm tăng áp lực lên thành mạch, tăng thể tích tuần hoàn của cơ thể, các khối u, nhiễm trùng làm viêm tắc mạch, trải qua phẫu thuật bất động kéo dài…
- Các công việc, thói quen ít vận động, liên tục đứng, ngồi lâu một chỗ, mang vác vật nặng nhiều. Giáo viên, nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng, bác sĩ ngoại khoa, lái xe đường dài, vận động viên cử tạ, xe đạp… là những người thuộc nhóm này.
- Những người có thói quen mang áo quần bó sát, sử dụng giày cao gót làm cản trở tuần hoàn lưu thông.
- Béo phì, thừa cân cũng sẽ là một yếu tố nguy cơ cao làm tăng áp lực lên mạch máu cần được điều chỉnh.
- Người sử dụng liệu pháp hormone, một số viên uống tránh thai, một số thuốc uống khác cũng sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Yếu tố gia đình làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh. Khoảng hơn 50% trường hợp cũng có bố, mẹ, anh chị em ruột gặp phải tình trạng này.
- Khi mang thai sẽ có những thay đổi hormone, mạch máu, lưu lượng tuần hoàn trong cơ thể. Chúng sẽ gây gia tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch nửa dưới cơ thể và gây giãn tĩnh mạch trong khoảng 40% trường hợp.
Tình trạng của bạn ở mức độ nặng hay nhẹ?
Với những tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân nguyên phát (nói nôm na là không do bệnh lý gây tắc nghẽn, hoặc cản trở lưu thông đặc biệt khác) thì được phân chia thành 4 giai đoạn. Bạn đọc có thể tham khảo để xếp loại mức độ của mình.
- Giai đoạn 1: Không có triệu chứng
- Giai đoạn 2: Gây ra triệu chứng như phù chân, nặng tức, mỏi chân, cảm giác rát bỏng, châm chích, căng cứng kiểu vọp bẻ, ngứa hoặc đau nhức.
- Giai đoạn 3: Có những thay đổi trên bề mặt da (I). Ở giai đoạn này bắt đầu xuất hiện tình trạng rối loạn sắc tố da, chàm da, bong vảy hoặc gây viêm mô tế bào. Tình trạng xảy ra khu trú hoặc ở 1/3 đoạn xa của cẳng chân và chủ yếu là xuất hiện ở mặt trong.
- Giai đoạn 4: Những thay đổi rõ rệt về da (II). Hiện tượng thoái hóa da mỡ và gây loét da. Những biểu hiện này là kết quả của quá trình lưu thông kém kéo dài, có thể kèm theo những tắc nghẽn tĩnh mạch sâu đi kèm. Hệ tuần hoàn da cũng thay đổi đáng kể, hiện tượng viêm mạn tính gây xơ hóa và hình thành các mô sẹo ở da. Thậm chí là ở quanh hệ thống mạc, cân cơ và màng xương. Loét kháng trị cũng là biểu hiện của giai đoạn cuối này, thường gặp ở vùng mặt trước trong cẳng chân, mu chân, các vị trí mắt cá.
Cần điều trị ở chuyên khoa nào cho đúng?
Đây là tình trạng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và tính thẩm mỹ. Đồng thời có nhiều yếu tố làm xuất hiện, làm nặng tình trạng bệnh. Do vậy mà, chuyên khoa điều trị sẽ tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể của riêng bạn.
Muốn đem lại kết quả tốt nhất trong chất lượng chăm sóc và phục hồi cần sự phồi hợp nhiều chuyên khoa với nhau. Có thể kể ra một số chuyên khoa như:
- Tim mạch
- Phẫu thuật mạch máu – tim mạch
- Da liễu
- Phẫu thuật chỉnh hình
- Xạ trị
- Can thiệp mạch máu
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám bề mặt da, kiểm tra tình trạng tuần hoàn, hỏi lại các triệu chứng, diễn biến quá trình mà bạn gặp phải. Tùy vào tình trạng của bạn mà đánh giá một số thử nghiệm khi đứng hoặc ngồi. Hoặc các đánh giá qua siêu âm doppler, chụp mạch, hoặc các xét nghiệm liên quan khác.
Điều trị giãn tĩnh mạch chân như thế nào?
Để có kết quả tốt trong trị liệu, bạn cần tuân thủ tốt những phương án trong việc thay đổi lối sống và can thiệp y học mà bác sĩ đưa ra cho bạn. Mục tiêu chính là làm giảm triệu chứng, dự phòng biến chứng và cải thiện tính thẩm mỹ của tình trạng bệnh.
