Vaccine mụn – microbiome da và con đường hiện thực hóa giấc mơ sạch mụn!

2
1986

Như các bạn đã biết, với diện tích trung bình ở người lớn đạt khoảng 1.8-2 m2 thì da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể. Nếu xem xét và phân tích kĩ hơn khi tính đến bề mặt cả các đơn vị nang lông, tuyến mồ hôi, các phần phụ khác của da thì diện tích bề mặt của cơ thể có thể lên đến con số 30 m2 (theo Meissel và cộng sự). Chính vì trải rộng trên một diện tích lớn như vậy nên “mảnh đất” này cũng là nơi cư ngụ rất nhiều vi sinh vật khác nhau, có cả vi khuẩn, vi nấm, virus, các loại mạt da. Điều đặc biệt là mỗi chủng sinh vật đó chiếm đóng những căn cứ, lãnh thổ khác nhau trên da.

Trong đó, vi khuẩn là loại có số lượng cư dân đông đảo nhất và xây dựng nên một cộng đồng vững mạnh trong khối “microbiome của da”. Có hơn 40 loại vi khuẩn khác nhau đã được xác định cho đến nay ở da người, chủ yếu thuộc 4 nhóm chính là: Actinobacteria, Firmicutes, Proteobacteria, và Bacteroidetes. Mỗi loại có một số vị trí phân bố ưa thích, và cũng có sự khác biệt giữa mỗi người. Xét đến vùng tiết bã, những vị trí ẩm ướt thì phải kể đến những loại như Propionibacteria, Staphylococcus, Corynebacteria, và các vi khuẩn gram âm. Ước tính mỗi cm2 da vùng ẩm ướt có trung bình khoảng một triệu vi khuẩn ái khí trong khi đó đây cũng là con số vi khuẩn kị khí hiện diện trung bình ở những vùng da khô.

Với những bằng chứng khoa học hiện nay thì có thể nói rằng sự cân bằng của microbiome da đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe làn da và cơ thể, nó được ví như một cơ quan “vô hình” bên cạnh các cơ quan khác của cơ thể vậy.

Trong bệnh lý mụn trứng cá, có 4 yếu tố được xem là có tác động chính đến quá trình sinh bệnh gồm tăng tiết nhỡn, bất thường sừng hóa và biệt hóa tế bào sừng trong nang lông, khuẩn chí da và đáp ứng viêm của cơ thể người bệnh. Trong bài viết này, chúng ta đang nhìn về khuẩn chí da trong cơ chế hình thành mụn. Propionibacterium acnes được xem là tác nhân chính khởi phát đáp ứng viêm và gây nên các tổn thương nhân mụn kể cả những tổn thương viêm đỏ cho đến những nhân mụn thông thường (dưới đáp ứng lâm sàng gây viêm).

Đến năm 2015, các nhà khoa học đã xác định được căn bản có thể chia P.acnes thành 3 nhóm riêng biệt dựa trên những đặc tính riêng biệt cấu trúc sinh học di truyền MLST và hệ gene của chúng. Trong đó có P. acnes subsp. acnes, P. acnes subsp. DefendensP. acnes subsp. Elongatum.

Thực sự mà nói thì mụn được xem là một vấn đề ngoài da không gây nguy hiểm gì đến tính mạng, tuy nhiên sự quan tâm lớn về nó không chỉ nằm ở con số tác động 85% dân số chung mà còn cả những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến sự tự tin, gây ra những mặc cảm xã hội, trầm cảm và thậm chý là những ý định hoặc hành vi tự sát vì mụn. Thống kê chung thì có đến khoảng trên 50% người bị mụn chịu những tác động tiêu cực về mặt tâm lý nào đó.

Có được mối quan tâm đặc biệt kèm theo những tiến bộ y học ấy cho phép chúng ta tiếp cận gần hơn đến những phương pháp điều trị mới, và không những thế là những phương án dự phòng chúng. Vaccine phòng mụn? Vâng, chính là nó đấy các bạn ạ. Những nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí những phát kiến trong Da liễu lần đầu tiên cho chúng ta thấy được làm cách nào mà cơ thể của chúng ta đáp ứng lại với những yếu tố gây độc của các vi khuẩn trên da và bước đầu chứng minh hiệu quả thực sự trong việc làm giảm các tổn thương mụn một cách đáng kể.

Yếu tố Christie-Atkins-Munch-Peterson (CAMP) được ghi nhận là độc tính được tiết ra bởi các vi khuẩn và có thể gây viêm trên da (nghiên cứu trên động vật). Yếu tố CAMP của P.acnes có thể tiêu diệt các tế bào tiết nhờn trong tuyến bã nhờn và gây viêm. Và yếu tố này được hứa hẹn là đích nhắm cho những phát kiến cho các phương pháp trị liệu, đặc biệt là vaccine.

Bằng chứng được ghi nhân trên chuột, khi tiêm yếu tố P.acnes CAMP có thể gây viêm và điều này cũng xảy ra khi tiến hành trên da người. Để đánh giá khả năng ứng dụng vào ý tưởng vaccine, những chú chuột này đã được tiêm vaccine chống lại yếu tố CAMP trước khi tiêm các độc tố này và kết quả ghi nhận cho thấy chuột có đáp ứng giảm số lượng và mức độ viêm đáng kể.

