“Hôm nay, có vẻ như em chưa thực sự sẵn sàng để điều trị đâu!” – D tròn xoe mắt nhìn tôi.
Lúc còn trẻ (cái hồi đấy các bạn ạ), tôi luôn cho rằng sách giáo khoa là kim chỉ nam cho tất cả. Giờ già hơn rồi vẫn thấy câu nói này không hề sai một chút nào.
Năm ấy, tôi 24 tuổi. Mang theo hành trang của những ngày tháng cặm cụi vào cuốn giáo trình “Dermatology Essentials” bản thứ nhất, xuất bản tháng 5 năm 2014 của GS Jean L. Bolognia và nhiều tác giả khác. Cuốn sách là phiên bản tóm lược của cuốn “kinh thánh” trong Da liễu là Bolognia, được nhà xuất bản nổi tiếng Y học thế giới là Saunder in ấn. Sách dày hơn 1000 trang, chia 2 cột, bố cục viết tóm lược dễ hiểu lắm. Tôi nhớ, hồi đó mình mê cuốn này lắm, có nhiều đêm đọc đến nỗi khi thức dậy vẫn thấy mình nằm giữa 2 tập sách (1 trên mặt, 1 dưới mặt). – Thực ra thì chắc là tôi khá lười, nhiều khi cứ nằm duỗi ra rồi cầm cuốn sách nghêu ngao rồi không biết ngủ lúc nào thì đúng hơn. :p
Bữa ấy, tôi vẫn nhớ như in bài học về điều trị nấm da (ông cha mình hay gọi là hắc lào hay lác đồng tiền ấy), sử dụng các thuốc kháng nấm thoa, nhớ thoa rộng xung quanh vùng bị bệnh và đảm bảo thời gian tối thiểu kéo dài thêm 1 tuần sau khi bệnh lành hoàn toàn. Nếu có ngứa thì cho thêm thuốc giảm triệu chứng kèm theo. Úi chà, tôi vẫn nhớ bệnh nhân ấy của tôi đến khám vì một bên cẳng chân có mảng đỏ đỏ rộng cỡ khoảng một lòng bàn tay ấy. Ngứa dữ lắm, có nhiều chỗ mụn nước nhỏ cứ trợt ra, rịn tươm tươm chút dịch vàng vàng. Cô ấy kể là bị đâu đó cũng ngót nghét 3,4 tháng rồi, cứ đi mua thuốc bôi ở ngoài mà mãi cũng chả thấy đỡ, bữa thì bôi vào ngứa nhiều hơn, có bữa đỡ được mấy hôm đầu thì sau có mấy ngày cũng bị lại, rồi còn nhiều hơn lúc trước nữa.
Bữa đó mình nhớ có chỉ định đi làm thêm xét nghiệm cạo vảy tìm nấm, kết quả ra thì có rất nhiều nấm sợi trên đó. Haha, trúng bài quá luôn rồi…! Vậy là được mấy trong sách là nói ra hết, làm chuẩn mực như sách không một chút đắn đo nào, kê toa luôn hẳn thuốc thoa sang chảnh (hàng brand name luôn ấy chứ). Ơ thế mà sau khoảng gần 1 tuần, tôi nhận được tin nhắn của một đồng nghiệp về việc có tiếp nhận một trường hợp nấm cẳng chân và có mang theo toa bác sĩ. Không ai khác thì bác sĩ kê toa đó chính là mình. Nghĩ lại cũng thấy có vẻ thật may mắn như những trường hợp đó chứ không thì cũng đinh ninh trong đầu là bệnh cải thiện tốt không cần tái khám luôn ấy chứ.
Hôm qua, tôi cũng mới nhận một hình ảnh từ đứa bạn thời đại học hỏi về một trường hợp cũng có thể nói không khác như câu chuyện mà tôi kể ở trên ấy. Tôi không biết bác sĩ kê toa nhưng cũng không muốn tìm hiểu sâu chuyện đó làm gì. Anh ấy có mảng đỏ ở tay rồi thoa thuốc không đỡ, đi khám được chẩn đoán nấm rồi cũng cho thuốc thoa bài bản gồm thuốc thoa như thế. Những trường hợp này thì sau 3 hôm thấy ngứa nhiều quá nên dẹp phăng thuốc qua 1 bên, lấy cồn sát trùng thoa vào cho đỡ ngứa. Chưa hết, hôm sau còn nghe đâu đó ở xóm bên có “bà lễ” hay lắm nên cũng đi thử. Cuối cùng thì giờ tấy đỏ lên như cái món “bánh mì nướng than hơi quá lửa” vậy đó.
