Tinh dầu tràm trà (TTO) được chiết xuất từ lá của cây tràm trà Melaleuca Alternifolia (tea tree). Đây là thảo dược bản địa của Úc châu được ứng dụng nhiều trong cảm lạnh, ho, các vết thương, mụn trứng cá hay đặc biệt là điều trị các vấn đề kí sinh như ghẻ, chấy rận, demodex.
Nội dung chính của bài viết
Huyền thoại về tràm trà
Y văn bắt đầu có nhiều bằng chứng rõ ràng về điều trị của tràm trà vào những năm 1920s, sau đó chúng bắt đầu được đưa vào sản xuất thương mại, và khá phổ biến trong những năm thế chiến thứ II. Lịch sử ghi nhận nó như một phần của những người lính Úc châu trong thời gian này sử dụng để chống nhiễm trùng do chiến trận và những con vắt ở môi trường rừng rú.
Ứng dụng trong điều trị mụn của tinh dầu tràm trà
Trong điều trị mụn, TTO thường được bào chế ở các sản phẩm thảo dược thoa không kê toa dạng dầu có màu vàng nhạt, mùi tương tự như mùi long não (camphor). Đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus đến từ các thành phần như terpinen-4-ol, alpha-terpineol, và alpha-pinene.
Một số nghiên cứu so sánh với Benzoyl peroxide (BPO) 5% trong điều trị mụn cho thấy kết quả hiệu quả làm giảm nhân mụn và viêm tương đương, tuy nhiên để đạt được hiệu quả thường khá chậm.
Trong khuyến cáo của Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ thì TTO và các liệu pháp điều trị bổ trợ thay thế khác (CAM) được khuyến cáo mức B, bằng chứng II (tương tự như đối với BHA trong điều trị mụn).
TTO dạng dầu 5% có chứa terpenin-4-ol cho thấy có những hứa hẹn trong điều trị bệnh lý do demodex mí mắt. Sau khi thoa dầu tràm trà 5% lên da thì các con cái ghẻ sẽ chết đi trong vòng 3 giờ.
Vì sao tinh dầu tràm trà lại có hiệu quả trong điều trị mụn?
Hoạt tính kháng khuẩn của TTO 10% có hiệu quả đối với tụ cầu vàng, kể cả với chủng MRSA mà không sinh đề kháng. Tuy nhiên với nồng độ thấp hơn thì lại ghi nhận có tính sinh đề kháng. Ngoài ra, tác động kháng khuẩn cũng ghi nhận với những chủng vi khuẩn khác như liên cầu, vi khuẩn mụn P.acnes và nấm men Malassezia, candida albicans, một số virus. Với nồng độ thấp (dưới 1%) thì TTO có vẻ như chỉ mang đến hoạt tính kìm khuẩn hơn (ngăn không cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển) là hoạt tính kháng khuẩn (tiêu diệt vi khuẩn).
Đi sâu hơn một chút, cơ chế kháng khuẩn liên quan đến tác động làm rối loạn chức năng màng tế bào, làm tăng tính thấm đối với sodium chloride và mất các chất nội bào, ức chế hoạt động hô hấp phụ thuộc glucose, làm gián đoạn chức năng màng ti thể, tổ chức mất khả năng duy trì cân bằng nội môi tế bào và chết đi.
Bên cạnh tác dụng kể trên thì TTO còn cho thấy những tác động trong việc làm giảm ngứa, ức chế các chất trung gian viêm như yếu tố hoại tử u (TNF)-α, (IL)-1β, superoxide dismutase và prostaglandin E2 (PGE2). Do đó, chúng cũng mang đến một số hiệu quả trong điều trị các vấn đề liên quan đến da viêm như viêm da tiết bã, với dạng dầu thì chúng khá hữu dụng khi sử dụng trên da đầu hoặc đưa vào các công thức dầu gội có chiết xuất thiên nhiên bên cạnh cam thảo.
Tinh dầu tràm trà (TTO) có an toàn không?
Mặc dù cơ bản thì sản phẩm được dung nạp tốt, thân thiện với người dùng, tuy nhiên có những trường hợp mẫn cảm tiếp xúc có thể được ghi nhận (một điều khá dễ bắt gặp đối với các nhóm tinh dầu nói chung như hoa cúc tím, oải hương, hạt nho…).
Một nghiên cứu trên 725 người Italia với test áp cho thấy TTO nồng độ 1% và 0.1% ghi nhận đến 6% trường hợp dị ứng với nồng độ 1%, không ghi nhận khi được pha loãng. Do đó khả năng dị ứng cũng tùy thuộc vào nồng độ. Một số vấn đề khác có thể gặp phải trong quá trình sử dụng như khô da, ngứa, châm chích, đỏ da. Khả năng kích ứng cũng liên quan đến thời gian lưu và sử dụng sản phẩm, có thể là liên quan đến những sản phẩm của quá trình oxi hóa.