Bên cạnh CAMP, một chất khác có tên là acid sphingomyelinase (ASMase), cũng được ghi nhận trong cơ chế gây ra tác động của vi khuẩn P.acnes thông qua những tương tác với CAMP. Khi thực hiện bổ sung Desipramine (một thuốc chống trầm cảm có tác động phòng ngừa tác động của ASMase) trên các tế bào được nuôi cấy thu được kết quả có ít tế bào bị chết bởi độc tính gây ra bởi P.acnes hơn. Nghiên cứu khác thử nghiệm trên chuột bằng cách tiêm Desipramine 30 phút trước khi tiêm yếu tố CAMP của P.acne như trên, và kết quả thu được cũng cho thấy tác động gây viêm giảm đi đáng kể.

Thử nghiệm có đối chứng mới đây trên chuột được chủng ngừa với yếu tố CAMP và chất đối chứng trong nhóm còn lại. Sau 2 tuần thì tiêm nhắc lại liều thứ 2, và kết quả được đo sau 5 tuần kể từ mũi tiêm thứ nhất. Kết quả cho thấy cơ thể đã hình thành các kháng thể (các chất bảo vệ của cơ thể) đối với yếu tố CAMP. Người ta còn nhận thấy rằng khi bổ sung thành phần nhôm trong vaccine thì có thể thúc đẩy đáp ứng tăng lượng kháng thể lên tới 4 lần so với ngưỡng bình thường. Những nghiên cứu được tiến hành thử nghiệm vaccine này cũng cho đáp ứng lâm sàng làm giảm hiện tượng sưng đỏ và tổn thương thấy rõ hơn so với nhóm không được tiêm chủng.

Không dừng lại ở đó, nghiên cứu đã được mở rộng trên các nuôi cấy mẫu da ở người (được lấy ở vùng da lưng cả nơi có mụn lẫn không mụn) và cũng cho thấy vaccine làm giảm đáng kể số lượng tổn thương và mức độ viêm của mụn. Dĩ nhiên, để đi đến các thử nghiệm lâm sàng áp dụng trên người thì cũng cần thêm rất nhiều thời gian và nghiên cứu nữa. Vaccine này nếu được áp dụng thành công cũng chỉ giúp tác động đến khía cạnh gây mụn do tác động của vi khuẩn da đã đề cập ở trên, mụn còn gây ra bởi nhiều yếu tố khác nữa. Một nhược điểm khác về vi khuẩn mụn như đã được nhắc đến ở đầu bài viết này – chúng là một “công dân” không thể thiếu được trong hệ sinh thái sinh vật trên da người. Nó giúp cân bằng da, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng các vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu vàng. Liệu vaccine có làm mất đi hệ sinh thái đáng quý này của cơ thể hay không? – điều này chắc hẳn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trong tương lai.

Đó là những gì tôi biết được ngày hôm nay, bạn đọc có cảm nhận gì về thông tin này không? Hãy comment hoặc chia sẻ những điều thú vị này đến những người xung quanh nhé!

Cảm thấy thật tuyệt vời với những tiến bộ y học mang lại!

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu tham khảo:

  • Wang, Y., Hata, T., Tong, Y., Kao, M., Zouboulis, C., Gallo, R. & Huang, M. (2018). ‘The Anti-Inflammatory Activities of Propionibacterium acnes CAMP Factor-Targeted Acne Vaccines’. Journal of Investigative Dermatology, In Press, Available at: https://www.jidonline.org/article/S0022-202X(18)32228-0/fulltext
  • Contassot, E. (2018). ‘Vaccinating against Acne: Benefits and Potential Pitfalls’. Journal of Investigative Dermatology, In Press, Available at: https://www.jidonline.org/article/S0022-202X(18)32295-4/fulltext?rss=yes
  • Gibbon, S., Tomida, S., Chiu, B., Nguyen, L., Du, C., Liu, M., Elashoff, D., Erfe, M., Loncaric, A., Kim, J., Modlin, R., Miller, J., Sodergren, E., Craft, N., Weinstock, M. & Li, H. (2013). ‘Propionibacterium acnes Strain Populations in the Human Skin Microbiome Associated with Acne’. Journal of Investigative Dermatology, 133(9), 2152-2160.
  • Nakatsuji, T., Tang, D., Zhang, L., Gallo, R. & Huang, C. (2011). ‘Propionibacterium acnes CAMP Factor and Host Acid Sphingomyelinase Contribute to Bacterial Virulence: Potential Targets for Inflammatory Acne Treatment’.PLoS One, 6(4), Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3075254/
  • Liu, P., Nakatsuji, T., Zhu, W., Gallo, R. & Huang, C. (2011). ‘Passive immunoprotection targeting a secreted CAMP factor of propionibacterium acnes as a novel immunotherapeutic for acne vulgaris’. Vaccine, 29, 3230-3238.
  • Wang, Y., Hata, T. R., Tong, Y. L., Kao, M.-S., Zouboulis, C. C., Gallo, R. L., & Huang, C.-M. (2018). The anti-inflammatory activities of Propionibacterium acnes CAMP factor-targeted acne vaccines. Journal of Investigative Dermatology.doi:10.1016/j.jid.2018.05.032 

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here