Những ai dễ bị mụn trứng cá nghề nghiệp?

1
1589

Mụn trứng cá nghề nghiệp là một tình trạng liên quan công việc hàng ngày. Bệnh gây ra nhiều khó khăn trong dự phòng, điều trị không những cho người bệnh mà còn đối với bác sĩ. Hơn thế nữa là vấn đề này thường bị bỏ sót hoặc nhận nhiều can thiệp không cần thiết.

Chủ đề này tôi sẽ tập trung vào việc xác định những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Các nhận diện ban đầu, từ đó có thể nâng cao những biện pháp dự phòng và lựa chọn phương án điều trị phù hợp!

Hãy nhớ đọc đến hết bài viết và cùng trao đổi với tôi những vấn đề mà bạn nhận thấy được. Còn bây giờ, chúng ta cùng bắt đầu xem thử liệu công việc bạn đang làm có liên quan gì đến mụn của mình không nhé!

Vì sao gọi là mụn trứng cá nghề nghiệp?

Khoa học ngày càng chứng minh được nhiều những mối liên quan mật thiết giữa mụn và các yếu tố môi trường, chế độ sinh hoạt, sự cân bằng các yếu tố trên da.

Bạn cứ thử tưởng tượng, mỗi ngày đi làm có biết bao nhiêu thứ từ môi trường xung quanh tiếp xúc lên da. Và chúng đều có thể gây mụn được, đặc biệt là với những ai có môi trường làm việc đặc thù riêng. Trong đó phải kể đến các hóa chất, các yếu tố tác động vật lý cũng như cơ học.

Mụn trứng cá nghề nghiệp có những đặc trưng riêng mà mụn trứng cá thông thường không có. Phát ban mụn trứng cá nghề nghiệp có thể nhẹ, khu trú ở mỗi vùng tiếp xúc. Nhưng đôi khi tình trạng tác động đến nguyên một vùng hoặc một phần nào đó của cơ thể. Hoặc thậm chí nặng hơn là gần như tác động đến hầu hết các đơn vị nang lông trên cơ thể.

Một điều thú vị khác nữa là việc loại bỏ những yếu tố nguy cơ từ môi trường nghề nghiệp đi thì tình trạng mụn chắc chắn sẽ có những cải thiện rõ rệt. Chính những yếu tố đặc thù riêng biệt ấy cho nên chúng được phân nhóm riêng thành mụn trứng cá nghề nghiệp!

Những ai dễ gặp phải vấn đề này?

Để cho bạn đọc dễ hình dung, tôi sẽ đề cập đến vấn đề này dựa theo cách phân nhóm tác nhân gây mụn nghề nghiệp. Trong đó sẽ có những nhóm chính như mụn trứng cá do dầu; do than đá; do mỹ phẩm; do chlor (chloracne); do cơ học; mụn trứng cá mùa hè (acne aestivalis); mụn trứng cá nhiệt đới.

Bạn đọc cần lưu ý là danh sách kể trên có thể không bao hàm hết tất cả các nguyên nhân hình thành mụn. Nhưng chúng có thể giúp ích nhiều trong việc nhận diện và định hướng nguyên nhân của tình trạng mà bạn gặp phải.

Mụn trứng cá do dầu

Nhóm nghề thường gặp

Đây là dạng thường gặp nhất trong nhóm mụn trứng cá gây ra do nghề nghiệp. Tình trạng này thường thấy trong những công nhân làm việc liên quan đến vận hành máy móc hoặc môi trường khói dầu nhiều.

Những nghề nghiệp khác như là thợ sữa chữa ô tô, xe tải, máy bay, những công nhân làm cao su, giày da – may mặc, tinh chiết dầu mỡ. Đầu bếp, phụ bếp, những người bán chuối chiên, khoai tây chiên, nướng cay… cũng sẽ được liệt kê vào nhóm này.

Những loại dầu bôi trơn (đặc biệt là loại không hòa tan, bán tổng hợp) được xem là nguyên nhân gây mụn. Thực tế khi bạn làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với các chất này, lỗ chân lông của bạn dễ bị bít tắc đi kèm rối loạn quá trình sừng hóa nang lông, cản trở việc tiết nhờn bình thường và gây nên mụn.

