Trẻ em có nên dùng chống nắng sớm không?

0
1596

Tia UV tác động đến các DNA của các tế bào thượng bì, nguyên bào sợi của da và gây ra các quá trình oxi hóa, tính độc lên gen. Khi bị tác động bởi tia UV, cơ chế tự nhiên của cơ thể sẽ sản sinh ra thêm nhiều melanin và gây sạm nắng. Tùy theo mức độ nhạy cảm của từng tuýp da cũng như thời gian, cường độ trẻ tiếp xúc mà có tình trạng sạm da nhiều hay ít. Sự khác biệt ở trẻ nhỏ so với người lớn đó chính là hệ thống bảo vệ DNA kém hơn (các tế bào hắc tố không đạt được chức năng hoàn chỉnh cho đến 2 năm tuổi) kèm theo với đặc điểm bề dày lớp sừng da mỏng, diện tích tiếp xúc bề mặt trên số khối cơ thể cao. Những nghiên cứu chỉ ra rằng khi tiếp xúc mạn tính với ánh sáng mặt trời (đặc biệt ở độ tuổi dưới 18) thì có nguy cơ cao hơn xảy ra các loại ung thư da không tế bào hắc tố và các ung thư tế bào hắc tố vùng đầu/cổ. Còn những trẻ từng có nhiều đợt tiếp xúc ánh nắng làm xuất hiện các bỏng nắng rộp nước thì có tỉ lệ ung thư tế bào hắc tố cao hơn.

Da được minh chứng có vai trò quan trọng trong hệ thống đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Khi tiếp xúc với tia UV thì đáp ứng vai trò chức năng này bị rối loạn đi phần nào đó, và vì thế mà góp phần làm giảm chức năng miễn dịch tương ứng. Các nghiên cứu trên chuột được chuyển đổi gen cho thấy khi tiếp xúc với tia xạ nhiều trong giai đoạn sơ sinh có thể làm giảm số lượng tế bào Langerhan ở thượng bì, do vậy làm tăng nguy cơ rối loạn cơ chế bảo vệ da. Không rõ trẻ nhỏ có chung những đáp ứng như vậy không nhưng quả thật cũng nên xem xét đến trong khi chờ những nghiên cứu sâu rộng hơn trong tương lai đưa ra câu trả lời thích đáng.

Kết quả hình ảnh cho infant sunscreen application
ảnh minh họa nguồn: internet

Cho đến nay thì những thông tin khuyến cáo cho đến thực hành chống nắng cho trẻ vẫn còn khá sơ sài. Hãy nhớ rằng với trẻ em dù bất kỳ tuýp da nào cũng có thể bị bỏng nắng hoặc sạm nắng khi tiếp xúc với liều UV đủ cao. Khuyến cáo của Viện Da Hàn lâm Hoa Kỳ (AAD) và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cho trẻ nhỏ đề cập:

Tránh nắng: tránh thuộc da, nhuộm da nâu hoặc phơi nắng đến độ bỏng nắng, đặc biệt điều này càng cần được chú ý đặc biệt ở những trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Tránh cho trẻ tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Đối với những trẻ lớn hơn tí thì thời gian dành cho các hoạt động ngoài trời cần tránh vào những thời điểm nắng nóng đỉnh điểm trong ngày. Mặc áo quần thoáng cho trẻ nhưng cũng cần phải đảm bảo sử dụng chất liệu vải sợi bện khít, ít quãng hở và nhớ sử dụng mũ nón rộng vành để che chắn đi kèm, cố gắng hoạt động, chơi đùa vùng có bóng râm che phủ là tốt nhất. Đặc biệt lưu tâm đến những vùng như ao hồ, nước, tuyết hoặc cát bởi vì chúng có khả năng phản xạ đến 85% lượng tia UV chiếu đến mặt đất.

Thoa chống nắng và không quên lặp lại đều đặn: với trẻ nhỏ thì tốt nhất nên lựa chọn những sản phẩm kem chống nắng có khả năng xâm nhập qua da ít nhất, ít gây kích ứng, dị ứng cho da nhất. Có một đặc điểm cần lưu ý ở trẻ nhỏ là chúng rất hay dụi tay lên mắt, ngậm mút ngón tay cho nên cũng thận trọng về những sản phẩm được dùng tới. Đối với trẻ em lớn hơn 6 tháng tuổi, AAP khuyến cáo tránh nắng nhưng chống nắng có thể cần được giới hạn chỉ những vùng không được áo quần, mũ nón che chắn mà thôi.

Các nghiên cứu chứng minh rằng kem chống nắng chỉ chứa các phân tử titan dioxide hoặc kẽm oxide kích thước nano không xâm nhập sâu quá lớp sừng da ở người lớn lẫn trẻ nhỏ. Các loại chống nắng tương tự cũng có tính nhẹ dịu dành cho mắt và an toàn khi tiếp xúc đường miệng. Các công thức dạng nền dầu của các thành phần chống nắng vật lý đó cũng được xem là dạng an toàn nhất dành cho trẻ em trong độ tuổi nhỏ. Đặc biệt là với những bạn nhỏ nào có da dễ nhạy cảm bởi vì những sản phẩm này có xu hướng được thiết kế có chứa không quá nhiều những chất hương liệu, ổn định ánh sáng, chất bảo quản hoặc những thành phần hoạt tính chống nắng khác đi kèm.

Hãy cùng đồng hành với bác sĩ da liễu của bạn xây dựng một thói quen chăm sóc da, chống nắng tốt để duy trì làn da khỏe mạnh cho bé yêu của mình ngay từ nhỏ. Nếu có vấn đề gì thắc mắc thì tốt hơn hết hãy trực tiếp trao đổi với bác sĩ đề cùng đưa ra được phương án phù hợp cho bé và cả gia đình nhé!

Còn tiếp…! (đón đọc trong các chuyên đề về da trẻ em trên website này)

BS Trần Ngọc Nhân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here