Trị mụn bằng nước bọt có hiệu quả?

0
1223

Có một câu chuyện, phương pháp huyền bí được truyền tai nhau không biết từ bao lâu trong điều trị mụn: Mẹo kể rằng vào buổi sáng sớm, trước khi ăn uống buổi sáng, bạn nên sử dụng nước bọt của mình để thoa lên mặt, đặc biệt những vùng nào bị mụn. Để như vậy khoảng 20-25 phút rồi rửa sạch với nước.

Liệu đây có phải là phương pháp cổ phương bí truyền hiệu quả hay không? Sau đây, cá nhân xin dành một số quan điểm dựa trên phân tích một số bằng chứng có thể thu thập được để gửi đến các bạn đọc.

Từ tự nhiên đến nghiên cứu về nước bọt

Thực tế thì bạn có thể quan sát, những chú chó mẹ hoặc những động vật trong tự nhiên thường có phản xạ liếm con non vừa sinh ra, đặc biệt vùng rốn. Hoặc ngay bản thân nó bình thường cũng có hành động thỉnh thoảng lại liếm quanh thân mình. Thực tế con người khi vừa bị dao cứa đứt tay thì sẽ thường đưa lên mút nó như một phản xạ nguyên thủy của động vật. Mối liên quan giữa nước bọt và hành vi trong cuộc sống là không thể phủ nhận được.

Có một điều bất ngờ đó là bắt nguồn từ thời xa xưa (khoảng hơn 2000 năm trước), người ta đã xem nước bọt như là một yếu tố xác định của mỗi người. Máu và nước bọt được người Trung Hoa cổ xem như “anh em một nhà” và chúng đều có chung nguồn gốc. Khi một ai đó có nước bọt biến đổi khác thường thì cũng chứng tỏ có vấn đề nào đó đối với sức khỏe chung của họ.

Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

Những phân tích kĩ lưỡng về mặt sinh hóa, lý hóa cũng đã được bắt đầu tiến hành hơn 1 thế kỉ qua. Khởi đầu năm 1898, khi mà Chittenden và Mendel tiến hành nghiên cứu tác động của việc uống rượu bia lên hệ tiêu hóa và bài tiết. Và khi đó nồng độ muối, chlo trong nước bọt cũng được lựa chọn để đánh giá một cách thường quy lúc bấy giờ. Và sau này là rất nhiều những nghiên cứu khác.

Hiểu sâu hơn về nước bọt

Nước bọt được sản sinh từ tuyến nước bọt. Có đến 99% lượng nước bọt ở người là nước, phần còn lại là một số yếu tố như các tế bào biểu mô niêm mạc, vi sinh vật, bạch cầu, enzyme (alpha amylase), điện giải (bicarbonate, natri, kali…), chất nhầy, kháng thể, hormone, các chất oiorphin và một số phân tử hoạt tính sinh học như protein, RNA, DNA.

Điểm qua một số ít chức năng quan trọng của nước bọt như:

  • Hòa tan thức ăn: một số thức ăn muốn hấp thu được, chúng cần được hòa tan, nhào trộn với các enzyme tiêu hóa khác nhau
  • Giữ ẩm khoang miệng: chất nhầy của nước bọt chống bám dính thức ăn, giúp cho việc ăn nuốt dễ dàng, tránh cọ xát niêm mạc vào mặt môi má của miệng
  • Vệ sinh răng miệng: các dòng chảy nước bọt giúp loại bỏ các chất bẩn, mảng bám, giúp răng miệng sạch sẽ. Nước bọt có chứa lysozyme, đây là một enzyme phân giải nhiều vi khuẩn và phòng ngừa tăng sinh quá mức hệ khuẩn chí trong khoang miệng.
  • Khởi động quá trình tiêu hóa thức ăn: alpha amylase trong nước bọt khởi động quá trình tiêu hóa thức ăn từ tinh bột thành các đường maltose. Điều này cũng xảy ra tương tự một số động vật khác.

Các chức năng này được thực hiện thông qua các đặc tính hóa học, vật lý chung của dịch cơ thể hoặc có một số đặc điểm riêng biệt chỉ có ở nước bọt.

