Nguyên nhân gây quầng thâm mắt là gì?

1
2020

Quầng thâm mắt có phải là thứ làm cho bạn mất tự tin, chúng có khiến bạn lúc nào cũng có vẻ mệt mỏi. Bạn luôn khao khát loại bỏ chúng mà chưa một lần chạm tới được. Vậy, bản chất chúng có gì mà lại khó khăn đến như vậy? Hãy đi đến cuối bài viết để chắc chắn là bạn không bỏ sót một trong những chúng nhé!

Quầng thâm mắt là gì?

Quầng thâm quan mắt (POH) là một tình trạng thường thấy với biểu hiện là một vùng màu nâu hoặc đậm màu có hình tròn hoặc bán nguyệt quanh vùng mắt. Nó có thể tác động đến sự tự tin cũng như chất lượng cuộc sống của người gặp phải.

Trong một nghiên cứu ở Ấn Độ, kết quả cho thấy tình trạng POH xảy ra nhiều nhất trong độ tuổi 16 đến 25 tuổi. Và trong số 200 bệnh nhân được nghiên cứu thì tỉ lệ gặp phải ở nữ giới (81%) cao hơn so với nam giới và phần lớn là phụ nữ liên quan đến công việc nội trợ (45.5%).

Có bao nhiêu loại quầng thâm mắt?

Có thể phân loại quầng thâm mắt dựa trên dạng sắc tố biểu hiện bên ngoài và sự phân bố mạch máu của chúng. POH được phân loại thành nhóm do sắc tố (màu nâu), do mạch máu (xanh/hồng/tím), do cấu trúc (màu da), và loại hỗn hợp.

Loại hỗn hợp của quầng thâm mắt bao gồm 4 dạng sau: mạch máu-sắc tố (PV), sắc tố-cấu trúc (PS), mạch máu-cấu trúc (VS), và kết hợp cả 3 dạng trên.

  • Loại sắc tố (P) có biểu hiện như một vùng màu nâu dưới ổ mắt.
  • Loại mạch máu (V) thường có màu xanh, hồng, hoặc tím có kèm hoặc không kèm theo đầy ổ mắt (bọng mắt).
  • Loại cấu trúc (S) thường như hình ảnh đổ bóng của cấu trúc giải phẫu đường nét của khuôn mặt. Nó có thể liên quan đến túi mỡ mí mắt dưới, sa mí mắt dưới, và mất mô mỡ với khối xương nhô cao.
  • Loại phối hợp (M) kết hợp 2 hoặc 3 kiểu hình trên.

Phân loại này có thể giúp ích trong việc đưa ra các phương pháp điều trị tuỳ theo từng loại POH bởi vì mỗi loại POH có đáp ứng khác nhau đối với mỗi loại điều trị.

Làm thế nào để biết mình thuộc nhóm nào?

Quan trọng phải phân biệt được tình trạng da mí mắt đậm màu hay là do hiện tượng đổ bóng cấu trúc. Mặc dù tình trạng do các thay đổi sắc tố vẫn còn khi kéo căng da, còn với tình trạng đổ bóng cải thiện hoặc biến mất hoàn toàn khi căng da. Khi có tình trạng gia tăng màu sắc tím tím khi kéo căng da bằng tay vùng mí dưới thì do da vùng này mỏng và tăng hệ mạch máu ở vùng này trên bệnh nhân đó.

Các bác sĩ có thể sử dụng kết hợp thêm một số công cụ để đánh giá thêm sau khi thăm khám trực tiếp. Đèn Wood có thể được sử dụng để phân biệt giữa sắc tố thượng bì và trung bì. Biến đổi sắc tố thượng bì trở nên rõ hơn dưới ánh sáng đèn Wood. Còn với sắc tố trung bì thì ít thấy rõ hơn. Đánh giá bằng hình ảnh siêu âm cũng giúp phân biệt được nguyên nhân gây ra do cấu trúc mạch máu từ bọng dưới ổ mắt.

Nguyên nhân làm mắt có quầng thâm?

Có một số bằng chứng khoa học nói về phân loại và nguyên nhân của POH. Có rất nhiều yếu tố ngoại sinh lẫn nội sinh có thể ảnh hưởng lên quá trình sinh bệnh của tình trạng này.