Đặc điểm của tình trạng

Mụn thường xuất hiện là các nhân mụn đầu đen, dạng viêm nang lông và tổn thương nang nhỏ. Chúng chủ yếu xuất hiện ở vùng tiếp xúc như là mu bàn tay, mặt duỗi cẳng tay. Áo quần khi ngâm trong dầu có thể gây ra mụn ở đùi, bụng hay là mông. 

Mặt cũng không phải là nơi ngoại lệ bởi vì một số người thường có thói quen quệt tay hoặc ống tay áo dính dầu mỡ lên mặt. Đôi khi mụn trở sưng to như cái nhọt da nhưng thực tế thì nguyên nhân gây nên không phải từ vi khuẩn trong các tuyến nhờn đó. Tình trạng này đôi khi cũng dễ nhầm lẫn với mụn nang bọc nặng.

Một số trường hợp có thể hình thành nên bệnh lý da viêm có lỗ mắc phải ở những người làm việc phải tiếp xúc với dịch khoan thường xuyên.

Mụn trứng cá do than đá

Nhóm nghề thường gặp phải

Dầu than đá, creosote và hắc ín có thể gây mụn, đặc biệt là ở những vùng tiếp xúc như ở má 2 bên. Những người dễ gặp phải vấn đề này như những công nhân khai mỏ, công nhân duy tu, bảo dưỡng và trải thảm đường, lợp nhà, kĩ sư xây dựng, công nhân nhà máy sản xuất ống nước.

Đặc điểm của tình trạng

Đặc điểm của mụn gây ra do than đá cũng có những nét tương đồng đối với nhóm nguyên nhân kể trên. Ngoài ra, với những trường hợp này đôi khi còn kết hợp thêm vấn đề nhạy cảm độc tính do ánh sáng tác động lên cả da và mắt.

Nám do dẫn xuất than đá là một vấn đề thường thấy ở những người bị mụn loại này. Một số vấn đề ít gặp hơn như dày sừng, u nhú hoặc u sừng gai…

Mụn trứng cá do mỹ phẩm

Nhóm nghề thường gặp

Tình trạng này thường gặp ở các diễn viên, người mẫu, lễ tân, tiếp viên hàng không hoặc những người phải thường xuyên trang điểm đậm. Những người làm tóc, cơ sở xông hơi, chăm sóc da cũng sẽ đối diện một số yếu tố tương tự.

Các thành phần mỹ phẩm gây mụn thường thấy như lanolin, một số dầu chiết xuất thực vật và chất hóa học tổng hợp như butyl stearate, lauryl alcohol và oleic acid.

Nhiều chất trong số đó hiện nay đã được hạn chế sử dụng hoặc điều chỉnh lại bởi các công ty mỹ phẩm và các loại mỹ phẩm cũng thường được quảng cáo là không gây mụn nhưng thực sự thì thì không phải khi nào cũng như thế.

Đặc điểm của tình trạng

Tình trạng có thể gặp phải đi từ những nhân đầu trắng, đầu đen cho đến rải rác một số mụn viêm, mủ. Và với những trường hợp khi có trứng cá thông thường kết hợp thì gần như rất khó để phân biệt được.

Mụn trứng cá cơ học

Nhóm nghề thường gặp

Khi vùng da bị tiếp xúc hoặc cọ xát lặp đi lặp lại cũng có thể gây phát ban mụn trứng cá. Ví dụ như tì đè tại chỗ và cọ xát ở vùng ghế ngồi có thể gây mụn trứng cá ở thân mình của các bác tài xế.

Hay ngay với các nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh, các ngành công nghiệp may mặc, khói bụi phải thường xuyên sử dụng khẩu trang cũng bị ảnh hưởng vùng mặt. Các vận động viên mặc áo quần bó khi thi đấu, tập luyện hoặc là thắt lưng chặt ở các vận động viên cử tạ,… cũng gây ra mụn trứng cá. Một vị trí đặc biệt đó là vùng cổ của các nhạc công chơi violin dễ bị mụn trứng cá.

Đặc điểm của tình trạng

Vùng bị ảnh hưởng xuất hiện các mụn viêm, mủ và đôi khi ẩn sâu bên dưới dạng sẩn cục ở những trường hợp tiếp xúc áp lực mạnh và kéo dài.

