Hôm rồi có đọc được bài báo trích dẫn câu nói của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: ‘Tôi chưa thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả’. Sau đó, tôi cũng thấy có nhiều trang đăng tải rất nhiều nỗi niềm chia sẻ về lương bác sĩ không đủ sống, không tương xứng với áp lực công việc chứ đừng nói đến chuyện làm giàu. Đặc biệt càng buồn hơn nếu khi so sánh mức thu nhập với các nước phát triển như Mỹ, Nhật, hay như Singapore, Thái Lan…
Tôi cũng có thời gian làm một vài nơi, cả môi trường y tế công lập lẫn tư nhân. Cũng từng nhận những tháng lương với hệ số 2.34 và con số thực nhận đâu đó loanh quanh 3 triệu đồng/tháng. Và với mức này thì chuyện đủ chi tiêu cho bản thân đã vất vả, huống hồ là có gia đình hoặc sinh sống ở đô thị, chưa kể đống nợ để lại sau thời gian học dài. Tôi cũng thấy nhiều đồng nghiệp khá chật vật, nhiều anh em bạn bè ngành y dành thêm thời gian ngoài làm việc chuyên môn để dạy thêm, đầu tư chứng khoán hoặc buôn bán thêm bớt sản phẩm hàng hóa nào đó…
Nội dung chính của bài viết
Vậy, liệu chăng các bác sĩ đó không đủ giỏi?
Không! chắc chắn để đậu và ra trường sau khoảng thời gian dài đằng đẳng 6 năm với muôn trùng kiến thức, thực hành, trực gác và đủ loại kì thi khắt khe lớn nhỏ thì họ đều là những người tài năng. Ít nhất là đối với tôi, và cũng giống như các bạn trong những ngành nghề khác vậy. Có chăng là môi trường, cơ chế chưa tạo điều kiện để họ có cơ hội được thể hiện, đem lại nguồn thu nhập tốt hơn.
Vậy, nếu giỏi thì vì sao không lựa chọn nơi có cơ chế, môi trường tốt hơn?
Đúng là khi bạn tỏa sáng, thì nhân sự các đơn vị đặc biệt là các đơn vị tư nhân sẽ tìm và rước bạn đi. Thế nhưng làm cách nào để tỏa sáng khi không có các mối quan hệ, khi không là cocc và không có điều kiện.
Học và lấy điểm số thật cao ư? Chắc có lẽ là không phải, trừ khi bạn đạt thủ khoa chứ có lẽ sẽ chẳng ai nhớ đến người về nhì cả. Chưa kể là vì những áp lực ràng buộc, kinh tế, gia đình và các mối quan hệ ảnh hưởng đến việc không có thêm được một lựa chọn thứ 2.
Vậy phải tăng mức lương chi trả lên cho tương xứng?
Nghe rất hợp lý, nhưng ai sẽ là người trả đây? có lẽ đó sẽ là một con số khổng lồ và là gánh nặng nếu chỉ trong cậy hoàn toàn vào ngân sách. Xét cho cùng thì bệnh nhân mới chính là những người chi trả dịch vụ y tế và chi trả nguồn sống cho từng nhân viên y tế trong bộ máy.
Quả thực tôi vẫn thích xem quan điểm ngành y vẫn là một ngành dịch vụ đặc thù, có sứ mệnh chăm sóc, chữa trị và phòng ngừa bệnh tật (sản phẩm) cho người bệnh (khách hàng). Trong đó, đặc thù đảm bảo ưu tiên cao nhất về giá trị tính an toàn, hiệu quả sức khỏe. Nếu làm tốt chân giá trị đó (giỏi, tài năng) thì chắc chắn khách hàng (bệnh nhân) sẽ sẵn sàng chi trả xứng đáng.
Vì sao cơ chế “có làm có ăn” lại chưa hiệu quả?
Có lẽ có rất rất nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên theo tôi với cơ chế “Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít” như vậy thì bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu xa vì lấy đâu ra bệnh nhân để khám (như hiện tại) và như vậy cũng đâu có chi trả. Và rồi, có thể có một hệ lụy khác là một số đơn vị “làm tiền”, gia tăng dịch vụ, thủ thục để “tăng thu”. Nếu bản chất theo thể thức phân quyền phi tập trung và phân mảnh (không hệ thống) như vậy thì đang gây nguy hại đến an toàn người bệnh và triệt tiêu nỗ lực cải tiến an toàn cho người bệnh.
Và như vậy xét về mặt tích cực, không thể giao toàn quyền cho các đơn vị được, tự thu tự chi vẫn phải có quản lý giám sát. Suy cho cùng, bài toán cơ bản đặt ra vẫn là làm thế nào nâng cao chất lượng để bệnh nhân (như tôi, người nhà của tôi hay các bạn) không phải bận tâm nhiều khi đến bất kỳ một cơ sở nào với chi phí phù hợp. Tôi sẽ không bận tâm quá nhiều về an toàn, rủi ro và quá nhiều thủ tục, xét nghiệm khác. Tuyến cơ sở sẽ dễ tiếp cận, vẫn đảm bảo được an toàn hiệu quả và tôi an tâm mình sẽ được chuyển đến các đơn vị cao hơn khi cần thiết. Thế nhưng làm được điều này thì vô cùng khó. Mong chờ, đòi hỏi nhiều hơn không những từ các chương trình cải cách ở trên mà cả mỗi cá nhân bên dưới.
Giảm thiểu tối đa sự cố y khoa, gia tăng an toàn người bệnh có lẽ nhiệm vụ đóng vai trò quan trọng khi giải bài toàn trên. Tôi cũng đã từng có dịp chia sẻ với mọi người về 3 trăn trở lớn có liên quan điều này trước đó. Tuy nhiên bài viết đã quá dài rồi, cảm ơn bạn rất nhiều khi đã đọc được đến đây. Hẹn gặp lại nội dung này trong những bài viết sau các bạn nhé!
P/s: Dành cho một số bạn sv năm cuối đã hỏi: em nên làm gì để đỡ vất vả sau khi tốt nghiệp?- Đừng trông chờ đồng nghiệp, đừng trông chờ sếp mà hãy dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho những bệnh nhân. Bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết và không toan tính. Và rồi tất yếu sẽ đến như câu “Tôi chưa thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả” – theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.
Tôi là ai? xem thêm giới thiệu tác giả
Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!