TTO gây độc khi sử dụng đường uống cho nên tuyệt đối không sử dụng tinh dầu để uống với lý do gì. Có những trường hợp đã được báo cáo như một người lớn đã uống khoảng 7 ml tinh dầu và sau đó xuất hiện tình trạng xuất huyết và giảm bạch cầu. Hay trường hợp một bé 17 tháng tuổi xuất hiện triệu chứng thất điều (suy giảm khả năng thăng bằng và phối hợp của cơ thể), ngủ gà sau khi uống khoảng ít hơn 10ml tinh dầu.
TTO và một số sản phẩm thiên nhiên khác khi sử dụng thời gian kéo dài cũng cần lưu ý đến tác động liên quan đến đặc tính liên quan đến nội tiết như kháng androgen và tác động estrogen của nó. Không tự ý sử dụng sản phẩm này trong giai đoạn thai kỳ và cho con bú khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa uy tín. Cần thận trọng khi có những những bất thường nội tiết khác như các rối loạn tuyến giáp, các u nội tiết khác…
Bình luận của tác giả
Khi mà các kháng sinh thoa đơn độc trong điều trị mụn không còn được khuyến cáo thì những tác động như vậy cũng cho phép chúng ta có thêm một lựa chọn khác để sử dụng trong điều trị, đặc biệt là những trường hợp cần sử dụng trong thời gian dài.
Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi thường cân nhắc lựa chọn sử dụng phối hợp để điều trị điểm mụn với những trường hợp mụn trứng cá liên quan đến demodex, nữ giới không dung nạp với BPO, những người mong muốn sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên trong liệu trình điều trị của mình hoặc trong một số vấn đề về da khác.
Nhìn chung đây là sản phẩm tương đối lành tính, bạn đọc cũng có thể lựa chọn chúng để chấm điểm mụn trong giai đoạn ban đầu. Để tránh hiện tượng kích ứng và dị ứng thì nên sử dụng ở diện tích nhỏ, bảo quản tốt ở môi trường thoáng mát, sử dụng trong thời gian ngắn sau khi mở nắp sản phẩm.
Ngưng sử dụng khi có các triệu chứng bất thường như ngứa, châm chích, phát ban hoặc xuất hiện mụn nước ở vùng điều trị. Tốt nhất, nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa uy tín về các vấn đề trước và trong quá trình sử dụng.
Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc có thể sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!
Nguồn tài liệu tham khảo
- Crawford GH, Sciacca JR, James WD. Tea tree oil: cutaneous effects of the extracted oil of Melaleuca alternifolia. Dermatitis. 2004;15(2):59–66
- Gopinath H, Aishwarya M, Karthikeyan K. Tackling scabies: novel agents for a neglected disease. Int J Dermatol. 2018;57(11):1293–1298
- Henley DV, Lipson N, Korach KS, Bloch CA. Prepubertal gynecomastia linked to lavender and tea tree oils. N Eng J Med. 2007;356(5):479–485.
- Pazyar N, Yaghoobi R, Bagherani N, Kazerouni A. A review of applications of tea tree oil in dermatology. Int J Dermatol. 2013;52(7):784-90. doi:10.1111/j.13654632.2012.05654.x. PMID:22998411
- Sanchez-Gonzalez L, Gonzalez-Martinez C, Chiralt A, et al. Physical and antimicrobial properties of chitosan-tea tree essential oil composite flms. J Food Engin. 2010;98:413–452.
- Satchell AC, Saurajen A, Bell C, Barnetson RS. Treatment of dandruff with 5% tea tree oil shampoo. J Am Acad Dermatol.2002;47(6):852–855.
- Walton SF, McKinnon M, Pizzutto S, Dougall A, Williams E, Currie BJ. Acaricidal activity of Melaleuca alternifolia (tea tree) oil: in vitro sensitivity of sarcoptes scabiei var hominis to terpinen-4-ol. Arch Dermatol. 2004;140:563–566
- Zaenglein AL, Pathy AL, Schlosser BJ, Alikhan A, Baldwin HE, Berson DS, Bowe WP, Graber EM, Harper JC, Kang S, Keri JE, Leyden JJ, Reynolds RV, Silverberg NB, Stein Gold LF, Tollefson MM, Weiss JS, Dolan NC, Sagan AA, Stern M, Boyer KM, Bhushan R. Guidelines of care for the management of acne vulgaris. J Am Acad Dermatol. 2016 May;74(5):945-73.e33. doi: 10.1016/j.jaad.2015.12.037. Epub 2016 Feb 17. Erratum in: J Am Acad Dermatol. 2020 Jun;82(6):1576. PMID: 26897386.
- Zouboulis, Christos C., Katsambas, Andreas D., Kligman, Albert M. (Eds.). Pathogenesis and Treatment of Acne and Rosacea. Springer-Verlag Berlin Heidelberg, Copyright 2014, pp 506-508.