Vết thương có cần phải khâu hay không?
Có lẽ rất nhiều người sau khi có những vết thương bởi những vật sắc nhọn như vết dao cắt, kéo hoặc mảnh thủy tinh… thì đây là một trong những câu hỏi được nghĩ đến đầu tiên.
Và câu trả lời đó là đối với những vết thương mà không làm mất toàn bộ các lớp của bề mặt da thì không cần thiết phải khâu (Xem hình minh họa bên dưới). Nếu vết thương rộng, nham nhở hoặc đi qua hết các lớp của da đến lớp mỡ và tổ chức cơ bên dưới thì có thể cần phải khâu lại. Với những vết thương cần khâu lại mà được xử trí khâu sớm thích hợp có thể làm giảm nguy cơ để lại sẹo xấu và nhiễm trùng. Nếu như bạn không chắc chắn, hãy đến bác sĩ hoặc điều dưỡng để có thêm thông tin.
Các vết thương hoặc trầy xước nhỏ
Hình A cho thấy một vết thương trầy xước da, không đi qua hoàn toàn các lớp của da bên trên cho nên không cần khâu trong tình huống này.
Hình B cho thấy đây là một vết thương sâu đi xuống đến mô mỡ dưới da cho nên cần phải khâu trong tình huống này. (Nguồn: Uptodate.com)
Trong phần này sẽ đề cập đến cách chăm sóc những vết thương nhỏ mà không cần phải khâu, để có thêm thông tin về cách chăm sóc đối với những vết thương khâu, xin mời các bạn đón đọc ở bài viết tiếp theo.
Vậy bạn có thể tự mình chăm sóc những vết thương nhỏ như thế nào cho đúng cách?
Hãy làm theo những hướng dẫn trong xử trí ban đầu cơ bản sau:
● Rửa sạch vết thương – Rửa sạch với xà phòng và nước sạch. Lưu ý là rửa sạch cả vùng da xung quanh vết thương với xà phòng và khăn sạch. Tránh tiếp xúc xà phòng với vết thương vì chúng có thể gây kích ứng. Nếu như vẫn còn chất bẩn hoặc vụn vỡ thì có thể sử dụng nhíp đã được làm sạch với cồn sát trùng để lấy chúng ra. Nếu sau đó vẫn còn những chất bẩn, mảnh thủy tinh hoặc dị vật khác mà bạn không thể lấy sạch được với nước thì lúc đó hãy đến cơ sở y tế để được hỗ trợ. Không cần thiết sử dụng đến oxy già, cồn iodine hoặc các chất tẩy rửa có chứa iodine bởi vì có thể gây kích ứng mô đã bị tổn thương trước đó.
● Cầm máu – Nếu như vết thương của bạn chảy máu, hãy giữ chắc vùng có vết thương với áo quần sạch hoặc băng gạc trong vòng khoảng 20 phút. Đừng cố nhấc miếng băng hay gạc này lên để kiểm tra xem liệu có còn chảy máu hay không bởi vì vô tình có thể làm chảy máu trở lại, nếu như thấy máu thấm qua lớp gạc, hãy đặt thêm miếng khác lên trên và tiếp tục giữ như vậy. Một động tác có thể làm để hỗ trợ cho việc cầm máu đó là nâng cao vùng bị thương lên quá mức ngang tim của bạn. Nếu như sau 20 phút mà vẫn còn chảy máu thì hãy đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc.
● Thoa một lớp mỏng mỡ kháng sinh (vd. Mupirocin, fucidin, Gentamycin…) lên vết thương để giữ ẩm cho bề mặt vết thương. Những sản phẩm nãy không làm cho vết thương liền nhanh hơn nhưng giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, tạo điều kiện tốt cho quá trình liền thương tự nhiên của cơ thể. Một số thành phẩn trong một vài sản phẩm có thể gây kích ứng, phát ban hoặc mụn nước. Nếu có hiện tượng này xảy ra, ngưng sử dụng thuốc đó.
● Che phủ vết thương với gạc hoặc băng cuộn y tế. Giữ sạch và khô, thay băng mỗi ngày từ 1 đến 2 lần cho đến khi vết thương liền hẳn. Việc này giúp giữ môi trường sạch cho vết thương. Đối với những vết cào gãi hoặc vết xước nhỏ thì có thể không cần che phủ. Đối với những người bị dị ứng với thành phần kết dính trong băng dính, hãy đổi sang sử dụng những loại băng, gạc không có chứa chất kết dính như là băng cuộn, băng nhựa…
● Quan sát những dấu hiệu gợi ý vết thương của bạn đã bị nhiễm trùng (xem bên dưới).
Phần lớn các vết thương nhỏ này lành lại sau 7 đến 10 ngày. Khi đó, một vảy tiết dính có thể hình thành. Chắc chắn rằng bạn hãy cứ để yên như vậy và đứng cố gắng cạy hoặc gỡ nó ra nhé.
Khi nào cần tới bác sĩ?
Hãy đến cơ sở y tế nếu như bạn có những dấu hiệu nhiễm trùng sau đây:
● Sốt
● Sưng, nóng, đỏ hoặc đau tăng lên quanh vị trí vết thương.
● Có chảy hoặc tiết dịch mủ từ vết thương.
● Có những vệt hoặc dải đỏ da quanh vị trí vết thương.
● Những vết thương ở vùng mặt
● Vết thương sâu (> ¼ inch), bờ nham nhở hoặc miệng vết thương rộng, hoặc những vết thương lộ mô mỡ hoặc cơ bên dưới.
● Bạn không thể lấy sạch được hết những chất bẩn ra khỏi vết thương.
● Bạn có những vết thương dạng hố sâu hoặc vết cắt mà chưa tiêm phòng uốn ván trong 5 năm gần đây.
● Vết thương gây ra do động vật hoặc người cắn.
● Vùng bị thương có cảm giác tê cứng.
Những vết thương có dạng hố trũng sâu thường dễ bị nhiễm trùng. Chúng thường bị gây ra bởi những vật sắc nhọn đâm thẳng vào qua đến các mô bên dưới da.
Khi nào cần phải tiêm phòng uốn ván?
Có thể bạn sẽ cần phải tiêm phòng uốn ván. Tùy thuộc vào độ tuổi của bạn và thời gian lần tiêm phòng vaccine uốn ván ngay trước đó bao lâu rồi. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể gây co rút và cứng các cơ của bạn và do một loài vi khuẩn sống trong những môi trường bẩn gây ra.
Phần lớn trẻ em đều được tiêm chủng uốn ván theo thường quy. Vaccine có thể ngăn ngừa được những nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng nào đó. Nhiều người lớn cũng tiêm vaccine như là một phần không thể thiếu trong việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ của họ. Nếu như các vết thương mà bạn đang gặp phải là những vết cắt, và đặc biệt là với những vết cắt bẩn hoặc sâu, hãy hỏi kĩ ý kiến của các bác sĩ về vấn đề tiêm chủng uốn ván nhé.
BS Trần Ngọc Nhân
Tài liệu tham khảo
- Cuts and scrapes : First aid, http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-cuts/basics/art-20056711
- How to treat minor Cuts and Scrapes, http://www.webmd.com/allergies/cuts-scrapes
- Patient education: Taking care of cuts and scrapes (The Basics) – UpToDate, http://www.uptodate.com/contents/taking-care-of-cuts-and-scrapes-the-basics