Hiệu quả của vitamin E trong điều trị sẹo?

0
1663

Có quan điểm cho rằng khi thoa dầu vitamin E lên vùng sẹo mụn thì có thể làm sẹo mờ đi. Thực hư vấn đề này như thế nào?

Thuật ngữ vitamin E dùng để chỉ một nhóm dẫn xuất của tocol và tocotrienol. Có 8 loại vitamin E (α-, β-, γ-, và σ-tocopherols và các nhóm tocotrienol tương ứng). Vitamin E được mô tả đầu tiên vào năm 1922 bởi Herbert M Evans và Katherine Bishop. Đến năm 1938, công thức alpha tocopherol đầu tiên được Karrer, Fritzsche và cộng sự tổng hợp.

Bắt đầu từ khi chúng được phát hiện là thành phần chống oxi hóa hòa tan trong lipid chính của da (chủ yếu là α-tocopherol trong chất bã nhờn) thì chất này bắt đầu được thử nghiện trong nhiều bệnh lý da khác nhau. Nó đã được sử dụng trong chuyên khoa da liễu trong hơn 50 năm như là thành phần chính của nhiều mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Chủ yếu các nghiên cứu kinh nghiệm đề cập nhiều về khả năng chống sinh u và bảo vệ da dưới tác động ánh sáng mặt trời. Các bằng chứng về hiệu quả của vitamin E trên việc làm lành thương, cải thiện bề mặt sẹo bỏng hoặc sẹo mụn chủ yếu có tình chất giai thoại, và hiện có rất ít những bằng chứng hỗ trợ quan điểm trên.

Hình ảnh có liên quan
Hình ảnh minh họa các loại sẹo mụn.

Mặc dù FDA chưa chấp thuận việc sử dụng vitamin E bôi trong điều trị các vấn đề về da. Nhưng trên thực tế thì thị trường có nhiều sản phẩm dạng mỡ, kem có chứa vitamin E và cả vitamin C được sử dụng để làm liền sẹo hay làm đẹp khác. Đặc tính ưa dầu dễ hấp thụ vào da của vitamin E khiến chúng được lựa chọn trong các công thức trị liệu. Đa phần công thức kem bôi chống lão hóa không kê toa chứa 1-5% vitamin E. Vai trò ghi nhận sau khi thoa vitamin E cho thấy làm tăng hydrate hóa lớp sừng da, cải thiện khả năng gắn kết nước của da. Tuy nhiên xét thực sự về lâu dài thì có rất ít hiệu quả khi sử dụng dạng bôi tại chỗ bởi vì độ ổn định của sản phẩm giảm đi chẳng mấy chốc sau khi sản phẩm được mở nắp và tiếp xúc với không khí, ánh sáng (dạng dl-α-Toc acetate là công thức ổn định nhất của vitamin E). Một số công thức sử dụng dạng liên hợp ester của của tocopherol hoặc sử dụng ferulic acid để làm tăng độ ổn định và hiệu quả của sản phẩm.

Một nghiên cứu của tác giả Baumann và cộng sự ghi nhận vitamin E và Aquaphor (một loại dưỡng ẩm thông dụng được sử dụng ở Mỹ) không có nhiều khác biệt về kết quả đánh giá quá trình lành thương sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư da.  Hơn 90% trường hợp sử dụng vitamin E bôi không có thay đổi nào về mặt thẩm mỹ sẹo, thậm chí 1/3 số trường hợp sử dụng vitamin E bôi tại chỗ xuất hiện triệu chứng đỏ, ngứa do viêm da tiếp xúc, một số ít khác gây hồng ban đa dạng, phản ứng dạng u vàng. Tuy nhiên, có một nghiên cứu khác trên trẻ em lại cho rằng khi sử dụng vitamin E bôi 3 lần mỗi ngày sẽ có hiệu quả giúp làm liền thương, giảm hình thành sẹo lồi hoặc sẹo quá phát. Và thực tế thì cơ chế làm thế nào chúng có hiệu quả như vậy cũng không được tác giả đưa ra trong nghiên cứu này, hay độ tuổi nghiên cứu cũng không nằm trong khoảng độ tuổi thường xuất hiện sẹo lồi (từ 10-30 tuổi). Trong nghiên cứu năm 2014 của Pereira và cộng sự, kết quả khi sử dụng màng kết dính sinh học polymer chứa tinh chất lô hội và vitamin E acetate mang lại hiệu quả khả quan trong điều trị bỏng.

