Vì sao uống bia đỏ mặt?

0
3220

Có rất nhiều người sau khi uống một vài cốc bia, vài hớp rượu là da mặt phừng đỏ như quả táo tàu vậy. Bài viết này sẽ đề cập một số vấn đề xoay quanh hiện tượng này. Về mặt y học, thuật ngữ được dùng để chỉ tình trạng này là “alcohol flush reaction”.

Chuyển hóa rượu, bia trong cơ thể

Đầu tiên, muốn hiểu được vì sao lại xảy ra hiện tượng này chúng ta biết quá trình xảy ra sau khi các chất cồn đi vào cơ thể diễn biến như thế nào. Quá trình chuyển hóa rượu gồm 2 giai đoạn.

Đầu tiên, rượu được chuyển hóa bởi enzyme alcohol dehydrogenase (ADH) thành acetaldehyde. Acetaldehyde là một chất gây ngộ độc và sinh ung thư, ở một số người thì gây kích thích phóng thích histamine và gây ra biểu hiện giãn mạch, đỏ da mặt, cổ.

Giai đoạn thứ 2, isoenzyme ALDH chuyển hóa acetaldehyde thành acetic acid khá vô hại và sau đó được đào thải ra ngoài qua đường tiểu. Đoạn gene quy định cho men ALDH có 19 gene khác nhau nhưng chính yếu vẫn là đoạn gene quy định cho ALDH2.


Sự chuyển hóa của rượu (ethanol) thành acetaldehyde (ethanal) và sau đó là axit acetic (axid ethanoic)

Uống bia đỏ mặt do thiếu hụt chuyển hóa

Đa phần các trường hợp đỏ mặt khi uống rượu bia có liên quan đến việc chuyển hóa rượu trong cơ thể. Ở những người bị chứng này thường có bất thường nào đó trên đoạn gene quy định aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2). Những người mang đặc tính cặp gene ALDH2*2 gần như không thể chuyển hóa được alcohol và gặp phải phản ứng nặng khi lượng acetaldehyde tích tụ lại. Việc không thể chuyển hóa và gây tích tụ quá nhiều acetaldehyde khiến cho da mặt trở nên đỏ ong và có thể đi kèm với những triệu chứng khác.

Thời gian xuất hiện những triệu chứng này có thể diễn tiến nhanh hơn so với con số trung bình đến 100 lần. Còn những ai mang cặp gene dị hợp (ALDH2*2/ALDH2*1) thì khả năng chuyển hóa acohol bị giảm đi 18% so với bình thường.

Có nhiều người bị đỏ mặt khi uống bia rượu?

Khoa học ước tính có ít nhất 540 triệu người trên thế giới bị thiếu hụt men ALDH2 (có nghĩa là có đến khoảng 8% dân số chung trên toàn thế giới gặp phải tình trạng này).

Có những nghiên cứu ghi nhận các quốc gia vùng Á Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc có xu hướng gặp phải tình trạng này phổ biến hơn, ít nhất là có đến 36% và thậm chí con số này còn đạt đến 70% ở những nước Đông Á. Đễn nỗi mà trong y văn, tình trạng này còn được nhắc đến đên với tên gọi là “chứng đỏ mặt người Châu Á”.

Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?

Cho đến nay khoa học vẫn chưa giải thích vì sao lại có những con số cao đến như vậy, nhưng đa phần ý kiến cho rằng tình trạng có liên quan đến yếu tố di truyền (hay nói cách khác là người bị tình trạng này nhận gen bị đột biến hoặc có khiếm khuyết về enzyme ALDH2 từ bố và/hoặc mẹ).

Uống bia, rượu đỏ mặt có nguy hiểm không?


Hình ảnh nam thanh niên 22 tuổi gặp phải chứng phừng đỏ mặt sau uống rượu (dị hợp gen ALDH2). pubmed

Như đã được đề cập đến ở trên, việc thiếu hụt ALDH2 gây tích tụ các sản phẩm acetaldehyde lại trong cơ thể, đến mức nào đó sẽ khiến cơ thể bạn không thể dung nạp thêm một chút rượu nào nữa, có thể xuất hiện chứng phừng đỏ mặt, cổ, vai lưng và một trong những triệu chứng đi kèm khác như:

  • Nhịp tim nhanh
  • Đau đầu
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Mất cảm giác “buzz” rượu thường thấy sau khi uống rượu bia

Thực sự bản thân mỗi đặc điểm phừng đỏ mặt thôi thì không gây ra tác động đáng kể nào về sức khỏe, tuy nhiên đây có thể là chỉ điểm cho một số nguy cơ về sức khỏe khác kèm theo mà bạn đọc cần lưu tâm đặc biệt

Nguy cơ tăng huyết áp và đỏ mặt do bia rượu

Những người bị đỏ mặt sau uống rượu bia có nguy cơ cao xuất hiện tăng huyết áp sau này. Điều này được ghi nhận qua báo cáo năm 2013 và một nghiên cứu được tiến hành trên 1763 nam giới Hàn Quốc (con số được đưa vào đánh giá gồm có 4 đơn vị drink chuẩn hàng tuần.

