Rôm sảy là tình trạng bệnh lý da thường gặp gây ra do tình trạng bít tắc và/hoặc viêm các ống tuyến mồ hôi hủy đầu. Bất cứ ai cũng có thể bị tình trạng này, tuy nhiên thường gặp nhất trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm nhiệt đới, ở những bệnh nhân nằm viện hoặc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Không có sự khác biệt giữa nam và nữ trong tần suất mắc bệnh. Bệnh còn được hiểu nôm na là phát ban mồ hôi.
Nội dung chính của bài viết
Các dạng rôm sảy?
Dựa trên vị trí bề mặt xảy ra tắc nghẽn của ống tuyến mồ hôi mà tình trạng được chia thành 3 thể:
Rôm nông
Rôm nông (tinh thể – crystalina), gây ra do sự bít tắc các ống mồ hôi đoạn sát bề mặt da (thượng bì). Rôm nông thường gặp ở trẻ sơ sinh với độ tuổi trung bình khoảng 1 tuần tuổi, tỉ lệ chiếm khoảng 9% trẻ sơ sính. Bệnh có thể xuất hiện ở người lớn bị sốt.
Rôm đỏ
Rôm đỏ gây ra do sự bít tắc nằm ở lớp sâu hơn của thượng bì. Rôm đỏ là dạng thường gặp nhất, gặp ở trẻ nhỏ và khoảng 30% trường hợp người lớn mới chuyển đến vùng khí hậu nhiệt đới, hoặc tiếp xúc với nhiệt, hoặc độ ẩm quá cao mà không có biện pháp chuẩn bị tốt.
Rôm sâu
Loại rôm này gây ra do sự bít tắc xảy ra ở lớp trung bì da, thường là vị trí bản liên kết thượng bì-trung bì. Mồ hôi thoát ra lớp bì nhú gây ra phát ban dạng sẩn tròn.
Rôm sâu là tình trạng hiếm gặp, chủ yếu gặp ở nam giới trưởng thành. Đây là biến chứng của các đợt rôm đỏ lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi tình trạng kéo dài có thể gây nên tình trạng tăng sừng hóa và á sừng ống đổ mồ hôi.
Nguyên nhân gây ra rôm sảy?
Đây là tình trạng do mất cân bằng tiết mồ hôi. Yếu tố tác động chính bao gồm:
- Chức năng tuyến mồ hôi chưa được thuần thục ở trẻ nhỏ
- Môi trướng ấm, ẩm làm người bệnh không thể tiết mồ hôi để điều chỉnh thân nhiệt và làm bít tắc gây ra tình trạng phát ban
- Tác động vật lý như các yếu tố cọ xát tại chỗ
- Sử dụng áo quẩn, dải băng đeo bằng vải tổng hợp, sợi vải bện kín, chật. Hoặc một số trường hợp mặc áo quần ẩm, đẫm mồ hôi trong thời gian dài khi làm việc…
- Sử dụng các miếng dán điều trị, các thuốc hoặc sản phẩm dưỡng đặc dễ làm bít tắc bề mặt
- Nằm một chỗ kéo dài
- Hệ khuẩn chí ở da cũng đóng vai trò nào đó trong quá trình bệnh lý thông qua việc hình thành các màng film sinh học. Những trường hợp bị rôm sảy có độ tập trung vi sinh vật cao gấp 3 lần so với những trường hợp khỏe mạnh. Đặc biệt chủng S.epidermidis có thể sản sinh EPS (cơ chất polysaccharide ngoại bào của chủng tụ cầu) và gây ra rôm sảy.
- Những yếu tố về gen cơ địa, ví dụ như có một số nghiên cứu ghi nhận chuỗi gen Foxc1 ở chuột có thể gây ra tăng nhạy cảm với rôm sảy.
Ngoài ra, có một số bệnh lý hoặc các thuốc điều trị khác có thể liên quan đến rôm sảy như:
- Tác dụng phụ với thuốc isotretinoin, doxorubicin, erythropoietin, bethanechol, clonidine, neostigmine.
- Hội chứng Steven-Johnson/TEN
- Các bệnh lý về gen (hội chứng Morvan (rối loạn trương lực cơ, rối loạn giấc ngủ, ảo giác, đau nhức, sụt cân, tăng tiết mồ hôi) và hội chứng giả nhược aldosterone tuýp 1 (do mất quá nhiều muối qua tiết mồ hôi và biểu hiện lặp đi lặp lại các đợt rôm sẩy đỏ – mụn mủ)).
- Điều trị bằng tia xạ
Biểu hiện rôm sảy như thế nào?