Nếu tình trạng chỉ gây một số vấn đề nhẹ nhàng, bác sĩ có thể chỉ gợi ý một số điều chỉnh lối sống hoặc yếu tố mà bạn đang có. Còn khi có biến chứng hoặc triệu chứng nặng thì có thể sẽ cần được can thiệp thủ thuật.
Chăm sóc, điều chỉnh lối sống
Phải nhấn mạnh đây là bước đầu tiên trong tiến trình điều trị suy gian tĩnh mạch. Chúng sẽ giúp hạn chế diễn tiến nặng thêm của bệnh, giảm đau, làm chậm xuất hiện các mạch máu giãn mới.
Ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi
- Tập luyện: việc luyện tập thường xuyên giúp cải thiện trương lực cơ (nói nôm na là khả năng co bóp, đàn hồi của các sợi cơ). Điều này giúp mạch máu được lưu thông trở về tốt hơn.
- Tránh việc đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ mà không được nghỉ ngơi. Cứ khoảng 30 phút thì hãy đứng dậy và đi quanh một vòng sẽ tốt cho mạch máu hơn.
- Khi ngồi, tránh vắt chéo chân. Có thể nâng cao chân lên hơn khi ngồi, nghỉ ngơi hoặc ngủ. Nếu không có lý do phải hạn chế thì bạn có thể kê cao chân lên trên mức ngang tim khi ngủ.
- Nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì thì lập kế hoạch giảm cân ngay hôm nay nhé. Điều này sẽ giúp cải thiện tuần hoàn, giảm bớt áp lực lên mạch máu của bạn.
- Tránh mặc áo quần chật, đặc biệt là những vị trí như thắt lưng, áo quần lót, tất bó đùi, quần áo bó sát đùi, cẳng chân.
- Tránh mang giày cao gót trong thời gian dài. Giày bệt hoặc gót thấp giúp cơ bắp chân của bạn có thời gian thư giãn, cải thiện trương lực cơ tốt về lâu dài.
- Tránh ngâm tắm trong nước nóng, hoặc tắm nước nóng thời gian quá dài. Chúng sẽ làm mạch máu giãn lớn hơn và không tốt cho tình trạng của bạn. Nước ấm vừa phải là lựa chọn tốt cho bạn.
- Hạn chế sử dụng viên uống tránh thai và các viên uống, thực phẩm được bác sĩ xác định cần tránh.
- Ăn nhiều trái cây, chất xơ và uống nhiều nước. Sử dụng thực phẩm giàu chất chống oxi hóa, hỗ trợ tim mạch khỏe mạnh theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
- Tích cực dưỡng ẩm đầy đủ, sử dụng lotion dưỡng nhẹ nhàng cho bàn chân, cẳng chân. Việc này sẽ hạn chế được tình trạng khô, ngứa, khó chịu, cải thiện độ căng, đàn hồi da cho bạn.
- Tránh nắng kĩ bằng kem chống nắng phổ rộng. Mặc áo quần dài tay và các biện pháp bảo vệ khác.
Mang vớ y khoa tạo áp lực
Sử dụng vớ y khoa tạo áp lực là biện pháp băng ép hoặc vớ tạo áp lực tạo ra lực ép hỗ trợ các bắp cơ. Giúp cho các van hoạt động tốt hơn, mạch máu được lưu thông trơn tru hơn.
Độ dài vớ thì đa phần sẽ dừng ở dưới gối, nhưng bạn có thể lựa chọn loại trên gối. Lưu ý là luôn duy trì mặt vớ phẳng, tránh hiện tượng tạo lằn, dính cụm vớ trên da. Hiện tại có 3 loại vớ chính được sử dụng.
- Loại áp lực tối thiểu (pantyhose). Bạn đọc có thể tìm kiếm với từ khóa vớ da pantyhose thì sẽ có vô vàn lựa chọn dành cho bạn.
- Vớ áp lực trung bình không kê toa (OTC compressing stocking): có lực ép lớn hơn loại trên, được bán ở các quầy thiết bị y tế hoặc quầy thuốc. Với những người có nguy cơ cao thì có thể mua và sử dụng loại này.
