Vaccine HIV sẽ được thử nghiệm trên hàng ngàn người

0
1388

Vaccine này là sản phẩm tổ hợp vật liệu gene từ các chuỗi virus HIV từ nhiều nơi trên thế giới và nó cũng đang cho thấy có hiệu quả tác động kéo dài hơn so với những loại khác đã được tiến hành thử nghiệm trên người.

Sau gần 40 năm kiểm tra hơn 100 loại vaccine thực nghiệm khác nhau, sản phẩm mới này dường như có khả năng tăng cường đáp ứng đối với HIV trong vòng đến 2 năm sau khi được chủng ngừa. Những thử nghiệm nhỏ trên người cho thấy có đáp ứng miễn dịch thích hợp như việc sản sinh ra kháng thể chống lại HIV. Nhưng bắt đầu từ tháng 9 này, hàng ngàn người ở Châu Âu và Châu Mỹ sẽ bắt đầu được dùng thử vaccine HIV thử nghiệm này.

Thử nghiệm sẽ được tiến hành ở trên 8 quốc gia (gồm có Argentina, Ý, Mexico, Ba Lan, Hoa Kỳ), trong đó có 3,800 người chuyển giới và nam giới có quan hệ đồng tính. Một nửa số người tham gia  sẽ được tiêm 4 liều vaccine mỗi năm một lần, và một nửa số đó sẽ được tiêm giả dược. Cộng đồng này là những người có tỉ lệ nhiễm HIV cao, gay và nam giới lưỡng tính chiếm khoảng 2/3 số trường hợp mắc mới ở Hoa Kỳ theo báo cáo của trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC).

Vaccine chứa virus cúm thường bất hoạt mang 3 đoạn gene HIV được tổng hợp. Các nhà nghiên cứu xây dựng đoạn gene dựa trên kết quả phân tích chuỗi gene virus HIV ở một số vùng trên thế giới. Nhằm tăng cường thêm khả năng sản sinh kháng thể chống lại HIV, nhóm Mosaico đã thêm vào 2 protein tổng hợp dựa trên những protein được sản sinh bởi chuỗi HIV thường gặp ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Úc vào 2 liều tiêm cuối cùng trong liệu trình.

Hi vọng của nhóm phát triển là vaccine có thể đạt được khả năng bảo vệ ít nhất 65% người tham gia nghiên cứu. Nếu tiến triển thuận lợi mọi thứ thì hi vọng kết quả mong đợi sẽ đạt được vào năm 2023. Nghiên cứu được tại trợ bởi Janssen Vaccines&Prevention.

Hi vọng mới?

Ngoài việc có thêm 1 vũ khí để phòng ngừa nhiễm mới, bên cạnh sử dụng bao cao su và liệu pháp kháng virus (PrEP). PrEP cần uống thuốc mỗi ngày và điều này khó để người điều trị duy trì được hoặc ngay cả chuyện tiếp cận thuốc cũng đôi khi gặp khó khăn. Vaccine cần một số lần tiêm với khoảng cách tính bằng năm có thể là giải pháp thay thế.

Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang miệt mài trong cuộc chiến từ những năm 1980s của thế kỉ trước cho đến nay trong công cuộc tìm kiếm một loại vaccine có hiệu quả. Một trong những thách thức chính yếu đó là sự đa dạng không thể tưởng tượng nổi của các chuỗi gene của tụi HIV đang lưu hành trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, các nhà khoa học cũng không có được nhiều may mắn trong chuyện phát triển được một loại vaccine mà có thể nhắm thẳng vào hết được tất cả chúng. Virus HIV có thể đột biến rất nhanh chóng, điều này gây cản trở lên bất kì đáp ứng miễn dịch nào mà vaccine có thể mang lại. Để giảm thiểu tác động này, có thể vaccine khảm được phối hợp các protein HIV khiến cho đột biến hiếm xảy ra hơn.

Vào năm 2009, các nhà nghiên cứu công bố kết quả của một nghiên cứu tiến hành ở Thái Lan. Kết quả cho thấy một thời gian ngắn sau khi được tiêm vaccine (ALVAC-HIV) thì con số người tham gia có xu hướng nhiễm mới HIV thấp hơn khoảng 60% so với nhóm đối chứng. Nhưng hiệu quả mang lại chỉ trong khoảng 1 năm – đến cuối nghiên cứu 3.5 năm, những người được tiêm chủng chỉ giảm được xu hướng mắc mới ít hơn 31%.

Những thử nghiệm quy mô nhỏ được công bố kết quả vào năm 2018 cho thấy vaccine này có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch mạnh trong ít nhất 2 năm sau tiêm. Đáp ứng đó có xu hướng kéo dài hơn so với những loại được ghi nhận trong thử nghiệm vaccine ở Thái Lan.

Vẫn còn quá sớm để có thể nói được làm cách nào để vaccine hoạt động hiệu quả – đó là lý do vì sao có con số khổng lồ các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành như vậy – nhưng sự thật rằng vaccine đã bước sang pha III* của thử nghiệm lâm sàng và đó là dấu hiệu tốt mà các bác sĩ có thể hi vọng. Cho dù kết quả như thế nào thì những thử nghiệm như thế này cũng mang lại rất nhiều giá trị. Và chúng ta sẽ chờ kết quả sau 4 năm nữa!

*Các pha thử nghiệm lâm sàng: để đưa ra sử dụng một loại thuốc mới thì những thử nghiệm lâm sàng thường được phân thành 4 pha, trải qua rất nhiều năm.

BS Trần Ngọc Nhân

Theo Emilano Rodríguez Mega, Nature 572, 165-166 (2019) doi: 10.1038/d41586-019-02319-8

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here