Cần biết gì trước khi tiêm chất làm đầy filler?

0
608

Tiêm chất làm đầy (filler) là một thủ thuật khá phổ biến hiện nay trên thế giới và phát triển ngày càng mạnh mẽ từ sau lần đầu tiên được giới thiệu trong tạo hình mô mềm. Hiện nay được sử dụng trong nhiều ứng dụng y học khác nhau, mang lại nhiều kết quả đáng kinh ngạc. Tuy nhiên bên cạnh đó thì biến chứng khi sử dụng cũng ngày càng gia tăng. Các biến chứng này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, có thể sớm hoặc muộn và mức độ đi từ nhẹ cho đến nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho mọi người – những ai đã, đang và sẽ có suy nghĩ một lần đến thủ thuật này.

Các trường hợp được chấp nhận sử dụng

  • FDA đã chấp nhận cho phép sử dụng filler từ các chất có thể hấp thu trong việc điều chỉnh các nếp nhăn trên khuôn mặt từ mức độ trung bình đến nặng, các vị trí như rãnh mũi má, “smile lines” hoặc “marionette lines.”
  • FDA chỉ chấp nhận sử dụng các chất làm đầy vĩnh viễn (không hấp thu) trong điều chỉnh rãnh mũi má và sẹo mụn vùng gò má trên những bệnh nhân lớn hơn 21 tuổi.
  • FDA chấp nhận một số loại filler sử dụng trong việc khôi phục và/hoặc điều chỉnh các dấu hiệu của mất mô mỡ vùng mặt ở những người bị HIV.
  • FDA chấp nhận sử dụng một số filler hấp thu trong điều chỉnh các khiếm khuyết về đường nét khuôn mặt như là nếp nhăn, sẹo mụn ở những người trên 21 tuổi.
  • FDA cũng chấp nhận sử dụng một loại filler trong việc làm đầy mô mu bàn tay.
  • Bệnh nhân có thể cần nhiền hơn 1 lần tiêm để có thể đạt được những kết quả mong muốn. Sự thành công của thủ thuật còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của da, kinh nghiệm và kĩ năng của bác sĩ, lượng và loại filler sử dụng. Thời gian hiệu quả thường tùy thuộc vào loại filler sử dụng và đặc điểm vùng được tiêm.

Trường hợp không được chấp nhận

FDA KHÔNG chấp nhận sử dụng filler trong các trường hợp:

  • Làm tăng thể tích ngực (nâng ngực)
  • Làm tăng kích thước vùng mông
  • Làm đầy mu bàn chân
  • Tiêm filler vào xương, gân, dây chằng hoặc cơ

FDA không chấp nhận tiêm sillicone trong việc làm đầy hoặc chỉnh hình vùng cơ thể có diện tích lớn. Sử dụng trong những trường hợp không được chấp nhận này có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng như đau kéo dài, nhiễm trùng, tổn thương nghiêm trọng như sẹo xấu, biến dạng vình viễn, thuyên tắc mạch, đột quỵ và tử vong.

Nguy cơ

Cũng như các thủ thuật trong y khoa khác, tiêm filler cũng có những nguy cơ kèm theo. Và do đó, điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu được những điểm hạn chế và các nguy cơ có thể có khi làm thủ thuật này. Bất kỳ một loại filler nào cũng có thể gây ra những tác dụng phụ về ngắn hạn hoặc lâu dài hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, phần lớn tác dụng phụ liên quan đến filler xảy ra ngay sau khi tiêm, phần lớn biến mất trong tròng ít hơn 2 tuần. Sưng nề và đau sau khi điều trị vùng bàn tay có thể kéo dài đến một hoặc vài tháng. Trong một số trường hợp, tác dụng phụ có thể xuất hiện một vài tuần, tháng hoặc vài năm sau khi tiêm.

Bệnh nhân cần được thử phản ứng dị ứng trước khi tiến hành tiêm các loại filler được làm từ các nguồn động vật (ví dụ như bò hoặc mào gà). Dưới đây là một số nguy cơ khi sử dụng với các loại liller đã được FDA chấp thuận. Còn với những trường hợp sử dụng các loại filler chưa được chấp thuận hoặc sử dụng với chỉ định không được phép thì chưa được thống kê.