- Vớ áp lực mạnh được bán theo toa: tạo ra lực ép mạnh và cũng được bán theo toa ở các quầy thiết bị y tế hoặc quầy thuốc. Lưu ý quan trọng là khi sử dụng loại này cần được chỉ định đúng theo bác sĩ chuyên khoa và được hướng dẫn kĩ càng bởi người được đào tạo bài bản.
Các biện pháp điều chỉnh lối sống có thể dự phòng, làm chậm hình thành tổn thương mới. Chúng có thể sẽ không loại bỏ được các mạch máu đã có. Khi này, nếu cần thiết sẽ được bác sĩ lựa chọn những giải pháp bên dưới.
Điều trị thuốc uống
Tùy thuộc vào tình trạng của bạn mà sẽ được bác sĩ lựa chọn các thuốc uống như kháng viêm, giảm đau, kháng sinh, kháng histamin, tăng sức bền thành mạch (Rutin, aescin, flavonoid)…
![thức ăn cho người suy giãn tĩnh mạch chân](http://www.bacsitrannhan.com/wp-content/uploads/2019/08/thức-ăn-giàu-chất-chống-oxi-hóa-cho-giãn-tĩnh-mạch-chân.png)
![thức ăn cho người suy giãn tĩnh mạch chân](http://www.bacsitrannhan.com/wp-content/uploads/2019/08/thức-ăn-giàu-chất-chống-oxi-hóa-cho-giãn-tĩnh-mạch-chân.png)
Gần đây, thị trường đang rộ lên xu hướng sử dụng viên uống thực phẩm chức năng Bonivein để điều trị giãn tĩnh mạch chân. Thực tế thì trong công thức sử dụng những loại thảo dược có chứa nhiều thành phần rutin, aescin, một số flavonoid để hỗ trợ mạch máu. Giá bán rơi vào khoảng vài trăm ngàn một hộp. Và dĩ nhiên, không nên lầm tưởng những thực phẩm chức năng như thế này là “thần dược”. Điều quan trọng nhất vẫn là việc điều chỉnh lối sống đã đề cập ở trên.
Nhìn chung, đây là phương pháp giúp điều trị triệu chứng và hỗ trợ là chính. Chúng cần được bác sĩ chuyên khoa lựa chọn, chỉ định sau khi thăm khám, đánh giá tình trạng của bạn.
Điều trị bằng thủ thuật
Tiêm xơ mạch máu
Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất dành cho suy giãn tĩnh mạch chân. Tiêm xơ ngày càng được cải tiến về tính an toàn và hiệu quả. Quá trình điều trị không cần lưu trú tại bệnh viện, không cần gây tê, gây mê.
- Bác sĩ sẽ sử dụng một dung dịch đặc biệt vào mạch máu và chất này sẽ kích thích thành mạch, gây viêm và nén ép tĩnh mạch. Kết quả làm cho các mạch máu được điều trị bị xơ hóa và không hoạt động nữa.
- Sau tiêm, bác sĩ sẽ massage tại vùng điều trị một lúc
- Sử dụng vớ băng ép hỗ trợ sau đó và đợi một lúc. Nếu không có vấn đề gì xảy ra thì bạn có thể về nhà sau đó. Đa phần tình huống sẽ cần sử dụng trong thời gian khoảng 2-3 tuần sau điều trị.
- Bạn có thể trở lại công việc và hoạt động thường ngày vào ngày tiếp theo sau điều trị.
- Cần khoảng 3-6 tuần để thấy hiệu quả rõ rệt đối với các giãn mạch nốt nhện. Còn với các búi giãn tĩnh mạch lớn hơn sẽ cần 3-4 tháng.
- Có thể cần 2-3 lần điều trị để thấy hiệu quả và lịch điều trị tùy theo chỉ định dựa trên tình trạng của bạn.
Điều trị giãn mạch bằng laser
Các bác sĩ sẽ sử dụng laser để điều trị các nốt nhện và các mạch máu giãn nhỏ. Laser có thể làm phá hủy các mạch máu cần điều trị mà không làm tổn thương da trên bề mặt.
Những mạch máu nhỏ thì có thể biến mất ngay sau khi điều trị, còn với các mạch máu lớn và đậm hơn thì có thể sẽ cần 1-3 tháng để thấy hiệu quả. Có thể cần một số lần thực hiện để thấy hiệu quả tốt.
Phần lớn các trường hợp có thể quay trở lại làm việc và các hoạt động thường nhật ngày hôm sau điều trị. Một số trường hợp cũng cần sử dụng vớ băng ép áp lực sau đó trong một thời gian ngắn.
