Điều trị ghẻ thế nào cho đúng?

0
822

Ghẻ là một bệnh lý da cực kỳ gây ngứa có thể lây truyền từ người này sang người khác, được gây ra bởi nhiễm kí sinh trùng có tên là cái ghẻ. Những con ghẻ sống trên da và các đường hầm da. Bệnh lây lan từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc trực tiếp da với da hoặc dùng chung vật dụng. Đây là bệnh có thể dễ dàng điều trị được với sử dụng thuốc có hoạt tính diệt côn cùng thoa lên da.

Ghẻ là bệnh gì?

Ghẻ được gây ra bởi những con ghẻ (giống như một loại côn trùng nhỏ) có tên khoa học là Sarcoptes scabiei. Cái ghẻ là một loại ký sinh trùng, có nghĩa là chúng sống dựa vào vật chủ mà không có lợi ích nào đối với ký chủ của chúng.

Những con ghẻ có kích thước nhỏ, có thân màu kem, trên lưng có lông cứng và gai, có 4 đôi chân. Loài cái ghẻ thường có kích thước lớn hơn (khoảng 0.4×0.3mm) so với những con ghẻ đực (kích thước 0.2×0.15mm). Bằng mắt thường bạn cũng có thể nhìn thấy được chúng qua một cái kính lúp. Những con ghẻ cái đào đường hầm trong da và đẻ trứng. Có khoảng 40-50 quả trứng chúng đẻ được trong suốt cuộc đời của chúng. Trứng sẽ nở thành ấu trùng sau 3-4 ngày và sau đó chúng phát triển thành những con ghẻ trưởng thành trong vòng 10-15 ngày.

Phần lớn những triệu chứng của ghẻ gây ra do bởi những đáp ứng miễn dịch của cơ thể bạn đối với những con ghẻ này, hoặc là đối với nước bọt, trứng hoặc phân của chúng. Hay nói cách khác, bạn da và ngứa chủ yếu gây ra do bởi đáp ứng tương tự như dị ứng với con ghẻ hơn là do chúng trực tiếp gây ra.

Số lượng con ghẻ trung bình trên một người bị nhiễm khoảng 10-12 con.

Bệnh ghẻ thường gặp không?

Ghẻ là một bệnh rất thường gặp, đặc biệt là những vùng đông dân cư. Ở Anh có khoảng 1/1000 người mắc ghẻ mỗi tháng. Ghẻ thường gặp ở những vùng đô thị, phụ nữ và trẻ em, vào mùa đông hơn.

Làm sao mà bị mắc ghẻ?

Bạn cần tiếp xúc da kề da đối với những người nhiễm mới bị mắc ghẻ bởi do những con ghẻ không thể nhảy hoặc bay được.

Phần lớn những trường hợp bị ghẻ có thể do cầm nắm kéo dài với những người bị nhiễm. Bàn tay là vị trí thường bị lây nhiễm đầu tiên.

Tiếp xúc thân mật da-da khi quan hệ là một cách để lây nhiễm ghẻ.

Tuy nhiên cũng cần có thời gian để lây nhiễm khi tiếp xúc da-da như vậy. Bạn cần tiếp xúc da với người bị nhiễm trong vòng 15-20 phút mới bị lây nhiễm ghẻ. Do đó, bạn ít có khả năng bị ghẻ khi mà chỉ tiếp xúc với những người bị nhiễm trong một cuộc hội thoại ngắn, một cái bắt tay hay một cái ôm mà thôi. Chúng tuân theo quy luật càng có nhiều ghẻ thì chúng càng lây lan từ người này sang người khác nhanh hơn.

Những con ghẻ sống trong da và có thể tồn tại sau khi ra khỏi vật chủ người trong vòng 24-36 giờ. Bạn sẽ ít có khả năng nhiễm ghẻ từ giường chiếu và khăn tắm trừ khi bạn sử dụng chúng ngay sau khi một người nào đó bị ghẻ sử dụng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ ngoại lệ được nên tốt nhất là bạn nên giặt sạch chúng để đảm bảo phòng ngừa (sẽ được mô tả ở sau).