Các yếu tố gây bệnh liên quan đến gên hoặc di truyền, tăng sắc tố quá mức, tăng sắc tố sau viêm thứ phát sau tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc cơ địa, các tình trạng phù nên quanh ổ mắt, tăng tập trung hệ mạch máu quá mức và hiện tượng đổ bóng do các cấu trúc da chảy xệ và rãnh lệ liên quan đến sự lão hoá của tuổi tác.

Yếu tố di truyền

Nếp đôi mí mắt Dennie- Morgan

Quầng thâm mắt được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền. Goodman và Belcher đã báo cáo nhiều gia đình có gia tăng sắc tố vùng quanh mắt. Một số có biểu hiện nhẹ, song những số khác lại bị ảnh hưởng nặng. Nhiều trường hợp trong đó xuất hiện tăng sắc tố sớm ngay từ khi còn nhỏ và tình trạng này tăng dần theo tuổi.

Tăng sắc tố trung bì da quanh mắt

Hiện tượng tăng sắc tố trung bì đặc trưng bởi sự có  mặt của các tế bào hắc tố ở lớp trung bì. Về mặt lâm sàng, các tổn thương đó được nhận diện qua biểu hiện màu xám hoặc xanh xám. Tăng sắc tố trung bì gây ra quầng thâm mắt có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải.

Bớt Ota

Còn được xem là một tình trạng tăng sắc tố da-mắt hoặc nevus fuscocaeruleus mắt hàm. Đây là một dạng tăng sắc tố trung bì bẩm sinh liên quan đến vùng chi phối bởi dây thần kinh V1 và V2.

Biểu hiện bệnh với dạng tàn nhang hoặc các tổn thương sắc tố dạng dát hoặc khoảng màu nâu xám cho đến màu xanh đen tác động lên da, kết mạc, củng mạc, màng nhĩ, hoặc niêm mạc mũi hoặc miệng theo vùng chi phối tương ứng với khoanh da. Nếu chúng nằm ở vị trí dưới ổ mắt thì có thể là một nguyên nhân gây nên quầng thâm mắt.

Bớt Hori

Tình trạng được mô tả lần đầu tiên vào năm 1984 bởi Hori và cộng sự. Đây là tình trạng mắc phải với các dát tương tự như bớt Ota. Về mặt lâm sàng, chúng biểu hiện với các tổn thương dạng đốm tăng sắc tố màu xanh nâu cho đến màu xám tro vùng gò má 2 bên, và bệnh có thể tiến triển sang vùng quanh mắt gây nên quầng thâm.

Một đặc điểm giúp phân biệt với các dạng tăng sắc tố trung bì khác đó là tình trạng này thường không ảnh hưởng tới niêm mạc miệng mũi hoặc kết mạc mắt. Các báo cáo cho thấy có sự liên quan giữa việc tiếp xúc ánh nắng mặt trời, những thay đổi về mặt hormone liên quan đến thai kỳ, và viêm da cơ địa mạn tính tác động đến sự xuất hiện của bớt Hori.

Tăng sắc tố sau viêm

Sắc tố hình thành quá mức cũng có thể xuất hiện sau quá trình viêm trong những bệnh lý da như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa và một số bệnh lý da khác như lichen phẳng sắc tố. Bên cạnh đó có thể gây ra do thuốc như trong những trường hợp hồng ban cố định nhiễm sắc và hồng ban loạn sắc dai dẳng.

Quầng thâm mắt gây ra do tăng sắc tố sau viêm

Quầng thâm mắt có thể gây ra bởi việc chà xát da quanh mắt nhiều và bởi sự tích tụ dịch gây ra do dị ứng trong viêm da cơ địa hoặc viêm da tiếp xúc dị ứng.

Tăng phân bố các mạch máu nông

Da mỏng và nhiều mạch máu trên vùng cơ vòng mắt là một nguyên nhân thường gặp khác của quầng thâm mắt. Tình trạng này thường tác động đến toàn bộ mí mắt dưới với vẻ ngoài màu tim tím do da mỏng làm rộ rõ mạch máu dưới da, thường đậm hơn ở khoé trong của mí mắt, và thường có xu hướng đậm lên trong giai đoạn hành kinh.

Quầng thâm mắt do hiện tượng tăng phân bố mạch máu quanh mắt

Khi căng da vùng mí dưới, vùng thâm rộng ra mà không biến mất hoặc nhạt đi nhiều và làm đậm hơn màu tím của mạch máu. Và đây cũng được xem là một đánh giá đơn giản trên lâm sàng giúp xác định tình trạng liên quan đến mạch máu này.

