Bệnh viêm nhú gai lưỡi gây đau rát lưỡi, bất tiện ăn uống

0
7091

Đây là tình trạng viêm thường gặp ảnh hưởng đến một số nhú gai dạng nấm (fungiform papillae) của lưỡi, gây đau rát cho người bệnh. Nó còn được gọi với tên “lie bumps” và  các biến thể khác như tình trạng viêm lưỡi nhú gai dạng nấm (fungiform papillary glossitis) hoặc viêm nhú gai (có tính gia đình) dạng phát ban (eruptive (familial) lingual papillitis).

Cấu tạo, hình dáng của các nhú gai lưỡi

Nhú dạng nấm là một trong những loại nhú gai đặc biệt thấy trên bề mặt lưỡi, chúng có những thụ thể làm nhiệm vụ xúc giác vị giác (đặc biệt là cảm giác đắng), thụ thể nhận cảm nhiệt và có nguồn cung cấp máu dồi dào. Các nhú gai này thường thấy rải rác ở mặt lưng và 2 bên lưỡi, chủ yếu hướng về phía đầu lưỡi. Thường thì các nhú này không thấy rõ, phẳng và có màu hồng ở những người bình thường.

Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

Kết quả hình ảnh cho tongue papillae
  • Circumvallate Papillae: Nhú dạng vòng
  • Fungiform Papillae: Nhú dạng nấm
  • Palatine Tonsil:       Hạnh nhân khẩu cái hay Amidal khẩu cái
  • Lingual Tonsil:        Hạnh nhân lưỡi hay Amidal lưỡi
  • Foliate Papillae:      Nhú dạng lá
  • Filiform Papillae:     Nhú dạng chỉ

Số lượng và kích thước nhú gai dạng nấm có sự thay đổi tùy thuộc vào những yếu tố như:

  • Nữ giới có nhiều nhú gai dạng nấm hơn nam giới
  • Số lượng tăng nhiều hơn ở giai đoạn sau mãn kinh
  • Các tổn thương thần kinh có thể làm giảm số lượng nhú gai và làm giảm cảm giác vị giác của lưỡi

Các nhú dạng nấm có thể thấy rõ trong một số trường hợp, thường gặp nhất đó là hình ảnh “lưỡi quả dâu” trong bệnh sốt tinh hồng nhiệt ở trẻ nhỏ.

Vì sao bị viêm nhú gai lưỡi?

Dạng điển hình

Dạng điển hình của viêm nhú gai lưỡi thoáng qua ảnh hưởng đến hơn 50% trường hợp chung. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ trẻ tuổi, nhưng nhìn chung thì mọi lứa tuổi đều có thể bị tác động. Nguyên nhân thường gặp nhất đó chính là các yếu tố kích ứng niêm mạc tại chỗ hoặc do chấn thương nhú gai. Tuy nhiên có nhiều yếu tố kích ứng khác có thể bắt gặp như stress, dao động của hormone, rối loạn dạ dày ruột hoặc do thức ăn cay nóng.

Viêm nhú gai lưỡi (có tính gia đình) dạng phát ban

Bệnh ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và những thành viên trong gia đình trẻ. Tình trạng thường gặp nhất vào mùa xuân, nhưng đôi khi cũng có thể bắt gặp quanh năm. Với những trẻ khi tiếp xúc với nhiều trẻ khác, ví dụ như ở trường học, nhà trẻ, lớp học ban ngày,… thường có xu hướng bị tình trạng này nhiều hơn.

Nguyên nhân virus cũng được ghi nhận là tác nhân gây nên tình trạng này cho cả gia đình. Một giả thuyết được đặt ra tương tự như với tình trạng nhiễm herpes simplex, virus có thể tác động đến trẻ nhỏ và có thể xảy ra từng đợt tái phát sau đó trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của trẻ. Những trường hợp này khi xảy ra ở người lớn thì được gọi là viêm nhú gai lưỡi thoáng qua.

Viêm lưỡi nhú gai dạng nấm được mô tả ở những bệnh nhân có tiền sử bị chàm, hen phế quản hoặc mày đay. Tình trạng được gọi dưới tên khác là viêm nhú gai lưỡi thoáng qua. Các tác giả đề xuất rằng tình trạng này gây ra do tăng nhạy cảm với các yếu tố môi trường của lưỡi, tương tự như tình trạng này xảy ra đối với da, phổi, mũi vậy (tương ứng với chàm, hen và mày đay).

Biểu hiện của viêm nhú lưỡi

Dạng điển hình

Với biểu hiện một nốt trắng đơn độc, màu đỏ, gờ lên mặt lưỡi và gây đau, thường xu hướng tập trung ở đầu lưỡi. Tình trạng thường tự hết sau 1-2 ngày và có thể tái phát trở lại sau vài tuần, vài tháng hoặc vài năm sau đó. Thường không gây vấn đề gì tới sức khỏe chung, hay gây ra tình trạng hạch phản ứng gì. Biểu hiện dạng này với nhiều tổn thương thường ít gặp hơn, có thể biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày.

