Tôi đã “yêu” như thế nào?

0
1325

Một ngày mưa cuối tháng 11 bên ly café và tiếng nhạc…

 “Bác sĩ biết không, hôm nay em vừa giới thiệu một đứa bạn qua tiêm sẹo bên mình đấy!”.  Giọng anh thanh niên 32 tuổi hồ hởi khoe với tôi như vừa trúng xổ số còn tôi thì vẫn đang chăm chú thực hiện những mũi tiêm của mình.

Anh ấy lại tiếp “xưa giờ em không biết những cái này là có điều trị ở bệnh viện cơ đấy, mọi người cứ bảo mấy ‘cái thứ ngoài da’ lấy lá đắp là hết, nhưng đắp miết rồi nản quá để vậy vài năm mà chả thấy hết mà nó cứ to với ngứa dần. Ai ngờ mới có điều trị một lần mà thấy đỡ hẳn đi nhiều rồi, biết thế không phải khổ sở chịu đựng mấy năm qua. Cho nên cứ em thấy ai bị vấn đề gì ngoài da là em giới thiệu qua bệnh viện hết”.

Chuyện vừa xảy ra sáng nay thôi. Những điều này không phải là chuyện lạ lẫm nhưng quả thật có cái gì đó chân thật, thật đáng yêu qua cái lời kể ấy. Thực tế các vấn đề về da lông tóc móng, niêm mạc là những chuyện rất thường gặp. Nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn không biết đến những gì mà bác sĩ da liễu thực hiện hoặc đôi khi những thay đổi nhỏ nhặt bên ngoài ấy lại có ý nghĩa báo hiệu sức khỏe nhiều đến thế nào.

Tôi nhớ lại,…

Ngày mới ra trường, với tấm bằng mới toanh trên tay đỏ thắm tôi đã nộp đơn xin việc về khoa da liễu một bệnh viện tuyến tỉnh gần nhà để hi vọng có cơ hội ở bên gia đình. Tôi đã bị từ chối chỉ vì một câu nói đơn giản “em về da liễu để gãi ngứa, gãi ghẻ cho bên đó à” (ý là đang nói về khoa da liễu của bệnh viện). Có lẽ ngày ấy, ai cũng suy nghĩ bác sĩ da liễu thì chỉ có điều trị ngứa mà thôi, kể cả nhân viên y tế.

Và ngày đó, ai cùng bất ngờ về việc tôi lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho da liễu. Bởi lẽ trong quá trình học đại học, tôi cũng được mọi người đánh giá là đứa siêng năng và khá là mọt sách. Ai cũng nghĩ với tính cách ấy thì có lẽ sẽ phù hợp với bác sĩ chuyên khoa nội hoặc nhi gì đấy thì sẽ “danh môn chính phái hơn”. Và thực tình thì đó cũng là định hướng của bản thân trong suốt quãng thời gian ấy.

Giờ nghĩ lại, cũng không biết cơ duyên hay lý do nào mà bản thân lại có sự chuyển hướng mang theo quyết tâm mạnh mẽ đến vậy. Có lẽ bị hấp dẫn bởi cái đẹp, cái tài tình và giá trị của những đường nét, màu sắc, bố trí của các dấu hiệu trên da. Nó cứ như một chỉ dẫn vẽ ra lối vào cho những điều đang diễn ra ở bên trong và bên ngoài cơ thể.

Kết quả hình ảnh cho The Life of the Skin: What It Hides, What It Reveals, and How It Communicates"

Nói về chủ đề này, tôi xin trích dẫn lời tựa mở đầu của cuốn sách “The Life of the Skin: What It Hides, What It Reveals, and How It Communicates” của tác giả Arthur K. Balin và Loretta Pratt Balin. Bác sĩ lừng danh Albert Kligman đã viết “thuở ban đầu, lĩnh vực da liễu cứ như một vũng lầy toàn rắn độc, những điều ngớ ngẩn, kì bí và đậm chất dân gian. Rồi những cái nhìn giễu cợt, khinh bỉ đôi khi vẫn được người khác nhắm vào Da liễu bởi vì họ – những Bác sĩ da liễu không thức vào mỗi đêm để chăm sóc cho người bệnh của họ”.

Thực tế thì chuyên ngành da liễu có lịch sử phát triển tương đối ngắn ngủi. Trước thể kỉ 17 thì khái niệm về da còn rất mơ hồ, mãi đến thời đại kính hiển vi ra đời và Malpighi (1628-1694) đưa ra những bằng chứng đầu tiên về các lớp cấu trúc và các phức hợp da. Lúc bấy giờ, da và phần phụ của da vẫn được phụ trách bởi các bác sĩ ngoại khoa và thực hành tổng quát mãi cho đến cuối thế kỉ 18. Và dần với sự phân loại một cách khoa học, nó dần trở thành một chuyên ngành y khoa riêng biệt. Và hiện nay có khoảng hơn 3000 bệnh lý và tình trạng chuyên biệt về da, lông, tóc, móng và niêm mạc được nhận diện và điều trị. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ vào năm 2013 công bố có đến 42.7% bệnh nhân đi đến bác sĩ bởi vì có bất thường nào đó về da.