Những yếu tố thuận lợi cho việc mắc ghẻ?

  • Sống nơi đông đúc, chật chội.
  • Nghèo đói, dinh dưỡng kém.
  • Những người vô gia cư
  • Giữ gìn vệ sinh kém
  • Trại tập trung, nhà nghỉ, bệnh viện hoặc nhà tù
  • Sa sút trí tuệ
  • Nhiều bạn tình
  • Trẻ em, đặc biệt là ở những nước đang phát triển
  • Những người bị ức chế hoặc suy giảm miễn dịch (ví dụ như những người bị HIV). Giống như những người già, những người bị suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ đặc biệt của dạng ghẻ vảy tiết. Chúng thường biểu hiện với những tổn thương không điển hình và thường bị chẩn đoán nhầm, làm cho việc điều trị thích hợp muôn hơn và làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch tại chỗ.

Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng bất kể ai cũng có thể bị ghẻ. Chúng tấn công tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi giới và mọi mức thu nhập. Xảy ra ở những người vô cùng sạch sẽ cho đến những người ăn ở bừa bộn. Tuy nhiên điều đáng mừng là bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán và điều trị được bệnh ghẻ trong một liệu trình ngắn ngày mà thôi.

Hình ảnh có liên quan

Những triệu chứng của bệnh ghẻ?

  • Ngứa: Đây là triệu chứng chính và thường có xu hướng nặng và lan dần từ nơi con ghẻ sang cư trú đầu tiên (thường ở tay) sang những vùng khác của cơ thể như thân mình, tay chân (ít khi gây ngứa vùng da đầu). Ngứa thường nổi trội vào thời gian vào ban đem hoặc sau khi tắm nước nóng. Bạn cũng có thể cảm thấy ngứa suốt cả thời gian bị kể cả khi có ít con ghẻ hoặc cả những nơi mà không có ghẻ hiện diện.
  • Đường hầm ghẻ: Là những đường màu bạc hoặc màu sẫm nhỏ nhìn thấy được trên da có độ dài khoảng 2-10mm. Chúng thường xảy ra ở những vùng kẽ ngón tay, mặt trong cổ tay và bàn tay. Tuy nhiên, chúng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu trên cơ thể. Bạn có thể không để ý thấy những đường hầm này cho đến khi ban và ngứa xuất hiện.
  • Ban da . Ban thường xuất hiện ngay sau khi ngứa xuất hiện với biểu hiện những ban đỏ lồi trên da và ở bất cứ nơi nào trên cơ thể. Ban thường hay xuất hiện nhất ở mặt trong đùi, bụng, mông, nách hoặc xung quanh núm vú ở phụ nữ. Những đặc điểm của ban da thường điển hình tuy nhiên ở một số trường hợp lại không điển hình và dễ nhầm với những bệnh lý da khác.
  • Trầy xước da. Những vết trầy da do việc cào gãi nhiễu dẫn đến những chấn thương da nhỏ. Ở một số trường hợp có thể bị nhiễm trùng thứ phát gây da đỏ, nóng và đau.
  • Làm khởi phát những bệnh da có sẵn trước đó. Bệnh ghẻ có thể làm nặng thêm những triệu chứng của những bệnh da khác, đặc biệt là những bệnh lý da như chàm, vảy nến.. Trong những tình huống đó, ghẻ có thể khó chẩn đoán hơn.
Hình ảnh có liên quan
Nguồn: Dermnetnz.net
Nguồn: Dermnetnz.net

             Chú ý: Triệu chứng ngứa và ban da do ghẻ có thể được gây bởi tình trạng dị ứng với con ghẻ, nước bọt, trứng hoặc phân và do đó, phải mất từ 2-6 tuần để chúng xuất hiện kể từ sau khi bạn bị lây ghẻ. Ngứa và ban da có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên da, kể cả những nơi mà con ghẻ đào những đường hầm thật sự. Điều này có nghĩa là nếu như bạn bị nhiễm thì bạn đã có thể làm lây lan chúng trước khi bạn phát hiện ra bệnh ghẻ bạn đang có.

