Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

1
5280

Phần lớn bệnh nhân nữ giới thuộc nhóm “mụn nội tiết” đều bắt đầu xuất hiện mụn hoặc nặng lên ở khoảng những năm 20 hoặc sau đó. Mụn có xu hướng tập trung vùng mặt dưới, quai hàm, quanh miệng, tiến triển mạn tính, biểu hiện có phần âm thầm hơn trong nhiều năm, dễ tái phát. Chủ đề này tôi sẽ cùng bạn nói rõ hơn về nhóm mụn trứng cá này.

Vị trí nổi mụn ở dưới cằm và quanh miệng

Có những nghiên cứu cho thấy những tổn thương mụn ở nữ giới trong độ tuổi trưởng thành thường tập trung chủ yếu ở vùng mặt dưới như vùng quai hàm, vùng quanh miệng, vùng cằm – hay nói chung là vùng chữ U của khuôn mặt. Kiểu hình này được gọi là dấu hiệu “chuỗi tràng mụn” hoặc “mặt nạ phẫu thuật”. Ngoài ra còn có thể xuất hiện thêm ở vùng cổ trước. Đặc trưng bởi các tổn thương viêm, sẩn viêm, mụn mủ với mức độ từ nhẹ đến trung bình, có ít các nhân đóng hay dạng nang nhỏ.

Thâm mụn cũng thường gặp và sẹo mụn cũng gặp ở khoảng 20% trường hợp. Ngoài ra da có xu hướng nhạy cảm hơn những trường hợp thanh thiếu niên, kém đáp ứng với các thuốc thoa tại chỗ. Trong khi đó, với độ tuổi thanh thiếu niên, mụn thường xuất hiện ở vùng chữ T (trán, mũi, cằm) hoặc lan rộng sau đó với nhiều dạng tổn thương, tiến triển điển hình của quá trình hình thành mụn.

Mụn viêm nổi dưới cằm, quai hàm

Theo phân loại của Preneau và Dreno (2012) thì có 2 dạng chính của loại mụn này.

 Đặc trưngTiết nhờn
Viêm (khoảng 58% trường hợp)Sẩn viêm, mụn mủ và dạng nốt. Có thể hình thành sẹoKhông phải khi nào cũng có tình trạng tăng tiết bã nhờn
Mụn trứng cá nhânMột số nhân mở và dạng nang nhỏ; một số ít tổn thương mụn viêmLuôn có hiện tượng tăng tiết nhờn và tổn thương mụn hiện diên gần như khắp mặt

Mụn nội tiết là gì?

Những trường hợp mụn xuất hiện ở những vị trí này thường hay được rỉ tai nhau với thuật ngữ “mụn nội tiết” (hormonal acne). Vậy thì mụn nội tiết là gì? Cho đến nay thì vẫn chưa có một định nghĩa nào được đưa ra cho thuật ngữ này. Trường hợp mụn trứng cá thông thường nào cũng có sự ảnh hưởng của yếu tố gene và nội tiết ở trong cơ chế bệnh sinh của nó. Tuy nhiên, thuật ngữ mụn trứng cá nội tiết thường dùng để chỉ những trường hợp mụn liên quan mật thiết đến những rối loạn về hormone trong cơ thể, đặc biệt là các hormone có tính androgen. Sản sinh quá nhiều hormone, đặc biệt là các androgen, GH, IGF-1, insulin, CRH, và các glucocorticoid có liên quan đến hình thành mụn trứng cá.

Cụ thể nếu có sự mất cân bằng các yếu tố bên trong sẽ có thể làm gia tăng tình trạng tiết nhờn và sinh mụn. Ở nữ giới thường hay gặp nhất là hội chứng buồng trứng đa nang. Hoặc đôi khi là dành cho những trường hợp cơ thể có xu hướng nhạy cảm hoặc tăng số lượng thụ thể nhận cảm đáp ứng đối với androgen mà không có hiện tượng tăng tiết bất thường đối với hormone này.