Ông ấy lại nói tiếp “Da liễu hiện đại ngày nay có gốc rễ lấy nền tảng khoa học và phát triển những bước đi thần tốc. Ngày nay, những sinh viên ưu tú nhất đều ứng tuyển vào bác sĩ nội trú chuyên ngành Da liễu. Và để trở thành một bác sĩ Da liễu giỏi, một sinh viên phải có những kiến thức và hiểu biết thật tốt về các lĩnh vực như tâm lý học, nghệ thuật hội họa, miễn dịch, di truyền, sinh hóa và một ít thứ khác không kể đến”. Điều này không còn là xa lạ đối với nước ta, tôi nhớ nếu không nhầm thì khoảng 5 năm trở lại đây thì Da liễu đều là ưu tiên lựa chọn của những sinh viên top đầu trong kì thi tuyển bác sĩ nội trú. Có lẽ điều này cũng là một minh chứng sự hòa mình phát triển xu hướng của nền y học nước nhà so với thế giới.

Bác sĩ Da liễu không những điều trị da và các vấn đề niêm mạc mà còn những chấn thương hoặc vết bỏng da nhỏ bất kì vị trí nào trên bề mặt cơ thể và niêm mạc nhìn thấy được.  Những tình trạng phát ban, ngứa, thay đổi màu sắc, các triệu chứng khác, da có thể báo động cho chúng ta về tình trạng của các cơ quan sâu hơn bên trong cơ thể. Da liễu còn là xúc giác sờ chạm tinh tế: những thay đổi bề mặt nhỏ nhất cũng có thể là dấu hiệu của gợi ý một tình trạng tiền ung thư sớm.

Thử một lần suy nghĩ, làm sao bộ môn nhân tướng học của các quốc gia Á Đông lại có thể dựa vào các đường vân, rãnh, hình thái của các cơ quan mà có thể dự báo các vấn đề của người đó, đặc biệt là tình trạng sức khỏe? Giờ thì y học hiện đại cũng chỉ ra thật nhiều điều ẩn dấu có thể đoán được đằng sau bức màn bí ẩn đó. Người ta thường nói, mắt là cửa sổ con người, răng tóc là gốc con người, móng tay chân như tấm gương phản chiếu và da như là một bản đồ chỉ đường chi tiết.

Có thể cùng là những thứ mà ai cũng thấy được, nhưng “con mắt”, “đôi tay” của Bác sĩ da liễu phải quan sát thấy những thứ mà người khác không thấy (dĩ nhiên trước tiên là về mặt sức khỏe, còn về nhân tướng học thì không nói đến). Tôi nhớ có ai đó đã từng nói “vạn vật trong tự nhiên đều có chuyển động, có ngôn ngữ của riêng nó”.  Ấy thế mà trong từng câu chữ bài “Ai ngoài cánh cửa” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết:

“…

Dấu Frank’s (DELC)

Ai ngoài cánh cửa
À gió đi qua
Ai ngoài cánh cửa
À nắng đi qua
Ai ngoài cánh cửa
À mẹ mới về.”

À, có nhiều thứ đến thế có thể hiện lên trong đầu của người thi sĩ, nhạc sĩ. Nhưng mà “à” cũng có có thật nhiều thứ hiện lên trong đầu của bác sĩ da liễu vậy đó.

Lấy ví dụ như chuyện quan sát rãnh dọc hằn sâu ở dái tai có thể là một chỉ điểm của người dễ gặp phải bệnh lý mạch vành và mạch máu ngoài biên; quan sát sắc da bóng vàng dạng sáp có thể gợi ý bệnh lý chuyển hóa đái đường; nếp đôi mí dưỡi và tăng đường vân, rãnh ở lòng bàn tay có thể gợi ý về yếu tố cơ đị dị ứng; hay chỉ là những thay đổi nhỏ ở tiểu nguyệt của móng tay cũng cho ta những vấn đề sức khỏe.

Bác sĩ da liễu cũng phải có những kĩ năng tâm lý tốt. Danh y Hippocrates thời Hy Lạp cổ đại là người khởi đầu cho ý niệm cơ bản đằng sau của thuật đánh giá tính cách tâm lý con người. Ông được mệnh danh là cha đẻ của y học hiện đại. Khoảng những năm 400 trước công nguyên, Hippocrates tỉ mỉ ghi chép, đúc kết, tập hợp những gì quan sát được thành 4 nhóm hành vi chính: Lửa, Khí, Đất, và Nước. Hippocrate là người đầu tiên áp dụng triệt để 4 phân nhóm người đó để theo dõi những dấu hiệu của sự mất cân bằng trong sức khỏe của bệnh nhân cũng như là thái độ tuân thủ của họ với liệu trình điều trị. Điều này thật sự có giá trị hết sức to lớn, đặc biệt là với rất nhiều vấn đề mạn tính gặp phải như trong lĩnh vực da liễu. Với mỗi viên thuốc uống chỉ mất vài giây mỗi ngày thôi cũng thật khó tuân thủ tốt, bạn có thể tưởng tượng việc dành vài phút đến vài chục phút mỗi ngày để thoa thoa, trét trét thì thật khó đến nhường nào. Ấy là lúc cần đến sự hỗ trợ về mặt tâm lý thật tốt.

