Cảm nhận những thay đổi của cơ thể trong thời gian mang thai!

1
1287

Có những thay đổi về da lông tóc móng và niêm mạc thường thấy trong giai đoạn thai kỳ theo diễn tiến sinh lý, chủ yếu do cơ thể có những đáp ứng sắc tố, tuyến, hệ mạch máu và mô liên kết tương ứng với những thay đổi trong cơ thể của các mẹ bầu. Đa phần các biến đổi này không gây tác động đáng kể nào đến sức khỏe tuy nhiên đôi khi lại gây ra nhiều vấn đề về tính thẩm mỹ khiến rất nhiều người đau đầu.

Những thay đổi sắc tố: gần như tất cả các trường hợp mang thai đều xuất hiện một số biến đổi về dắc tố da dù nhiều hay ít, đặc biệt là tăng sắc tố. Có đến 90% phụ nữ trong thời gian mang lai gặp phải một vấn đề nào đó trong số các tình trạng liên quan đến sắc tố da trong giai đoạn này. Tăng sắc tố, hay nói nôm na là tình trạng da trở nên sậm màu đi. Đặc biệt ở những người da sậm màu thì điều này lại càng thấy rõ hơn và có một quy tắc đơn giản dễ nhớ đó là: ở những vùng nào bình thường có sắc tố sậm màu sẵn rồi thì lại càng trở nên đậm lên thấy rõ. Ví dụ như là mô quanh núm vú, nách, kẽ bẹn, sinh dục, vùng quanh hậu môn, quanh rốn, mặt trong đùi, cổ. Thậm chí là những tổn thương sắc tố đã có sẵn trước đó như tàn nhang, nám má, một số vết sẹo cũ hoặc nốt ruồi đều trở nên dễ đậm màu lên trong quá trình mang thai. Điều này cho đến nay vẫn chưa có giải thích nào thực sự rõ ràng, khả năng cao liên quan đến các yếu tố hormone như estrogen và progesterone tăng cao gây kích thích các tế bào hắc tố tăng tiết ra melanin. Có những trường hợp đặc biệt xảy ra tình trạng tăng sắc tố toàn thân, nếu gặp phải tình huống này thì bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được làm rõ tình trạng xảy ra các mẹ bầu nhé.

Bình thường, ở một số người có các vệt trắng tương ứng với đường nối từ rốn đến vùng trên xương mu có tên là linea alba và chúng cũng bắt đầu có những biến chuyển trong giai đoạn này. Màu trắng sẽ dần chuyển sang màu đen và vì thế mà tên gọi cũng được đổi thành linea nigra. Vệt đen có thể vượt ra ngoài vị trí ban đầu trước đó lên tới mũi ức, nhưng sau đó đa phần là quay trở lại tình trạng màu trắng trước đó ở giai đoạn sau sinh.

Kết quả hình ảnh cho linea alba pregnant
linea nigra nguồn: internet

Nhìn nhung, những thay đổi sắc tố trong quá trình thai kỳ có xu hướng tồn tại kéo dài, thậm chí là vĩnh viễn và có thể cần đến một số can thiệp sau đó để mang lại tính thẩm mỹ cho các mẹ bỉm sữa. Có một số trường hợp tàn nhang, nốt ruồi có xu hướng quay trở lại màu sắc đã có trước đó khi các hormone được cân bằng ổn định sau sinh.

Nám má là một trường hợp đặc biệt khác minh họa cho những thay đổi sắc tố trong giai đoạn thai kỳ. Tình trạng này gặp phải 50-75 % số phụ nữ mang thai và xuất hiện ở những vị trí như trán, má, mũi, môi trên, cằm. Thay đổi hormone, tiếp xúc với ánh nắng, yếu tố cơ địa được xem là những yếu tố chỉnh làm khởi phát và nặng lên của tình trạng bệnh. Trong phần lớn các trường hợp, tình trạng có xu hướng nhạt đi trong vòng một vài năm sau sinh (thường khoảng mất 1 năm). Tuy nhiên, cũng có một số vùng hoặc vị trí tăng sắc tố có thể sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn được. Bằng cách dùng chống nắng một cách đều đặn có thể làm giảm thiểu mức độ tác động của vấn đề này. Ngoài ra, chống nắng tốt cũng có rất nhiều tác động có lợi về thẩm mỹ khác mà bạn đọc cần quan tâm đặc biệt đến.