Đường hầm của ghẻ ở vị trí những rảnh mặt trong cổ tay. Bức ảnh bên dưới biểu hiện ban ghẻ đặc trưng xuất hiện do phản ứng của cơ thể với ghẻ trên chân của bệnh nhân.

Những triệu chứng của tái nhiễm ghẻ

Ngứa và ban da thường mất 2-6 tuần để xuất hiện kể từ khi nhiễm ghẻ, tuy nhiên nếu như bạn bị ghẻ và đã được điều trị khỏi, sau đó lại bị nhiễm trở lại thì triệu chứng có thể có đôi chút khác biệt. Trong những tình huống như vậy, ban da và ngứa xuất hiện nhanh hơn, thường trong vòng 1-2 ngày. Có sự khác biệt này là do khi bị ghẻ lần trước, cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch với ghẻ và lần này đáp ứng trở nên nhanh hơn.

Làm thế nào để chẩn đoán được ghẻ?

Ghẻ thường được chẩn đoán chỉ bởi nhìn ban ghẻ đặc trưng trên da. Thông thường, bác sĩ sẽ tìm kiếm 1-2 đường hầm trên da để khẳng định chẩn đoán. Đôi khi một số bác sẽ vẽ mực lên da và sau đó lau sạch chúng đi. Nếu như có đường hầm ở vùng da đó thì vết mực sẽ thấm dọc theo đường hầm và có thể nhìn thấy được khi vết mực ở vùng da còn lại được lau sạch.

Đôi khi có những trường hợp khó phân biệt giữa ban ghẻ và những tình trạng ban da khác. Do đó, bạn có thể sẽ được làm thêm xét nghiệm cạo tổn thương  để tìm con ghẻ khẳng định chẩn đoán. Có một gợi ý nữa cho bạn  đó là  khi xuất hiện ngứa và ban da trong những người sống chung  gia đình và ở cùng một thời điểm thì rất có khả năng để nghĩ đến ghẻ.

Những ai cần phải điều trị?

Những con ghẻ có thể sinh sống trong da của bạn mãi nếu như không được điều trị đúng. Việc điều trị cần  được tiến hành đối với những người:

  • Những người bị ghẻ VÀ
  • Tất cả các thành viên trong gia đình, những người tiếp xúc gần gũi, những người ngủ chung giường, bạn tình của người bị ghẻ – kể cả khi không có triệu chứng nào. Phải bắt buộc làm như vậy bởi vì phải mất đến tận 6 tuần để xuất hiện triệu chứng của bệnh kể từ khi bị lây nhiễm. Những người tiếp xúc có thể đã bị nhiễm rồi nhưng chưa có triệu chứng và đã có thể lây nhiễm sang những người khác. Do vậy điều trị cho tất cả những người ở trên là cắt đứt vòng  lây bệnh của bệnh ghẻ.

         Chú ý: Tất cả mọi người cần phải được điều trị vào cùng một thời điểm, vào cùng 1 ngày nhất định nào đó. Bởi vậy, việc điều trị là không vội, hãy chuẩn bị tốt mọi thứ để tiến hành đồng loạt vào thời gian nào đông đủ nhất.

Ghẻ có thể gây ra những biến chứng nào?

Nhiễm trùng thứ phát

Gây ra bởi việc cào gãi và ảnh hưởng của ghẻ trên khả năng chống lại vi khuẩn của da.

  • Nhiễm trùng tụ cầu hoặc phế cầu làm hình thành những mảng tiết và mụn mủ (chốc).
  • Viêm mô tế bào
  • Nhiễm trùng huyết
  • Bùng phát ghẻ dẫn đến viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu hoặc thấp khớp.

