Vì sao mụn viêm nặng hơn khi điều trị?

1
1497

Một yếu tố khởi phát nặng đối với mụn trứng cá ở người này có thể không gây ra vấn đề gì trên những người khác. Nhìn chung thì tất cả những thứ khiến da trở nên quá dầu hoặc quá khô, mất cân bằng hàng rào bảo vệ da, khiến da bị kích ứng đều có thể trở thành yếu tố khởi phát làm bùng phát mụn. Điều này có thể gặp phải sau khi mới bắt tay vào liệu trình điều trị mụn.

Mụn nặng hơn sau khi uống isotretinoin

Điều này thường được đề cập đối với những trường hợp được chỉ định với isotretinoin uống. Đây là thuốc được lựa chọn dành cho những trường hợp mụn trứng cá nặng không đáp ứng với gần như tất cả những liệu pháp can thiệp trước đó.

Việc sử dụng isotretinoin kèm theo nhiều tác dụng phụ và con số này tăng lên tương ứng với liều lượng được sử dụng. Trong số đó, hiện tượng bùng phát viêm cấp tính có thể xảy ra trong khoảng 3-5 tuần đầu tiên của quá trình điều trị, thường xuất hiện ở vùng mặt nhiều hơn thân mình.

Một số nghiên cứu ghi nhận khoảng 6% trường hợp gặp phải tình huống này. Tình trạng này làm khởi phát mụn một cách nghịch thường, dường như không thể tiên đoán trước được và đáng kể nhất là biểu hiện viêm của mụn xuất hiện một cách rầm rộ.

Xử lý khi bị bùng phát mụn do isotretinoin

Theo quy tắc chung, đối với những dạng bùng phát nhẹ sẽ tự hết mà không cần ngưng hoặc thay đổi quá trình điều trị. Nhưng đôi khi có những trường hợp hiện tượng bùng phát mụn có thể nặng nề và gây mặc cảm đáng kể đến người bệnh.

Với tình trạng nặng như thế này cần phân biệt đối với mụn trứng cá ác tính thường đi kèm các dấu hiệu toàn thân khác (các biểu hiện xương khớp và các dấu hiệu sinh hóa của quá trình viêm). Khi quá trình viêm nặng có thể để lại sẹo mụn nặng nề. Do đó mà trong những tình huống nặng, steroid đường dùng toàn thân có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng và thậm chí là cần ngưng isotretinoin nếu cần thiết.

Lý giải thực tế về hiện tượng này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ cải thiện khi ngưng sử dụng isotretinoin, ngược lại khi tăng liều sử dụng lại làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn.

Để tránh được hiện tượng bùng phát này, nhiều tác giả gợi ý rằng nên bắt tay với liều điều trị không quá 0.5 mg/kg/ngày trong tháng đầu tiên, sau đó có thể tăng liều hằng ngày lên đến 1 mg/kg sau đó.

Mụn trứng cá viêm mủ – hình ảnh minh họa

Nghiên cứu về mụn bùng phát sau isotretinoin

Trong phân tích quan sát đánh giá trên 132 trường hợp mụn bùng phát nặng lên khi dùng isotretinoin (từ 2002 đến 2007). Nhóm này được sử dụng với liều <= 0.2mg/kg và tăng dần mỗi 5mg mỗi 2 tuần, cho đến khi đạt đến liều dung nạp tối đa (dao động trong khoảng giữa 0.5-1mg/kg) kéo dài cho đến khi mụn hết hoàn toàn mà chưa đạt liều tích lũy tối đa 150mg/kg. Nhóm khác được đánh giá điều trị với liều khởi đầu 0.5 mg/kg/ngày, tăng 5mg mỗi tuần cho đến khi đạt liều dung nạp tối đa. Kết quả ghi nhận thấy với nhóm được điều trị với liều thấp thì tỉ lệ xuất hiện bùng phát mụn viêm cấp tính ít hơn đáng kể so với nhóm còn lại.

Dĩ nhiên với cách tiếp cận này sẽ làm kéo dài thời gian điều trị hơn, có xu hướng phức tạp hơn và dễ khiến bệnh nhân bỏ dở giữa chừng hơn. Một điều đặc biệt khác đó là với những trường hợp có nhiều tổn thương nhân mụn đóng kích thước lớn trước khi điều trị thì có nguy cơ bùng phát cao hơn.

