Bệnh nấm ăn da – nhận biết, điều trị và phòng ngừa

0
1427

Bệnh nấm ăn da rất thường gặp chủ yếu vùng da đầu, vùng mặt, mông đùi và kẽ chân. Bệnh có thể điều trị, ngăn ngừa tái phát hiệu quả nếu được nhận diện đúng từ ban đầu.

Chủ đề này sẽ dành để nói về những lưu ý trong việc nhận diện các biểu hiện, xử trí ban đầu một số tổn thương nấm thường gặp. Bên cạnh đó sẽ giúp trả lời một số câu hỏi về việc kiêng cử, dự phòng tái phát, lây lan bệnh.

Tôi chắc rằng sẽ không dư thừa chút nào khi bạn đọc hết nội dung bài viết này. Và đừng quên chia sẻ những vấn đề quan tâm của bạn đến tôi nhé! Bây giờ thì cùng bắt đầu đi vào nội dung chính nào!

Bệnh nấm ăn da là gì?

Bệnh nấm da (hay nấm ăn da) là bệnh lý nhiễm trùng ở da gây ra do nấm. Nhiễm trùng da do nấm thường gặp gây ra do nấm men hoặc một số loài nấm sợi da.

Vì đặc tính gây khó khăn trong điều trị, dự phòng cho nên phần còn lại của bài viết sẽ dành để đề cập đến nhiễm trùng da nông do nấm sợi là chính (sẽ được gọi là nấm da). Chủ đề về nấm men (ví dụ lang ben, viêm kẽ…) sẽ được đề cập đến trong những bài viết khác.

Trong tiếng anh, nấm sợi da có tên thông dụng là ringworm – nói là worm (giun, sâu) nhưng thực tế là do nấm da gây nên. Còn từ ring (chiếc nhẫn) vì chúng thường gây nên các mảng đỏ da, ngứa, bong vảy tiến triển hình tròn, hình cung có viền mụn nước, gờ cao như vòng nhẫn.

Có một số loại nhiễm nấm da thường gặp, có nhiều cách phân chia. Tuy nhiên, thường sử dụng nhất dựa vào vị trí mà chúng ảnh hưởng đến.

  • Nấm da đầu (tinea capitis): ảnh hưởng lên vùng trán đỉnh, da đầu, chân tóc. Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em.
  • Nấm bàn chân, kẽ chân (tinea pedis): ảnh hưởng đến một vùng hoặc toàn bộ bàn chân. Bệnh thường gặp ở các vận động viên mang giày bít thường xuyên cho nên còn có tên gọi là “athlete’s foot”
  • Nấm bẹn (tinea cruris): ảnh hưởng lên vùng kẽ bẹn, mông. Bệnh còn có tên gọi khác là “jock itch”.
  • Nấm da mặt (tinea faciei): gây bệnh ở vùng mặt
  • Nấm chân râu (tinea barbae): thường ảnh hưởng đến vùng râu quai hàm ở nam giới.
  • Nấm bàn tay (tinea manuum): gây bệnh ở vùng bàn tay
  • Nấm da thân mình (tinea corporis): là thuật ngữ được dùng để chỉ những trường hợp bị nhiễm nấm trên bề mặt da cơ thể.
  • Trường hợp nấm móng (onychomycosis) sẽ được đề cập ở một chủ đề riêng biệt trên blog này.

Biểu hiện nấm da như thế nào?

