Ban da dưới cằm, nếp kẽ ở trẻ nhỏ – Viêm kẽ (Intertrigo)

0
1346

Đây là tình trạng da xảy ra chủ yếu ở vùng ẩm ướt của cơ thể. Tình trạng này chủ yếu xảy ra dưới vú, kẽ bẹn, lằn bụng mỡ. Da ở những vị trí này thường cọ xát với nhau, gây kích ứng da. Với trẻ nhỏ thường bị ở những vị trí như dưới cằm, dưới nách hoặc vùng mang tã. Da ẩm, bị kích ứng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men, vi khuẩn phát triển rộng rãi.

[Nếu như ban da đột ngột biến chuyển xấu, điều này có thể gây ra do nhiễm trùng. Tốt nhất bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ da liễu để tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả]

Tình trạng viêm kẽ trông như thế nào?

Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng nếp kẽ trở nên ướt, rịn dịch, nề đỏ hoặc xuất hiện các sẩn mụn nước, mụn mủ.

Không như tình trạng gây ra do viêm da tã lót, ban da xuất hiện cả trong vị trí tại rãnh nếp kẽ, thường đây là vị trí nặng nhất.

Viêm kẽ ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây nên viêm kẽ

Chính vì thế, viêm kẽ thường có tính chất mùa (khí hậu nóng, ẩm). Tình trạng tăng tiết mồ hôi, đặc biệt khi hoạt động thể lức có thể là yếu tố chính tác động đến tình trạng viêm của bệnh. Những bệnh lý khác như béo phì, đái đường, rối loạn đại tiểu tiện, các xuất tiết dịch ở vết thương cũng góp phần vào yếu tố tác động bệnh.

Độ ẩm, mồ hôi, hoặc đọng nước sau khi tắm rửa không được làm sạch có thể góp phần gây bệnh

Khi da bị cọ xát nhiều, mất đi lớp sừng có tác dụng bảo vệ ở trên thì có xu hướng rất dễ nhiễm trùng, trong đó có nấm men, vi khuẩn và tình trạng viêm kẽ xuất hiện.

Có thể nhầm lẫn viêm kẽ với tình trạng nào?

Có nhiều bệnh lý thường xuất hiện cũng ở những vùng kẽ này. Tuy nhiên, các tình trạng nhiễm trùng thì cần được loại trừ đầu tiên. Vi khuẩn, virus, vi nấm cạn, candida đều có thể là nguyên nhân khới phát hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm kẽ.

Một khi nhiễm trùng được loại trừ thì có thể nghĩ đến một số tình trạng khác như: viêm da tiết bã, viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng, viêm da cơ địa, vảy nến thể đảo ngược, pemphigus, ghẻ, các rối loạn chuyển hoám bệnh lý ác tính khác.

Viêm kẽ có nguy hiểm không?

Nhìn chung tiên lượng tốt đối với hầu hết các trường hợp. Các yếu tố nền bên dưới cần được đánh giá và loại bỏ để tránh làm bùng phát các đợt viêm kẽ. Một khi các vấn đề như đái đường, béo phì không được điều trị hợp lý thì tình trạng có xu hướng tái phát thường xuyên.

Điều trị viêm kẽ có phức tạp?

Phòng ngừa và biện pháp chăm sóc chung

Phương pháp phòng ngừa tối ưu là làm giảm tình trạng cọ xát da, giảm nhiệt độ, độ ẩm vùng nếp kẽ và giữ sạch, khô những vùng có nguy cơ cao. Các hoạt động ngoài trời, ra mồ hôi nhiều cũng nên được hạn chế. Việc hoạt động thể lực nhìn chung không nhất thiết cần phải điều chỉnh nhưng bệnh nhân cần tắm rửa sau các hoạt động này, quan trọng là giữ các nếp kẽ khô. Tránh mặc giày bí với những trường hợp bị viêm kẽ chân.