Cần phải phân biệt với những tác động do biến động hormone theo sinh lý của cơ thể đối với những trường hợp này. Việc cũng có đến 70% phụ nữ rơi vào tình huống có hiện tượng xuất hiện mụn vùng mặt nhẹ trước khi hành kinh 3-7 ngày là chuyện bình thường của một chu kỳ sinh lý. Điều đó không có nghĩa là bạn bị những bất thường về nội tiết tố.

Vị trí nổi mụn không đặc hiệu cho nguyên nhân?

Gần đây, vị trị kinh điển mụn ở nữ giới trưởng thành nằm ở 1/3 mặt dưới như vậy được đem ra tranh luận. Những nghiên cứu đã đánh giá vị trí mụn trên các vị trí khác nhau ở mặt và lưng. Một nghiên cứu cho thấy phần lớn nữ giới (89.8%) trường hợp có nhiều tổn thương ở vùng mặt như trán, má, quai hàm và thái dương với phổ bệnh tương tự như với độ tuổi thanh thiếu niên.

Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp nhất là sự kết hợp nhiều vị trí mụn trứng cá ở mặt với các tổn thương mụn không viêm lẫn viêm. Phần lớn nữ giới (93.7%) có tổn thương nhân mụn, và 48.4% trường hợp có mụn trứng cá ở thân mình và chỉ 11.2% có mụn ở vùng quai hàm.

Và như vậy, mối liên quan giữa vị trí mụn trên mặt và vấn đề gợi ý như trước đây dường như không có đủ cơ sở khoa học và thậm chí có xu hướng chống lại nó. Và thực tế, nên xem xét chúng ở nhóm lớn hơn, đầy đủ hơn đó chính là AFA – mụn trứng cá ở nữ giới trưởng thành. AFA được định nghĩa là tình trạng mụn ảnh hưởng đến nữ giới trên 25 tuổi và có thể dai dẳng liên tục hoặc theo từng đợt từ độ tuổi thanh thiếu niên hoặc bắt đầu biểu hiện lần đầu tiên ở giai đoạn này.

Và trong nhóm này, ngoài nguyên nhân bất thường nội tiết thì còn có rất nhiều yếu tố khác cũng quan trọng không kém. Do đó để chính xác hơn tôi sẽ sử dụng thuật ngữ mụn trứng cá ở nữ giới trưởng thành (AFA) khi nói đến loại mụn này trong nội dung chủ đề này thay vì thuật ngữ “mụn nội tiết”.

Mụn trứng cá ở nữ giới trưởng thành (AFA)

Mụn là kết quả của quá trình tương tác phức tạp giữa các yếu tố chính như cơ địa gene dễ sinh mụn, tình trạng trội đặc tính hormone androgen làm tăng tiết nhờn, thay đổi các cấu phần lipid da, tăng sừng hóa nang lông, tăng quá mức một số chủng khuẩn đặc hiệu và hiện tượng viêm quanh các tuyến chức năng ở da.

Những yếu tố về gene và hormone được cho tham gia chính trong bệnh sinh của nhóm trường hợp này. Đặc trưng bởi những đợt bùng phát dai dẳng, cần điều trị duy trì và nhiều trường hợp cần đến vài năm để điều trị nó.

Các yếu tố trong cơ chế sinh mụn ở nữ giới trưởng thành

Các nguyên nhân tăng tiết androgen ở nữ giới có yêu tố buồng trứng hoặc tuyến thượng thận. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và u buồng trứng (lành hoặc ác tính) và các khối u thượng thận, hội chứng cushing, bệnh to đầu chi (acromegaly). Hoặc cũng gặp phải đối với những bệnh lý không phải là bệnh lý nội tiết như hội chứng Apert, SAPHO, Behcet, và PAPA. Trong số đó, PCOS chiếm đến hơn 90% trường hợp.