Kết quả hình ảnh cho melasma pregnancy
nám má nguồn: webmd

Nốt ruồi – có đến khoảng 1/3 phụ nữ mang thai ghi nhận có những thay đổi nốt ruồi trong thai kỳ. Đa phần giai đoạn này sẽ có xu hướng có dạng nốt ruồi không điển hình với số lượng nhiều hơn so với những phụ nữ không mang thai khác. Với những sự thay đổi nào đó đột ngột hoặc mang tính chất khác thường. Bạn đều cần đến bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và tư vấn hợp lý.

Trong quá trình mang thai, các mạch máu nhỏ có xu hướng gia tăng kích thước và số lượng, mạch máu có xu hướng kém ổn định hơn. Chính vì thế mà có một số thay đổi mà bạn có thể gặp phải như: hồng ban lòng bàn tay chân, phừng mặt… Ngược lại với tình trạng thay đổi sắc tố ở trên thì các vấn đề này thấy rõ hơn ở những người da sáng màu. Hồng ban lòng bàn tay chân xuất hiện trong khoảng 2/3 số phụ nữ mang thai và thường thấy từ ngay trong quý đầu tiên của thai kỳ. Ở một số trường hợp, các đốm màu tím hoặc đỏ nhạt xuất hiện cả ra vùng cổ tay, mô ngón cái. Một lần nữa cũng nhấn mạnh với các bạn đọc, tình trạng này cũng không tác động gì đến sức khỏe của các mẹ bầu và thường nhạt dần đi trong vài tuần sau sinh (thông thường dao động khoảng 3 tháng sau sinh – 90%).

Kết quả hình ảnh cho palmar erythema pregnancy
Hồng ban lòng bàn tay trong thai kỳ nguồn:pcds.org.uk

Các vết bầm máu màu xanh tím thường gặp trong 2 quý sau của thai kỳ, đặc biệt những tháng cuối cùng. Nguyên nhân được cho rằng các mao mạch trong giai đoạn này trở nên dễ gãy vỡ hơn. Đôi khi xuất hiện các vết màu vân tím dạng đốm ở 2 chân xảy ra mang tính chu kỳ (cutis marmorata) do đáp ứng tăng nhạy cảm với estrogen tăng cao trong máu. Sau sinh thì những tình trạng này có thể biến mất hoàn toàn, tuy nhiên bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn nếu tình trạng khiến bạn có chút lo lắng nào đó.

Giãn mạch máu da có thể thấy ở nhiều nơi, chủ yếu là vùng mặt, cổ, vai và lưng. Nốt nhện xảy ra đến khoảng 66% trường hợp mang thai và đây là một hình thái của loại tổn thương giãn mạch với các mạch máu giãn phân bố theo hình tua giống chân nhện. Nốt nhện thường xuất hiện trong khoảng từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5 của thai kỳ, tập trung quanh mắt và những vùng được dẫn máu về bởi tĩnh mạch chủ trên như cổ, mặt, ngực trên, tay chân. Sau sinh thì tình trạng này có thể nhạt dần đi, nếu còn thì bạn có thể đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị bằng phương pháp thích hợp (laser, tiêm thuốc, …).

Giãn tĩnh mạch chi dưới và trĩ là bộ đôi thường hay bắt gặp trong quá trình mang thai. Có đến 40% số phụ nữ mang thai gặp phải vấn đề này. Nguyên nhân xuất phát từ áp lực hệ tĩnh mạch chủ dưới liên tục tăng dần lên trong thai kỳ dưới tác động của tử cung lớn dần, những thay đổi hormone gây giãn mạch máu, tăng thể tích tuần hoàn, giữ muối nước và thậm chí cả những yếu tố gia đình. Mặc dù sau sinh thì tình trạng giãn tĩnh mạch chân sẽ co nhỏ dần lại nhưng hiếm khi chúng co nhỏ lại hoàn toàn được. Do đó, cần có các biện pháp tác động như nằm ngủ kê cao chân, mang tất hỗ trợ tuần hoàn, tránh đứng, ngồi quá lâu, đồng thời cần có chế độ giảm cân hợp lý. Tùy vào từng tình trạng của mạch máu bị giãn mà có những phương pháp điều trị được lựa chọn khác nhau như tiêm xơ mạch máu, laser mạch máu hoặc phẫu thuật. Cân nhắc điều trị và can thiệp có thể cân nhắc sau 3 đến 6 tháng sau sinh, tùy vào bệnh cảnh lâm sàng và kế hoạch sinh con tiếp theo trong tương lai của mỗi người.

