Nội dung chính của bài viết
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là gì?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh lý gây ra do bởi virus thường gây những tổn thương ở vùng miệng, tay và chân. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến những vùng khác như mông và cơ quan sinh dục. Nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh là virus Coxsackie A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).Bệnh thường nhẹ, tự khỏi nhưng đôi khi cũng gây ra những biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong.
Những ai có thể gặp phải?[1][2]
- HFMD xảy ra khắp nơi trên thế giới, tỉ lệ mắc bệnh cao nhất vào mùa hè và mùa thu ở những vùng khí hậu nhiệt đới.
- Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ hơn 10 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.
- Nhìn chung bệnh thường có xu hướng xảy ra nhẹ hơn ở người lớn, tuy có một số trường hợp nặng được báo cáo nhưng chủ yếu tập trung ở những người bị suy giảm miễn dịch.
- Bệnh có khả năng lây nhiễm ở mức trung bình, nguy cơ lây nhiễm là khoảng từ 10 – 30%.
- Đây là bệnh lây không cần phải khai báo.
Nguyên nhân nào gây bệnh? [1]
HFMD thường được gây ra bởi CA16 hoặc EV71. Những loại virus gần gũi này thuộc gia đình Picornaviridae, loài Enterovirus bao gồm có echoviruses và polioviruses. Đôi khi bệnh được gây bởi các Coxsackieviruses khác như nhóm A và nhóm B, đặc biệt là Coxsackieviruses A6 và A10.[4][5]
Lây nhiễm chủ yếu của bệnh là qua đường phân miệng. Tiếp xúc với những tổn thương da và dịch tiết mũi miệng (bao gồm cả giọt bắn khi ho và hắt hơi) cũng có thể là yếu tố truyền bệnh. Những người bị nhiễm bệnh vẫn có thể tiếp tục thải virus qua phân trong vòng một vài tuần.
Thời gian ủ bệnh trong khoảng từ 3-5 ngày.
Biểu hiện khi bị bệnh như thế nào?[1]
- Tiền triệu: Bao gồm những triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi và cảm giác chán ăn. Có thể có những tổn thương loét ở miệng hoặc họng, triệu chứng ho hoặc đau bụng. Khi gây bởi các EV71 thì thường có kèm theo nôn.
- Tổn thương ở miệng: Sau giai đoạn khởi phát, tổn thương xuất hiện ở vùng miệng như vùng như niêm mạc má, lưỡi hoặc vùng khẩu cái cứng. Lưỡi gà, nướu lợi, môi và da vùng xung quanh miệng đôi khi cũng xuất hiện những tổn thương. Thường thường tổn thương bắt đầu với những dát đỏ hồng sau đó tiến triển thành mụn nước và vỡ ra tạo thành vết trợt sau đó. Những tổn thương ở miệng thường là những ổ loét màu vàng điển hình xung được bao quanh bởi vòng tròn vành khăn (halo) màu đỏ. Chúng có thể gây đau hoặc cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Những trẻ nhỏ hơn 5 tuổi thường có xu hướng có những triệu chứng nặng hơn những trẻ lớn hơn.
- Tổn thương da: Phần lớn thường xuất hiện những tổn thương da sau đó, chủ yếu ở vùng lòng bàn tay, bàn chân và vùng kẽ ngón. Những tổn thương thường bắt đầu với những dát đỏ kích thước khoảng 2-5mm nhưng tiến triển nhanh chóng thành những mụn nước màu xám vàng trên nền đỏ. Những tổn thương tập trung nhiều ở vùng thân, đùi, mông và/hoặc vùng sinh dục. Những tổn thương ít điển hình hơn chủ yếu là các ban dạng dát sẩn đỏ hơn là các sẩn-mụn nước tìm thấy ở tay và chân. Ban tồn tại từ 3 – 6 ngày và thường không có triệu chứng, tuy nhiên đôi khi chúng có thể gây đau hoặc ngứa nhẹ.
Có thể nhầm lẫn tay chân miệng với bệnh nào?[1]
- Herpangina gây ra bởi các Coxsackievirus hoặc echovirus tương tự với những tổn thương gần giống với bệnh tay chân miệng nhưng thường giới hạn ở khoang miệng phía sau và không có tổn thương da đi kèm.
- Nhiễm Herpes hoặc Zona
- Thủy đậu
- Bệnh Kawasaki
- Hồng ban đa dạng, Hội chứng Stevens-Jonhson
- Viêm họng virus
- Những dạng lichen phẳng ở vùng miệng
- Viêm nướu
Cần xét nghiệm để chẩn đoán không?[1][2]
- Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng
- Các virus có thể cư trú ở vùng họng, mụn nước hoặc hậu môn hoặc nuôi cấy phân. Sự đào thải virus trong phân có thể xảy ra một cách gián đoạn, do đó khi lấy mẫu xét nghiệm cầm tiến hành lấy nhiều mẫu.
- Kĩ thuật PCR có thể phân nhóm các enterovirus và là một lựa chọn xét nghiệm cho những trung tâm nghiên cứu mặc dù hiếm khi được sử dụng trong thực hành lâm sàng thông thường.
Điều trị bệnh như thế nào?
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, do vậy chủ yếu là điều trị nâng đỡ cho người bệnh.
- Gia đình bệnh nhân cần phải nhận thức rằng đây là bệnh lý không liên quan gì đến bệnh lở mồm long móng gặp ở gia súc cả, chúng là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau.
