Dấu hiệu nhận biết tổn thương da – niêm mạc trong bệnh tay chân miệng

0
881

Đây là một bệnh lý gây ra do virus tự giới hạn chủ yếu gây ra do Coxsakie virus A16. Những tác nhân khác như Coxsackievirus A5, A7, A9, A10, B1, B2, B3, B5, enterovirus 71, và echovirus 4

 Bệnh có tính lây truyền cao và cùng như các bệnh lý do enterovirus khác thì đỉnh điểm xảy ra vào cuối mùa hè và đầu thu. Tuy nhiên với các nước nhiệt đới thì xảy ra quanh năm, không có ưu thế về mùa nào nổi bật.

Sau khi tiếp xúc với nguồn lây, thời gian ủ bệnh thường kéo dài 4-6 ngày. Có thời gian khởi phát tiền triệu trong 1-2 ngày với sốt, chảy nước mũi, đau họng và sau đó hình thành các mụn nước có thành mỏng, màu có thể có màu xám hoặc trong, hình nón nhọn với đường kính 3-6 mm trên nền da đỏ hoặc không. Hình ảnh mụn nước với viền đỏ xung quanh (vòng halo) cũng là đặc điểm thường thấy trong tay chân miệng. Tuy nhiên hình ảnh ngoại ban trong tay chân miệng có thể bắt gặp với tổn thương dạng dát, dát sẩn hoặc mụn nước xuất hiện đơn lẻ hoặc cùng hiện diện trên một bệnh nhân. Các tổn thương trên da thường không đau nhưng có thể đau khi gây ra bởi một số phân nhóm nào đó (ví dụ như coxsakievirus A6).

Hình 1: Tay chân miệng điển hình

Như tên gọi, các tổn thương xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân và mặt bên của bàn tay, chân nhưng các sẩn viêm, mụn nước cũng có thể xuất hiện ở vùng mông, thân mình, mặt, cánh tay và cẳng chân. Vị trí vùng mông và quanh hậu môn thường gặp ở những trẻ nhỏ và thường có dạng dát sẩn hơn là tổn thương mụn nước. Các trường hợp phát ban dạng dát sẩn hoặc mụn nước lan tỏa thường ít gặp hơn.

Nội ban đặc trưng bởi các mụn nước nhanh vỡ để lại vết loét, trợt có bờ rõ với đáy màu xám vàng viền đỏ xung quanh ở các vị trị như lưỡi, niêm mạc khẩu cái, thành sau họng. Các tổn thương này thường có kích thước từ 4-8 mm. Mặc dù các tổn thương da và niêm mạc có thể hoàn toàn không có triệu chứng nào cả nhưng trong một số trường hợp đôi khi có ngứa và bỏng rát rất nhiều. Đặc biệt những tổn thương vùng miệng lưỡi thường khá đau và làm cho bệnh nhân sợ ăn uống và đôi khi khiến cho trẻ rơi vào tình trạng mất nước khi không cung cấp đủ.

Các triệu chứng toàn thân như ngứa, tiêu chảy, đau họng, hạch cổ lớn và những triệu chứng này có thể không có hoặc rất nhẹ nhàng, chỉ cần điều trị hỗ trợ. Triệu chứng sốt chỉ xảy ra trong một nửa số trường hợp bệnh nhân, và nếu có cũng chỉ là sốt nhẹ.  Ho hoặc tiêu chảy cũng bắt gặp không thường xuyên. Tình trạng phát ban thường biến mất trong thời gian không quá 1 tuần (thường khoảng 3-4 ngày).

Cuối năm 2011 và đầu 2012, một biến thể mới gây ra Coxsakie A6 virus mà trước đó đã được báo cáo ở Châu Á và Châu Phi (từ 2008), lan nhanh sang Bắc Mỹ. Mặc dù các triệu chứng và phát ban thường cũng tự giới hạn nhưng tình trạng sốt cao hơn là tổn thương lan nhanh hơn, kéo dài hơn (trung bình là 12 ngày), phân bố diện rộng hơn (tay chân, mặt, môi, quanh miệng, mông, bẹn, quanh hậu môn và ưu thế ở những vùng có chàm hoạt động hoặc da đang bị tổn thương), các tổn thương có xu hướng nặng nề hơn (mụn nước – bọng nước, bọng nước, vết trợt, loét và đóng mài máu), hiện tượng bong da lòng bàn tay chân có thể diễn tiến 1-3 tuần sau đó, đôi khi gây loạn dưỡng móng (các đường Beau, tách móng,…) trong vòng 1-2 tháng sau khi khỏi bệnh. Tổn thường da thường gợi ý đến nhiễm herpes lan tỏa nhưng việc xác định hình ảnh mụn nước đỉnh nhọn đặc trưng của enterovirus ở tay và chân là đặc điểm gợi ý đến chẩn đoán.

Hình 2: Nhiễm coxsakie A6

Những trường hợp gây ra do EV 71 có tỉ lệ biến chứng về thần kinh và để lại những di chứng nặng nề hơn, và tác nhân này cũng quan sát thấy có liên quan giữa tay chân miệng và hiện tượng phù phổi nặng, xuất huyết, suy tim.

Tuy nhiên những đặc điểm và biến đổi về các biểu hiện về toàn thân và da là rất đa dạng, chồng lấp lẫn nhau. Phần lớn ngoại ban do enterovirus là không đủ đặc hiệu để cho phép đưa ra chẩn đoán được bệnh sinh gây bệnh, mặc dù tùy vào thời điểm trong năm, hình thái học lâm sàng và những triệu chứng đi kèm có thể chỉ điểm đến một tác nhân cụ thể nào đó.

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu tham khảo:

  • Hand, foot, and mouth disease and herpangina; https://www.uptodate.com/contents/hand-foot-and-mouth-disease-and-herpangina
  • Hand, foot, and mouth disease; Pediatric Dermatology, 4th Edition(Chy Yong), pp106-109.
  • Enterovirus infection;Pediatric Dermatology 4th (Lawrence Schachner Ronald Hansen), pp 1436-1440.
  • Viral infections; Shimizu’s Dermatology 2nd, pp 528-575.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here