Ghẻ vảy tiết (hay ghẻ Na Uy): Sẽ được đề cập ở phần sau

Ghẻ ở trẻ em

Một số trẻ sẽ xuất hiện ghẻ toàn thân, ban da có thể lan rộng toàn cơ thể. Kể cả trong lòng bàn tay, lòng bàn chân và da đầu cũng bị nhiễm ghẻ. Ở trẻ em khi bị ghẻ rất dễ bị kích thích và thường không muốn ăn hoặc ngủ. Những trẻ lớn hơn cũng như vậy và ngứa là vấn đề thường làm đánh thức trẻ dậy vào ban đêm. Điều này gây rất rất nhiều căng thẳng cho trẻ cũng như các thành viên trong gia đình.

Bệnh ghẻ được điều trị như thế nào?

Ghẻ là bệnh điều trị khỏi và thông thường được điều trị với kem permethrin. Permethrin là một chất diệt côn trùng có khả năng tiêu diệt được ghẻ. Đây được xem là phương pháp điều trị tốt nhất cho đến nay được biết. Nếu như không sử dụng được permethrin (ví dụ như những người bị dị ứng với permethrin), có thể sử dụng chất thay thế dạng lotion (hoạt chất malathion).

Bạn có thể được tất cả những sản phẩm đó ở quầy thuốc hoặc theo đơn. Chúng rất dễ sử dụng và hiệu quả rất tốt nếu như được sử dụng đúng cách. Hãy làm theo hướng dẫn kèm theo trên tờ hướng dẫn sử dụng.

Thoa thêm 1 lần nữa sau 7 ngày kể từ lần thoa trước có thể giúp đảm bảo rằng tất cả con ghẻ đã bị giết sạch.

Quan niệm tắm nước nóng mỗi ngày, chà xát kỹ với xà phòng và nước sẽ KHÔNG giúp loại bỏ được ghẻ ra khỏi người bạn. Việc sử dụng thuốc là BẮT BUỘC nếu muốn điều trị khỏi bệnh ghẻ.

