Bệnh da nghề nghiệp ở những công nhân may mặc, vải sợi

1
1523

Ngành công nghiệp giày da, may mặc là một ngành công nghiệp tạo ra nhiều việc làm cho công nhân lao động trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, ngành nghề này cũng mang đến nhiều nguy cơ cho da, cụ thể nhất đó là tình trạng viêm da tiếp xúc nghề nghiệp. Thực tế thì viêm da tiếp xúc nghề nghiệp chiếm đến hơn 90% các bệnh lý da gây ra do nghề nghiệp, số còn lại gồm có mày đay tiếp xúc, viêm nang lông do chất dầu, chloracne, bạch sản da, bệnh lý tương tự xơ cứng bì, loét và loạn sản thượng bì.

Hình ảnh có liên quan

Lịch sử hiện đại của viêm da tiếp xúc do nghề nghiệp bắt đầu từ những năm 1919 trên một tờ báo Anh Quốc, về sau được nhiều tờ báo, tạp chí dần quan tâm hơn. Tùy vào từng khu vực, từng báo cáo mà con số có sự khác biệt. Nhưng nhìn chung thì cũng không quá khác biệt nhiều. Một báo cáo cho thấy có đến 29% số người tham gia khảo sát trong các công ty may mặc có tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng. Trong khi đó, ở một số nghiên cứu khác thì con số này tăng lên mức 38% khi ghi nhận đối với tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng. Có nhiều trường hợp có vẻ như có sự kết hợp giữa cả bệnh sinh dị ứng lẫn kích ứng. Những con số này nói lên một điều rằng ngành công nghiệp này cũng đang gây ra nhiều vấn đề da kèm theo tương ứng với quy mô của chúng.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là lý do tại sao những công nhân làm việc trong môi trường giày da, may mặc lại có nguy cơ mắc bệnh lý da nghề nghiệp cao đến vậy?

Câu trả lời liên quan đến một số yếu tố tăng lên trong môi trường làm việc, ví dụ như:

  • Gia tăng nguy cơ tiếp xúc với các chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) cũng như các chất kích ứng da trong các thành phần của thuốc nhuộm sợi vải (đặc biệt phải kể đến một số chất như Disperse Blue 124, Dispaerse Blue 10 và Disperse Yellow 104, formaldehyde resins, dị nguyên từ cao su, và các chất sáp, hóa chất phủ còn lại ở công đoạn sau cùng).
  • Chính sách, phương pháp bảo hộ lao động, an toàn lao động sơ sài trong một số nhà máy sản xuất
  • Đa phần công nhân đều là những người trẻ tuổi, chưa được đào tạo kĩ năng bài bản, dân trí không cao, được chi trả lương bèo bọt và một số yếu tố khác khiến cho quá trình đào tạo, giáo dục về bảo hộ, lao động nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Hàng rào da là một phần rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch bảo vệ của cơ thể, chúng có cơ chế tác động như một hàng rào bảo vệ tự nhiên đối với rất nhiều chất có khả năng gây kích ứng, dị ứng hoặc các yếu tố nhiễm trùng. Một khi hàng rào này bị tổn thương do một nguyên nhân nào đó (có thể là chấn thương, bệnh lý nào đó) thì sẽ làm gia tăng nguy cơ hình thành bệnh da kèm theo. Cụ thể thì những công nhân giày da, may mặc luôn ở trong tình trạng nguy cơ cao xuất hiện bệnh da do đặc thù môi trường làm việc đã kể ở trên. Chủ yếu là các tình trạng viêm da tiếp xúc.

Có một số dấu hiệu gợi ý đến bệnh da nghề nghiệp như:

  • Tình trạng viêm da bàn tay
  • Chàm đồng tiền
  • Mảng đỏ da, bong vảy, lichen hóa kèm ngứa
  • Các dát thâm (tăng sắc tố sau viêm)
  • Thậm chí với những trường hợp nặng nề thì có thể gây ra tình trạng chàm diện rộng, đỏ da toàn thân.

Quá trình chẩn đoán các bệnh lý da nghề nghiệp chủ yếu dựa vào:

  • Đánh giá tính chất nghề nghiệp như môi trường làm việc, các hóa chất hoặc sản phẩm thường được sử dụng, tiếp xúc đến, quy chuẩn an toàn nơi làm việc, có những vấn đề da tương tự ở những người làm việc chung.
  • Các triệu chứng, dấu hiệu của viêm da điển hình lẫn không điển hình
  • Sử dụng test áp bì hoặc một số xét nghiệm khác để xác định dị nguyên tiếp xúc gây ra tình trạng cho người bệnh.

Việc điều trị bệnh da nghề nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ khâu điều chỉnh dự phòng, bảo hộ của người bệnh. Để đạt được hiệu quả cần:

  • Giảm thiểu tối đa nguy cơ tiếp xúc với dị nguyên, chất kích ứng
  • Sử dụng các trang thiết bị bảo hộ hợp lý và luôn tuân thủ quy định an toàn trong lao động
  • Sử dụng đều đặn, tích cực các sản phẩm kem dưỡng, hỗ trợ hàng rào bảo vệ da khi cần thiết
  • Một số thuốc kê đơn chứa corticoid uống hoặc bôi dùng điều trị triệu chứng, khi tình trạng không cải thiện thì có thể có một số lựa chọn khác như quang liệu pháp, methotrexate, ciclosporin và azathioprine.

Để giảm thiểu nguy cơ cho công nhân, cần có sự đánh giá đầy đủ và xây dựng quy chuẩn chung về môi trường làm việc cho các công nhân. Ví dụ như:

  • Cung cấp đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và bố trí những vị trí thuận tiện cho nhân viên vệ sinh cá nhân sau ca, giờ làm việc
  • Có chính sách giáo dục nhân viên về cách sử dụng găng tay, mặt nạ, áo quần bảo hộ dài tay hoặc các trang thiết bị khác tương ứng với từng môi trường đặc thù những loại hóa chất hoặc thuốc nhuộm thường được sử dụng. Đồng thời cũng cần giáo dục các dấu hiệu, triệu chứng của tình trạng viêm da tiếp xúc.
  • Chiến lược công ty phải ưu tiên sức khỏe công nhân, bố trí môi trường làm sao giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc nhất với các chất kích ứng, dị ứng.
  • Sử dụng nguyên liệu, vật liệu có chứa ít độc tính, các loại thuốc nhuộm vải có tính ổn định cao hơn, ít lượng formaldehyde hơn trong quá trình sản xuất.
  • Quản lý và công nhân phải cùng tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn trong sản xuất.

Các trang thiết bị bảo hộ cho người lao động: việc sử dụng các thiết bị bảo hộ như gang tay, áo quần bảo hộ có thể giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm với các dị nguyên và chất gây kích ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý là găng tay cao su cũng có thể gây viêm da do phản ứng quá mẫn và dị ứng với các hạt latex hoặc các chất xúc tác trong quá trình sản xuất cao su, do đó nếu được thì tốt nhất nên sử dụng các loại găng tay không chứa latex. Ở nước ta, việc mua những sản phẩm găng tay không chứa latex gặp nhiều khó khăn thì mang bên trong găng cao su một găng tay vải mềm với chất lượng cotton, thấm hút mồ hôi tốt bên trong cũng là lựa chọn tốt.

BS Trần Ngọc Nhân

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here