Trong khi đó, ở những người không bị phừng mặt thì lại cần con số gấp đôi (8 đơn vị mỗi tuần). Và chắc hẳn bạn cũng đã biết huyết áp xuất hiện đồng nghĩa với việc nguy cơ các vấn đề về tim mạch, đột quỵ cũng hiện hữu rõ ràng hơn.

Đỏ mặt do bia rượu và nguy cơ ung thư

Trong một nghiên cứu đánh giá tổng quan năm 2017 dựa trên 10 nghiên cứu độc lập khác cho thấy ở những người có đáp ứng phừng đỏ mặt sau khi uống rượu có nguy cơ mắc phải ung thư cao hơn, đặc biệt là các bệnh lý ung thư đường hô hấp và phần trên của đường tiêu hóa (môi, miệng, lưỡi, mũi, họng, dây thanh âm, thực quản – ung thư tế bào vảy).


Đơn vị drink chuẩn của bia, rượu trái cây (7%), rượu vang (12%), rượu gạo (40%)

Điều trị chứng đỏ mặt khi uống rượu bia

Có thể làm chậm quá trình chuyển đổi từ alcohol thành acetaldehyde bằng một số thuốc như các chất kháng H2. Hoặc thuốc bôi có chứa Brimodinine nhằm mục đích làm giảm đỏ tạm thời da mặt thông qua tác động làm giảm kích thước mạch máu. Đây là thuốc đã được FDA chấp nhận trong điều trị tình trạng trứng cá đỏ, gần đây nhất có một thuốc mới được chấp thuận điều trị khác nữa đó là oxymetazoline (vào năm 2017).

Có một điều bạn đọc cũng cần lưu ý đặc biệt là khi sử dụng một số loại thuốc này, có cảm tưởng như đô rượu của chúng ta tăng lên, bạn có thể uống nhiều hơn như thường lệ nhưng nhầm tưởng này nhiều khi lại rất nguy hiểm, đặc biệt nhóm người bị thiếu men ALDH2.

Đôi khi, có một số trường hợp có thể can thiệp thông qua những liệu pháp thiết bị năng lượng – ánh sáng. Đa phần những phương án này đều giúp làm giảm triệu chứng mà không làm thay đổi được đặc tính thiếu ALDH2 của cơ thể.

Do đó, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào có thể điều trị tận gốc được hiện tượng này cả.

Cùng xem thêm chủ đề:

Lời nói cuối

Người bệnh chỉ có thể sống chung với nó bằng cách tránh hoặc hạn chế tối đa nhất lượng rượu, bia tiêu thụ mà thôi. Thậm chí thì gợi ý này cũng là điều rất tuyệt vời cho cả những người không bị phừng đỏ khi uống những thức uống chứa cồn. Những con số báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, rượu bia chịu trách nhiệm chính cho hơn 5% trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Có hơn 200 bệnh tật hoặc chấn thương do rượu bia trực tiếp gây ra.

Có thể kể đến một số vấn đề về sức khỏe hàng đầu do bia rượu như:

  • Các bệnh lý gan
  • Một số loại ung thư
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh lý tim mạch và đột quỵ
  • Các rối loạn trí nhớ
  • Các vấn đề về tiêu hóa
  • Nghiện rượu

Nếu như bạn muốn giữ gìn sức khỏe, chỉ dẫn uống 1 đơn vị drink chuẩn trong một ngày cho nữ và 2 đơn vị drink chuẩn trong ngày dành cho nam (dựa theo hướng dẫn chế độ ăn đối với người Mỹ). Và có một quy tắc kèm theo khác đó là khi nào mà da mặt đỏ phừng lên thì khi đó không nên tiếp tục uống.

BS Trần Ngọc Nhân

Tôi là ai? xem thêm giới thiệu tác giả

Tôi rất ủng hộ bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và không cắt xén thông tin tác giả. Cảm ơn bạn!

Tài liệu tham khảo

Ian M. Newman,1,* Lanyan Ding,1 Duane F. Shell,1 and Lida Lin2; How Social Reactions to Alcohol-Related Facial Flushing Are Affected by Gender, Relationship, and Drinking Purposes: Implications for Education to Reduce Aerodigestive Cancer Risks Int J Environ Res Public Health. 2017 Jun; 14(6): doi: 10.3390/ijerph14060622

Philip J Brooks,* Mary-Anne Enoch, David Goldman, Ting-Kai Li, and Akira Yokoyama*; The Alcohol Flushing Response: An Unrecognized Risk Factor for Esophageal Cancer from Alcohol Consumption; PLoS Med. 2009 Mar; 6(3): e1000050.  doi: 10.1371/journal.pmed.1000050

Facial flushing is a sign of ‘alcohol intolerance.’ (2013). nhs.uk/news/food-and-diet/facial-flushing-is-a-sign-of-alcohol-intolerance/

Jung, J-G, et al. (2013). Hypertension associated with alcohol consumption based on the facial flushing reaction to drinking. doi.org/10.1111/acer.12302

Treatment of Asian flushing syndrome with topical alpha agonists. (2018). https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT03497442

Zhang J (2017). Facial flushing after alcohol consumption and the risk of cancer: A meta-analysis. doi.org/10.1097/MD.0000000000006506

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here