Nếu bạn đang điều trị với phương án này thì cần tránh nắng kĩ trong 3-4 tuần sau đó để tránh bị bắt nắng. Đồng thời tránh nắng cũng là khâu điều chỉnh lối sống lâu dài mà bạn cũng cần lưu tâm (đã đề cập ở trên).
Liệu pháp laser nội mạch (EVLT), thiết bị sóng cao tần (RFA)
Phương pháp này dành cho những trường hợp cần can thiệp phẫu thuật loại bỏ mà không thực hiện được vì lý do nào khác. Cả hai phương pháp này đều tác động đến mạch máu từ bên trong lòng mạch.
Lựa chọn EVLT dùng cho các mạch máu giãn nốt nhện hoặc các mạch máu giãn nhẹ. Còn với RFA thường được áp dụng cho các tĩnh mạch giãn lớn.
Trong suốt quá trình điều trị:
- Bạn được gây tê cục bộ tại vị trí điều trị
- Bác sĩ thực hiện đường rạch nhỏ và đưa các bó sợi dẫn laser (EVLT) hoặc catheter (với RFA) vào tĩnh mạch
- Kích hoạt phát tia thiết bị làm đốt nóng tĩnh mạch, làm phá hủy mạch máu. Tiến trình này thực hiện trên toàn bộ chiều dài mạch máu bị giãn. Thời gian kéo dài khoảng 30-40 phút.
- Vùng điều trị được mang vớ áp lực sau đó và được lưu trú theo dõi trong khoảng 3 ngày nếu không có gì bất thường.
- Phần lớn các trường hợp sẽ cần mang vớ áp lực loại kê toa trong vòng 1-2 tuần.
- Sau khi hết thời gian theo dõi, bạn có thể quay lại công việc và phần lớn sinh hoạt hàng ngày bình thường sau đó.
- Cần khoảng 1 năm để thấy hiệu quả rõ rệt. Tùy thuộc tình trạng mà bạn sẽ được bác sĩ chỉ định một số lần điều trị.
Phương pháp thắt và cắt bỏ stripping
Các mạch máu bị giãn lướn trên bề mặt chính được thắt ở trước vị trí nối với các tĩnh mạch sâu. Sau đó cắt bỏ bằng đường cắt nhỏ. Phương pháp này loại bỏ tất cả hoặc một phần của tĩnh mạch hiển trên các mạch máu giãn chính.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được băng ép và nằm bất động trên giường trong khoảng 3 ngày. Nếu quá trình hậu phẫu không vấn đề gì thì có thể về nhà và quay trở lại sinh hoạt hàng ngày.
Phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch ngoại trú (Ambulatory phlebectomy)
Sau khi được gây tê tại vị trí cần điều trị. Bằng các sử dụng phương pháp đục lỗ nhỏ từ da theo dọc các tĩnh mạch nhỏ, bác sĩ sẽ loại bỏ các tĩnh mạch giãn kích thước nhỏ đi.
Phẫu thuật tĩnh mạch nội soi
Phương pháp này chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt, khi các kĩ thuật khác đều thất bại. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng thiết bị nội soi lòng mạch để tiến hành cắt bỏ các mạch máu cần được loại bỏ.
Lời nói cuối
Bệnh giãn tĩnh mạch chân là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức không chỉ về tính thẩm mỹ mà còn những tác động đến sức khỏe của chúng.
Bằng việc thay đổi lối sống, điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt, sử dụng vớ y khoa tạo áp lực có thể mang lại nhiều lợi ích trong điều trị, dự phòng bệnh.
Khi cần thiết, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về kế hoạch điều trị hỗ trợ hoặc can thiệp thủ thuật phù hợp cho bạn.
![](http://www.bacsitrannhan.com/wp-content/uploads/2019/04/kc.png)
![](http://www.bacsitrannhan.com/wp-content/uploads/2019/04/kc.png)
Tài liệu tham khảo
- American Academy of Dermatology, “Leg veins: Why they appear and how dermatologists treat them”. https://www.aad.org/public/diseases/cosmetic-treatments/veins
- Varicose Veins – UCSF Department of Surgery, Varicose Veins. https://surgery.ucsf.edu/conditions–procedures/varicose-veins.aspx
- Mayo Clinic. Varicose veins. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/varicose-veins/symptoms-causes/syc-20350643
- WebMD. How to Choose and Use Compression Stockings. https://www.webmd.com/dvt/choose-compression-stockings#2