Không chỉ phụ trách ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, Da liễu bắt đầu từ những thử thách khó khăn với làn da non nớt của trẻ sơ sinh, trẻ sinh non cho đến các ung thư da, các vấn đề da ở người lớn tuổi như ung thư da hoặc biểu hiện da ở giai đoạn cuối các bệnh lý mạn tính. Bạn có biết, sự phối hợp ăn ý giữa chuyên khoa nhi và da liễu có thể tối ưu việc chăm sóc trẻ đúng cách, giảm thiểu các nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh hoặc các bệnh lý hình thành sớm trong giai đoạn đầu đời. Những điều chỉnh sớm từ chăm sóc da có thể giúp giảm thiểu nguy cơ hình thành các bệnh lý dị ứng như chàm cơ địa, dị ứng thức ăn sau này…

Da liễu không chỉ đơn thuần là việc thoa thuốc, uống thuốc mỗi lúc phát hiện bệnh mà quan trọng hơn thế là chú trọng vào mục tiêu dự phòng, kiểm soát tái phát tình trạng bệnh. Thông qua chẩn đoán cụ thể từng thể bệnh, từng đặc điểm riêng biệt của mỗi cá nhân, gia đình và môi trường để điều chỉnh thói quen sinh hoạt, lối sống, dinh dưỡng, chăm sóc cá nhân và cả dự phòng bằng vaccine. Những tiến bộ trong kĩ thuật chẩn đoán, xét nghiệm dị ứng – miễn dịch và điều trị liệu pháp sinh học nhắm đích là minh chứng rõ ràng cho vấn đề này.

Da liễu cũng chú trọng các vấn đề mang tính xã hội, chăm lo an toàn sức khỏe cho cộng đồng giới tính thứ ba và nhóm có nguy cơ cao. Những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, những vấn đề thường gặp phải khi sử dụng chế phẩm hormone cho đến các can thiệp tạo hình đường nét khuôn mặt và vùng chức năng cũng được quan tâm đặc biệt.

Ngày nay, da liễu không chỉ đơn thuần là điều trị mà còn hướng đến vận dụng những đặc điểm sinh lý học của da, các quá trình sinh lý, sinh hóa diễn ra trong cơ thể, tương tác với môi trường để nâng cao tính thẩm mỹ và chức năng da tối ưu cho mọi người. Sự phát triển thần tốc của các kĩ thuật công nghệ, các thiết bị năng lượng – ánh sáng, các sản phẩm mới với các kĩ thuật đưa thuốc qua da mang đến nhiều hiệu quả và sự hài lòng. Tác động đa tầng từ nông đến sâu phù hợp với các đặc điểm chức năng sinh lý của mỗi lớp, sự phối hợp giữa can thiệp can thiệp không xâm lấn, xâm lấn tối thiểu và các can thiệp xâm lấn, ngoại khoa đem đến nhiều thứ mà có lẽ trước đây chả mấy ai nghĩ tới.

Dược mỹ phẩm, dinh dưỡng thẩm mỹ là những đề tài không còn quá mới mẻ với những bác sĩ da liễu trẻ ngày nay. Các định hướng thẩm mỹ chính của dinh dưỡng và sản phẩm chăm sóc da là hướng tới sự cân bằng nước của da, chống lão hóa, ngăn ngừa tiếp xúc với ánh mặt trời và làm đẹp tóc móng, cân bằng microbiome da. Nếu bạn muốn biết làn da của bạn đang cần điều gì từ bên trong lẫn bên ngoài thì bác sĩ da liễu sẽ nói cho bạn biết.

Cuối cùng, đạt được hạnh phúc nghề nghiệp là một yếu tố mà bất kỳ ai cũng mong muốn. Thật thú vị là trên trang tạp chí hàng đầu thế giới Medscape hàng năm đều có những thống kê theo từng chuyên khoa. Da liễu đều liên tục nhiều năm đều nằm trong nhóm đầu những chuyên khoa hạnh phúc nhất đối với cuộc sống họ. Thì ra có nhiều người cũng yêu mến nó đến như vậy.

Có đoạn quotes mà nhiều bạn trẻ rất thích trích dẫn sau: “Rất nhiều người không hẳn là lạnh lùng ít nói, mà việc xã giao của họ là có nguyên tắc, có chọn lựa. Đối với người mình thích thì huyên thuyên không dứt, nhưng lại không hở ra một chữ với những người khác. Weibo – Dennis Q dịch”. Bây giờ tôi có thể huyên thuyên cả ngày chỉ để nói về Da liễu như thế này. Có lẽ, nó không còn chỉ là cái nhìn trìu mến, thân thương của thuở ban đầu nữa. Có lẽ tôi đã yêu!

“Anh có muốn dùng thêm nước không ạ?” – Giọng ai đó vang lên bên tai. Tôi chợt giật mình, trời đã sầm tối lạnh hơn, ly cà phê cũng đã hết tự khi nào không hay.

BS Trần Ngọc Nhân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here