Kết quả hình ảnh cho varicoid pregnancy
Giãn tĩnh mạch chân trong thai kỳ

Các tổn thương tăng sinh mạch khác như u hạt sinh mủ (u hạt viêm) thường bắt gặp với các tổn thương dạng sẩn tím đỏ, xuất tiết dịch, rất dễ chảy máu khi đụng vào. Thường thì phản ứng tạo u hạt này hay xuất hiện vào giữa quý đầu tiên của thai kì, phân bố ở vùng nướu, lợi, vùng hàm mặt hay là kẽ ngón tay, chân. Sau sinh thì tình trạng có thể thoái triển đi phần nào đó, tuy nhiên sẽ cần vài tuần đến vài tháng mới thấy được sự cải thiện rõ rệt. Các biện pháp can thiệp chuyên khoa có thể là lựa chọn giải quyết nếu bạn gặp phải khó chịu với tình trạng này.

Kết quả hình ảnh cho pyogenic granuloma pregnancy
U hạt viêm ở vùng nướu răng

U mềm treo (skin tags) là những tổn thương tương tự như tổ chức thịt dư thường xuất hiện những vùng như cổ, nách, bẹn và quanh vú, dưới vú. Có một số ít trường hợp các tổn thương này sẽ tự biến mất sau sinh, tuy nhiên phần lớn các trường hợp sẽ phát triển lớn dần theo thời gian. Điều trị nhìn chung khá đơn giản, bằng hỗ trợ các máy laser co2, đốt điện hoặc các dụng cụ dao cắt thì bác sĩ có thể loại bỏ các tổn thương một cách an toàn và hiệu quả. Ngoài u mềm treo thì các khối u khác của da như u xơ thần kinh, sẹo lồi, u xơ da, u cơ vân cũng thường có xu hướng lớn dần trong thai kỳ.

Kết quả hình ảnh cho skin tag pregnancy
U mềm treo

Những biến đổi về mô liên kết thường thấy nhất đó chính là hiện tượng rạn da trong thai kỳ (khoảng vào tháng thứ 6 đến tháng thứ 7 của thai kỳ). Rạn da thường bắt đầu xuất hiện ở quý thứ 2 của thai kỳ bên cạnh những vấn đề thường gặp kể trên, đặc biệt ở những người da trắng. Nguyên nhân được giải thích là do sự giãn nỡ của tử cung, khối cơ làm kéo dãn, xé rách các liên kết collgen, elastin, fibrillin của da. Ngực, bụng, mặt trong cánh tay, đùi, vùng lưng hông, kẽ bẹn 2 bên có thể là những vùng chịu tác động của những thay đổi này. Ban đầu thì các vết rạn da có màu đỏ hồng rồi sau đó tự ổn định, chuyển dần sang màu trắng mờ. Sự chuyển biến này có thể làm cho tình trạng mờ dần nhưng để da quay trở lại tình trạng da trở đó là không thể. Điều trị với thuốc thoa, dưỡng ẩm và một số thủ thuật da, thiết bị năng lượng tùy thuộc vào từng tình trạng của bạn. Bổ sung thêm cho các bạn một thông tin kèm theo đó là tình trạng rạn da có liên quan rất chặt chẽ đối với yếu tố gia đình và nếu như nhà có mẹ cũng có bị rạn da trước đó thì bạn cũng đang có rất nhiều nguy cơ hình thành các tổn thương rạn da tương tự.