Bề mặt da đang bị tổn thương nên có xu hướng đau nhức, khó chịu. Do đó bạn cần nhẹ nhàng với các phương pháp điều trị, vệ sinh cá nhân cho bé. Thậm chí đôi khi một số trường hợp chỉ rửa bằng nước ấm thông thường cũng có thể làm đau cho trẻ. Sản phẩm sorbolene có thể được dùng để làm sạch da một cách nhẹ dịu.

Không chà xát mạnh vùng bệnh, thấm khô nhẹ nhàng. Những trường hợp bệnh nhân bị béo phì cần có chế độ giảm cân hợp lý

Cần mặc áo quần thoáng, độ cọ xát thấp, thấm hút mồ hôi tốt. Tránh các chất liệu bằng nylon hoặc các sợi tổng hợp khác. Các chất liệu sợi sinh học (bio-textile như là cotton hoặc polyester) có các phân tử kháng khuẩn có thể cải thiện tình trạng ở một số bệnh nhân.

Tránh sử dụng các loại bột hấp thụ như bột talc, bột cornstarch bởi vì chúng có thể gây kích ứng cho da. Đây cũng là tác nhân bít ẩm lại trên da, một số vi khuẩn lại thích các sản phẩm dạng bột (như bột ngô chẳng hạn) nên nhiều khi lại là nguyên nhân lại làm tình trạng trở nặng. Tốt nhất là không nên sử dụng.

Với tình trạng ban da ở nếp cổ ở những bé thường xuyên chảy nước bọt, tốt nhất có thể sử dụng một cái yếm dãi cho bé. Hãy nhớ tháo yếm ra khi trẻ ngủ nhé

Điều trị thuốc với thuốc, sản phẩm không kê toa

Bác sĩ có thể kê toa một số thuốc thoa chứa thành phần giảm viêm, kháng nấm, kháng khuẩn hoặc thuốc uống kèm theo tùy thuộc vấn đề. Đôi khi một số tình huống, xét nghiệm cạo và nhuộm soi có thể giúp gợi ý đưa ra chẩn đoán chính xác hơn, cho phép bắt tay với liệu trình thích hợp hơn. Không khuyến khích bạn đọc tự ý điều trị với các kem thoa này.

Bạn đọc có thể sử dụng một số loại kem thoa lành tính nhưng không kém phần hiệu quả trong thời gian ban đầu như desitin, sudocrem, hồ kẽm hoặc Triple paste (Aluminum acetate solution, zinc oxide, and petrolatum) để giúp làm giảm ma sát giữa các nếp kẽ này. Thoa lớp mỏng hỗn hợp lên vùng bệnh 2-3 lần mỗi ngày cho đến khi phát ban biến mất (thường trong khoảng 3-8 ngày). Khi ban da biến mất, da có thể sậm màu hơn đôi chút, nhưng chủ yếu là không còn triệu chứng đỏ da, khó chịu hoặc đau rát gì.

Dung dịch thuốc tím có thể sử dụng để pha ngâm chân (nồng độ 1:80000 potassium permanganate – một viên permitab hòa tan trong 4 lít nước ấm) sử dụng 2 lần mỗi ngày trong thời gian khoảng 10-15 phút. Lưu ý bệnh nhân nên thoa Vaseline vào các móng chân để tránh nhuộm nâu các móng. Tránh xa tầm tay trẻ em với các viên pemitab.

Lưu ý: Có thể sử dụng máy sấy tóc ở chế độ thấp nhất có thể từ khoảng 2-3 lần mỗi ngày (kể cả buổi trưa) để làm khô (vừa khô nhẹ) vùng bệnh khi tình trạng ẩm ướt, tiết dịch nhiều.

Và nhớ đến khám với bác bĩ chuyên khoa uy tín khi đã thử điều chỉnh với một số gợi ý trên mà tình trạng không kiểm soát được. Hi vọng sẽ giúp ích được cho bạn đọc phần nào đó, đừng quên like, share, ghi nguồn nếu thấy bài viết ý nghĩa nhé!

BS Trần Ngọc Nhân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here