Tùy vào vùng xuất hiện bệnh, da có thể có những biểu hiện như:

  • Có các dát phẳng, hình tròn và có bờ viền gờ nhẹ lên mặt da đi kèm với bong vảy. Đôi khi có thể đi kèm mụn nước, bọng nước.
  • Ở những người da trắng thì các vị trí bệnh có xu hướng có màu đỏ hoặc hồng
  • Với những người da ngăm hoặc đen thì thường chúng có màu xám hoặc nâu
  • Tổn thương trên da có thể lớn chậm, nhưng nếu để ý thì chúng sẽ tăng dần kích thước ra hoặc lan thêm những vị trí khác trên cơ thể.
  • Vùng trung tâm thường có xu hướng trở lại da lành cùng với sự gia tăng kích thước vùng bệnh.
  • Với biểu hiện vùng râu, tóc có thể trở nên sưng, đỏ, tụ mủ hoặc chảy dịch dính theo nang râu. Sau đó có thể gây rụng lông, tóc và gây các hạch phản ứng xung quanh vị trí bệnh.
  • Bệnh có thể gây ngứa nhiều, châm chích hoặc bỏng rát.

Bệnh nấm da có lây không?

Có, chắc chắn là như vậy rồi!

Ước tính hiện nay trên trái đất có khoảng 1.5-5.0 triệu loài nấm. Nhưng chỉ có một vài trăm trong số chúng có thể gây bệnh và chỉ có rất ít có thể gây bệnh ở người khỏe mạnh.

Đa phần các nhiễm trùng do nấm da nông trên bề mặt da thường gây ra do các chủng vi nấm sợi tơ. Có thể kể đến một số loài như TrichophytonEpidermophyton, và Microsporum.

Thức ăn ưa thích của các loài nấm kể trên là các tế bào sừng keratin của da, lông, tóc, móng. Chúng đa phần ưa thích môi trường ẩm ướt, nhiệt độ ấm nóng. Và có một điều, nấm có thể sống ở ngoài môi trường trong thời gian dài.

Khi một ai đó bị bệnh, kể cả các thú nuôi của bạn (chó, mèo, lợn…) mà bạn có tiếp xúc gần gũi thì có thể bị lây nhiễm. Hoặc cả khi bạn sử dụng những thứ dễ là nơi cư trú ưa thích của nấm như khăn tắm, bồn tắm, thảm nhà, đi chân trần hoặc công việc thường xuyên tiếp xúc với đất bẩn, chất thải gia súc.

Thêm vào đó, bệnh có thể lan từ vị trí này sang vị trí khác trên cơ thể. Ví dụ như từ bàn chân sang vùng kẽ bẹn, hoặc lan sang tay thuận của bạn (được gọi hội chứng 2 chân 1 tay).

Những ai dễ bị mắc bệnh?

Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải tình huống này, tuy nhiên nếu bạn càng có nhiều yếu tố nguy cơ kể trên, hoặc có các bệnh lý khác đi kèm thì nguy cơ tăng lên đáng kể.

  • Sống ở vùng nhiệt đới (như nước ta chẳng hạn)
  • Có công việc hoặc môi trường sinh hoạt nóng, ẩm
  • Công việc liên quan đến tiếp xúc động vật thường xuyên
  • Người tăng tiết mồ hôi nhiều
  • Những vận động viên thể thao, đấu kiếm, đấu vật hoặc các môn thể thao cọ xát trực tiếp khác
  • Sống ở những nơi đông người, tập trung (ví dụ như trong quân ngũ, sinh viên kí túc…)
  • Có thói quen dùng chung khăn tắm, áo quần, dao cạo hoặc các vật dụng công cộng khác
  • Người béo phì
  • Mắc bệnh đái tháo đường
  • Có thói quen mặc áo quần bó chật, dễ gây cọ xát, trầy xước da
  • Những người có thói quen sử dụng nhà tắm công cộng nhưng lại ít có thói quen lau khô chân trước khi mặc giày, dép
Bị nhiễm HIV không làm tăng nguy cơ mắc phải nấm sợi da. Tuy nhiên, nếu một khi đã bị thì tình trạng có thể nặng nề và khó điều trị hơn!

Vì sao cần xác định và điều trị nấm đúng từ đầu?