Nếu bạn đang gặp phải vấn đề này thì nên có những lưu ý thay đổi tư thế, sử dụng miếng dán ở vị trí tiếp xúc cố định, và nhớ ăn mặc thoáng mát.

Mụn trứng cá nhiệt đới

Nhóm nghề thường gặp

Tình trạng này có thể gây ra do tiếp xúc với môi trường nóng ẩm thường thấy ở những công nhân lò đúc, làm bánh mỳ,…

Đặc điểm của tình trạng

Vị trí thường gặp các tổn thương như mông, đùi hoặc cổ, cánh tay và thân mình. Ít khi tình trạng ảnh hưởng lên vùng mặt.

Bạn đọc có thể để ý, nếu bạn mới thay đổi một công việc mới có những tính chất này mà đột nhiên xuất hiện mụn nhiều sau đó vài tháng thì rất có thể mụn trứng cá do bị ảnh hưởng bởi những yếu tố môi trường.

Mụn trứng cá do chlor (choracne)

Nhóm nghề thường gặp

Tình trạng này thường đề kháng với điều trị. Bệnh gây ra do sự tiếp xúc với những hóa chất hydrocarbon thơm được chlor hóa. Và tình trạng này cũng được xem là yếu tố chỉ điểm nhạy nhất về đáp ứng sinh học với những hóa chất đó. Tác động này thông qua vị trí tiếp xúc với da hoặc hít phải hoặc qua ăn uống.

nguyên nhân, cơ chế hình thành mụn trứng cá nghề nghiệp
Cơ chế hình thành mụn trứng cá nghề nghiệp (chloracne)

Vấn đề thường gặp ở những người làm việc trong nhà máy hóa chất, phòng thí nghiệm, lao công, hoặc liên quan đến ngành công nghiệp sử dụng hóa chất hydrocarbon được halogen hóa.

Ngày nay thì tỉ lệ này cũng đã được giảm xuống do các hóa chất dần được thay thế bằng các hydrocarbon với gốc resin tổng hợp được chlor hóa và sự hạn chế sử dụng các chất polychlorinated biphenyl.

Đặc điểm của tình trạng

Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện 2-4 tuần sau khi tiếp xúc với các hóa chất thấy trong các thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc chất bảo quản gỗ tránh mối mọt.

Với nước ta thì những hóa chất được sử dụng trong chiến tranh trước đây như chất độc màu da cam cũng được đưa vào y văn thế giới trong phần mô tả đặc điểm tình trạng này.

Mụn trứng cá mùa hè

Tình trạng này hiếm gặp, ít được mô tả và đôi khi không liên quan đến nghề nghiệp. Thông thường ảnh hưởng đến phụ nữ ở tầm tuổi 25-40 tuổi, ở những vùng như má, hai bên cổ, ngực, vai, vùng trên cánh tay với các sẩn nhỏ, cứng, tròn, đỏ mà khi lành ít khi để lại sẹo.

Dự phòng mụn trứng cá nghề nghiệp như thế nào?

Đây là một câu hỏi khó cả về việc đưa ra giải pháp lẫn việc thực hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể tránh được thông qua một số biện pháp như hạn chế phơi nhiễm, kiểm soát kĩ thuật, vệ sinh cá nhân và bảo hộ lao động.

Để làm được điều này đòi hỏi sự kết hợp của cả phía người lao động lẫn sử dụng lao động và các chính sách, quy định ban hành liên quan kèm theo.

Hơn thế, mụn trứng cá nghề nghiệp cơ bản vẫn tuân theo những nguyên lý chung trong quá trình sinh mụn. Bên cạnh tìm ra giải pháp dự phòng tốt thì cũng cần được tối ưu việc chăm sóc, điều trị, dự phòng mụn trứng cá hợp lý.

Hạn chế phơi nhiễm

Cần tránh tiếp xúc với sản phẩm có thành phần gây bệnh tối đa nhất có thể. Và nếu được, nơi làm việc cần được thay thế bằng các sản phẩm không có quá nhiều các chất gây hại.

Khi làm việc trong môi trường này bạn nên thay đổi và giặt áo quần thường xuyên với xà phòng. Mặc đồ bảo hộ lao động để tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt.