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Bầm máu
  • Đỏ da
  • Sưng nề
  • Đau
  • Dị cảm, châm chích
  • Ngứa, phát ban da
  • Khó khăn trong sinh hoạt (chỉ nghiên cứu theo dõi trên filler tiêm vùng bàn tay)
Phụ nữ 32 tuổi sau khi được tiêm filler (Restylane; Medicis, Scottsdale, Arizona) vào vùng gian mày, cánh mũi và sống mũi. Hình ảnh được ghi nhận vào ngày thứ 3 sau tiêm với đỏ da, mụn mủ vùng tiêm.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Sẩn, u cục gờ lên mặt da hoặc dưới da (nốt hoặc u hạt) có thể cần phẫu thuật để loại bỏ.
  • Nhiễm trùng
  • Dò vết thương
  • Loét tại vị trí tiêm
  • Phản ứng dị ứng
  • Hoại tử
Phụ nữ 25 tuổi được tiêm filler (Artecoll; Artes Medical, San Diego, California) vào vùng trán và mũi. Các triệu chứng đau nhức nhiều kèm theo rỉ dịch mủ, hoại tử da sau 5 ngày. Được điều trị tích cực sau 1 năm.

Các tác dụng phụ hiếm gặp sau đây cũng được báo cáo bởi FDA: 

  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) đòi hỏi cần cấp cứu ngay lập tức.
  • Di chuyển filler sang vị trí không mong muốn khác
  • Dò hoặc vỡ vật liệu filler tại vị trí tiêm (có thể do phản ứng mô hoặc nhiễm trùng)
  • Hình thành sẩn, cục cứng chắc kéo dài trên vùng mặt hoặc bàn tay
  • Các bất thường thị giác, kể cả gây mù vĩnh viễn
  • Đột quỵ
  • Tổn thương mạch máu
  • Phá hủy da hoặc môi

Nếu như bạn lựa chọn loại filler vĩnh viễn thì việc loại bỏ hoặc giảm thiểu thể tích đã tiêm bằng phẫu thuật có thể sẽ phải chịu những tác dụng phụ tương tự như đối với phẫu thuật. Và bạn cũng nên biết rằng, một khi đã đưa các vật liệu filler vào cơ thể thì việc loại bỏ chúng đi gặp rất nhiều khó khăn.

Phụ nữ 53 tuổi đã được tiêm filler (Cutegel; Hyaluronic acid, BNC Korea Inc., Seoul) vào đỉnh mũi. Sau 10 ngày bắt đầu hoại tử da vùng này. Sau khi được cắt lọc mô hoại tử kết hợp tiêm tế bào gốc chiết xuất từ mô mỡ. Kết quả 1 năm sau phẫu thuật, cánh mũi bị lệch và biến dạng bởi sẹo co kéo và mất mô. Do đó được tiến hành ghép vạt và tạo hình với sụn vành tai.

Danh sách các loại và nhãn hiệu Filler được FDA chấp nhận sử dụng (cập nhật 2017)

Thông tin cho người bệnh

Trước khi quyết định thực hiện bất kỳ một thủ thuật về tiêm filler nào đó, hãy đọc kĩ các khuyến cáo của FDA sau đây:

  • Bạn chỉ nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm về da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình
  • Lựa chọn bác sĩ nào đã được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy. Và tiêm filler cần được xem như là một thủ thuật y khoa chứ không phải là điều trị thẩm mỹ. Hãy thẳng thắn hỏi bác sĩ của bạn về các khóa học mà họ được đào tạo cũng như kinh nghiệm trong việc tiêm filler vùng mặt.
  • Không tự tiêm filler cho chính mình
  • Không mua bất kỳ sản phẩm filler nào trực tuyến (online) bởi vì chúng có thể là hàng nhái hoặc các sản phẩm không được chấp nhận sử dụng trong filler.
  • Trao đổi với bác sĩ của bạn về các vị trí tiêm thích hợp và các nguy cơ có thể gặp phải khi làm thủ thuật và nguy cơ riêng đối với các vị trí đó.
  • Cần thận trọng là có những sản phẩm khác nhau thì được chấp nhận sử dụng ở các vùng khác nhau của cơ thể. FDA chưa có một đánh giá hay chấp nhận nào về việc sử dụng một loại filler nào đó cho tất cả các vùng trên khuôn mặt cũng như cơ thể.
  • Đọc kĩ và thảo luận về các thông tin hướng dẫn trên tờ rơi dành cho người sử dụng trên loại filler mà bạn được sử dụng. Bác sĩ cần phải cung cấp những thông tin này hoặc có thể tra cứu tại trang web của FDA.
  • Cần tìm kiếm sự hỗ trợ của y tế ngay khi bạn có những dấu hiệu bất thường như đau, cảm giác nhìn thay đổi, da trắng-nhợt gần vị trí tiêm hoặc bất kỳ dấu hiệu của đột quỵ nào khác (nói khó đột ngột, dị cảm hoặc yếu vùng mặt, tay, chân, di chuyển khó khăn, thị giác thay đổi, mặt rũ, đau đầu dữ dội, choáng váng hoặc lú lẫn) trong hoặc ngay sau khi làm thủ thuật. 