Trong câu chuyện này, tôi nghĩ có ba vấn đề chính cần phải nói đến:
Thứ nhất, mặc dù là chẩn đoán đúng, nhưng có lẽ là chưa đủ – biết đâu đó, chăm chăm vào thứ trước mắt nhưng lại dễ bỏ quên cả một quá trình điều trị ở trước đó. Đặc biệt là những tình huống dùng không biết bao nhiêu loại kem, đại đa số là có chứa corticoid (loại 3 thành phần kết hợp như bảy màu hoặc corticoid nhóm rất mạnh như Dermovate). Những tình huống này sau khi ngưng đột ngột sẽ rất dễ gặp phải tình huống phản ứng dội (rebound phenomenon) khiến tình trạng trở nên tệ hơn, nặng nề hơn là xuất hiện hội chứng cai TWS. Trong những trường hợp nhiễm trùng da như nấm sợi, chàm tổ đỉa, chàm ứ đọng thì còn có một hiện tượng phản ứng đi kèm đó là phản ứng da thứ phát (Id reaction) và không ít trường hợp sẽ diễn tiến theo kiểu này.
Thứ hai, những thói quen truyền tai, truyền miệng cứ như rằng tất cả các thứ gây ngứa da đều là phong ngứa, tất cả những thứ có mụn nước bọng nước đều là zona. Thế rồi những “bài thuốc mẹo” như xát chanh để điều trị, xát cồn/rượu thuốc để giảm ngứa, xát muối hạt (cái muối sống hạt to lởm chởm ấy) để trị dứt điểm, xát dầu nóng để quên đi thực tại. Có đôi khi, đậu xanh nguyên hạt cũng được đưa vào miệng nhai ngấu nghiến tạo một hỗn hợp sền sệt rồi đắp lên vùng bệnh. Nhà nào có sẵn bụi trầu không, giàn mướp đắng, đám rau diếp cá thì mừng rơn vì có thứ để đắp (vì đỡ sai thằng cu nhỏ trong nhà đi quanh cả xóm xin cho bằng được, hoặc đôi khi là vặt trộm – hi). Rồi nào là rắc bột ampicillin, rồi chích lễ… Đến Hà Lan còn thoa dầu cù là vào vết thương bầm dập trợt da do oánh nhau của Ngạn nữa mà. Chèng ơi! Nếu kể nữa thì nhiều nhiều lắm, thôi hẹn mọi người một vài chủ đề riêng từng cái nhé!
Thứ ba, có lẽ là điều khó nhất. Đó chính là niềm tin, niềm tin vào bác sĩ điều trị, niềm tin vào những điều mà y học hiện đại có thể mang lại. Đi đến điều tất yếu là tuân thủ điều trị và tái khám theo dõi, phản hồi. Đây là một vấn đề phức tạp và tinh tế. Bạn biết không, đến tính cách cá nhân mỗi người nó cũng ảnh hưởng đến việc dùng thuốc và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể học và đúc kết từ sách và nhiều thể loại sách khác nhau. Bảng bên dưới là những đặc điểm có thể ảnh hưởng đến quá trình tuân thủ điều trị mà bạn đọc cũng có thể tham khảo.
Quay trở lại câu chuyện vào năm ngày trước, đó là lần đầu tôi gặp D. Một bạn gái 22 tuổi trong chiếc váy vàng xinh xắn, có mái tóc đen mướt buộc lại gọn gàng. Phải mất một chút thời gian sau chào hỏi, D mới bắt đầu mở khẩu trang và kể về quá trình điều trị của mình trước đó rồi đến bây giờ ngứa khó chịu ra làm sao. Vẫn là kịch bản nói về câu chuyện của các sản phẩm kem không rõ nguồn gốc và kích ứng da do chế độ chăm sóc không phù hợp. Bạn đừng nhầm lẫn, không phải là A. mà tôi đã có lần kể đến trong bài viết “Viêm da do corticoid – câu chuyện buồn” đâu nhé.
D kể với cái giọng không quá hồ hởi, chỉ vừa đủ nghe trong khi các múi cơ mặt thì cũng không tỏ ra có chút nào căng thẳng. Thế nhưng những gì đang diễn ra trên khuôn mặt dường như đều đang phản bội điều đó, da nề đỏ, hớn hở chi chít mụn mủ, mụn viêm đỏ, đông đúc, chật chội và căng thẳng lắm. Tôi chăm chú nghe từng mốc thời gian, từng sản phẩm mà D dùng hoặc từng thời điểm mà tình trạng bùng phát như đợt hiện nay. Có vẻ như D chịu khó chăm chút cho da ghê lắm, dùng đủ các bước chăm sóc từ tẩy trang, rửa mặt, toner, serum, sản phẩm điều trị, kem dưỡng ẩm, chống nắng. Tất cả đều có đủ, tỉ mỉ chi tiết. Có một điều đặc biệt đó D không nhớ một cái tên sản phẩm nào trong đó.
“Hôm nay, có vẻ như em chưa thực sự sẵn sàng để điều trị đâu!”, D tròn xoe mắt nhìn tôi.
Chả phải đợi bạn ấy đặt lại câu hỏi, tôi nói tiếp. “ Hiện tại thì tình trạng da của em thực sự cần phải điều trị đó, và phải điều trị như thế nào đó cho nó chỉnh chu. Không chỉ là việc phải dùng một vài loại thuốc, không chỉ dùng một số kem thoa mà còn điều chỉnh cả chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, môi trường xung quanh nữa. Có những thứ sẽ theo em mỗi ngày, tác động tốt lên mỗi ngày từng chút một nhiều khi không thấy gì được nhưng chính nó sẽ là cái để tạo nên được những thành công bền vững và an toàn nhất.”