Ngứa xuất hiện khoảng 20% trường hợp thai kỳ, có thể do những đáp ứng sinh lý với những thay đổi về hormone, chuyển hóa, các bệnh lý da thai kỳ đặc hiệu… hoặc không có yếu tố nào khởi phát đặc hiệu. Ngứa có thể khu trú chỉ ở một vùng nào đó, ví dụ như 2 bên bụng, tay chân, da đầu, quanh hậu môn, âm hộ và thường bắt gặp nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ. Ngứa trong thai kỳ có thể đi kèm với triệu chứng da vẽ nổi (xuất hiện mảng đỏ sau khi có tác động lực tì đè, cào gãi lên da) hoặc mày đay khác. Triệu chứng ngứa có thể rất thay đổi từ mức độ có thể thoáng qua cho đến ngứa dữ dội, cần đến can thiệp bằng thuốc bôi hoặc uống. Bột yến mạch, chlopheniramin, loratadine, cetirizine là những thành phần thuốc được cân nhắc lựa chọn trong thai kỳ. Nếu ngứa toàn thân thì bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và xác định rõ tình trạng cụ thể của bạn.

Tóc, móng cũng bị tác động, một số người thường rụng tóc lan tỏa hoặc giống như các trường hợp hói đầu kiểu nam. Đặc biệt là sau sinh từ 1 đến 5 tháng và tóc còn rụng tiếp vài tháng sau đó. Với những trường hợp này thì nhìn chung không cần điều trị gì vì tóc sẽ tự mọc lại đầy đủ sau đó (thường mất khoảng 15 tháng sau sinh để cải thiện lại độ dày của tóc trước đó). Ngược lại với tình trạng này thì có một số người có xu hướng lông mọc rậm và đậm màu hơn, thường thấy là có ria mép, má và cằm. Xu hướng thì với các sợi lông cứng to xuất hiện mới trong giai đoạn này thường tồn tại kéo dài mãi về sau đó, còn lại với những lông tơ mảnh tăng số lượng sẽ tự rụng đi sau sinh khoảng trong 6 tháng.

Móng tay chân mọc nhanh hơn khi mang thai. Chúng trở nên dễ vỡ, mềm hơn, tách móng, tăng sừng dưới móng và có thể có những đường vân ngang dọc theo bản móng. Một số trường hợp còn làm dễ xuất hiện các triệu chứng viêm quanh móng nên cần tránh làm móng tay chân, lấy khóe móng hoặc thậm chí là sơn móng tay chân trong giai đoạn này để hạn chế việc làm nặng thêm tình trạng.

Kết quả hình ảnh cho paronychia pregnant
Móng tay trong thai kỳ

Hoạt động của tuyến mồ hôi nước tăng lên trong thai kỳ, có thể gây nên các phát ban rôm nông hoặc chứng tăng tiết mồ hôi. Trong khi đó tuyến mồ hôi dầu lại có xu hướng giảm hoạt động và sau đó là hoạt động mãnh mẽ bù lại sau sinh khiến cho một số tình trạng bệnh dễ bùng phát như viêm tuyến mồ hôi nung mủ. Còn với tuyến nhờn thì có xu hướng tăng hoạt động lên trong quý 3 của thai kỳ và thực sự thì với những ai bị mụn thì giai đoạn này quả thực là một cuộc chiến khốc liệt. Các hạt montgometry quanh núm vú cũng là một minh chứng của tình trạng phì đại tăng hoạt động của tuyến bã nhờn trong giai đoạn này (gặp khoảng 30-50% trường hợp).

Kết quả hình ảnh cho paronychia pregnant

Mang thai quả là một giai đoạn trải qua nhiều chông gai, cảm nhận được nhiều sự thay đổi mà có lẽ ít có giai đoạn nào trong cuộc đời có những cảm giác tương tự. Hãy ghi lại những thay đổi kì diệu trong cơ thể bạn, đón nhận chúng và chuẩn bị những phương án tốt nhất để vẫn đảm bảo tính an toàn trong thai kỳ nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thẩm mỹ trong và sau giai đoạn khó khăn này. Bằng cách nhìn nhận các vấn đề một cách thông minh, sáng suốt, nhận biết được những thay đổi sinh lý cũng như dấu hiệu cần được thăm khám và xác định rõ. Mỗi mẹ bầu hãy cùng đồng hành với các bác sĩ chuyên khoa xây dựng một chế độ dinh dưỡng, vận động và chăm sóc hợp lý, khỏe mạnh trong giai đoạn này nhé!

BS Trần Ngọc Nhân

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here