Ngoài ra, bạn cũng cần thận trọng: 

  • Các chấp thuận của FDA dựa trên các nghiên cứu lâm sàng, có đối chứng của các sản phẩm được sử dụng trên vùng mặt hoặc bàn tay.
  • Việc sử dụng kèm theo các sản phẩm đó với Botox hoặc các liệu pháp khác trên da chưa được đánh giá trong các nghiên cứu lâm sàng, có thử nghiệm nào
  • Độ an toàn các sản phẩm đó khi sử dụng lặp lại theo thời gian cũng chưa được nghiên cứu và đánh giá kĩ
  • Độ an toàn không được xác định ở phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc dưới 18 tuổi.
  • Độ an toàn không được xác định ở các bệnh nhân có xu hướng sẹo lồi, sẹo phì đại.
Leona Omalley, 24, có đôi môi hình khúc dồi sau khi tiêm filler ở một cơ sở làm đẹp. Nguồn hình ảnh: express.co.uk

Hãy hỏi bác sĩ về các thông tin tờ rơi kèm theo cho bệnh nhân có thể giúp xác định được liệu loại filler mà bạn sắp được sử dụng có phù hợp với bạn hay không. Hãy trao đổi kĩ càng với bác sĩ nếu như có bất kỳ các triệu chứng nào sau đây:

Với tất cả các Fillers da

  • Da bạn đang bị viêm tấy hoặc nhiễm trùng. Nếu như đang xảy ra viêm (nang, sẩn viêm, phát ban hoặc mày đay) hoặc nhiễm trùng, thủ thuật cần được trì hoãn cho đến khi các vấn đề này được kiểm soát ổn thỏa.
  • Bạn có các bất thường về đông chảy máu
  • Có tiền sử dị ứng nghiêm trọng hoặc tiền sử phản vệ

Các loại filler chứa vật liệu, thành phần nào đó bạn có khả năng dị ứng 

  • Nếu bạn dị ứng với collagen hoặc trứng thì cần hỏi kĩ về các sản phẩm filler được lấy từ các thành phần này.
  • Dị ứng với các sản phẩm từ động vật
  • Dị ứng với lidocaine (nhiều sản phẩm có kết hợp với lidocaine)
  • Dị ứng với các độc tố vi khuẩn (cân nhắc một số filler có chứa hyaluronic acid được chiết xuất từ quá trình lên men vi khuẩn)Đang gặp phải các vấn đề về khớp, gân xương, hoặc bệnh lý mạch máu ảnh hưởng đến bàn tay thì cũng cần cân nhắc tiến hành thủ thuật đối với vùng này.

BS Trần Ngọc Nhân

Nguồn tài liệu:

  • Dermal Fillers (Soft Tissue Fillers);https://www.fda.gov/
  • Joo Hyun Kim, Duk Kyun Ahn, Hii Sun Jeong, and In Suck Suh; Treatment Algorithm of Complications after Filler Injection: Based on Wound Healing Process, J Korean Med Sci. 2014 Nov; 29(Suppl 3): S176–S182.
  • Mohammed H. Abduljabbar a,1 , Mohammad A. Basendwh, Complications of hyaluronic acid fillers and their managements, Journal of Dermatology & Dermatologic Surgery 20 (2016) 100–106

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here