Những bí quyết để điều trị thành công

  • Đọc kĩ tờ hướng dẫn sử sụng kèm theo sản phẩm, làm đúng như những hướng dẫn. Thông thường thuốc phải được thoa toàn thân, kể cả da đầu và vùng mặt trong khi những thuốc khác thường sử dụng để thoa tắm từ vùng cổ trở xuống. Hãy nhớ rằng thoa thuốc cả những nơi bất tiện như lưng, lòng bàn chân, kẽ ngón tay chân, vùng bên dưới móng (với một bàn chải mềm) và vùng sinh dục. Đặc biệt chú ý đến những vùng mà con ghẻ thường đào đường hầm nhất như là vùng kẽ ngón tay, mặt trước cổ tay, khuỷu tay, dưới vú, nách và xung quanh núm vú ở phụ nữ.
  • Một người lớn thì cần ít nhất một lượng 30g kem hoặc 100ml dung dịch để có thể thoa toàn bộ cơ thể được. Do vậy, Bạn cần tối thiểu 60g kem và 200ml dung dịch để sử dụng cho 2 lần thoa tắm.
  • Thoa kem hoặc lotion vào thời điểm da khô mát nhất ( chú ý không nên thoa sau khi mới tắm nước nóng xong)
  • Cần phải để thuốc ngấm trên da đủ thời gian như trên hướng dẫn sử dụng. Kem permethrin cần được giữ 8-12 giờ và malathion lotion cần được để trong vòng 24h. Để đảm bảo điều này được tiện lợi thì bạn có thể thoa tắm trước khi đi ngủ, khi bạn ít phải làm việc gì ảnh hưởng đến khoảng thời gian tác dụng của thuốc này.
  • Trẻ em cần được nghỉ học ở trường cho đến khi lần thoa đầu tiên được hoàn thành.
  • Nếu như bạn rửa tay hoặc bất kỳ một bộ phận nào khác trong thời gian điều trị này thì bạn cần thoa lại ngay sau đó vùng được rửa.
  • Mẹ đang cho con bú cần rửa sạch thuốc ở núm vú trước khi cho con bú và thoa lại ngay sau đó.
  • Kem permethrin an toàn trong sử dụng cho phụ nữ mang thai nhưng thường không được sử dụng cho trẻ dưới 1 tháng tuổi và malathion thường không được sử dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Đeo găng cho trẻ nhỏ để chúng không liếm thuốc được bôi ở vùng tay trẻ.
  • Áo quần, khăn tắm và ra trải giường cũng nên được giặt sạch bằng máy ở 50oC hoặc hơn sau đợt thoa điều trị đầu tiên. Cách này sẽ giúp giết chết những con ghẻ. Giữ bất kỳ những đồ dùng bằng vải khác không thể giặt được trong một túi bóng kín trong vòng ít nhất 72 giờ (có một số tài liệu khuyến cáo thời gian này nên là 7 ngày) để đảm bảo những con ghẻ trong đó cũng sẽ bị chết. Những lựa chọn thay thế để giết chết những con ghẻ trên áo quần đó là sử dụng bàn là  nóng, sạch khô hoặc máy sấy trong vòng từ 10-30 phút. Không cần thiết phải xông khói nhà ở hay đồ dùng khác hoặc kể cả điều trị những con vật nuôi. Với những vật dụng không sử dụng đến hơn 1 tuần thì bạn không cần phải giặt hoặc bảo quản theo cách này, nếu như bạn không chắc chắn thì hãy giặt và phơi khô chúng. Những đồ dùng từ tuần trước (nghĩa là trên 7 ngày) bạn cần chuẩn bị để có thể sử dụng chúng trong thời gian sau và giữa các lần thoa thuốc, đây cũng là một trong những công việc quan trọng bạn cần chuẩn bị trước khi tiến hành cho tất cả các thành viên trong nhà mình.
  • Khi bị bội nhiễm thứ phát thì có thể sẽ cần được điều trị kháng sinh. Nếu như bạn nghĩ mình đang gặp phải vấn đề này, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được điều trị đúng đắn.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu như ngứa kéo dài hơn 2-3 tuần sau khi điều trị. Đôi khi lần điều trị đầu tiên không có hiệu quả hoặc một thuốc khác có thể cần đến sau đó. Lý do thường gặp nhất ở những trường hợp thất bại hoặc ghẻ tái phát trở lại đó là:

  • Thuốc được thoa không đúng như thời gian hướng dẫn
  • Tiếp xúc gần gũi với những người chưa được điều trị ở cùng thời điểm và nhiễm trùng quay trở lại với bạn.

            Chú ý: Bạn cũng có thể tiếp tục bị ngứa thêm một thời gian kể cả khi điều trị thành công.  Thường phải mất từ 2-3 tuần (đôi khi đến tận 6 tuần) để ngứa biến mất hoàn toàn sau khi con ghẻ bị giết chết sạch.

Một vấn đề khác, kể cả sau khi điều trị thành công, một số lượng nhỏ trường hợp vẫn còn một số nốt màu đỏ nâu có kích thước đến 2cm. Nếu như chúng còn tồn tại, thường xảy ra ở vùng sinh dục và vùng nách. Những nốt đó có thể bị nhiễm trùng nhưng không có nghĩa là những con ghẻ vẫn còn sinh sống ở trong đó. Chúng xảy ra ở một số trường hợp như là kết quả của phản ứng da kéo dài đối với con ghẻ và trong những trường hợp đó, chúng thường biến mất sau 3 tháng nhưng đôi khi kéo dài đến tận 1 năm.