Một điều quan trọng đó là nhiều trường hợp bệnh nhân có mụn do bất thường nội tiết có thể không tăng lượng testosterone lưu hành trong máu và một số có lượng androgen tăng cao vẫn có chu kì hành kinh bình thường. Cho nên cho dù với nữ giới có chu kì kinh nguyệt bình thường đi chăng nữa nhưng có các biểu hiện mụn trứng cá nang, bọc, bùng phát thì vẫn phải cân nhắc đến các mất cân bằng hormone.

Một số yếu tố khác được chứng minh làm khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh như: tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhiều, stress, béo phì, chế độ ăn không cân đối, thuốc lá, rối loạn giấc ngủ, mỹ phẩm, một số thuốc, làm sạch da quá mức, các chủng vi khuẩn đề kháng do điều trị không phù hợp kéo dài và các bệnh lý rối loạn nội tiết…

Cần xét nghiệm gì khi mụn dai dẳng ở nữ giới?

Với những trường hợp mụn trứng cá có kèm theo những dấu hiệu gợi ý tình trạng cường androgen, kém đáp ứng với điều trị, và có chu kì bất thường thì có thể được tầm soát các bất thường nội tiết. Các xét nghiệm máu được thực hiện ở giai đoạn sớm của chu kì kinh nguyệt (pha trước rụng trứng), thường được thực hiện trong giai đoạn ngày thứ 1 đến ngày thứ 5 trong chu kì kinh và cần được lấy vào thời điểm buổi sáng (khoảng từ 8 đến 10 giờ sáng). Các thuốc uống điều trị hormone như các viên uống tránh thai cần được ngưng trước 1 tháng kiểm tra để tránh sai sót.

Các xét nghiệm có thể được chỉ định gồm có lượng testosterone (tự do và toàn phần), FSH, LH, DHEA, androstenedione, SHBG, prolactin, 17-hydroxy progesterone, insulin đói và sau ăn, cortisol huyết thanh và siêu âm bụng/siêu âm sinh dục – buồng trứng. Nếu cần thì sẽ tiến hành thêm một số thử nghiệm kích thích ACTH hoặc ức chế dexamethasone.

Tiếp cận chẩn đoán và điều trị với mụn trứng cá ở nữ giới trưởng thành

Điều trị mụn trứng cá ở nữ giới trưởng thành

Cần phải xác định rằng những trường hợp này sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình điều trị bởi vì xu hướng tái phát, thậm chí vừa ngay khi kết thúc liệu trình điều trị là chuyện không phải là ít gặp. Đáp ứng chậm và khó dung nạp điều trị, dễ kích ứng da là đặc trưng của loại mụn này. Cần phải hướng đến việc duy trì một chế độ theo dõi, điều trị lâu dài bên cạnh điều chỉnh các yếu tố một cách cân bằng.

Trong quá trình tiếp cận điều trị, tôi thường xem xét cân nhắc tùy thuộc vào mức độ nặng của tình trạng, khả năng đáp ứng đối với những liệu trình trước đó, cân nhắc yếu tố tâm lý – chất lượng cuộc sống, khả năng và mong muốn mang thai, khả năng tài chính, đặc trưng kiểu hình đáp ứng tuýp da của từng người để đưa ra cách tiếp cận phù hợp nhất. Có thể chia quá trình điều trị thành hai giai đoạn chính: điều trị tấn công và điều trị duy trì.

Ban đầu có thể điều chỉnh các yếu tố có thể có thấy được, sử dụng thuốc thoa đơn thuần hoặc phối hợp. Những trường hợp kém đáp ứng hoặc mức độ trung bình đến nặng có thể cân nhắc sử dụng một số thuốc uống như kháng sinh, liệu pháp hormone, isotretinoin. Bên cạnh đó có thể sử dụng các phương pháp điều trị bổ trợ khác như loại bỏ nhân mụn, tiêm mụn, peel hóa chất, và sử dụng các thiết bị ánh sáng như PDT, IPL, laser, LED để gia tăng hiệu quả.

