Vì sao vết bỏng, vết thương bị ngứa và cách chữa trị?

0
6951

Chắc hẳn những ai đã từng bị bỏng đều sẽ nhớ cảm giác ngứa, khó chịu ở vị trí vết bỏng mà không biết phải làm gì. Hoặc muốn đưa tay gãi cho hả cái dạ nhưng nhiều khi không thể vì vết thương đang chưa lành hẳn. Với những bệnh nhân bị bỏng diện rộng thì đôi khi triệu chứng ngứa này đủ để gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, cần quá trình phục hồi chức năng hoặc điều trị tích cực bằng nhiều phương pháp.

Thực tế thì vấn đề này chưa được nhìn nhận và điều trị đúng mực. Có những bằng chứng y học hiện tại góp phần làm sáng tỏ vấn đề này, cho phép bác sĩ lâm sàng đánh giá và lựa chọn điều trị phù hợp.

Ngứa ở vết thương, vết bỏng thường gặp!

Tỉ lệ xuất hiện triệu chứng này chiếm khoảng từ 57 -100% trường hợp ở trẻ em, trong đó con số này dao động khoảng từ 25-87% ở người lớn. Ước tính con số trung bình là 61% ở trẻ em và 60% ở người lớn. Với những trường hợp bỏng được can thiệp sớm, hợp lý sẽ làm giảm tỉ lệ xuất hiện triệu chứng này.

Tuy nhiên, với những tổn thương da có diện tích nhỏ thì ít khi gây quá nhiều tác động. Chỉ có khoảng 35% người bị bỏng diện tích khoảng 2% diện tích bề mặt cơ thể xuất hiện ngứa kéo dài sau đó, trong đó thì chỉ có 14% trường hợp có ngứa nhiều và đủ để gây ra phiền toái cho người bệnh.

Các yếu tố khiến vết bỏng gây ngứa?

Hiện tượng này có cơ chế phức tạp, chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố khác nhau và có sự khác biệt giữa người này với người khác. Tác giả Twycross và cộng sự đề xuất 5 phân nhóm tác động đến quá trình ngứa này, gồm có: yếu tố da (thụ thể nhận cảm ngứa), thay đổi thần kinh (bệnh lý thần kinh ngoại biên, trung ương…), các chất dẫn truyền thần kinh, hỗn hợp, tâm sinh lý.

Vết bỏng bị ngứa khi lành và cách điều trị
Hình ảnh minh họa vết bỏng nhỏ cánh tay trái.

Khi sử dụng thang điểm VAS, NRS để xác định mức độ ảnh hưởng, ghi nhận:

  • Ngứa nhiều thường đi kèm với tình trạng sẹo phì đại, vết thương lâu lành
  • Vị trí bị ảnh hưởng (vùng chân > tay> mặt, cổ)
  • Độ nông sâu của tổn thương (với những vết thương nông, tổn thương ở một phần da thường ngứa nhiều hơn những vết thương sâu)
  • Diện tích bị tổn thương, mô tổn thương được ghép vạt da hoặc không có
  • Tiếp xúc với nguồn nhiệt (ví dụ như thói quen tắm nước nóng chẳng hạn, phơi nắng, hoạt động thể lực nhiều, đổ mồ hôi nhiều…)
  • Thời gian trong ngày (thời điểm chiều tối, ban đêm thường thấy ngứa hơn ban ngày).
  • Nền da khô cũng có thể là yếu tố làm tăng hiện tượng ngứa.
  • Các yếu tố toàn thân như rối loạn trầm cảm sau sang chấn, yếu tố tâm lý khác cũng làm tăng biểu hiện.
  • Ngoài ra, ngứa thường ảnh hưởng đến các bé nhỏ nhiều hơn khiến chúng không thể thôi ngừng gãi, để ý đến chúng. Có thể tác động cào gãi khi vết thương chưa lành hẳn có thể làm toác miệng vết thương, mất mô da, làm quá trình lành thương kéo dài hơn.

Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

Triệu chứng ngứa vết thương có nguy hiểm

Thời gian xuất hiện ngứa thường bắt đầu thấy rõ khi vết thương bắt đầu lành da, thượng bì bắt đầu tái tạo để phủ lại bề mặt vết thương, bỏng. Hoặc trung bình khoảng 1 tháng sau khi chấn thương. Sau đó, ngứa thường giảm dần nhưng có thể kéo dài vài tháng cho đến một hoặc một vài năm.

Các nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài ghi nhận có khoảng 44% trường hợp bỏng ở người lớn có ngứa kéo dài đến khoảng 4-7 năm sau đó. Khi ngứa còn kéo dài dai dẳng như vậy, hoặc có tác động đến công việc, giấc ngủ, độ tập trung thì cần được điều trị đúng đắn.

Điều trị ngứa vết thương như thế nào?

Trong nhiều thập kỉ các trung tâm bỏng sử dụng kháng histamine và dưỡng ẩm đều đặn như là liệu trình chuẩn để điều trị ngứa sau bỏng. Kháng histamine có nhiều bằng chứng về lâm sàng, kinh nghiệm trong điều trị.

Cùng xem thêm chủ đề:

Dưỡng ẩm được sử dụng để hạn chế hiện tượng bong vảy, sừng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thượng bì hóa vết thương. Những trường hợp kém đáp ứng thì có thể được sử dụng thêm những sản phẩm như kem bôi capsaicin, bạc tinh thể, steroid, doxepin, dapsone, kem tê bôi tại chỗ, liệu pháp massage, kích thích điện thần kinh qua da (TENS), laser trị liệu năng lượng thấp, viên uống kết hợp, các thuốc hướng thần kinh khác… Thậm chí là tiêm botox để điều trị trong một số trường hợp

Bàn luận cuối của tác giả

Khi gặp phải tình huống này, hãy để bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bạn bởi vì trong các giai đoạn khác nhau của quá trình lành thương thì có thể cũng sẽ được điều trị, phối hợp khác nhau.

Có một điểm thú vị mà mình phải nêu riêng, đó là có một số báo cáo gần đây (có cả nhưng nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng) cho thấy có những trường hợp khi ngứa đề kháng với các thuốc kháng histamine lại thường đáp ứng phần nào với chế độ ăn được điều chỉnh loại trừ cà chua, khoai tây, tiêu, cà tím (hay đại loại là họ cà nói chung – có chứa một số chất như solanidine hoặc tomatidine). Do đó, bạn có thể điều chỉnh lại chế độ ăn có những thức ăn này nếu như cơn ngứa đang làm bạn khó chịu.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi là ai? mời bạn đọc ghé thăm tại giới thiệu tác giả

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here