Lõm vùng rãnh lệ (tear trough)

Đây là một vùng cấu trúc giải phẫu có xu hướng lõm dần theo tuổi, trung tâm là bờ ổ mắt giữa dưới. Vấn đề này liên quan đến tuổi tác, chủ yếu gây ra do tình trạng mất mô mỡ dưới da và bề dày lớp da trở nên mỏng đi ở vùng dây chằng bờ ổ mắt, kết hợp với tình trạng hạ thấp xương gò má, và do đó càng làm gia tăng hõm bờ dưới ổ mắt. Sự kết hợp tình trạng hõm sâu và giả thoát vị của mô mỡ dưới ổ mắt gây nên quầng thâm mắt, và mức độ tuỳ thuộc vào tình trạng ánh sáng.

Quầng thâm mắt vùng rãnh lệ trước (a) và sau điều trị với filler (b)

Phù nề quanh mắt

Vùng mí mắt tương đối lỏng lẻo, dễ tụ dịch do các nguyên nhân toàn thân và tại chỗ. Các đặc trưng trong chẩn đoán gợi ý đến hiện tượng phù nề đó là tình trạng có xu hướng nặng lên vào mỗi buổi sáng hoặc sau những bữa ăn có nhiều muối (mặn).

Diễn tiến bệnh theo mức độ nặng và tình trạng lan rộng của tổn thương là những vấn đề quan trọng trong việc xác định ảnh hưởng của phù lên quầng thâm mắt. Khi so sánh với mô mỡ quanh mắt bình thường, phù nề thường vẫn còn xuất hiện khi nhìn xuống và không thay đổi gì nhiều khi nhìn lên trên.

Đường giới hạn sắc tố trên khuôn mặt (PDL)

PDL là các đường ranh giới chuyển tiếp gián đoạn giữa da tăng sắc tố và vùng da sáng màu. Thuỳ theo vị trí mà chúng được đặt tên từ A đến H. Loại F và G có ở phía 2 bên của ổ mắt và thường có dạng hình chữ V và các khoảng hình chữ W. 

Trong một nghiên cứu của Malakar và cộng sự tiến hành trên 100 người Ấn Độ với chẩn đoán là POH, kết quả cho thấy có 92% bệnh nhân trong nghiên cứu có tình trạng tăng sắc tố quanh mắt là tình trạng lan rộng của các đường sắc tố trên vùng mặt.

Hình ảnh PDL đậm lên trong quầng thâm mắt

Các nguyên nhân khác

Thuốc hạ nhãn áp

Các chất đồng vận prostaglandin như latanoprost và bimatoprost, được dùng làm thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp ở những bệnh nhân bị Glaucoma cũng có thể là nguyên nhân gây nên quầng thâm mắt. Những bệnh nhân xuất hiện tình trạng này thường thấy trong khoảng từ 3-6 tháng từ khi bắt đầu sử dụng liệu trình với bimatoprost.

Sau khi ngưng sử dụng thì tình trạng này phục hồi lại hoàn toàn. Cũng ghi nhận thấy khả năng có tình trạng tăng tạo sắc tố của các tế bào hắc tố da và gia tăng chuyển các hạt melanin đến lớp đáy thượng bì trong cơ chế gây quầng thâm mắt của các thuốc này.

Các nguyên nhân từ môi trường

Tia cực tím làm nặng thêm tình trạng POH và một số yếu tố về thói quen sống cũng góp phần vào bệnh cảnh này như tình trạng mất ngủ, stress, sử dụng quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá. Trong khi đó việc nghỉ ngơi đầy đủ và một chế độ sinh hoạt khoẻ mạnh giúp làm giảm tình trạng này.

Trên đây là sơ lược và lý giải về những nguyên nhân có thể góp phần gây nên tình trạng quầng thâm mắt của bạn đang gặp phải. Việc đánh giá, phân loại và hướng đến những nguyên nhân riêng biệt có giá trị rất quan trọng để đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp. Hãy đặt câu hỏi bên dưới, tôi sẽ quay trở lại về vấn đề điều trị trong những chủ đề tới!

BS Trần Ngọc Nhân

1 COMMENT

  1. Cám ơn bác sĩ! Bài viết của bác rất hay! Hy vọng sớm được đọc phần điều trị của bác!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here