Tâm lý chung của nhiều người là khi gặp phải tình trạng da đỏ ngứa, phát ban mụn đỏ thì thường bỏ đi hết tất cả mọi thứ và chờ đợi. Trong đó hay gặp nhất là sữa tắm và sữa rửa mặt. Điều này làm gia tăng khả năng các chất lưu lại trên da và có nhiều cơ hội gây hại cho da nhất.

Thực tế khi được lựa chọn sản phẩm phù hợp thì việc sử dụng hợp lý chúng mang lại những tác động to lớn trong việc loại bỏ các chất phơi nhiễm. Nếu bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ da liễu chứ đừng ngần ngại.

Kiểm soát kĩ thuật

Đây là khâu quan trọng giúp giảm thiểu khả năng phơi nhiễm. Bằng biện pháp khép kín quy trình làm việc, sử dụng máy móc thay cho con người trong những khâu có hóa chất gây hại.

Trang bị hệ thống xử lý chất thải, khói bụi để tránh tiếp xúc với da hoặc đường hô hấp. Có thể sẽ cần những bước dài để có được điều này, tuy nhiên chúng nhất định phải được đưa vào mục tiêu điều chỉnh trong quá trình phát triển.

Huấn luyện và đào tạo

Các kiến thức về mối nguy hại các sản phẩm, vệ sinh cá nhân và phương pháp làm giảm phơi nhiễm (ví dụ như xoay vòng công việc,…) cần được liên tục cập nhật, hướng dẫn đến từng người.

Vệ sinh cá nhân, kể cả rửa tay là điều hết sức quan trọng trong việc dự phòng mụn trứng cá nghề nghiệp. Các cơ sở cần trang bị các phòng tắm, phòng thay đồ cho nhân viên. Và áo quần làm việc, thiết bị cũng cần được giặt sạch mỗi ngày.

Trang thiết bị bảo hộ an toàn

Người làm việc cũng cần được trang bị và sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ. Kính mắt bảo hộ, gang tay, tạp dề, … hoặc dụng cụ bảo hộ đặc thù cần được nghiêm túc thực hiện.

Người lao động cũng cần được cung cấp các thông tin về những tác động đến sức khỏe khi phơi nhiễm và an toàn khi vận hành, sử dụng thiết bị máy móc. Mọi thiết bị có khả năng gây hại cần được dán nhãn mác cảnh báo đầy đủ.

Lời nói cuối

Ngoài những vấn đề trong chăm sóc, điều trị, dự phòng mụn trứng cá thông thường mà tôi đã có dịp đề cập chi tiết trước đây. Vấn đề mụn trứng cá nghề nghiệp cũng được nhận diện, định hướng đúng để đưa ra những giải pháp can thiệp phù hợp.

Thực tế thì đây là vấn đề mà ai cũng có thể gặp phải. Học cách sống chung với lũ, đối diện với vấn đề, không che đậy sẽ giúp chúng ta nhanh đi đến kết quả hơn. Điều đó không chỉ đến từ nỗ lực của chúng tôi mà phần lớn sẽ phụ thuộc ở bạn.

Bác sĩ có thể sẽ không lựa chọn nghề nghiệp thay bạn! Nhưng bằng sự tận tâm, lắng nghe, thấu hiểu thì chúng ta có thể cùng trao đổi để đi tìm những giải pháp thích hợp nhất xây dựng cho riêng bạn.

BS Trần Ngọc Nhân

Tài liệu tham khảo

  • C.C. Zouboulis et al. Acne and Environmental Pollution (Chloracne). Pathogenesis and Treatment of Acne and Rosacea (pp.189-194). DOI 10.1007/978-3-540-69375-8_25.
  • Betul Demir and Demet Cicek (2016). Occupational Acne. https://www.intechopen.com/books/acne-and-acneiform-eruptions/occupational-acne
  • F. William Danby (2014). Chapter 5: Exogenous acnegens and acneform eruptions. Acne: Causes and practical management (pp.87-92). Copyright © 2015 John Wiley & Sons, Ltd. https://doi.org/10.1002/9781118272343.ch5
  • Zoe Diana Draelos (2014). Acne Mechanica. Chapter from book Acneiform eruptions in dermatology: A differential diagnosis (pp.125-128). DOI: 10.1007/978-1-4614-8344-1_18

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here