Tình trạng có thể đi kèm với cảm giác bỏng rát hoặc châm chích ở lưỡi.  Đôi khi chúng chỉ xuất hiện trên bề mặt lưỡi mà không gây bất kỳ triệu chứng khó chịu nào khác cho người bệnh. Một số bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa tình trạng lưỡi bản đồ hoặc các vết hằn vỏ sò ở dọc 2 bên lưỡi với tình trạng này.

Dạng sẩn sừng

Dạng sẩn sừng biểu hiện với các nốt màu trắng tái đi tái lại trên bề mặt lưỡi mà không gây bất kỳ triệu chứng nào cả. Tình trạng này có thể dai dẳng hơn.

Viêm nhú gai lưỡi dạng phát ban

Đây là một tình trạng tác động đến toàn thân, thường đi kèm với sốt, hạch lympho phản ứng. Khởi phát đột ngột, gây ảnh hưởng việc ăn uống và tăng tiết nước bọt ở trẻ. Lưỡi có nhiều nhú dạng nấm viêm lớn ở đầu lưỡi và dọc thân lưỡi 2 bên. Nhìn thoạt qua thì giống như mụn mủ. Chốc mép cũng có thể đi kèm với tình trạng này.

Đợt bệnh thường kéo dài trung bình khoảng 1 tuần (dao động trong khoảng 2-15 ngày). Tái phát được ghi nhận xảy ra sau 1-2 tháng với những đặc điểm lâm sàng tương tự. Các thành viên trong gia đình như bố mẹ, anh chị em cũng có thể có những triệu chứng tương tự sau đó khoảng 1 tuần (dao động trong khoảng 1-15 ngày).

Ở người lớn, bệnh cảnh có thể gây cảm giác bỏng rát nhiều làm cho việc ăn uống có nhiều trở ngại. Còn nhìn chung thì biểu hiện chung về hình thái tổn thương ở người lớn vẫn giống như trẻ nhỏ.

Làm sao biết bị viêm nhú gai lưỡi?

Bệnh thường được chẩn đoán dựa vào chủ yếu về mặt lâm sàng. Sinh thiết niêm mạc cho thấy biểu hiện viêm, sưng nề nhú gai, nhưng thường thì điều này không thực sự cần thiết. Các phương pháp nhuộm, nuôi cấy đặc biệt cũng thường thất bại khi xác định virus, nấm, hoặc vi khuẩn. Ở dạng tổn thương sẩn sừng thì sinh thiết có thể thấy một số sẩn tăng sừng và có hình ảnh viêm mạn tính nhẹ.

Điều trị bệnh như thế nào?

Thường thì không cần điều trị với dạng điển hình hoặc dạng thoáng qua bởi vì tình trạng thường tự khỏi trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.

Với những trường hợp cần điều trị để làm giảm triệu chứng thì có thể sử dụng:

  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý
  • Sử dụng nước lạnh để làm dịu
  • Sử dụng những thức ăn làm dịu như sữa chua
  • Các nước súc miệng kháng khuẩn hoặc gel bôi tê tại chỗ
  • Các steroid bôi tại chỗ

Tuy nhiên, phần lớn thì cũng không cải thiện được triệu chứng quá nhiều hoặc có vai trò gì trong dự phòng tái phát của bệnh.

Với viêm nhú gai lưỡi dạng phát ban thì có thể sử dụng paracetamol, Ibuprofen và kháng sinh tại chỗ cũng ghi nhận hiệu quả trong việc làm giảm thời gian bị bệnh và mức độ của các triệu chứng.

Cùng xem thêm chủ đề:

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu (Dermnetnz):

  • Brannon RB, Flaitz CM. Transient lingual papillitis: A papulokeratotic variant. Oral Surg Oral Med Oral Pathol Oral Radiol Endod 2003;96:187-91.
  • Chaudhry SI, Buchanan JAG, Boulter A, Hodgson TA, Porter SR. Fungiform papillary glossitis: a ‘new’ diagnosis or a ‘misdiagnosis’? Brit J Dermatol 2006; 155: 642-3.
  • Marks R, Scarff CE, Yap LM, Verlinden V, Jolley VD, Campbell J. Fungiform papillary glossitis: atopic disease in the mouth? Brit J Dermatol 2005; 153: 740–745.
  • Roux O, Lacour JP, and Paediatricians of the region Var-Cote d’Azur. Eruptive lingual papillitis with household transmission: a prospective clinical study. Brit J Dermatol 2004; 150: 299–303.
  • Whitaker SB, Krupa JJ 3rd. Singh BB. Transient lingual papillitis. Oral Surg Oral Med Oral Pathol Oral Radiol Endod 1996;82:441-5.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here