- Rôm nông biểu hiện với các mụn nước trong, nằm nông trên bề mặt có kích thước khoảng 1-2 mm và rất dễ vỡ. Mụn nước có thể cảm giác tương tự như lấm tấm hạt mồ hôi trên da. Không ghi nhận hiện tượng viêm. Mụn nước thường gặp ở những vị trí như đầu, cổ và thân trên.
- Rôm đỏ là loại rôm thường gặp nhất vởi biểu hiện các tổn thương dạng sẩn, sẩn mụn nước không theo vị trí nang lông, thường có nền đỏ da đi kèm bên dưới. Thường gây ngứa, khó chịu nhiều cho người bệnh. Ở trẻ nhỏ thường bị ở những vị trí như nếp kẻ ở cổ, nách, bẹn. Còn trong khi đó, người lớn thường bị ở vùng thân mình, da đâu, cổ, hoặc các vị trí nếp khoeo, khuỷu và đặc biệt là ở những vị trí cọ xát với áo quần
- Rôm mụn mủ là một biến thể của rôm đỏ nhưng chỉ khác là biểu hiện kèm theo một số mụn mủ
- Rôm sâu được mô tả với các sẩn nằm sâu dưới da và không gây triệu chứng nào đáng kể. Những trường hợp phát ban diện rộng thường đi kèm với các triệu chứng rối loạn thân nhiệt đáng kể. Thường thì tổn thương có màu tương ứng với màu da, kích thước sẩn tổn thương dao động từ 1- 3mm và thường xuất hiện ở những vị trí như thân mình, tay chân.
Rôm sảy có thể gây ra biến chứng nào?
- Bội nhiễm vi khuẩn, phần lớn là do tụ cầu da
- Rối loạn điều nhiệt
- Tăng tiết mồ hôi ở những vùng không bị ảnh hưởng
Bé có phải bị rôm sảy không?
Cần phân biệt rôm sảy với những bệnh lý như:
- Herpes simplex
- Nhiễm nấm
- Viêm nang lông do vi khuẩn
- Mụn trứng cá
- Phát ban mụn mủ toàn thể cấp tính (AGEP)
- Hồng ban nhiễm độc ở trẻ sơ sinh
- Bệnh Grover
Điều trị rôm sảy như thế nào?
Tự chính bạn có thể kiểm soát được tình trạng bệnh. Chủ yếu là kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm để làm giảm tiết mồ hôi và tránh kích ứng da.
Phòng tránh đóng vai trò chính
- Làm việc trong môi trường điều hòa ít nhất vài giờ mỗi ngày
- Ngủ trong phòng thoáng mát
- Đi đâu đó lên vùng khí hậu mát mẻ
- Tránh mặc áo quần quá chật hoặc quá nhiều lớp
- Tránh sử dụng xà phòng hoặc các chất dễ kích ứng da
- Mặc áo quần bằng vải sợi cotton hoặc chất liệu tự nhiên, thoáng khí, hấp phụ mồ hôi tốt
- Tránh mặc quần áo ẩm ướt
- Tắm bằng nước mát
Thuốc thoa điều trị rôm sảy
- Chườm mát (sử dụng khăn ẩm đặt ngăn mát tủ lạnh hoặc bọc đá để chườm lên vùng bệnh)
- Sử dụng các dung dịch làm dịu da như dung dịch calamine, bên cạnh đó cần thêm vào các lotion dưỡng ẩm bởi vì tác động làm khô của các lotion như calamine
- Điều trị sốt hoặc tăng thân nhiệt sốt (nếu có)
- Sử dụng các steroid nhẹ
- Kháng sinh thoa tại chỗ cũng có thể sử dụng trong một số trường hợp có nhiễm trùng da đi kèm
Khi nào cần gặp bác sĩ khi bé bị rôm sảy?
Thông thường thì phát ban mồ hôi đơn thuần không cần thiết phải gặp bác sĩ. Nhưng một khi có các biểu hiện khác thường thì bạn cần khám bác sĩ ngay như các dấu hiệu sốt, các biểu hiện mà có thể có nhiễm trùng da đi kèm:
- Vùng phát ban sưng nề, đỏ da, đau rát
- Phát ban trên diện rộng, chậm thay đổi mặc dù đã điều chỉnh các yếu tố về môi trường, nhiệt độ đã gợi ý trên
- Tổn thương xuất tiết dịch hoặc đóng vảy mài, vảy tiết…
Phần lớn các trường hợp rôm sảy tự khỏi trong vòng vài ngày (thường không quá 1 tuần) sau khi được điều chỉnh môi trường thích hợp mà không gây ra biến chứng nào khác. Nếu sau đó tiếp xúc lại với môi trường nóng ẩm hoặc các tác nhân ban đầu thì có thể khởi phát bệnh trở lại.
BS Trần Ngọc Nhân