Ứng dụng của nước bọt trong y học

Thông qua nước bọt, người ta có thể xác định chẩn đoán một số vấn đề về sức khỏe như: mụn trứng cá, cholesterol, hói đầu kiểu nam, ung thư, stress, vấn đề tim mạch, dị ứng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hấp thu calci… Có thể đây là hướng đi tương lai của ngành xét nghiệm y học bởi vì chúng có những lợi điểm như dễ dàng lấy mẫu, an toàn, ít xâm lấn hơn so với lấy dịch máu.

Tuy nhiên vấn đề còn là công nghệ phát triển tương ứng. Và câu chuyện ở đây cũng chỉ dừng lại ở khâu chẩn đoán chứ không phải là khuyến cáo điều trị nào về mụn cả.

Hệ khuẩn chí bình thường trên da

Nước bọt chứa rất nhiều vi khuẩn

Hệ vi khuẩn niêm mạc miệng ở người khỏe mạnh ổn định với pH trung tính, môi trường yếm khí gồm các vi khuẩn thủy phân protein, vi khuẩn yếm khí và không chuyển hóa carbohydrate (asaccharolytic) như FusobacteriumCampylobacterPrevotellaPorphyromonas…

Hệ khuẩn chí này có sự khác biệt hoàn toàn với đặc điểm môi trường trên da. Hệ khuẩn chí da có các chủng Propionibacterium, Betaproteobacteria, Flavobacteriales, Staphylococcus… và chủng nấm men Malassezia chiếm phần lớn, sau đó là Debaryomyces và Cryptococcus. Cuối cùng là các loại mạt da demodex (ví dụ như Demodex folliculorum và Demodex brevis).

Và như đã được đề cập đến trong các bài viết về mụn trước đây, sự mất cân bằng vi khuẩn cũng đóng vai trò đánh kể trong cơ chế hình thành mụn. Đặc biệt là với những vết thương trầy xước sau thao tác sờ nặn, đang điều trị kháng sinh dài ngày, mụn viêm mủ đang hoạt động thì nước bọt chắc chắn không phải là lựa chọn hay ho (nếu không muốn càng làm tình trạng mất cân bằng khuẩn chí xảy ra nặng nề hơn).

Nước bọt không có tính acid gây khô gom mụn

Độ pH nước bọt dao động khoảng 6.2 đến 7.6, trung bình là 6.7. Độ pH này cũng có tính tương đồng với pH da cho nên câu chuyện về tính acid trong nước bọt giúp làm khô, gom cồi tổn thương mụn là điều phi lý.

Cùng xem thêm chủ đề:

Nhiều người tin rằng các dịch tiết cơ thể vào buổi sáng sớm là thứ tinh khiết nhất nhưng thực sự có một điều là quá trình tiết nước bọt giảm xuống đáng kể trong lúc ngủ, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong khoang miệng. Các vi khuẩn này cũng ăn các thức ăn thừa tạo ra một số acid như lactic acid, butyric acid aspartic acid và do đó làm cho pH nước bọt giảm xuống – minh chứng là hơi thở của bạn sẽ thật khó ưa vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Thật khó để chấp nhận khi thoa cái hỗn hợp này lên da mặt như trong các bài hướng dẫn mà các bạn thường thấy trên các trang mạng.

Nước bọt chứa các enzyme và chất kháng viêm

Một số lập luận được vận dụng để giải thích cho cơ chế điều trị mụn viêm từ nước bọt đó là tính kháng khuẩn và kháng viêm. Nước bọt có chứa lysozyme (đây là một enzyme phân giải nhiều vi khuẩn) và cortisol (tương ứng với nhịp tiết cortisol trong máu và đây là một chất cực kì quan trọng trong cơ thể, trong chủ đề này là kháng viêm). Tuy nhiên, nồng độ cortisol trong nước bọt ở mức (8 – 9 giờ sáng) 3,5 – 27,0 nmol/l thấp hơn rất nhiều so với nồng độ ghi nhận trong máu 123,0 – 626,0 nmol/l ở cùng thời điểm. Và theo đó hiệu quả giảm viêm của nó gần như nếu có thì cũng đã đi đến từ máu rồi chứ cũng không cần thiết phải thoa lên da với nồng độ ít ỏi như vậy.