Điều trị ngứa

Ngứa có thể là triệu chứng gây khó chịu nhiều cho bạn nhưng điều này có thể điều trị được với việc sử dụng các thuốc bôi tại chỗ hoặc các thuốc uống. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn lựa chọn được sản phẩm phù hợp cho mình. Hoặc cả khi sử dụng những sản phẩm dưỡng ẩm lạnh, đặc biệt khi có chứa menthol, có thể làm giảm ngứa tạm thời được. Tránh sử dụng những kèm corticosteroid có tác dụng mạnh đặc biệt là khi chẩn đoán ghẻ là chưa chắc chắn.

  • Kem hoặc dạng lotion của Crotamitoncó khả năng làm dịu và giúp làm giảm ngứa. Thoa crotamiton 2-3 lần mỗi ngày ( đối với trẻ em dưới 3 tuổi thì chỉ thoa 1 lần).
  • Kem Hydrocortisone: Đây là 1 loại steroid có hoạt tính nhẹ mà có khả năng giảm viêm và giúp giảm ngứa. Bạn cần thoa 1 hoặc 2 lần mỗi ngày cho đến 1 tuần sử dụng.
  • Thuốc kháng histamine gây buồn ngủ như chlorphenamine không có tác dụng làm giảm ngứa trực tiếp nhưng có thể giúp làm cho bạn cảm thấy dễ ngủ hơn nếu như ngứa làm bạn mất ngủ vào mỗi tối (đặc biệt là đối với trẻ em). Chưa có bằng chứng trong việc sử dụng cho trẻ em nhưng có thể sử dụng một cách an toàn dưới sự hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ.

Ghẻ vảy tiết (Ghẻ ‘Na Uy’)

Kết quả hình ảnh cho crusted scabies
Nguồn: denz.netrmnet
Nguồn: denz.netrmnet

        Đây là dạng ít gặp của ghẻ và đa số người bị ghẻ sẽ không bị ghẻ Na Uy.

Đây là  dạng ghẻ nặng với tăng số con ghẻ bị nhiễm lên rất nhiều, có đến hàng ngàn hoặc hàng triệu con ghẻ gây ra tình trạng bong vảy da rất nhiều. Do bởi có nhiều ghẻ và da bong ra như vậy, các con ghẻ có thể lây lan sang những người khác rất dễ dàng. Ban da đóng vảy tiết (và trông có vẻ hơi giống với vảy nến). Chúng có thể rất tiến triển vá có thể dẫn tới nhiễm trúng da thứ phát nặng.

Ghẻ Na Uy chủ yếu xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch yếu (suy giảm miễn dịch) bao gồm:

  • Những người bị HIV/AIDS
  • Người đang hóa trị
  • Người già hoặc ốm nặng
  • Người suy kiệt
  • Những người có rối loạn về cảm giác và nhận thức ( bởi vì họ không nhận biết hoặc đáp ứng với tình trạng ngứa của cơ thể)
  • Có bệnh lý thần kinh kèm theo.
  • Những người có khiếm khuyết về hệ thống miễn dịch đặc hiệu.

Ghẻ vảy tiết rất dễ dàng lây bệnh qua việc tiếp xúc với khăn tắm, giường chiếu và ga trải giường/ghế hoặc những vật dụng sinh hoạt thông thường khác. Những con ghẻ có thể sống một vài ngày sau khi ra khỏi ký chủ là người. Ngay cả khi tiếp xúc tối thiểu với người (ví dụ như là nhân viên giặt là hoặc làm vệ sinh) cũng có nguy cơ bị ghẻ này và cần phải điều trị thuốc nếu như họ đang làm việc trong những cơ quan có  dịch ghẻ bùng phát.

ghe-na-uy-1

Một người khỏe mạnh với chức năng hệ miễn dịch bình thường có thể xuất hiện ghẻ ‘thường’ nếu như họ bị lây nhiễm với người bị ghẻ vảy tiết. Bệnh lý này có thể không thể điều trị khỏi hoàn toàn ở những người bị nhiễm HIV và tái phát rất thường xảy ra.

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu tham khảo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here