- Khuyến khích uống nước đầy đủ. Nếu như những tổn thương ở miệng gây khó chịu khiến bệnh nhân không chịu ăn uống đủ thì có thể gây mất nước cho bệnh nhân.
- Khuyến khích sử dụng chế độ ăn những thức ăn mềm (ví dụ như canh, kem, khoai tây hầm,…)
- Sử dụng hạ sốt giảm đau như là paracetamol hoặc ibuprofen.
- Nếu như miệng đau quá, những thuốc bôi tại chỗ sau có thể cân nhắc sử dụng (mặc dù chưa có những bằng chứng được chứng minh về hiệu quả của chúng):
- Gel bôi miệng chứa Lidocaine.
- Thuốc xịt Benzydamine hoặc nước súc miệng (chỉ sử dụng thuốc xịt cho những trẻ lớn hơn 5 tuổi, nước súc miệng cho những trẻ lớn hơn 12 tuổi).
- Gel bôi miệng chứa Choline salicylate (không khuyên dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi và phụ nữ mang thai và đang cho con bú).
- Súc miệng với dung dịch nước muối ấm nếu như đảm bảo được bệnh nhi không nuốt chúng.
- Bất kỳ những biến chứng về thần kinh và tim mạch cũng cần được điều trị thích hợp ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
Chỉ định nhập viện khi nào?
- Có những triệu chứng của mất nước đáng kể ( đặc biệt ở trẻ nhỏ).
- Có những triệu chứng hoặc dấu chứng về thần kinh – ví dụ như giật mình, đau đầu dữ dội hoặc kéo dài, những triệu chứng của xuất hiênh viêm não.
- Những tổn thương loét miệng dai dẳng.
- Những trường hợp khác nhập viện theo chỉ định của bác sĩ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh.
Lời khuyên cho phụ nữ có thai
Không có những hậu quả xấu đã được biết gây ra cho thai nhi nếu như mẹ đang mang thai tiếp xúc với tay chân miệng. Hãy hỏi ý kiến của các chuyên gia nếu như mắc phải tay chân miệng vào 3 tuần trước ngày dự sinh để hạn chế những nguy cơ lây nhiễm trong lúc sinh cho trẻ. Ở những trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây ra những nhiễm trùng nặng cho trẻ sơ sinh mặc dù chúng thường là bệnh lý nhẹ.
Các biến chứng có thể gặp phải?[1][2]
Các biến chứng thường hiếm gặp, bao gồm:
- Nhiễm trùng da thứ phát do cào gãi và vệ sinh kém.
- Ăn uống kém dẫn đến mất nước do những tổn thương vùng miệng gây đau.
- Tổn thương thần kinh và viêm màng não thường liên quan đến EV71, những tổn thương này có thể là viêm màng não vô khuẩn, viêm não, phù phổi do yếu tố thần kinh (neurogenic pulmonary oedema) và gây liệt. Co giật, thất điều và liệt các dây thần kinh sọ có thể xảy ra.
- Suy tim phổi có thể xảy ra ở những trường hợp nặng.
Tiên lượng bệnh tốt hay xấu?[1]
- Nhìn chung bệnh phục hồi hoàn toàn trong phần lớn các trường hợp.
- Triệu chứng thường cải thiện trong vòng 3-6 ngày, thường hồi phục những tổn thương da và miệng trong vòng 7-10 ngày.
- Những trường hợp bệnh gây bởi EV71 có nguy cơ xảy ra những biến chứng thần kinh cao hơn, mặc dù hiếm gặp. Viêm màng não vô khuẩn thường phục hồi mà không để lại di chứng nào nhưng viêm não thường có để lại những di chứng cho người bệnh. Một số trưởng hợp tử vong trong các vụ dịch tay chân miệng.
Làm thế nào đẻ phòng bệnh?[1]
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ có thể ngăn ngừa việc lây nhiễm cho những người trong gia đình:
- Việc rửa tay sau khi đi vệ sinh có bằng chứng giá trị cao trong hiệu quả bảo vệ lây nhiễm.
- Thực hiện rửa tay cần chú ý đến rửa sạch vùng kẽ ngón và dưới móng tay và mỗi khi:
- Sau khi:
- Thay tả cho trẻ
- Sử dụng hoặc làm vệ sinh bồn cầu
- Giúp trẻ đi vệ sinh
- Tiếp xúc với chất tiết của người bệnh (ho, hắt hơi…)
- Và trước khi:
- Cầm nắm thức ăn
- Nấu ăn
- Ăn uống
- Cho trẻ nhỏ hoặc người già ăn uống.
- Che miệng và mũi mỗi khi ho hoặc hắt hơi.
- Xử lý đảm bảo vệ sinh các chất thải hoặc tã lót của trẻ.
- Tránh dùng chung cốc, dụng cụ ăn uống, khăn mặt,… với người bệnh
- Virus có thể còn được thải qua phân một thời gian sau khi phục hồi, do đó cần đảm bảo duy trì vệ sinh sạch sẽ ngay cả sau khi phục hồi.
Hiện nay, vaccine phòng tay chân miệng đang được phát triển và thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, Kế hoạch chiến lược tiêm chủng phòng EV71 có khả năng gây tử vong cao đang được xây dựng. Trong đó, hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng Coxsackie mặc dù các công việc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.
Nguồn tài liệu
- Hand, foot and mouth disease (HFMD); Dr Michelle Wright, http://patient.info/doctor/hand-foot-and-mouth-disease-pro
- Hand, Foot and Mouth Disease Patient Information Leaflet; NHS Grampian publication, http://www.nhsgrampian.org/