Điều trị thuốc hormone cho “mụn nội tiết”

Theo khuyến cáo điều trị Châu Âu thì liệu pháp hormone được khuyến cáo kèm theo với kháng sinh uống hoặc thoa (ưu tiên), BPO trong những trường hợp mụn nang bọc trung bình hoặc sẩn mụn mủ nặng như một lựa chọn thay thế cho việc bắt đầu sử dụng isotretinoin.

Liệu pháp hormone thường được sử dụng kết hợp và không phải là sử dụng đơn trị liệu. Những trường hợp mụn nhẹ như mụn trứng cá nhân chắc chắn là chống chỉ định sử dụng hormone.

Có nhiều thuốc có thể được lựa chọn trong liệu pháp hormone dành cho mụn trứng cá như viên uống tránh thai COCs, estrogen + glucocorticoid, spinorolactone, cyproterone acetate+estrogen, chlormadionon acetate + estrogen, megestrol+estrogen,, flutamide, đối kháng GnRH, sử dụng liều thấp corticoids liều thấp prednisolone kéo dài, isotretinoin..

Trong số đó, viên uống tránh thai vẫn là lựa chọn đầu tay cho những trường hợp bị hội chứng buồng trứng đa nang. Với spinorolactone thì cho đến nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi do sự thiếu hụt nghiên cứu trong y văn.

Nhìn chung hiệu quả bắt đầu thấy được sau khoảng 3 tháng điều trị. Con số này cũng tương tự đối với liệu trình sử dụng spinorolactone. Mặc dù đôi khi tác động có thể thấy được ngay sau 1 chu kì kinh. Tác động toàn bộ của liệu pháp hormone có thể mong đợi đạt được sau 6-9 tháng điều trị.

Lời nói cuối

Chủ đề này không đi quá sâu vào cách điều trị từng trường hợp cụ thể riêng biệt và nó cũng không phải là một lời khuyên điều trị cho các bạn. Nếu bạn đang gặp phải loại mụn như thế này thì tốt nhất nên đến các bác sĩ chuyên khoa uy tín để được tư vấn điều trị, theo dõi. Bởi lẽ nó là một nhóm mụn có nhiều khác biệt so với loại mụn trứng cá thông thường hay mụn ở độ tuổi thanh thiếu niên dậy thì. Không chỉ riêng đặc trưng khác biệt, những vấn đề sức khỏe bên dưới cần được làm rõ mà còn cả khả năng đáp ứng điều trị và dễ gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình điều trị.

Chúc quý bạn đọc sức khỏe và an nhiên!

Cùng xem thêm chủ đề “Nói tất cả về chăm sóc, điều trị mụn trứng cá”.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Nguồn tài liệu:

  • Bagatin E, Freitas THP, Rivitti-Machado MC, et al. Adult female acne: a guide to clinical practice [published correction appears in An Bras Dermatol. 2019 Mar-Apr;94(2):255. Machado MCR [corrected to Rivitti-Machado MC]]. An Bras Dermatol. 2019;94(1):62-75. doi:10.1590/abd1806-4841.20198203
  • Jiann-Jyh Lai et al (2012). The Role of Androgen and Androgen Receptor in the Skin-Related Disorders. Arch Dermatol Res. 2012 Sep; 304(7): 499–510. Published online 2012 Jul 25. doi: 10.1007/s00403-012-1265-x
  • Mohamed L Elsaie (2016). Hormonal treatment of acne vulgaris: an update. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2016; 9: 241–248. Published online 2016 Sep 2. doi: 10.2147/CCID.S114830
  • Zeichner JA, Baldwin HE, Cook-Bolden FE, Eichenfield LF, Fallon-Friedlander S, Rodriguez DA. Emerging Issues in Adult Female Acne. J Clin Aesthet Dermatol. 2017 Jan;10(1):37-46. Epub 2017 Jan 1. PMID: 28210380; PMCID: PMC5300732.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here