D nghiêng nghiêng nét mặt trong khi vẫn giữ người hơi ngả về trước. “ Mình cần có một danh sách các sản phẩm chăm sóc da hàng ngày, kể cả viên uống thực phẩm chức năng mà D đã dùng trong thời gian vừa qua và hiện nay. Nếu được, em chụp hình lại hoặc ghi tên lại cho mình khi nào sẵn sàng tái khám lại nhé. Mình thấy D chắc cũng đã cố gắng điều chỉnh nhiều, trong đó chắc cũng có nhiều sản phẩm tốt và giờ thì không muốn thay đổi tất cả trong khi có thể sẽ có nhiều sản phẩm mà D sẽ còn có thể dùng tiếp được. Bây giờ mình sẽ cho một đợt thuốc uống chống dị ứng, giảm triệu chứng, làm dịu da rồi D cố gắng sắp xếp thời gian thích hợp khám lại nhé”.
Tôi dành thời gian còn lại để nói về những loại thuốc được sử dụng, về phương pháp tẩm liệu một cách đơn giản để hỗ trợ điều trị trong giai đoạn cấp tính này. Sự thực thì với tình trạng hiện tại ấy, việc can thiệp sớm từng nào sẽ giảm thiểu được thời gian mà bạn ấy phải tự ti, phải mất ngủ, phải che dấu ngần ngại với mọi người xung quanh sớm được từng đó. Tuy nhiên, vài ngày cũng sẽ chẳng có là bao so với một chặng đường rất dài còn ở phía trước và hơn thế, D cần một người đồng hành hơn là một thầy giáo vào lúc này.
“Thế nào rồi, em đã có danh sách sản phẩm chưa?”. Không thể đợi D kịp đặt mông xuống ghế, tôi đã nhanh miệng hỏi trong khi mắt vẫn cố gắng nhìn xem khuôn mặt hôm nay đã đỡ đỏ, đỡ căng chút nào chưa.
“Dạ đây, thưa bác sĩ” D nhẹ nhàng lấy tờ giấy kẻ ô li được gấp 4 từ trong túi xách, các dòng chữ được viết một cách ngay ngắn, nắn nót với màu mực tím. Các sản phẩm được ghi rõ không chỉ nhãn hiệu mà còn chính xác đến từ cuối cùng của tên sản phẩm. “Thật rõ ràng quá. Cảm ơn em!” Tôi kiểm tra lại tình trạng đáp ứng sau một vài ngày rồi nhanh chóng kiểm tra lại từng sản phẩm một.
Thật may mắn, những sản phẩm hiện tại đều là các hãng dược mỹ phẩm lớn. “Như bây giờ thì em còn có thể tiếp tục một số sản phẩm, sau thời gian tiếp nếu ổn sẽ tận dụng thêm được một, hai sản phẩm nữa. Còn lại thì chai BHA, mặt nạ, chai sữa rửa mặt là cần điều chỉnh bây giờ ”. Tôi dành thêm thời gian để nói về lý do cần phải điều chỉnh những sản phẩm đó từ thành phần hoạt tính cho đến dung môi hòa tan, chất tạo bọt và độ sinh mụn của một số thành phần trong những sản phẩm đó. D gật gật, thoáng nở nụ cười nhẹ trên môi. Thật lạ, hôm nay D không son môi mà nụ cười ấy vẫn thấy tươi rói.
Vậy đấy, hôm nay có nhiều thời gian để nói hơn cũng chính nhờ vào mọi thứ được chuẩn bị kĩ càng. Nếu bạn nào đó đọc được câu chuyện này, cũng đang gặp phải những vẫn đề nhức nhối nào đó thì cũng có thể chuẩn bị cho mình một số thông tin trước buổi khám như vậy nhé. Xác định những vấn đề như quá trình diễn tiến, điều trị, mong muốn bản thân các vấn đề theo thứ tự ưu tiên, các sản phẩm đã và đang sử dụng hoặc về các khó khăn trong thời gian tái khám, công việc, hoặc chi phí điều trị.
Tôi nghĩ, các bác sĩ sẽ không ngần ngại cùng bạn trao đổi, tháo gỡ từng vấn đề như vậy một chút nào cả!
Đọc đến đây rồi thì tôi nghĩ bạn cũng đã cố gắng thật nhiều rồi đấy. Cảm ơn bạn vì điều đó nhé. Thực ra thì hai câu chuyện này có vẻ chả liên quan gì tới nhau, tuy nhiên nếu bạn để ý sẽ có những điểm tương đồng đôi chút. Một cuốn sách chuyên môn sẽ không dạy cho ta cách phải tạo niềm tin thế nào, chỉ có sự tận tâm và đặt mình vào những cảm giác của người bệnh mới có thể kéo mọi người tới gần nhau hơn. An toàn, khỏe mạnh hơn!
Mọi chia sẻ, reup xin vui lòng ghi rõ nguồn. Chân thành cảm ơn quý bạn đọc!