Viêm da tiếp xúc do sâu róm biển – thông tin cho mọi người

0
1200

VIÊM DA DO SÂU RÓM BIỂN

Sâu là loại động vật không xương sống có trên mặt đất và trên biển với thân mềm, dài và không có chân. Hiện tại có nhiều loài được phân ngành Platyhelminthes, Nemertea, Nematoda, Annelida và nhiều ngành khác (bảng 9.1). Có một số loài sống ở biển đã được nghiên cứu về độc tính, một số chất hóa học tự nhiên cũng được xác định về tính sinh – y học.

Ngành giun đốt (Annelid) bao gồm các loại giun đốt, thân dài và có lông tơ cứng. Bên ngoài thân mình được bao bọc bởi lớp biểu mô mỏng không chứa chitin. Một số loài phát triển miệng hàm được chitin hóa. Ngành giun đốt phân bố khắp nơi trên thế giới và có cả ở biển, nước ngọt, đất liền.

Những động vật này được trang bị cơ chế phòng vệ tự nhiên gồm các tua lông dài bên ngoài thân mình, một số có ngành hàm: chúng giúp bắt giữ các con mồi và sau đó giết chết con mồi bằng các tiết ra một số dịch hóa chất gây độc. Các hóa chất được phân tách được trong các dịch này gồm có nemertine, amphiporine, nemertelline và anabasin. Ba loại được nêu sau là các độc tố thuộc nhóm pyridine với các tác động lên con mồi tương tự như nicotine.

Viêm da do giun nhiều tơ

Giun nhiều tơ (polychaetae annelid worm) thuộc loại phân đốt, được phủ bởi các lông tơ cứng, có cơ thể hình trụ. Dạng phân đốt hình thành nên nhiều đốt và đơn vị cơ thể, mỗi đơn vị được trang bị các cấu trúc phần phụ tương tự như mái chèo nước, hoặc các chi bên được phủ bởi các lông tơ cứng. Các lông tuyến (xúc tu) phân bố từ vùng đầu. Có hai nhóm lớn: Errentia (di chuyển tự do) và Sedentaria (sống trong các đường hầm). Các loài gây độc chủ yếu thuộc nhóm di chuyển.

Ước tính có hơn 10,000 loài, có khắp tất cả các biển, từ vùng ven biển (ảnh hưởng thủy triều) cho đến độ sâu 5000m dưới đáy biển. Chúng ấn náu trong bùn, san hô, các hàng rào hoặc dưới các tảng đá. Một số ít loài di động trong lòng biển. Phần lớn chúng đều có chiều dài từ 5-10 cm, mặc dù một số loài khác thì chỉ có kích thước khoảng 2mm, cho đến những loại khổng lồ ở biển Úc châu có kích thước lên đến 1m hoặc hơn thế. Nhiều loại giun nhiều tơ có vẻ ngoài rất bắt mắt, có màu ngũ sắc, đỏ, hồng hoặc xanh hoặc phối hợp nhiều màu sắc.

Công cụ tấn công của chúng gồm có các tua lông và ngành hàm. Các loài thuộc thành viên nhà Chloeia, Eurythoe và Hermodice có các tua lông được chitin hóa. Khi nghỉ ngơi, các tua lông này co lại trở về rất ngắn nhưng khi thức, chúng nhanh chóng duỗi ra. Một số loài còn có các gai độc đầu tua gai dẫn với các tuyến tiết chất độc.

Phản ứng với cơ thể người khi tiếp xúc với giun nhiều tơ

Loài gây độc thường gặp nhất thấy được là Chloeia flava (có ở duyên hải Malaysisa và các nước Đông Nam Á), C. viridis (vùng biển Caribbe), Eurythoe complanata (vùng biển Mexico và Đại Tây Dương), Glycera dibranchiata (vùng duyên hải phía Đông nước Mỹ và Canada), Eunice aphroditois (vùng biển nhiệt đới), Hermodice carunculata (Vịnh Mexico). Ở vùng biển trung đông, loài Hermodice carunculata (có tên gọi khác là dogworm) và Aphrodite aculeata (chuột biển) phân bố khá rộng.