Một số nghiên cứu nói về việc bổ sung vitamin E có thể có hiệu quả trong một số bệnh da, thúc đẩy quá trình lành thương. Đa phần vitamin E được ứng dụng trong điều trị hội chứng móng tay vàng, bệnh da mủ dưới sừng, chứng amyloidosis da, viêm da cơ địa, ly thượng bì bọng nước, vảy nến, loét da, nám má, mụn trứng cá, xơ cứng bì… Chưa có ghi nhận về hiệu quả của viên uống vitamin E trong điều trị sẹo.

Với những người khỏe mạnh, nhu cầu khuyến cáo sử dụng dừng ở mức 6-10 mg α-tocopherol hoặc tương đương. Khi sử dụng quá nhiều vitamin E lại có thể gây ra một số tác hại, ví dụ như buồn nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng, chán ăn, đau đầu, nhìn mờ, nổi ban da, bầm máu hoặc xuất huyết. Khi sử dụng hơn 100 mg vitamin E mỗi ngày trong hơn 1 năm thì có thể gây ra chứng tăng vitamin E máu với biểu hiện giảm kết dính tiểu cầu, làm tăng nguy cơ chảy máu.

Kết quả hình ảnh cho vitamin E and food source
Hình ảnh minh họa một số thức ăn giàu vitamin E

Vitamin E được tổng hợp bởi thực vật và phải được bổ sung từ chế độ ăn hàng ngày. Những nguồn thực phẩm giàu vitamin E (chủ yếu là γ-tocopherol) như rau xanh, rau bina, các loại ngũ cốc, đậu nành, yến mạch, dầu ô liu, dầu hướng dương.

Tóm lại, những dữ liệu hiện có không có đủ bằng chứng về việc sử dụng vitamin E như là sản phẩm đơn trị liệu trong các vấn đề về sẹo như cộng đồng mạng xôn xao. Thậm chí là còn đi kèm với những tác dụng phụ như viêm da tiếp xúc, làm tăng cảm giác ngứa, châm chích kèm theo. Nếu có chăng thì hiệu quả chủ yếu được ghi nhận khi sử dụng phối hợp trong các công thức chống oxi hóa, giảm viêm, dưỡng ẩm khác, các màng vật liệu sinh học, gel silicone… Việc dành thời gian điều chỉnh chế độ ăn uống giàu vitamin E kể trên có thể là một lựa chọn không tồi dành cho những ai mong muốn một làn da khỏe đẹp. Còn với các tình trạng sẹo, tốt nhất bạn hãy dành chút thời gian trao đổi với bác sĩ da liễu của bạn để lựa chọn cho mình được phương án điều trị nào có hiệu quả và phù hợp với bản thân mình nhất.

BS Trần Ngọc Nhân

Tài liệu tham khảo

  • The effects of topical vitamin E on the cosmetic appearance of scars. Baumann LS1, Spencer J. Dermatol Surg. 1999 Apr;25(4):311-5.
  • Vitamin E in dermatology. Mohammad Abid Keen and Iffat Hassan, Indian Dermatol Online J. 2016 Jul-Aug; 7(4): 311–315. doi: 10.4103/2229-5178.185494
  • The Role of Topical Vitamin E in Scar Management: A Systematic Review. Volkan Tanaydin, MD et al, Aesthetic Surgery Journal, Volume 36, Issue 8, September 2016, Pages 959–965, https://doi.org/10.1093/asj/sjw046
  • Topical Agents for Scar Management: Are They Effective? Zoumalan CI.J Drugs Dermatol. 2018 Apr 1;17(4):421-425.
  • Update on vitamin E; https://www.mdedge.com/dermatology/article/111743/aesthetic-dermatology/update-vitamin-e

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here