Bởi vì biểu hiện của nấm có thể nhầm lẫn với một số tình trạng bệnh lý da khác. Trong đó có thể kể đến là các loại viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã, vảy phấn hồng, vảy nến…

Một thực trạng đang diễn ra đó chính là cứ với những biểu hiện đỏ da, có vảy hoặc mụn nước là lại được chẩn đoán là chàm da, viêm da. Khi đó, các thuốc như kem bôi bảy màu, kem chứa thành phần corticoid lại được sử dụng.

Và khi điều trị như vậy dành cho nấm thì các triệu chứng giảm đi nhanh mà thực sự không phải do bệnh thực sự đang khỏi. Tình huống lúc này sẽ khó khăn trong chẩn đoán hơn rất nhiều (tinea incognito).

Bờ viền tổn thương biến mất, xuất hiện các tổn thương viêm nang lông chân sâu (u hạt majocchi’s). Sau đó thì nấm bùng phát lên rầm rộ và lan rộng ra nhanh chóng. Lúc này việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn ban đầu.

Làm thế nào xác định liệu có bị nấm không?

Đa phần các trường hợp nhiễm nấm da thông thường thì có thể xác định được thông qua việc quan sát các đặc điểm của tổn thương. Có một số trường hợp, việc cạo lớp vảy da vùng bệnh và soi dưới kính hiển vi sẽ giúp xác định được tình trạng bệnh.

Rất hiếm khi cần đến việc nuôi cấy (đây là xét nghiệm được dụng để nuôi dưỡng tổ chức nấm và xác định chính xác loại nấm trong phòng xét nghiệm vi sinh).

Với mỗi vị trí tác động, nấm có thể gây ra một số biểu hiện khác nhau. Từ đó, việc điều trị và dự phòng bệnh cũng có những lưu ý khác nhau. Phần sau sẽ tiếp tục đề cập chủ đề này thông qua những vị trí riêng biệt.

Hiểu về bệnh nấm da thường gặp

Nấm da đầu

Nấm da đầu thường gây các tổn thương dạng mảng đỏ da, bong vảy và có thể gây ra các đám rụng tóc ở da đầu. Bệnh thường ảnh hưởng chủ yếu lên trẻ nhỏ và đây cũng được xem xét như là nguyên nhân hay gặp trong nhóm gây rụng tóc trẻ em.

Nấm da đầu thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm đường uống. Những thuốc bôi tại chỗ (dạng kem hoặc lotion) đơn độc ít khi hiệu quả cho những trường hợp này. Tùy tình trạng bệnh, loại thuốc sử dụng và đáp ứng với điều trị mà có thể bạn sẽ được kê đơn sử dụng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày trong khoảng từ 2-12 tuần.

Để phòng ngừa tái phát nấm da đầu, điều quan trọng là cần loại bỏ tất cả lược, bàn chải, kẹp tóc hoặc bất kì sản phẩm chăm sóc tóc nào đã mang mầm bệnh. Các thành viên trong gia đình cũng cần được kiểm tra và điều trị đồng thời (nếu bị nhiễm).

Đôi khi, có những trường hợp mang mầm bệnh nhưng lại không có bất kì triệu chứng nào khác (được gọi là người lành mang bệnh). Hoặc ổ lây bệnh chính là những thú cưng trong gia đình và chúng cũng cần gặp bác sĩ thú y để điều trị đồng thời.

Với trẻ nhiễm nấm da đầu đã được chẩn đoán và điều trị với thuốc uống thì bé vẫn có thể đến trường bình thường. Không cần thiết phải cạo trọc lóc da đầu của bé đi.

Nấm bàn chân

Nấm bàn chân rất thường gặp, trong đó vị trí hay gặp nhất là vùng kẽ ngón. Đặc điểm của bệnh gây nên các mảng đỏ, bong vảy, nứt nẻ, gây ngứa nhiều. Đôi khi một số trường hợp có thể hình thành mụn nước, bọng nước.

