Vảy phấn trắng – đừng nhầm với lang ben ở trẻ nhỏ

0
1609

Vảy phấn trắng là bệnh gì?

Vảy phấn trắng là một dạng viêm da/chàm ở mức độ thấp có ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em.

Như tên gọi của nó: vảy thể hiện đặc trưng dạng vảy nhỏ và “phấn trắng” biểu thị màu sắc trắng nhợt (giảm sắc tố).

Những ai sẽ bị vảy phấn trắng?

Vảy phấn trắng là vấn đề thường gặp trên thế giới, ước tính tỉ lệ trẻ em gặp phải vấn đề này chiếm khoảng 5%.

  • Bệnh lý này ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em và thanh thiếu niên trong khoảng từ 3 đến 16 tuổi, nhưng cũng có thể xuất hiện ở những người già hoặc người trẻ.
  • Ảnh hưởng cả 2 giới ngang nhau.
  • Ở những người có da nâu thường có tỉ lệ bị bệnh và dễ phát hiện hơn ở những người da trắng.

Nguyên nhân gây ra vảy phấn trắng là gì?

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra vảy phấn trắng vẫn chưa được biết rõ.

  • Thường đi kèm với khô da, mày đay, hen phế quản và viêm da cơ địa nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở những người không có tiền sử viêm da cơ địa nào cả.
  • Thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, có lẽ do sự rám nắng của da làm cho da những vùng bị ảnh hưởng dễ thấy rõ hơn.

Bệnh không có khả năng lây nhiễm cho người khác và không có tính di truyền.

Có một số yếu tố người ta cho rằng có liên quan đến việc khởi phát bệnh khác như:

  • Sức nóng
  • Độ ẩm
  • Xà phòng hoặc những chất tẩy rửa mạnh
  • Áo quần gây chà xát nhiều trên da
  • Thuốc lá
  • Stress
  • Tình trạng vệ sinh kém

Những nhà nghiên cứu vẫn chưa đạt được bất cứ kết luận nào về mối liên quan giữa vảy phấn trắng và những yếu tố sau:

  • Tia cực tím
  • Tắm quá nhiều hoặc không phù hợp.
  • Lượng đồng trong máu thấp
  • Nấm men Malassezia( loài có khả năng sản xuất ra các metabolite, pytiacitrin, là những chất gây ức chế men tyrosinase và do đó làm giảm sắc tố da).

Những đặc điểm lâm sàng của vảy phấn trắng?

Vảy phấn trắng cổ điển thường xuất hiện từ 1-20 đám hoặc mảng mỏng da bị ảnh hưởng.

  • Phần lớn những tổn thương thường xảy ra ở vùng mặt, đặc biệt là 2 bên má hoặc cằm.
  • Chúng cũng có xuất hiện ở cổ, vai và thân trên và ít gặp ở những vùng khác của cơ thể.
  • Kích thước thay đổi từ 0.5-5cm.
  • Tổn thương có dạng hình tròn, oval hoặc không có hình dạng đặc trưng nào.
  • Bờ tổn thương có thể có giới hạn rõ hoặc không.
  • Thường ít khi ngứa hoặc không ngứa.
  • Giảm sắc tố da thường dễ nhận thấy hơn trong những tháng mùa hè, đặc biệt là ở những trẻ có da sẫm màu.
  • Khô da và bong vảy thường thấy hơn vào mùa đông, khi mà độ ẩm môi trường giảm thấp. Đối với nước ta thì đặc điểm này thường thấy ở miền Bắc hơn.
Kết quả hình ảnh cho pityriasis alba
Vảy phấn trắng Nguồn: Dermnetnz.com
Vảy phấn trắng Nguồn: Dermnetnz.com

Những vùng da bị vảy phấn trắng thường trải qua một vài giai đoạn điển hình như:

  1. Mảng da màu hồng bong vảy nhẹ chỉ phát hiện được khi sờ.
  2. Mảng giảm sắc tố có bề mặt bong vảy nhẹ.
  3. Sau đó là những dát giảm sắc tố sau viêm không có vảy.
  4. Hồi phục

Những biến chứng của vảy phấn

Những đám giảm sắc số da có nguy cơ dễ bị bỏng nắng hơn những vùng khác. Còn những biến chứng khác chưa được biết đến.

Làm thế nào để chẩn đoán được vảy phấn trắng?

Vảy phấn trắng có thể bị nhầm lẫn với một số nguyên nhân gây giảm sắc tố khác.

Để loại trừ chúng, những kĩ thuật thăm thám có thể được tiến hành bao gồm:

  • Chiếu đèn wood: Giảm sắc tố da không được khuếch đại lên và cũng không bắt màu huỳnh quang.
  • Xét nghiệm tìm nấm: Soi tươi và nuôi cấy nấm âm tính ở những bệnh nhân vảy phấn trắng.
  • Sinh thiết da: sinh thiết hiếm khi được thực hiện nhưng chúng có thể hiện hiện tình trạng viêm da xốp bào nhẹ và giảm sắc tố melanin.

Điều trị vảy phấn trắng như thế nào?

Không cần thiết phải điều trị cho những trường hợp bị vảy phấn trắng không có triệu chứng nào khác như châm chích hoặc khô da. Và điều quan trọng nhất trong việc tự chăm sóc đó là đảm bảo cho da được dưỡng ẩm tốt.

  • Kem dưỡng ẩm da có thể làm cải thiện tình trạng khô da.
  • Corticosteroid tại chỗ có hoạt tính nhẹ (ví dụ như hydrocortisone) có thể làm giảm đỏ da và giảm cảm giác châm chích.
  • Chất ức chế calcineurin, kem pimecrolimus và dầu tacrolimus có thể có hiệu quả tương tự như hydrocortisone và đã có những báo cáo giúp làm phục hồi nhanh màu da.

Phòng ngừa vảy phấn trắng như thế nào?

Sự xuất hiện hoặc làm lộ rõ vảy phấn trắng có thể làm giảm đi được bởi việc hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng cũng có ích trong việc ngăn chặn tổn thương trở nên dễ nhận thấy hơn. Ngoài ra tránh sử dụng những xà bông có hoạt tính tẩy rửa mạnh cũng có thể có ích.

Tiên lượng bệnh vảy phẩn trắng như thế nào?

Vảy sẽ biến mất sau khoảng một vài tháng hoặc ở một số trường hợp còn tồn tại đến 2-3 năm và cũng có thể tái đi tái lại trong thời gian này hoặc cho đến tuổi trưởng thành.  Nhưng sau đó màu da sẽ hoàn toàn bình thường trở lại.

Khi nào cần đến sự chăm sóc y tế?

Hãy đến gặp bác sĩ da liễu để đánh giá lại và tư vấn nếu như tình trạng không cải thiện với những biện pháp tự chăm sóc, chúng có vẻ tiến triển xấu hơn, không diễn tiến như mong đợi hoặc kết hợp những triệu chứng khác thường, tổn thương lan ra những vùng khác. Một điểm đáng lưu tâm khác là hãy gặp bác sĩ da liễu khi bạn không chắc chắn đó là vảy phấn trắng hoặc có những thắc mắc cần được tư vấn thêm.

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu tham khảo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here