Thực sự thì tiến bộ khoa học hiện nay cũng đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm trị mụn có những thành phần hoạt tính có vai trò tương tự như các lysozyme, cortisol như kháng sinh bôi, BPO, TTO… mà lại mang tính thẩm mỹ cao. Quan trọng là bạn cần được chỉ định và sử dụng đúng với tình trạng mà mình đang gặp phải.

Nước bọt dễ gây kích ứng, viêm da

Trong da liễu có bệnh viêm da do liếm môi (lip licking dermatitis) biểu hiện với mảng đỏ da nhẹ, bong vảy, có hoặc không kèm thay đổi sắc tố da, một số trường hợp thậm chí là hình thành một số mụn nước, sẩn đỏ kích thước nhỏ ở vùng tương ứng.

Nguyên nhân gây ra chủ yếu do những tác động kích ứng của nước bọt và cơ học tác động đến vùng da quanh miệng. Và những tác động này là điều hoàn toàn có thể gặp phải khi sử dụng nước bọt để thoa lên vùng da mụn đang bị kích ứng sẵn có của bạn, thậm chí đôi khi khiến cho tình trạng mụn trở nặng đi nhiều.

Hình ảnh viêm da quanh miệng do nước bọt

Bàn luận về hiệu quả trị mụn bằng nước bọt

Nước bọt mang nhiều ý nghĩa cả tốt lẫn xấu tùy theo gốc độ quan sát đánh giá, ví dụ như các yếu tố xã hội, tâm lý, hành vi, phong tục tập quán. Hiện tại chưa có một nghiên cứu khoa học nào đủ quy chuẩn đánh giá hiệu quả của nước bọt trong điều trị mụn.

Những phân tích trên được gom góp lại dựa theo các phân tích hiện có về đặc điểm sinh hóa, chức năng, sinh bệnh học và điều trị mụn. Nếu bạn muốn thử trải nghiệm xem hiệu quả như thế nào thì có một điều tôi tin chắc chắn rằng bạn cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ nhất có thể, và đó không phải là lúc nước bọt sau một đêm dài mới ngủ dậy.

Về quan điểm cá nhân thì nếu giả như đang bị lạc vào một khu rừng rậm nào đó tách biệt với thế giới mà bỗng nhiên nổi vài cái mụn thì phương pháp này có thể là lựa chọn bất đắc dĩ. (Hehe, dĩ nhiên là nếu còn tâm trí lo cho cái mụn trong tình huống ấy). Còn lại thì dĩ nhiên là sẽ nói không bởi vì ở ngoài kia, thế giới văn minh có biết bao nhiêu sản phẩm hữu ích, an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều. Hãy để nước bọt thực hiện đúng vai trò chức năng của nó như tự nhiên đã tạo hóa ở trên.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi là ai? mời bạn đọc ghé thăm tại giới thiệu tác giả

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Tài liệu tham khảo

• Science behind human saliva J Nat Sci Biol Med. 2011 Jan-Jun; 2(1): 53–58. doi: 10.4103/0976-9668.82322
• Salivary pH: A diagnostic biomarker J Indian Soc Periodontol. 2013 Jul-Aug; 17(4): 461–465. doi: 10.4103/0972-124X.118317
• Daily fluctuation of cortisol in the saliva and serum of healthy persons. Bosn J Basic Med Sci. 2008 May; 8(2): 110–115. doi: 10.17305/bjbms.2008.2962
• What is new in the pathophysiology of acne, an overview. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2017 Sep;31 Suppl 5:8-12. doi: 10.1111/jdv.14374.
• Pathophysiology and management of acne. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2015 Jun;29 Suppl 4:1-2. doi: 10.1111/jdv.13182.
• Lip-licking dermatitis. https://www.visualdx.com/visualdx/diagnosis/lip-licking+dermatitis
• Saliva is good for your skin? https://www.acne.org/forums/topic/189869-saliva-is-good-for-your-skin/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here