Như đã được đề cập ở trên, có một số người bị nấm bàn chân thường sẽ kèm thêm nấm bàn tay, móng tay hoặc kẽ bẹn do thao tác vệ sinh, cào gãi làm lây lan.

Không như nấm da đầu, nấm bàn chân đa phần đáp ứng tốt với thuốc điều trị kháng nấm và sự thật thì có nhiều loại thuốc mà bạn có thể mua mà không cần kê toa.

Thuốc có thể ở dạng kem, gel, lotion, dung dịch, bột, xịt, véc ni và được dùng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày trong vòng 4 tuần. Bảng dưới liệt kê một số thuốc bôi thường dùng (dấu * dùng cho những thuốc cần được bác sĩ kê toa).

ThuốcDạng thuốc
Terbinafine (Lamisil)*Kem, gel
Clotrimazole (Lotrimin)*Kem, lotion, dung dịch
Econazole (Spectazole)Kem
Sulconazole (Exelderm)Kem, dung dịch
Oxiconazole (Oxistat)Kem, lotion
Naftifine (Naftin)Kem, gel
Ciclopirox (Loprox)Kem, lotion, véc ni
Ketoconazole (Nizoral)Kem
Sertaconazole (Ertaczo)Kem
Miconazole (Monistat)*Kem
Tolnaftate (Tinactin)*Kem, gel, bột, xịt

Có những trường hợp nặng hoặc diễn tiến bệnh kéo dài không khỏi thì có thể sẽ được bác sĩ sử dụng kèm thêm thuốc uống (dĩ nhiên phải được kê đơn cụ thể).

Sử dụng bột kháng nấm cho cả chân và giày là gợi ý tốt giúp mang lại cảm giác dễ chịu và làm giảm nguy cơ tái phát nhiễm nấm. Nếu được thì mặc giày hở, thoáng khí thì càng tốt (ít nhất là trong giai đoạn điều trị).

Nấm bẹn – mông

Tình trạng thường ảnh hưởng đến vùng kẽ bẹn, các nếp rãnh, nếp lằn mông. Từ những vị trí này, chúng sẽ dần ăn lan ra đùi, ra mông, quanh hậu môn và có thể lên bụng, lưng.

Bệnh thường gặp nhiều hơn ở nam giới, đặc biệt trong những ngày mùa hè nắng nóng hoặc những người làm việc trong môi trường nóng, ẩm, ra mồ hôi nhiều. Khi có tình trạng này, cần lưu ý đến nấm bàn chân kể trên vì đây chính là nguồn lây thường gặp nhất.

Phần lớn các trường hợp bệnh nấm bẹn, mông có thể điều trị thành công với các thuốc kháng nấm bôi (dạng kem, lotion hoặc gel). Tùy loại thuốc mà có thể sử dụng một hoặc hai lần mỗi ngày trong khoảng 3-4 tuần.

Và chắc chắn rồi, khi có nấm bàn chân đi kèm thì bạn cũng cần điều trị theo đó. Đây là vùng có có khả năng tái phát cao, thường bị dấu kĩ đi cho đến lúc tình trạng đã lan rộng. Cho nên, cần tuân thủ điều trị tốt ngay từ khi phát hiện.

Trong suốt thời gian điều trị, cần tránh mặc áo quần chật. Giặt giũ sạch sẽ áo quần, chăn màn, đặc biệt là áo quần trong để tránh tái phát.

Nấm da thân mình

Ngoài những vị trí đã liệt kê ở đầu bài viết thì khi bị nhiễm nấm sẽ được gọi là nhiễm nấm da thân mình. Bệnh thường xuất hiện do hiện tượng lây lan từ những vị trí ban đầu như bàn chân, bẹn – mông, da đầu…Bố mẹ chăm bé bị nấm da đầu cũng dễ xuất hiện tình trạng này.