Khi người tiếp xúc với chúng, các lông cứng găm vào da gây nên những triệu chứng như đau rát, đỏ da, ngứa nhiều, và phù nề, đôi khi có thể gây ra mất cảm giác vùng bị tác động. Các triệu chứng thường tồn tại trong vòng một vài giờ và thực tế không cần sử dụng đến thuốc. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này khiến bạn có chịu thì bạn có thể sử dụng một số biện pháp như chườm lạnh, sử dụng kem chứa những thành phần làm dịu da (chứa kẽm oxide, thành phần giữ ẩm,…) hoặc có thể là một số kem có chưa corticoid thoa tại chỗ hoặc một số thuốc kháng dị ứng khác kèm theo. Cách tốt nhất là bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu nếu như có những vấn đề bất thường xảy ra.

Khi tác động đến khớp, tràn dịch khớp có thể khởi phát gây đau nhức, hạn chế vận động. Trừ khi các lông này được loại bỏ ngay sau khi tiếp xúc (sử dụng một băng dính cá nhân), còn không sẽ được cơ thể phản ứng lại để đào thải bằng các quá trình hình thành u hạt và viêm mủ. Khi gặp phải tình huống này, tốt nhất bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu để có hướng xử trí tốt nhất.

Cơ chế tác động rõ ràng của độc tố có thể liên quan đến tác động qua trung gian những độc tố sinh học cho đến nay vẫn chưa được xác định.Một số được xếp vào nhóm viêm da tiếp xúc do protein (một dạng viêm da tiếp xúc dị ứng gây ra do các protein trọng lượng phân tử lớn). Quá trình được cho là có liên quan đến phản ứng nhạy cảm miễn dịch qua trung gian IgE kết hợp giữa tuýp I và tuýp IV.

Các phản ứng phản vệ gây ra các động vật này ảnh hưởng lên chức năng tim mạch và hô hấp (có thể với các triệu chứng ban đầu như hồi hộp, mệt ngực, khó thở, phát ban da, phù nề quanh miệng hầu,..). Điều này đã được ghi nhận ở 2 trường hợp thợ lặn chuyên nghiệp vô tình tiếp xúc với loại Hermodice carunculata ở vùng ven biển phía đông Lampedusa. Khi gặp phải những tình huống này cần tiến hành cấp cứu kịp thời tại các đơn vị y tế gần nhất.

Và thực tế, mới đây trên một số diễn đàn và trang mạng đưa ra những cảnh báo người dân chú ý về mùa sinh sản mạnh của sâu róm biển (một số nơi gọi là rết biển) ở Vũng Tàu và một số biển Việt Nam.

Động vật này thực tế không tấn công người nhưng khi vô tình chạm phải thì có thể gây ra một số phản ứng nêu trên. Cho nên cách tốt nhất để không bị dính độc sâu róm biển là cẩn thận chú ý khi đi trên cát, tránh dẫm phải chúng. Nếu lỡ vô tình chạm phải thì cách tốt nhất là rửa thật nhanh bằng nước sạch, đồng thời hạn chế gãi, tránh độc lọt vào sâu hơn. Với những loài có lông tơ cứng thì cần quan sát xem có những sợi lông găm vào da hay không, nếu có có thể sử dụng băn dán cá nhân để loại bỏ chúng một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, cũng cần chú ý không để trẻ con tò mò cầm nắm, bắt chúng.

Bài viết này Da liễu VN thực hiện nhằm trang bị thêm cho mọi người một số thông tin liên quan về y khoa chính thống nhất để có biện pháp chủ động phòng tránh và xử trí.

BS Trần Ngọc Nhân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here