Bùng phát mụn sau thoa thuốc trị mụn

Những trường hợp bùng phát mụn khác xảy ra đối với việc sử dụng retinoid thoa trong điều trị mụn. Retinoid được ứng dụng trong điều trị mụn đã hơn 30 năm với hoạt tính làm bình thường hóa quá trình bong sừng nang lông. Công thức tretinoin 0.05% nền gel lỏng thường gây ra kích ứng da với khoảng 20% trường hợp với biểu hiện bùng phát các sẩn mụn viêm và mụn mủ trong 1-2 tuần đầu tiên sử dụng.

Tương tự với tình huống đã đề cập ở trên thì biểu hiện chính vẫn ghi nhận chủ yếu là các tổn thương viêm đỏ. Mặc dù đặc tính retinoid có khả năng giảm viêm nhưng đôi khi sử dụng sớm trong giai đoạn mụn viêm vẫn có mối liên quan nhất định đến hiện tượng bùng phát mụn (có lẽ liên quan đến bản chất tổn thương đáp ứng quá mức với hoạt tính kháng viêm và/hoặc tính kháng viêm chỉ thấy được khi sử dụng kéo dài). Nhưng thật chẳng may, con số trên được ghi nhận trong thời điểm chưa có những sản phẩm kết hợp giữa retinoid với kháng sinh hoặc BP. Về sau, đặc tính kích ứng đã được khác phục phần nào với những công thức phối hợp hoặc các thế hệ sản phẩm mới.

Mụn nặng hơn do nấm men

Những trường hợp mụn trứng cá gây ra có liên quan đến chủng nấm men như Malassezia cũng có thể bùng phát viêm, mủ nhiều hơn sau khi bắt tay điều trị mụn với các kháng sinh, đặc biệt là những kháng sinh phổ rộng hoặc thuốc uống hoặc tiêm có chứa corticoid.

Điều trị không phù hợp khiến mụn nặng hơn

Điều cuối cùng bài viết đề cập đến đó chính là mọi lựa chọn những can thiệp không phù hợp, khiến da trở nên kích ứng đều có thể khiến tình trạng mụn bùng phát viêm nhiều hơn trong quá trình điều trị.

Ví dụ như một liệu trình chăm sóc da quá mạnh tay, lựa chọn sản phẩm chăm sóc không phù hợp, lối sống, sinh hoạt không điều độ, stress gặp phải trong giai đoạn điều trị cũng có thể khiến mụn bùng phát. Các thao tác chà xát, massage, lăn kim, tẩy tế bào chết có hạt, xông hơi nóng quá mức… đều có thể là yếu tố làm bùng phát mụn.

Lời nói cuối

Hiện tượng bùng phát mụn nhìn chung rất đa dạng, tùy thuộc vào từng trường hợp mà sẽ có dạng tổn thương bùng phát khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản thì chủ yếu là nổi trội hiện tượng viêm và mụn mủ. Chắc chắn là khi bạn gặp phải tình huống này trong quá trình trị liệu thì bạn cần phải tái khám và thảo luận với bác sĩ để tìm ra các yếu tố và phương án giải quyết hợp lý.

BS Trần Ngọc Nhân

Tài liệu tham khảo:

  • Alison Layton (2009). Review The use of isotretinoin in acne. Journal Dermato-Endocrinology Volume 1, 2009 – Issue 3 Pages 162-169
  • Borghi, L. Mantovani, S. Minghetti, A. Virgili, V. Bettoli (2009). Acute Acne Flare following Isotretinoin Administration: Potential Protective Role of Low Starting Dose. Dermatology 2009;218:178–180
  • James Q. Del Rosso et al (2008). Retinoid-Induced Flaring in Patients with Acne Vulgaris: Does It Really Exist?: A discussion of data from clinical studies with a gel formulation of clindamycin phosphate 1.2% and tretinoin 0.025%. The Journal of clinical and aesthetic dermatology, 1(1), 41–43.
  • Martine Chivot (2001). Acne flare-up and deterioration with oral isotretinoin. Published in Annales de dermatologie et de venereologie 2001
  • Thomas P. Habif, M. Shane Chapman, James (2017). Skin Disease: Diagnosis and Treatment. Elsevier; 4 edition (November 10, 2017). pp253pp 253.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here