Bệnh biểu hiện với mảng đỏ bong vảy có hình bầu dục hoặc hình vòng cung. Bờ bên ngoài của tổn thương thường đỏ và gờ nhẹ lên mặt da, trong khi đó trung tâm lại có xu hướng phẳng và có màu da như bình thường.

Nấm da thân mình thường đáp ứng với thuốc bôi tốt. Tùy vào loại sử dụng mà có thể được dùng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày trong vòng 1-2 tuần. Bạn cũng có thể sinh hoạt, làm việc bình thường trừ những ai thường phải tiếp xúc trực tiếp với người khác (như là vận động viên đấu kiếm, vật).

Làm thế nào để phòng bệnh?

Để phòng ngừa lây nhiễm và lây lan tình trạng bệnh. Bạn đọc có thể áp dụng một số biện pháp được gợi ý sau đây:

  • Không dùng chung áo quần, khăn tắm, đồ dùng thể thao với người khác
  • Khi tắm, rửa ở những nơi công cộng, tập Gym ở phòng tập đông người thì phải luôn mặc dép vào.
  • Tránh mặc quần áo chật, bí. Thay đổi quần áo, đồ lót ít nhất là mỗi ngày một lần.
  • Giữ da luôn sạch, khô. Tránh đọng nước lại sau khi tắm rửa.
  • Nhớ giặt áo quần sau khi tập GYM hoặc các hoạt động thể thao đổ mồ hôi nhiều. Tránh để ùn ứ tạo môi trường ưa thích cho nấm phát triển.
  • Nếu bị nấm bàn chân, luôn nhớ mặc tất trước khi mặc quần (đặc biệt là đồ lót) để tránh phát tán nhiễm trùng lan rộng ra thêm vị trí khác.
  • Có biện pháp ngăn chặn để làm giảm hiện tượng tiết mồ hôi chân, nách bẹn…
  • Mặc giày dép vừa vặn, tránh cọ xát các ngón chân với nhau hoặc dễ gây ra các vết thương trên da. Chính những tổn thương này khiến cho nấm dễ xâm nhập và phát triển.
  • Khám và điều trị cho thú nuôi của bạn khi chúng có mảng rụng lông hoặc sưng đỏ da. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm da trên thú nuôi của bạn.
  • Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình có những triệu chứng nhiễm nấm da, cần điều trị đúng ngay từ đầu. Tránh làm phát tán rộng nhiễm trùng không chỉ người bệnh mà cả những người xung quanh.
  • Một khi đã được chẩn đoán bị nhiễm nấm da, bạn cần tuân thủ tốt liệu trình và các biện pháp phòng tránh được đưa ra dành cho bạn.

Lời nói cuối

Nấm da là một bệnh lý thường gặp và có thể gây nhiều khó chịu đối với người mắc phải. Tình trạng này có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm mà không quá phức tạp hoặc tốn kém.

Vai trò của dự phòng bệnh lây lan và tái phát là một nhiệm vụ quan trọng cần phải làm. Không chỉ cho chính chúng ta mà còn cả trách nhiệm đối với cộng đồng.

Một khi bạn có những dấu hiệu nghi ngờ đến tình trạng nấm thì tốt nhất bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa uy tín để được xác định và tư vấn điều trị thích hợp.

BS Trần Ngọc Nhân

Tài liệu tham khảo

  • Adam O Goldstein, MD, MPH; Beth G Goldstein, MD. Patient education: Ringworm. https://www.uptodate.com/contents/ringworm-including-athletes-foot-and-jock-itch-beyond-the-basics
  • Julia R. Köhler (2015). The Spectrum of Fungi That Infects Humans. Cold Spring Harb Perspect Med. 2015 Jan; 5(1): a019273.
  • Fungal Infections of the Skin. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/fungal-infections-skin#1
  • Fungal Infections. https://patient.info/infections/fungal-infections
  • Ringworm. https://www.aad.org/public/diseases/contagious-skin-diseases/ringworm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here